Lược sử Giáo sở Truồi

15/02/2020

GIÁO SỞ TRUỒI

GIÁO XỨ TRUỒI – GIÁO HỌ XUÂN LỘC 

Nhà thờ Truồi 

Lược sử

GIÁO XỨ TRUỒI

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ.

Giáo xứ Truồi, thuộc giáo hạt Hải Vân, nằm dọc theo quốc lộ 1A, trên địa bàn xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhà thờ Truồi ở thôn Xuân Lai, xã Lộc An, cách tòa Tổng Giám mục Huế hơn 26km về phía đông nam.

Trong lịch sử Giáo phận trước đây, địa danh Truồi không được hiểu như hôm nay, nhưng bao gồm cả một vùng rộng lớn hơn nhiều, chia thành Truồi Thượng và Truồi Hạ, gọi chung là Vũng Truồi. Hà Vĩnh, Thiện Loại và Truồi thay nhau làm giáo xứ chính của Vũng.

Giáo sở Truồi từ 1969 gồm giáo xứ Truồi cùng hai giáo họ: Thiện Loại và Hà Vĩnh. Từ năm 1992, được mở rộng tới hai vùng kinh tế mới là xã Xuân Lộc (huyện Phú Lộc, cách Truồi khoảng 9,7km theo đường chim bay về phía tây nam) và huyện Nam Đông (cách Truồi hơn 18km theo đường chim bay về phía nam tây nam). Đến năm 2000 Nam Đông đã trở thành một giáo xứ độc lập. Cuối năm 2019, Thiện Loại và Hà Vĩnh tách ra thành Giáo sở Thiện Loại.

II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Đón nhận Tin Mừng từ các thừa sai MEP.

Vũng Truồi là một trong những nơi có người theo đạo lâu đời của Giáo phận Huế, cùng với Cầu Hai, Nước Ngọt, Hói Mít.

Người Công giáo có lẽ xuất hiện ở vùng này vào khoảng cuối thế kỷ 17 dưới thời chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Lúc đó, cha Pierre Langlois, một linh mục thừa sai người Pháp thuộc MEP, quản xứ đầu tiên của Phủ Cam (1680-1700), cũng là người đặc trách truyền giáo cho vùng phía nam tỉnh Thừa Thiên[1]. Bản tường trình của Đức cha phó Charle-Marin Labbé (MEP, 1697-1723) gởi Thánh bộ Truyền bá Đức tin năm 1701[2], đã kể tên một số giáo xứ tại Huế trong đó có Chuoi (Truồi), Cau-hai (Cầu Hai), Duong-son (Dương Sơn)…

Bản tường trình về các giáo xứ của các thừa sai nhiều hội dòng lên Đức Khâm sai Hilario Costa di Jesu ghi ngày 4-7-1747, thì bên cạnh các tên Phu-cam (Phủ Cam), Tho-duc (Thợ Đúc), Cao-hai (Cầu Hai) Nuoc-ngot (Nước Ngọt), Hoi-nut (Hói Mít)…, cũng có nói đến Truồi dưới 2 cái tên: Chuot-chuong hay Tluoi-thuong (Truồi Thượng) và Chuoi-ha hay Tluoi-ha (Truồi Hạ) với số giáo dân được ghi nhận như sau: Truồi Thượng: 80 người, Truồi Hạ: 60 người; cả hai đều ở dưới sự chăm sóc của các linh mục Hội Thừa sai Hải ngoại Paris.[3]

2- Lớn lên trong bách hại.

Giáo dân vùng Truồi cũng gặp cơn thử thách chung của Giáo phận Huế, là các cuộc bách hại thời mấy vua triều Nguyễn.

Vua Minh Mạng rất ghét đạo Công giáo và đã ký 7 Sắc lệnh nghiêm cấm vào những năm 1825, 1826, 1830, 1833, 1834, 1836 và 1838. Một đàng vua cho lệnh tập trung về Huế tất cả các Thừa sai ngoại quốc. Bề ngoài nói khéo là cần đến các vị để dịch sách ngoại ngữ ra tiếng Việt, nhưng thực ra là để cầm chân các nhà truyền giáo, không cho họ hoạt động và liên lạc với giáo đoàn. Trong khi đó chờ cơ hội có tàu ngoại quốc cập bến là đẩy họ về nước, đồng thời không cho thừa sai mới nào được phép nhập cảnh. Ðàng khác là tiêu diệt các cơ sở, các tổ chức Công giáo địa phương, nhất là căng màng lưới kiểm soát gắt gao để lùng bắt các đạo trưởng bản xứ.

