Lược sử Giáo sở Sơn Quả

11/02/2020

GIÁO SỞ SƠN QUẢ

GIÁO XỨ SƠN QUẢ – GIÁO HỌ BỒ ĐIỀN

Nhà thờ Sơn Quả mới, khánh thành ngày 17-8-2010.

Lược sử

GIÁO XỨ SƠN QUẢ

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ.

Giáo xứ Sơn Quả, giáo hạt Hương Quảng Phong, tọa lạc tại ấp Sơn Quả, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách tòa Tổng Giám mục Huế 28km theo đường bộ hay 21km theo đường chim bay về phía tây tây bắc, nằm trên tỉnh lộ 11B gần làng Cổ Bi, giáp ranh với Thanh Tân, dưới chân dãy Trường Sơn.

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN.

1- Từ những di dân gốc Thanh Hóa đến Bác Vọng vào Sơn Quả

Dựa vào gia phổ họ Trương làng Sơn Quả, người ta được biết thủy tổ khai canh làng Sơn Quả là cụ Trương Văn Tụy. Cụ vốn gốc Thanh Hóa, tổ tiên theo Nguyễn Hoàng di dân vào xứ Đàng Trong (đầu thế kỷ 17), tới làng Bác Vọng (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền bây giờ). Vì kế sinh nhai, cụ đã lưu lạc đến tận các vùng cận sơn phía tây bắc kinh thành Huế, là những nơi chưa mấy ai khai hoang lập ấp.

Với thời gian và bao khó nhọc, cụ đã tìm ra một vùng đất mới có thể dừng chân. Khi đã tạm có nơi ăn chốn ở, cụ Tụy cho người về làng Bác Vọng cải táng mộ thân sinh của mình lên ở đất mới. Cụ cũng chiêu mộ người quen biết cùng nhau chung sức lập ấp, chia đất cho các họ tộc đã đồng cam cộng khổ. Có đất, có người, có sinh hoạt, và rồi ấp Sơn Quả (diện tích khoảng 5km2) được khai sinh vào khoảng đầu triều Gia Long (1802).

Cộng đoàn tín hữu Sơn Quả được hình thành từ lúc nào hiện chưa thể xác định vì thư tịch bị tiêu hủy và thất lạc. Nhưng chắc chắn một điều là khoảng tiền bán thế kỷ 19, vì tập sách “Những người tuyên xưng đức tin từ 1848-1862 của Bắc Đàng Trong” do linh mục Théodore-Prosper Bernard (cố Thới) đăng trong Biên niên sử của hội Thừa sai Hải ngoại Paris có nhắc tới 5 danh tính và trường hợp tử đạo của giáo dân Sơn Quả thời vua Tự Đức bách hại (xem Phụ lục bên dưới).

Rồi trước khi viện dục anh của Giáo phận Huế (tiền thân của giáo xứ Thanh Tân) được thành lập tại Thanh Tân-Ồ Ồ, vùng Ba Trục (1864) thì vào năm 1861 ở Sơn Quả đã có một cậu bé mang tên Đôminicô Lê Văn Phẩm ra đời. Đây là con của ông Batôlômêô Lê Văn Chất và bà Catarina Huỳnh Thị Ẩn, về sau vào tiểu chủng viện An Ninh rồi nhập học đại chủng viện Pénang (Malaysia), thụ phong linh mục năm 1892.

Chỉ 4 năm sau (1865) lại có cậu Giuse Trương Văn Long, con ông Giuse Trương văn Quý và bà Matta Trần Thị Quý ra đời. Cậu là hậu duệ trực hệ đời thứ 5 của thủy tổ khai canh làng Sơn Quả. Từ nhỏ cậu Long đã được cha Giuse Hồ Đình Tính (con thánh Micae Hồ Đình Hy, đang trông coi viện dục anh) nhận làm học trò, lớn lên vào chủng viện An Ninh và thụ phong linh mục năm 1897.

2- Khi thành giáo họ, khi thành giáo xứ.

Năm 1862, ông vua bắt đạo Tự Đức phải ký kết Hòa ước Nhâm Tuất với chính quyền thực dân Pháp sau khi quân Pháp chiếm các tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long một năm trước đó. Trong hòa ước này, có điều khoản Việt Nam phải cho tự do truyền đạo và giữ đạo.

