Bài giảng Thánh Lễ ngày 05.11.2020 – Tĩnh Tâm Linh Mục Đoàn TGP Huế 2020

09/11/2020

Lm. Giuse Hồ Thứ, Giám đốc Đại Chủng Viện Huế.

Trọng kính Quý Đức Cha, kính thưa Quý Cha,

1. Bài Tin Mừng vừa nghe cho chúng ta biết « thánh Giuse là người công chính » (Mt 1,19). Nhưng « công chính » theo nghĩa nào ? Trong bài đọc thứ nhất (Pl 3,3-8a), thánh Phaolô cho biết ít nữa là có hai loại công chính. Loại thứ nhất, tức « công chính theo Lề luật », đã bị Phaolô gạt bỏ (x.Pl 3,6-7) ; và chính thánh Giuse trước đó cũng đã không theo loại công chính này, bằng chứng là ngài đã không tố giác Maria vợ mình theo Luật dạy. Loại công chính thứ hai được thánh Phaolô nói đến, cũng trong bài đọc thứ nhất, là loại công chính do đức tin (x.3,7-8) như ngài khẳng định rõ hơn sau đó khi nói về sự « công chính do Thiên Chúa ban dựa trên lòng tin » (3,9). Như diễn tiến của bài Tin Mừng cho thấy : đây đích thực là đức công chính của Thánh Giuse, một đức công chính dựa trên lòng tin giúp ngài phó trọn đời mình trong tay Chúa vô điều kiện và luôn miệt mài tìm kiếm thánh ý Người !

Nhưng bài Tin Mừng cũng cho thấy là cuộc tìm kiếm và thi hành ý Chúa này không dễ ! Giuse đã lâm vào một cơn khủng hoảng trầm trọng và dường như đã đuối sức. Thế nhưng ngài vẫn kiên trì đợi chờ Thánh Ý trong đêm đen, trong thinh lặng, chứ không hành động cách nóng vội, liều lĩnh. Chỉ khi nào nghe được tiếng Chúa, thấy rõ ý Chúa, Giuse mới dám hành động, và cũng hành động trong thinh lặng, như một đầy tớ sau khi nhận lệnh chủ thì chỉ việc thi hành, không nói năng gì !

Vâng phục trong thinh lặng chắc hẳn là nét độc đáo nhất trong đời sống đức tin của thánh Giuse. Thinh lặng để khiêm tốn thấy mình nhỏ nhoi trong đại cuộc xây dựng Nước Trời. Thinh lặng để nhận ra Chúa đang hành động qua những đầy tớ vô dụng của Người. Thinh lặng để múc lấy sức mạnh vô biên từ nơi Chúa. Hơn nữa, thinh lặng còn giúp tránh nguy cơ nói nhiều làm ít, hoặc phê bình chỉ trích người khác, hoặc lẩm bẩm cay đắng với chính mình…Trong bầu khí của tuần tĩnh tâm, chắc hẳn gương sống thầm lặng trong đức tin này của thánh Giuse không thể không có âm hưởng lớn lao trên đời sống và sứ vụ của anh em linh mục chúng ta.

2. Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy chính trong cái thinh lặng sâu thẳm của đức tin ấy mà thánh Giuse đã đón nhận hai ơn gọi, hai sứ vụ liên kết chặt chẽ với nhau mà mỗi linh mục đều lãnh nhận, đó là sứ vụ làm chồng và làm cha trong Hội Thánh mà Đức Maria, hôn thế của thánh Giuse, là hình bóng. Trước hết là ơn gọi làm chồng. Những ngày qua chúng ta đã từng suy gẫm về đề tài này : nhờ được tham dự và liên kết với Đức Kitô là Đầu và Phu Quân như Tông huấn Pastores dabo vobis đã dạy, người linh mục thi hành công việc của mình « như một tác vụ tình yêu », amoris officium, và nếu « sống đường thiêng liêng này cách cụ thể, người linh mục sẽ có khả năng yêu mến Giáo Hội phổ quát cũng như mỗi thành phần Giáo Hội được trao phó cho mình với tất cả sự nồng nhiệt của một người chồng đối với vợ mình » (PDV, số 23). Như thế mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn được Chúa giao phó đều là hiền thê của linh mục. Mỗi khi mỏi mệt, nản chí sờn lòng trong đời mục vụ, ước gì anh em linh mục chúng ta nghe lại lời của thiên thần nói với thánh Giuse hôm nay : « Này Giuse… đừng ngại nhận Maria vợ mình về nhà, vì thai nhi nơi bà là do tự Thánh Thần. »