Biết trong giáo lý đạo Công giáo có “10 giới răn”, Minh Mạng cũng bắt chước nhưng theo tinh thần Nho giáo, và ngày 15-07-1834, đã công bố “Thập điều huấn dụ” trong đó điều 7 mạ lỵ và vu khống Công giáo cách trắng trợn. Công bố xong thì buộc mọi thần dân, nhất là giáo dân, học tập.

Trong bối cảnh ấy, cộng đoàn tín hữu vùng Truồi đã phải giữ đạo hết sức gian khổ.

Thời Tự Đức (1847-1883) đạo càng bị bách hại qua nhiều sắc lệnh ngày càng dữ tợn hơn. Đặc biệt năm 1861 nhà vua ra sắc dụ Phân Sáp, phân rẽ các gia đình Công giáo, sáp nhập giáo dân vào các làng lương dân để bị kiểm soát (5 theo dõi 1), tịch thu ruộng vườn của họ, nhất là tập trung tín hữu trong nhiều nhà giam địa phương. Giáo dân vùng Truồi, Cầu Hai, Nước Ngọt, Châu Mới đều bị lùa về các nhà giam của huyện Phú Lộc, ở cồn cát bên bờ sông Nước Ngọt.

Năm 1863, vua Tự Đức tha bắt đạo. Được tự do hơn, Đức cha Sohier (Bình), từ năm 1867, đã thực hiện kế hoạch bổ nhiệm quản xứ và phó xứ ở ngay tại nhiệm sở (có thể biệt cư, không còn lưu động khắp một vùng rộng lớn có khi bằng cả tỉnh như trước). Cha Têphanô Đặng Văn Hiệp, gốc An Vân, làm quản xứ đầu tiên của huyện Phú Lộc (Nước Ngọt, Châu Mới, Cầu Hai, Truồi). Có lẽ cho tới năm 1880, thì được thay thế bởi cha Giuse Tống Văn Vĩnh, gốc Hòa Viện (Quảng Trị).

Dưới thời Văn Thân (1883-1884), vùng đất này lại gặp nhiều bách hại lớn lao. Vào ngày 6-12-1883 dân Công giáo tại Nước Ngọt, Cầu Hai và Truồi đã bị phò mã Cát[4] chỉ huy Văn Thân đánh phá, 35 giáo dân vùng Truồi đã phải vong mạng. Hôm sau (7‑12‑1883) đến lượt Cầu Hai và Nước Ngọt. Cha sở vùng Phú Lộc là Giuse Tống Văn Vĩnh (1880-1883) đang ở Nước Ngọt bị chém chết tại chỗ. (xem lược sử Nước Ngọt).

Tại giáo xứ chánh tòa Phủ Cam hiện thời, ở khu vực Tử đạo, có bia và đền tưởng niệm 27 giáo dân Phủ Cam bị Văn Thân tàn sát tại Truồi (có lẽ họ đã về đó thời Phân sáp). Hài cốt các chứng nhân đức tin này đã được con cháu cải táng vào lễ Giáng sinh 1914 và đem về quê Phủ Cam.

Sau đó cha Phêrô Trương Đăng Khoa được cử trông coi khu vực Phú Lộc, đặt trụ sở ở Châu Mới (tiền thân của Thừa Lưu), kiêm các giáo họ Nước Ngọt, Cầu Hai và Truồi. (1883-1885)

3- Giai đoạn phát triển.

Sau cha Khoa, khoảng năm 1885, vùng phía Nam thành phố Huế lại thuộc quyền quản xứ Phủ Cam kiêm quản hạt Bên Thủy là linh mục Eugène Allys (Lý). Cha bắt tay vào việc truyền giáo cho từ Kinh thành vào đến tận Lăng Cô (tức Giáo hạt Bên Thủy theo cách gọi đương thời). Người ta ghi nhận có một số giáo dân đắc lực giúp đỡ công cuộc đó, như cụ thượng thư Ngô Đình Khả chẳng hạn.

Vì phong trào trở lại ngày càng đông, Đức cha Antoine Caspar đã đặt cha Anphong Trần Bá Lữ, phó xứ Phủ Cam, đặc trách truyền giáo cho cả vùng phía Nam nầy từ 1885 cho đến 1890.

Sau đó Bề trên cử cha Giuse Nguyễn Thế Chánh làm quản xứ Nước Ngọt kiêm các giáo họ phụ cận (từ 1893-1916).

a- Với Hà Vĩnh làm giáo xứ chính (từ 1902)

Riêng vùng Truồi, năm 1902 giáo xứ Hà Vĩnh đã có cha sở đầu tiên là Matthêu Nguyễn Văn Thăng (1902-1912). Ngài kiêm luôn giáo họ Thiện Loại.