Giám mục Giáo phận lúc ấy là Đức cha Hyacinthe Sohier (Bình) mới công khai xuất hiện, chọn giáo xứ Kim Long làm Tòa Giám mục. Tháng giêng năm 1864, sau cuộc cấm phòng chung lần đầu tiên cho toàn thể linh mục đoàn, Đức Cha bắt đầu tổ chức Giáo phận có quy củ: ngài phân định các giáo sở giáo xứ, phân bố cha sở trong từng khu vực rõ ràng để các vị làm việc ổn định, chấm dứt tình trạng trước đây là một hay vài thừa sai lưu động coi sóc cả một vùng rộng lớn.    

+ Tháng 8-1867, Đức Cha H. Sohier đã cho công bố một bản danh sách theo đó Sơn Quả là một giáo sở gồm 2 giáo xứ: Sơn Quả, Sơn Công và viện dục anh Thanh Tân, quản sở là cha Giuse Hồ Đình Tính (còn gọi là Giảng, gốc Nhu Lâm). Cha Tính cai quản đến 1879 thì đổi về An Truyền.[1] Đó là vì Sơn Công, Sơn Quả, Thanh Tân cận kề nhau. Tình trạng kiêm nhiệm tại đây tiếp tục trong thời gian dài.

+ 1879-1891: cha Đôminicô Nguyễn Công Sâm, quản xứ kiêm nhiệm Sơn Công. Ngài mất tại nhiệm sở và được an táng trong nhà thờ Sơn Quả.

Lược sử giáo xứ Thanh Tân cho biết: năm 1882, một cuộc hỏa hoạn làm tiêu tan hết nhà cửa và tài sản của viện dục anh (còn gọi là viện mồ côi) bao gồm cả nhà thờ Thanh Tân do linh mục Jean Renauld (Cố Đồng, 1839-1867-1898) xây dựng năm 1875. Sau đó, một phần vì thời cuộc, phần khác vì khí thiêng nước độc sinh nhiều bệnh tật, giáo xứ Thanh Tân (xã Phong Xuân) phải xin giáo xứ Sơn Quả (xã Phong Sơn kế cận) nhượng một phần đất như hiện có để tái lập. Nên nay nhà thờ Thanh Tân chỉ cách nhà thờ Sơn Quả 570m về hướng tây[2].

+ 1891-1896: cha Giuse Bùi Văn Tuyển, quản xứ kiêm nhiệm Sơn Công[3].

+ 1896-1897: cha Giuse Trần Văn Tỉnh, quản xứ.

+ 1897-1902: cha Tôma Nguyễn Khắc Phú, quản xứ.

+ 1903-1905: cha Philipphê Dương Đức Kỳ, quản xứ.

+ 1906-1927: cha Auguste Chaiget (cố Soái), quản xứ Thanh Tân kiêm nhiệm. Cải táng cha Đôminicô Nguyễn Công Sâm ra nghĩa địa Sơn Quả.

+ 1927-1930: cha G.B. Lê Văn Tài. Qua đời và an táng ở Sơn Quả.

+ 1930-1933: cha Gioakim Nguyễn Văn Dụ, quản xứ Thanh Tân kiêm nhiệm.

+ 1933-1938: cha Anrê Nguyễn Hữu Tường, quản xứ.

Cha Anrê xây một nhà thờ khang trang, theo kiểu nhà rường Việt Nam, mái lợp ngói âm dương, mặt tiền có tháp với Thánh giá nổi bật ở trên chảy xuôi hai mái, có hai tháp phụ, cột gỗ có đá tảng làm chân đế. Dài khoảng 25 mét, rộng 12 mét kể cả hiên. Nhà thờ được khánh thành năm 1934 và bị sập nát vì chiến tranh năm 1964.

+ 1938-1940; cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh, quản xứ Thanh Tân kiêm nhiệm.

+ 1940-1945: cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh, quản xứ. Lúc này, giáo dân khoảng chừng 1500.

+ 1945-1954: cha Phaolô Phạm Ngọc Chiếu. Suốt mấy năm thời chiến tranh ấy, ngài khéo léo sống với giáo hữu tại Sơn Quả và Thanh Tân. Nhờ đó mà các gia đình hai giáo xứ này vẫn cương quyết ở lại không di tản như nhiều giáo xứ khác. Cha Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp ở phó (1950-1954).

+ 1954-1957: cha Phaolô Nguyễn Văn Chuyên, quản xứ.