Nói đến « thai nhi do tự Thánh Thần » là chúng ta nói đến sứ vụ thứ hai, sứ vụ quan trọng nhất của thánh Giuse và cũng là sứ vụ chính yếu của mỗi linh mục, đó là sứ vụ làm cha. Xét theo thời gian và như Tin Mừng thuật lại thì nơi Giuse ơn gọi làm chồng đi trước ơn gọi làm cha, nhưng trong đức tin và theo thần học, chắc chắn nơi ngài (cũng như nơi mỗi linh mục chúng ta) ơn gọi làm cha phải đi trước và quan trọng hơn : Thiên Chúa muốn Giuse làm cha thiêng liêng của Đức Giêsu nên thánh nhân phải kết hôn với Maria ! Trở thành linh mục là trở thành cha trong đức tin. Giáo dân và nhiều lương dân đều gọi chúng ta là « cha », những người cha trong đức tin đã không sinh con bằng huyết nhục, nhưng bằng Lời được rao giảng và các bí tích được cử hành, nhất là bí tích Thánh Tẩy. Nhưng linh mục phải làm « cha » thế nào ? Có lẽ không ai trên thế gian này là gương mẫu tuyệt vời về « đức ái mục tử » cho bằng đấng mà chính Chúa Giêsu đã gọi là « cha » với tất cả tấm lòng trìu mến, dù Người đã căn dặn các môn đệ « đừng gọi ai dưới đất này là cha, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời » (Mt 23,9) !

3. Vì thế chúng ta hãy đến trường của thánh Giuse để đặc biệt học cùng thánh nhân cách làm cha. Điểm nổi bật đầu tiên của sứ vụ làm cha nơi Thánh Giuse là đức khiêm nhường sâu thẳm. Ngài đã phục vụ con mình như một đầy tớ. Trong đức tin, các linh mục cũng được mời gọi làm như vậy đối với mọi chi thể của Chúa Giêsu Kitô được trao phó, tức những « Kitô hữu » và cả những người chưa thuộc về Thân Thể Đức Kitô. Xét về nhiều mặt, có thể nói các linh mục là « bề trên » của giáo dân, nhưng theo gương thánh Giuse, các ngài được mời gọi sống đức ái mục tử cách triệt để hơn khi coi mình là « bề dưới » của giáo dân, y như thánh Giuse tự coi mình hèn kém vô cùng đối với Đức Giêsu Kitô con của ngài vậy.

Tiếp đến là gương hy sinh. Đối với thánh Giuse, người con Giêsu của ngài là tất cả. Suốt cả ngày và trót cả cuộc đời, ngài chỉ quanh quẩn bên con. Hình ảnh một người đàn ông lầm lũi trong đêm khuya, đưa vợ và người con bé nhỏ trên lưng lừa chạy trốn bạo chúa Hêrôđê có lẽ là hình ảnh đẹp nhất của thánh Giuse trong sứ vụ làm chồng và làm cha của ngài !Thật cảm động và đáng khích lệ biết bao khi trong cơn mưa bão lũ lụt dữ dội vừa qua, nhiều người đã thấy tận mắt những chứng tá sống động của các anh em linh mục quên mình vì đàn chiên bất kể lương giáo, để gần gũi yêu thương nâng đỡ những người đang lâm nạn như những người con yêu quý được Chúa trao phó !

Lạy Thánh Cả Giuse là đấng công chính nhờ lòng tin và là gương mẫu của những người chồng-người cha thiêng liêng, xin cầu cho chúng con. Amen !

Lm. Giuse Hồ Thứ