Sau cha Thăng là cha Đôminicô Lê Văn Phẩm (1912‑1919).

Sau cha Phẩm là cha Philipphê Dương Đức Kỳ (1919-1923). Chính ngài đã làm nhà thờ đầu tiên của giáo họ Thiện Loại (1920) trên phần đất nay là nghĩa địa của giáo họ.

Sau cha Kỳ là cha Anrê Nguyễn Hữu Tường (1924-1932)

Rồi đến cha Giuse Nguyễn Văn Kiểu (1933-1936). Ngài đã viết nhiều bài được đăng trong tuần báo “Nam Kỳ Địa Phận”[5].

Năm 1936-1946 cha Tôma Nguyễn Văn Luật được bổ nhiệm làm quản xứ Hà Vĩnh kiêm Thiện Loại. Ngài đã cho làm nhà nguyện nhỏ ở Truồi, gần Quốc lộ 1 (1940) và quy tụ một số giáo dân từ Hà Vĩnh đến ở chung quanh nhà nguyện nầy. Giáo họ Truồi thành hình từ đó. Đến năm 1942, có cộng đoàn nữ tu Dòng MTG Kim Đôi (tức Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng sau này) phục vụ ở đây, với phụ trách tiên khởi là chị Anna Lê Thị Nhẫn.

Từ 1943, giáo họ Hà Vĩnh có sở nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng giúp mục vụ, với 3 lớp học do các chị phụ trách. Hiệu trưởng tiên khởi là chị Mađalêna Lê Thị Triều (theo lược sử dòng).

Sau cha Luật, giáo xứ Hà Vĩnh có các vị quản xứ khác: Anrê Nguyễn Hữu Tường (1947, lần 2, sau đó về An Vân nghỉ bệnh), Gioakim Võ Quang (1947-1948), Matthia Nguyễn Văn Triêm (1948-1952).

Từ năm 1952-1955, cha Giacôbê Nguyễn Văn Ngọc được bổ nhiệm làm quản xứ Hà Vĩnh, Ngài đã xây dựng lại nhà thờ, lợp ngói, thành lập sở các chị Dòng MTG Kim Đôi (Con Đức Mẹ Đi Viếng), xây trường học. Ngài cũng xây nhà cha sở, chọn hướng thuận tiện và đẹp hơn trước.

Cũng vào thời kỳ này, năm 1954, giáo họ Truồi có cha Gioan Nguyễn Đăng Bình di cư từ Hồ Xá (Quảng Bình) đến giúp.

b- Với Thiện Loại làm giáo xứ chính (từ 1955)

Năm 1955, cha Tôma Nguyễn Văn Luật lại được bổ nhiệm làm quản xứ đầu tiên của giáo xứ Thiện Loại (1955-1956). Ngài bị bệnh tâm thần sau đó, phải đi nghỉ.

Sau hiệp định Genève 1954, tại giáo họ Truồi có thành lập một khu định cư cho giáo dân từ Kẻ Bàng (Quảng Bình) di cư. Trại định cư này, gọi là Xuân Lai, nằm về phía tây cách quốc lộ khoảng 7km, ở dưới sự coi sóc của cha GB. Hồ Đắc Liên(1954-1959), cha Anrê Nguyễn Văn Cần (1959-1960), cha GB Nguyễn Văn Huệ (1961-1963), cha GB Lê Xuân Mầng (1964). Sau đó, tất cả giáo dân Kẻ Bàng vào Nam lập nghiệp.

Từ 1957-1964, cha Phaolô Nguyễn Văn Chuyên.

Đang khi đó thì từ 1956-1970, giáo họ Hà Vĩnh được cha PX Nguyễn Cao Đẳng đến coi sóc. Vụ tết Mậu Thân, giáo dân Hà Vĩnh di tản lên Quốc lộ 1, định cư tại La Sơn (xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc)

Từ 1965-1968, cha GB Lê Xuân Mầng. Tại nhà cha sở Thiện Loại có ghi mấy câu thơ của ngài sáng tác, sau năm 1975 vẫn còn (xem lược sử giáo sở Thiện Loại).