+ 1957-1962: cha Phaolô Trần Văn Khánh, quản xứ Thanh Tân kiêm nhiệm.

+ 1962-1963: cha Phaolô Ngô Văn Triệu, quản xứ kiêm nhiệm Thanh Tân.

+ 1964-1966: cha GB. Trương Đình Thắng, quản xứ Thanh Tân kiêm nhiệm.

Vào năm 1963-1964 xã Phong Sơn, thôn Sơn Quả nói riêng bị chiến tranh nên dân làng lương cũng như giáo phải di tản đến vùng an bình để làm ăn sinh sống, đặc biệt về thành phố Huế (khu định cư Phủ Cam và Kim Long).

Từ năm 1963-1975, giáo dân Sơn Quả di cư đến Kim Long vẫn còn sinh hoạt riêng, với hội đồng giáo xứ độc lập, nhưng vẫn có những trường hợp phải sinh hoạt chung với giáo xứ Kim Long. Mãi đến mùa hè 1975, hòa bình được lập lại, dân Sơn Quả lương lẫn giáo kéo nhau về làng xưa quê cũ, xây dựng lại cuộc sống. Đất đai hoang hóa, nhà cửa điêu tàn, bom đạn còn lại chưa nổ đã gây ra cái chết cho nhiều người, và cũng rất nguy hiểm cho việc khai hoang phục hóa để sản xuất trồng trọt. Cuộc sống đầy khó khăn gian khổ!

Ngôi nhà thờ khang trang, kiên cố ngày xưa nay đã thành bình địa. Khuôn viên nhà thờ trước đó có tổng diện tích 0.75ha. Nhưng sau năm 1975, do tỉnh lộ 11B chạy ngang qua, do một phần bị dùng làm trường học, một phần bị dân chiếm dụng, nên chỉ còn 3775m2. Giáo dân đem cây bạch đàn, tràm hoa vàng trồng lên phần nền còn lại này để nó khỏi bị chiếm dụng, ngõ hầu xây nơi thờ phượng về sau.

Thầy Augustinô Nguyễn Văn Dụ – một người con của giáo xứ bao năm tu học tại Giáo hoàng học viện Piô X Đà Lạt – từ trú quán huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, cũng trở về để phục vụ giáo xứ trong thời gian khó khăn đó. Nhưng chưa tròn tam niên, năm 1978 chính quyền địa phương không cho thầy ở lại, khiến thầy phải lui vào trú quán. Nhà cầm quyền nơi trú quán lại cũng chẳng chấp nhận, thầy đành phải ra đi, vượt biên qua hải ngoại học hành tiếp để chịu chức linh mục tại Rôma năm 1981.

Khi ấy giáo xứ Thanh Tân có thầy Antôn Nguyễn Văn Tuyến coi sóc từ tháng 4-1975 đến tháng 1-1976. Ngày 4-1-1976 thầy thụ phong linh mục và được bổ nhiệm làm quản xứ chính thức của Thanh Tân. Nhưng cũng từ 1976-2005, 2 giáo xứ Thanh Tân và Sơn Quả hòa nhập vào nhau theo quyết định của Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền, để trở thành giáo xứ mới có tên là Tân Sơn (Thanh Tân và Sơn Quả). Giáo dân lúc ấy được khoảng 300 người.

+ 1976-1994: cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến, quản xứ Tân Sơn.

Vào năm 1986, giáo dân Sơn Quả người thì vào rừng lấy gỗ, người thì bứt tranh dựng nên một nhà nguyện nhỏ bằng gỗ rừng ba gian, rộng 4m, dài 6m, mái lợp tranh, phên bằng lá lác, dễ cháy khi mùa hè đến.

Năm 1990, sau khi mua nhà gỗ cột tròn của một cư dân dài ba gian bốn vài để làm nhà nguyện mới, giáo xứ phải làm thêm cho được bốn gian năm vài, rộng 6m dài 10m, mái lợp ngói, tường đan tre. Dù vậy, bà con giáo dân Sơn Quả vẫn ao ước có một ngôi nhà thờ lớn hơn, và tên giáo xứ Sơn Quả không đi vào quên lãng.

+ 1994-1996: cha Phaolô Ngô Thanh Sơn, quản xứ Tân Sơn.

+ 1996-2003: cha Bênađô Trần Lương, quản xứ Tân Sơn.