Nhưng sau biến cố Mậu Thân 1968, giáo dân Thiện Loại tản mác khắp các vùng lân cận: Lương Văn, Đá Bạc, Chánh Xuân, Cầu Hai… Giáo xứ chỉ còn lại 4 gia đình. Từ đó, Thiện Loại được kiêm nhiệm bởi cha quản xứ Truồi mà lúc này đã trở thành giáo xứ độc lập, đông đảo nhờ có những đợt giáo dân di cư từ miền Bắc vào sau năm 1954 và từ nhiều nơi đến sau năm 1968.

b- Với Truồi làm giáo xứ chính (từ 1969)

Năm 1969, giáo xứ Truồi có quản xứ tiên khởi là cha Gioan Nguyễn Lợi. Hà Vĩnh và Thiện Loại trở thành giáo họ. Cả 3 làm thành giáo sở Truồi. Cha Lợi coi sóc đến năm 1970 thì được gởi sang Rôma du học.

Năm 1971, cha Anrê Ngô Văn Nhơn làm quản sở Truồi đến năm 1975.

Cuối năm 1973 đầu năm 1974, theo chương trình hồi cư của chính quyền miền nam, nhiều giáo dân Thiện Loại sinh sống ở nhiều nơi trở về xây dựng lại giáo họ.

Nhưng đến biến cố tháng 4-1975, 2 sở nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng tại Truồi và Hà Vĩnh (có từ năm 1942 và 1943) đã phải chấm dứt hoạt động.

Giai đoạn 1975-1985, do cuộc sống quá khó khăn, nhiều gia đình giáo dân không trụ lại được với giáo sở, phải tìm cách kiếm sống ở các tỉnh thành miền nam hoặc Tây nguyên, số giáo dân còn lại không nhiều.

Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng (Giám mục tương lai) coi giáo sở Truồi từ 1975 đến 1999. Trong thời gian 24 năm làm quản sở, vào một giai đoạn vô cùng khó khăn về đạo lẫn đời, cha cũng đã đại tu nhà thờ Thiện Loại (1991), xây mới nhà thờ Truồi (1992), sửa chữa nhà thờ và nhà xứ Hà Vĩnh (1994), xây mới nhà xứ và sở nữ tu Thiện Loại (1999). Vì riêng tại giáo họ Thiện Loại, sau năm 1975, có các chị Dòng Mến Thánh Giá Huế giúp mục vụ và mở lớp học tình thương cho đến nay. (Hiện nhà xứ cha Hồng xây là nhà ở của các chị).

Từ năm 1992, giáo sở Truồi được mở rộng thêm với hai vùng kinh tế mới :

– Cộng đoàn Xuân Lộc (huyện Phú Lộc) cách Truồi 9,7km theo đường chim bay hay 13,6km theo đường bộ về phía tây nam.

– Cộng đoàn Nam Đông (huyện Nam Đông) cách Truồi 18km theo đường chim bay hoặc 28km theo đường bộ về phía nam tây nam .

Đến năm 2000, giáo sở Truồi chỉ còn cộng đoàn Xuân Lộc. (Nam Đông trở thành một giáo xứ độc lập). Nghĩa là gồm giáo xứ Truồi, các giáo họ Hà Vĩnh, Thiện Loại, Xuân Lộc. 

Từ tháng 10 năm 1999 đến tháng 4 năm 2001, trong lúc chờ đợi vị quản sở mới, giáo sở có cha Antôn Nguyễn Ngọc Hà, thư ký tòa Giám mục (1999-2002), về giúp dâng Thánh lễ mỗi Chúa Nhật và những ngày lễ trọng.

Trong giai đoạn này, một sự kiện đau lòng đã xảy ra: đêm mồng 2 rạng 3 tháng 11 năm 1999, “trận lụt thế kỷ” trên diện rộng ở Thừa Thiên-Huế, đã nhấn chìm giáo họ Thiện Loại (vốn ở sát đầm Cầu Hai) trong biển nước, gây thiệt hại lớn lao về tài sản cho nhiều gia đình.

Thương cảm hoàn cảnh đó, năm 2000, cha Antôn Nguyễn Ngọc Hà với sự giúp đỡ của tòa Giám mục Huế, đã nâng cấp một đoạn đường dài gần 1km bằng đất sỏi và xây dựng một lớp học tình thương có gác gỗ sát nhà thờ. Đây cũng là nơi trú ngụ khi có lũ lụt lớn.

Năm 2001-2010, cha Giuse Hoàng Cẩn được bổ nhiệm làm quản sở Truồi. Ngài đã xây dựng nhà xứ Truồi, thay tôn nhà thờ Truồi và Hà Vĩnh.

Ngày 23-8-2010, cha Antôn Lê Văn Thắng được bổ nhiệm làm quản sở Truồi. Ngài xây tường thành nhà thờ Hà Vĩnh.

Năm 2013, tu sửa nhà xứ Hà Vĩnh và nhà thờ Truồi.

Ngày 4-5-2013, xây dựng nhà thờ mới Thiện Loại và khánh thành ngày 27-10-2016.