+ 2003-2010: cha Đôminicô Lê Đình Du, quản xứ.

Dù giáo dân Sơn Quả 2/3 sống tha hương và hải ngoại, chỉ 1/3 ở lại, nhưng vẫn còn tới 550 người và 110 gia đình, với một đời sống cộng đoàn ngày càng trưởng thành. Vì vậy cha Đôminicô Lê Đình Du, quản xứ Tân Sơn, hội đồng giáo xứ và giáo dân Sơn Quả đã xin bề trên Giáo phận tái lập giáo xứ và nguyện vọng này đã được Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể chấp thuận tháng 11-2005.

Ngày 15-08-2007, Đức Tổng Giám mục Têphanô đến đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng nhà thờ Sơn Quả mới. Đó cũng là ngày bổn mạng giáo xứ với tước hiệu Đức Mẹ Hồn Xác lên trời. Đến năm 2010, niềm mơ ước của giáo dân Sơn Quả đã thành hiện thực khi ngôi thánh đường hoàn thành khang trang rộng rãi. Nhà thờ có hình Thánh giá, chiều dài 40m, chiều rộng 16m, có một tháp chính cao 27m, hai tháp phụ cao 16m, phần sau có một phòng thánh và 6 phòng học, một tầng trệt làm hội trường, và một hầm mộ lưu giữ hài cốt các tín hữu được hỏa táng.

Hầm mộ độc đáo của nhà thờ Sơn Quả, bên trong có tượng Chúa an nghỉ.

Nhà thờ sớm hoàn thành là nhờ công sức và tài lực của cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ, giáo dân Sơn Quả, Thanh Tân, Bến Củi, cũng như những người con Sơn Quả tha hương và hải ngoại, ân nhân xa gần. Ngày 17-8-2010, Đức Giám mục Phụ tá Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng chủ sự thánh lễ cung hiến nhà thờ, tham dự có Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể, đông đảo linh mục, tu sĩ, giáo dân gần 1.500 người.

+ 2010-2012, cha Đôminicô Nguyễn Tưởng, quản xứ Thanh Tân kiêm nhiệm.

3- Trở thành giáo xứ độc lập          

+ Ngày 20-11-2012, Đức TGM Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng đã cho Sơn Quả tách rời Thanh Tân và bổ nhiệm một quản xứ độc lập cho Sơn Quả: cha Giuse Nguyễn Điền.

+ Đến tháng 9-2018, giáo xứ có tân quản xứ là cha Giuse Phạm Hữu Quang.

Cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ cũng về xây một ngôi nhà gần thánh đường rồi đi làm mục vụ lưu động khắp cả nước, chủ yếu dạy các khóa chuẩn bị hôn nhân.

Tháng 05-2019, giáo họ Bồ Điền đã tách khỏi giáo xứ Sơn Công để trực thuộc Sơn Quả.

Giáo xứ hiện có một hội đồng và 4 khu vực cộng tác với cha sở để làm việc. Tuy chưa thành lập được hội đoàn nào, Sơn Quả vẫn có một đội ngũ giảng viên giáo lý gồm 7 người trong đó có cha quản xứ và 7 lớp học, tổng cộng có 80 em theo học giáo lý mỗi Chúa nhật.

Sơn Quả lương-giáo lẫn lộn, Công giáo chiếm 1/3 nhưng sống đoàn kết yêu thương, giúp đỡ nhau về mọi mặt từ đời sống đức tin đến đời sống xã hội. Hy vọng tinh thần truyền giáo ngày càng phát triển.

III. HOA QUẢ ĐỨC TIN

a) Linh mục

    1. Đôminicô Lê Văn Phẩm 1861-1892-1934
    2. Giuse Trương Văn Long 1865-1897-1947
    3. Phêrô Trương Văn Thiên 1909-1940-1963
    4. Augustinô Nguyễn Văn Dụ 1949-1981- (Italia và Việt Nam)
    5. Phêrô Lê Văn Quí (Dòng Phanxicô)
    6. Anrê Nguyễn Văn Chiến             1954-1997- (ngoại Sơn Quả, Hoa Kỳ)
    7. Đôminicô Trương Văn Tập 1956-2001-2007
    8. Giuse Phạm Văn Tuệ 1959-2001- (ngoại Sơn Quả)
    9. Phaolô Nguyễn Văn Chửng 1959-2000- (em ruột Lm. Chiến, Hoa Kỳ)
    10. Trương Văn Phúc 1970-2004- (Dòng Tên)
    11. Giuse Trần Hữu Đạt 1980-2015-

b) Tu sĩ

    1. Giuse Lê Đức Thắng (Dòng Tên)
    2. Casimir Trương Thị Hải (Dòng Phaolô)
    3. Jeanne Trương Thị Hưởng (Dòng Phaolô)
    4. Maria Trương Thị Phước sn: 1933, vk: 1983 (Dòng MTG)
    5. Têrêxa Trương Thị Sơn sn: 1935, vk: 1981 (Dòng MTG +)
    6. Madalêna Ng. Thị Thanh Thuý sn: 1963, vk: 1998 (Dòng MTG)
    7. Maria Trần Thị Quý sn: 1977, vk: 2009 (Dòng MTG)
    8. Catarina Trương Thị Bích Thảo sn: 1982, vk: 2011 (Dòng MTG)
    9. Mônica Trương Thị Hoàng Oanh sn: 1960, vk: 2000 (Dòng CĐMVN)
    10. Isave Trương Thị Diễm Lê sn: 1968, vk: 1999 (Dòng CĐMVN)
    11. Rosa Nguyễn Thị Thu Bích sn: 1970, vk: 1999 (Dòng CĐMVN)
    12. Anê Trương Thị Lệ Hằng sn: 1983, vk: 2019 (Dòng CĐMĐV).

c) Giáo dân:

– Năm 2015:    560 người

– Năm 2020:    644 người.     

*****************************

Lược sử

GIÁO HỌ BỒ ĐIỀN

Nhà thờ Giáo họ Bồ Điền (bên ngoài và bên trong)

1- Vị trí địa lý

Nhà thờ Bồ Điền nằm trên tỉnh lộ 11B giáp quốc lộ 1, qua khỏi cầu An Lỗ rẽ trái khoảng 700m, thuộc xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách tòa TGM Huế khoảng 20 km về phía tây bắc. (Tọa độ 16.5406 107.4497)

2- Hình thành và phát triển

+ Lúc ấy (1950-1954), cha Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp ở phó cho cha Phaolô Phạm Ngọc Chiếu, vị linh mục đang cai quản Thanh Tân và Sơn Quả. Ngài thường lui tới với các gia đình giáo dân ở Bồ Điền như ông Hồ Tải, ông Nguyễn Năm và một số gia đình binh sĩ ở đồn An Lỗ. Số người theo đạo dần dần tăng lên nên đến cuối năm 1954 cha Tiếp thành lập giáo họ Bồ Điền. Đây là vào thời Đức cha Jean-Baptiste Urrutia Thi cai quản Giáo phận Huế (1948-1960).

+ Đầu năm 1955, giáo họ Bồ Điền có ngôi nhà thờ tre nứa lợp tranh và cha Tiếp đến ở luôn nơi này với giáo hữu. Tiếp đến, do biến cố qua phân đất nước (1954) nên số gia đình binh sĩ từ Quảng Bình, bắc Quảng Trị di cư vào Thừa Thiên, định cư vùng An Lỗ ngày càng đông, rồi bắt đầu có một số lương dân địa phương trở lại đạo, từ các thôn lân cận như Cao Ban, Cao Xá, Bắc Thạnh, Phò Trạch… Vì vậy đầu năm 1958, cha Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp phải lập thêm giáo họ Phong Nguyên (được cha P.X. Trần Văn Cần đến làm quản xứ tiên khởi từ cuối năm 1958 đến năm 1963).

+ Trước đó, năm 1956 cha Phaolô đã xây nhà thờ Bồ Điền như hiện tồn. Năm 1957, ngài mở trường trung học Tương Lai (gần An Lỗ, trên đường về Sịa). Năm 1961, khởi công xây nhà cha sở, đến năm 1962 hoàn thành. Ngài ở cho tới năm 1963 thì đổi ra Đại Lộc.

+ Năm 1963, cha Đôminicô Nguyễn Văn Nghĩa về quản xứ Bồ Điền đến năm 1967.

+ Từ 1967-1970: Bồ Điền được kiêm nhiệm bởi các cha xứ Cây Số 17 gồm : cha Tôma Lê Văn Cầu, cha Antôn Nguyễn Văn Trông, cha Matthêô Trần Thanh Minh.