Ngày 21-05-2019, cha Augustinô Nguyễn Đại Vũ được Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh bổ nhiệm làm quản xứ Truồi. Bài sai ký ngày 10-05-2019         

Cuối năm 2019, Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh quyết định tách Thiện Loại và Hà Vĩnh khỏi giáo sở Truồi, để tái lập giáo sở Thiện Loại. Cha Đôminicô Lê Đình Du được bổ nhiệm làm quản sở Thiện Loại và đã đi nhận xứ ngày 08-11-2019.

Vậy là hiện nay, giáo sở Truồi chỉ còn giáo xứ Truồi và giáo họ Xuân Lộc.

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Linh mục

  • Antôn Nguyễn Trần Tuấn, sn 1965, lm 2000. Dòng Chúa Cứu Thế. Nội Truồi 
  • Phaolô Trương Minh Tiên, sn 1976, lm 2007. Giáo phận Huế, Ngoại Truồi.

2- Giáo dân

– Năm 2010:    560 người. (Truồi, Hà Vĩnh, Thiện Loại, Xuân Lộc)

– Năm 2015:    900 người. (Truồi, Hà Vĩnh, Thiện Loại, Xuân Lộc)

– Năm 2020:    284 người. (Truồi, Xuân Lộc)

Nhà thờ Truồi – Bên trong

****************************************

GIÁO HỌ XUÂN LỘC

1- Vị trí địa lý:

Giáo họ Xuân Lộc thuộc Giáo sở Truồi, nằm trên địa bàn xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tọa độ: 16.2664 107.7020. Từ Ngã ba La Sơn, giáp Quốc lộ 1A, đến giáo họ Xuân Lộc khoảng 10 km.

2- Hình thành và phát triển

Cộng đoàn Xuân Lộc hình thành do một số giáo dân công giáo ở Hà Thanh, Hà Úc, Phường Tây… đi vùng kinh tế mới trong thập niên 1975-1985.

Năm 1992, cộng đoàn Xuân Lộc trực thuộc giáo sở Truồi với tư cách giáo họ. 

Từ thời cha Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng (1975-1999) và cha Giuse Hoàng Cẩn (2001-2010), giáo họ đã có nhiều sinh hoạt đạo mặc dù hoàn cảnh khó khăn.

Đến thời cha Antôn Lê Văn Thắng (2010…), các ngày Thứ bảy, Chúa nhật đầu tháng và cuối tháng thì có thánh lễ, còn các Chúa nhật khác thì cử hành ngôn lễ. Tất cả tại nhà ông Luận, được tạm coi như “nhà nguyện” của giáo họ.

Năm 2016 Xuân Lộc có khoảng 200 giáo dân/50 gia đình.

Nay cha Augustinô Nguyễn Đại Vũ vẫn tiếp tục làm mục vụ như vị tiền nhiệm.

Thánh lễ cho giáo dân Xuân Lộc tại nhà ông Luận.

—————————————————————————————

 [1] Cha Jean-Antoine de la Court, người kế vị cha Langlois cai quản Phủ Cam (1739-1746) cũng phải lo mục vụ cho vùng nam Thừa Thiên như vậy (xem lược sử giáo xứ Cầu Hai).

[2] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques t. I (1658-1728). Paris, Téqui, 1923. Trang 502.

[3] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques t. II (1728-1771). Paris, Téqui, 1924. Trang 182 và 188.

[4] Phò mã Đô úy Trương Văn Cát, chồng của Vĩnh Trân Công chúa Nguyễn Phúc Thục Tuệ, em gái vua Thiệu Trị.

[5] Tuần báo Nam Kỳ Địa Phận do Đức Giám mục Lucien Emile Mossard (Mão, MEP, 1899-1920, Đại diện Tông tòa Giáo phận Tây Đàng Trong [Sài Gòn]) chủ trương thành lập. Tờ báo sống 37 năm (1908-1945) với khoảng 30.000 trang, ra ngày thứ năm hàng tuần. Tuy là “báo đạo”, Nam Kỳ Địa Phận chỉ bàn về vấn đề đạo khoảng một phần ba, còn lại bàn về đủ mọi vấn đề của cuộc nhân sinh, từ văn học dân gian (thai đố, chuyện giải buồn) đến thuốc bắc, thuốc nam, làm ăn buôn bán,… Tờ báo không chỉ dành riêng cho người Công giáo. Tuần báo là cơ quan ngôn luận chính thức đầu tiên của người Công giáo Việt Nam, mở ra một kỉ nguyên cho báo chí Công giáo Việt Nam.