+ Từ 1971-1972 : cha Đôminicô Nguyễn Văn Nghĩa trở về lại quản xứ Bồ Điền nhưng không ở được nơi đây mà phải trú trong một nhà giáo dân tại Phú Ốc (cách Bồ Điền gần 1km5 về hướng đông đông nam, bên kia cầu An Lỗ) để làm mục vụ cho các họ đạo xung quanh như Bồ Điền, Sơn Công, An Lỗ.

Biến cố Mùa hè Đỏ lửa (1972) đã khiến người dân vùng Quảng Trị và bắc Thừa Thiên di cư vào thành phố Huế và còn xa hơn nữa. Trong đó có giáo dân Sơn Công, Bồ Điền… Cha Đôminicô cũng chạy vào Đà Nẵng, sau đó thì vô Nam, nhập giáo phận Nha Trang.

+ Từ 1975-1979: cha Phêrô Lê Đình Khôi quản xứ Bồ Điền kiêm Cây Số 17.

+ Từ 1979-1995: cha Phêrô Lê Đình Khôi quản xứ Sơn Công kiêm Bồ Điền.

+ Từ 1995-2010 cha Phanxicô Nguyễn Văn Huy quản xứ Sơn Công kiêm Bồ Điền.

+ Từ 2010-2016: cha Giuse Hoàng Quốc, quản xứ Sơn Công kiêm Bồ Điền.

+ Từ 2016-2019: cha Micae Ngô Văn Thuận, quản xứ Sơn Công kiêm Bồ Điền.

+ Từ tháng 05-2019, giáo họ Bồ Điền chuyển sang trực thuộc giáo xứ Sơn Quả.

Tổng số giáo dân Bồ Điền hiện nay là: 9 gia đình gồm 51 người.

—————————————-

Phụ lục

NHỮNG TUYÊN TÍN NHÂN HỌ ĐẠO SƠN QUẢ

Thédore-Prosper Bernard, MEP

1- Binh sĩ Phaolô Lưu, sinh tại Sơn Quả, khoảng 30 tuổi và mới cưới vợ. Vào quân ngũ năm 1854, anh phục vụ tại kinh đô.

Năm 1857, ngày 6 tháng thứ 5, anh đã từ chối bỏ đạo trước các chỉ huy mình; hôm sau, anh từ chối lần thứ hai trước thượng thư bộ Hình. Tức khắc anh bị trói lại và dẫn vào tù. Ngày 8 tháng thứ 6 cùng năm, anh bị xiềng xích và dẫn lại vào ngục tối, mà chẳng bao lâu anh phải rời bỏ để bị tống vào một chỗ khủng khiếp hơn, nơi anh không thể rời xiềng xích một lúc nào. Tháng thứ 6 năm sau, bị kết án lưu đày ra tỉnh Hưng Hóa, anh đã xuống tàu ngày 20 tại cảng của kinh đô. Mười ngày sau, người ta đã đổ anh xuống tỉnh Nam Định, nơi anh đi bộ tới Hà Nội; từ đó, vẫn luôn bằng chân, anh qua tỉnh Sơn Tây và cuối cùng, kiệt lực vì mệt nhọc, anh đã đến thủ phủ tỉnh Hưng Hóa. Viên đại quan trước hết muốn đưa duy mình anh đến một nơi tách khỏi các Kitô hữu khác; nhưng những người này, do lòng bác ái mà chúng ta sẽ năng thấy nêu cao về sau, đã chung tiền lại và với số bạc đó, họ đạt được việc anh ở lại với họ, để tất cả có thể nâng đỡ nhau trong đức tin, an ủi nhau và trợ giúp nhau khi còn sống và lúc lâm tử. Thành thử ông quan đã gởi anh cùng với nhiều tuyên tín nhân khác đến Sao Phong, cách đó 27 ngày đường. Anh đã tới nơi này ngày mồng 2 tháng thứ 9; mười ngày sau, anh bị bệnh dịch tả rồi thành thủy thủng. Ngày 27 tháng thứ 9, anh đã phó linh hồn cho Chúa; các bạn Kitô hữu đã giúp anh trong những giây phút cuối cùng và đã liệu chôn cất anh cách hết sức xứng hợp.  

2. Cô vợ trẻ của Phaolô Lưu, tên Catarina Hương, vốn đã muốn đi theo anh trong cuộc lưu đày, cũng đồng thời mắc phải dịch tả như anh. Cái chết của chồng chị hoàn tất điều cơn bệnh đã khởi đầu: chị chỉ có thể sống sót sau anh một tuần lễ. Những Kitô hữu lưu đày khác, vốn cũng đã chuẩn bị giờ chết cho chị, đã chôn chị không xa mộ chồng.

3. Cai ngũ Phaolô Thu, 50 tuổi, phục dịch từ lâu, đã chẳng bao giờ rời Huế. Năm 1857, ông từ khước bỏ đạo trước tòa quan tổng đốc, và hai hôm sau, lần thứ nhì, trước thượng thư bộ Hình. Án phạt của ông ban đầu là bị giam giữ trong nhiều nhà tù khác nhau của kinh đô; sau đó, vào tháng thứ sáu, bị kết án lưu đày tại tỉnh Hưng Hóa. Mang xiềng ngay, ông phải ở trong ngục tối mà chẳng bao giờ có thể ra khỏi, vì bất cứ chuyện gì, cho tới ngày khởi hành. Con thuyền chở ông lên đường ngày 22 tháng thứ 6 năm 1858 từ hải cảng kinh đô, và 10 hôm sau đổ ông xuống Nam Định. Từ đó ông đi bộ về Hà Nội, qua Sơn Tây và đến Hưng Hóa trong tình trạng kiệt lực. Sau 77 ngày trong ngục tối khắc nghiệt, viên quan nghĩ đến việc dứt khoát đày ông vào một nơi tách biệt khỏi các tù nhân kitô hữu khác. Với một ít tiền đã có thể thu góp, những người này đạt được chuyện ông khỏi bị như vậy. Viên quan mềm lòng trước những đồng tiền và đã gởi ông đi với nhiều tuyên tín nhân khác tới Bảo Phong Thổ, nơi họ đến sau 29 ngày cuốc bộ, hôm mồng 2 tháng thứ 11 cùng năm. Ở đó, viên quan tốt bụng đã tháo xiềng xích cho ông.

Một năm sau, được triệu đến thủ phủ của tỉnh, ông lại vào ngục tối, bị xiềng và cùm ban đêm. Ông đã sống như thế hai năm. Sau đó, bị xiềng xích cả đêm lẫn ngày, dẫu yếu nhược và bệnh hoạn luôn tăng mãi. Tháng thứ 3 năm 1860[4], ông bị dịch tả; bất chấp những đau đớn và kêu nài của ông, tình trạng của ông đã chẳng có gì thay đổi, ngoại trừ 2 ngày trước khi chết; người ta lúc đó mới có lòng nhân đạo tháo xiềng cho ông. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông nói với các bạn kitô hữu: “Tôi sắp chết và lìa xa các bạn, tôi không còn muốn gì hơn là dọn mình ra trước vị Thẩm phán của tôi: tôi tin tưởng vào lòng thương xót của Người và chấp nhận theo thánh ý Người; chỉ có điều, thưa anh em, tôi phó thác cho anh em đứa con nhỏ dại của tôi, tôi để nó lại mồ côi với anh em”. Đó là ngày thứ 3 tháng thứ 11 năm 1860. Các tuyên tín nhân đã sốt sắng đọc kinh cầu cho người hấp hối, sau đó, khi mọi sự đã xong xuôi, họ mua một quan tài và chôn ông trong cùng địa điểm. 

4. Binh sĩ Phêrô Đều, thuộc vệ binh hoàng thành, sinh tại Sơn Quả, đã từ chối bỏ đạo lần thứ nhất tại huyện đường, và lần thứ hai tại Hình bộ. Bị ném lập tức vào tù, một tháng sau đó (1850), ông được cho biết bị án lưu đày đến tỉnh Tuyên Quang; cùng lúc người ta khoác vào cổ và chân ông một sợi xích nặng. Trong lúc chờ đợi khởi hành, phải lôi từ nhà tù này sang nhà tù khác, ông liên tục bị canh giữ, trói xiềng. Ngày 22 tháng thứ 6 năm 1851, ông bị đưa xuống tàu đi ra tỉnh Nam Định; sau đó là Hà Nội. Từ nơi ấy, ông phải đi bộ qua các tỉnh Sơn Tây và Hưng Hóa, đến tỉnh Tuyên Quang. Tại đây, trong ngục tối, bị xiềng và cùm, ông đã chịu đựng các cơn đau đớn với lòng kiên nhẫn. Sau hai năm, ông bị kiết lỵ mà người ta vẫn không chịu xoa dịu chút nào tình thế đáng buồn đó của ông, và chẳng một ai có thể cứu giúp ông, vì các tuyên tín nhân khác đều bị cách ly và xiềng trói như ông vậy. Bởi thế ông đã chết trong cảnh bị bỏ rơi, sau 3 tháng lâm bệnh. Các bạn kitô hữu của ông chỉ biết chuyện này sau đó, và đã báo cho viên quan mới được rõ. Ông này, khá cảm tình với đạo, đã trao cho họ tử thi bị phân rã, còn cho phép chôn ông gần ngôi chợ mới, cạnh thủ phủ của tỉnh.

5. Binh sĩ Đôminicô Đức, thuộc dân quân hoàng thành, sinh tại Sơn Quả, 30 tuổi, đã từ chối bỏ đạo nhiều lần trước các tòa án ở kinh đô. Bị kết án mang xích và lưu đày đến tỉnh Thái Nguyên, anh đã tới đó ngày 17 tháng thứ 7 năm 1858. Sau khi cầm giữ 15 ngày ở ngoài thành, người ta đã đưa anh tới huyện Đồng Hỷ, ở biên giới tỉnh. Anh liên tục bị xiềng xích và theo dõi chặt. Tháng thứ 8 năm 1861, người ta lại triệu anh đến phủ đường và tống anh vào tù trong 10 tháng, với vật phụ thuộc thông thường, nghĩa là xích ở cổ và cùm ở chân. Về sau, viên quan sợ anh gia nhập quân phản loạn Bắc kỳ, có nhiều trong miền đó, nên đã đưa anh vào bên trong thành lũy. Vì lính tráng không đủ số để bảo vệ và gìn giữ thành, người ta đã vũ trang cho các tù nhân, cả Đôminicô Đức, y như những kẻ khác. Anh thậm chí tham dự vào 5 cuộc hành quân vốn xảy ra trong 3 tháng đầu chống quân phản loạn: chiến thắng thường bất định, khi bên này khi bên kia. Cuối cùng, quân phản loạn có lợi thế, chiếm được thành và tiêu hủy nó trọn vẹn. Bấy giờ sĩ quan, binh lính, tù nhân, mọi kẻ thất trận đều chạy trốn. Một giáo sĩ, vốn ở với phe chiến thắng do thiếu nơi chắc chắn hơn, đã cứu sống người binh sĩ của chúng ta. Không biết làm sao, anh này để mình bị đưa vào hàng ngũ quân phản loạn vừa mới tha mạng cho mình. Vài ngày sau, do bị thương nặng vì một mũi giáo, anh đã có thể nhận lãnh các bí tích một cách sáng suốt, do bàn tay của vị linh mục mà nhờ quân phản loạn, đã tìm lại được tự do. Năm ngày sau, anh qua đời và được an táng cách trọng thể gần nhà thờ Ca Tô.

Nguồn: Thédore-Prosper Bernard, Cochinchine Septentrionale Confesseurs de la foi de 1848 à 1862. https://www.irfa.paris/fr/annales/confesseurs-de-la-foi-de-1848-a-1862-1

 ———————————————————————-

[1] Tài liệu “Tiểu sử 101 thừa sai MEP phục vụ Giáo phận Huế 1850-1975” nói cha Jean-Nicolas Renauld trông coi viện dục anh và giáo xứ Thanh Tân từ 1867-1881. Vậy phải chăng cha Tính chỉ là phó xứ?

[2] Còn viện dục anh Thanh Tân phải giải tán, trẻ thơ được đưa về viện dục anh Kim Long vừa mới thành lập (1883).

[3] Tiểu sử các Linh mục Giáo phận Huế nói cha Têphanô Đặng Văn Hiệp, khá lâu sau thời kỳ Văn Thân giết đạo (1886), đã vào Sơn Quả và đến tháng 11-1897 thì lên Đá Hàn. Hay phải chăng ngài ở Sơn Công?

[4] Trong nguyên bản viết là năm 1852, nhưng chúng tôi nghĩ là viết sai hoặc in sai, nên xin phép sửa lại thành 1860.

———————————————————————–

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.