Lược sử Giáo xứ Triều Sơn Nam

27/08/2020

LƯỢC SỬ

GIÁO XỨ TRIỀU SƠN NAM

Nhà thờ Triều Sơn Nam

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Triều Sơn Nam, thuộc giáo hạt Hương Quảng Phong, tọa lạc trên địa bàn thôn Triều Sơn Nam, xã Hương Vĩnh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế, nằm bên tả ngạn sông Hương, đối diện với Cồn Phân, trước khi tới Ngã ba Sình, cách Tòa Giám mục Huế 8 km về phía bắc tây bắc. 

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH & QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Từ một phong trào truyền giáo mạnh mẽ (từ năm 1886)

Thời Đức Giám mục Antoine Caspar (Lộc) làm Đại diện Tông tòa trông coi Giáo phận Bắc Đàng Trong (sau đổi tên thành Giáo phận Huế) (1880-1907), có phong trào truyền giáo mạnh mẽ từ sau năm 1885, tức sau vụ Văn Thân tàn sát hơn 12 tín hữu tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, nhằm khôi phục dân số cho Giáo phận. Một trong những tác nhân của phong trào ấy là cha Eugène Allys (cố Lý), quản xứ Phủ Cam (1885-1908) kiêm Quản hạt Bên Thủy[1]. Ngài tổ chức nhiều đoàn truyền giáo gồm linh mục và giáo dân đi về các vùng quê thuộc Giáo hạt. Bấy giờ Tiên Nộn, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, bên hữu ngạn sông Hương, cách Triều Sơn Nam 2km về phía nam, là một trong những tụ điểm truyền giáo ở vùng Thừa Thiên. Chính trong hoàn cảnh đó, cộng đoàn tín hữu Triều Sơn Nam đã hình thành, gồm các họ tộc sau:

– Họ Đỗ: gia đình ông Phó Thơ (làm trưởng).

– Họ Lê: gia đình ông Lê Khắc Cang.

– Họ Tống: gia đình ông Kiểm.

– Họ Trần: gia đình ông Trúc Như.

– Họ Phạm: gia đình ông Kiểm Sõ.

– Họ Nguyễn Duy: gia đình ông Kiểm Tánh.

– Họ Chu (bây giờ là họ Châu): gia đình ông Du Kiểm.

– Họ Nguyễn Văn: gia đình ông Trùm Phần.

– Họ Nguyễn Viết: gia đình ông Lý Lâu.

Một thời gian sau có thêm 2 họ tộc ở làng Triều Sơn Đông (kế cận phía bắc) theo đạo nữa là:

– Họ Trần: gia đình ông Chỉnh và ông Trộ.

– Họ Nguyễn Viết: gia đình ông Phúng và ông Vọng.

Trải qua thời gian, với bao thay đổi lớn về chế độ chính trị, văn hóa xã hội, hầu hết các gia đình thuộc 9 họ tộc trên đã mất đức tin, ngoại trừ 2 họ tộc còn trung thành giữ đạo: Lê và Đỗ.

2- Thành giáo họ trực thuộc (từ năm 1904)

Theo ký ức của những vị cao tuổi trong họ đạo thì 2 ông Batôlômêô Lê Phước Lý và ông Anrê Đỗ Chấn là những người đầu tiên -trong giai đoạn 2 này- lãnh nhận đức tin tại giáo xứ Tiên Nộn thời cha Alexandre Allo (cố Thanh) làm quản xứ nơi đây (1904-1909), với cha Yves Rault (cố Lộ) ở phó. Giáo dân Triều Sơn Nam sau đó hầu hết xuất phát từ 2 họ tộc ấy. Và giáo họ Triều Sơn Nam có lẽ trực thuộc giáo xứ Tiên Nộn trong thời gian này (1904-1909).

Do nhu cầu cần có một ngôi nhà thờ để làm nơi dâng Thánh lễ cũng như đọc kinh cầu nguyện, làng Triều Sơn Nam lúc ấy đã cấp cho giáo họ 8 sào đất.

Đến năm 1910, linh mục René Morineau (cố Trung), quản xứ Lại Ân (1910-1922) cùng phó xứ là linh mục Banaba Phạm Đình Ngãi, đã xây dựng ngôi nhà thờ đầu tiên bằng tranh cho Triều Sơn Nam, đồng thời chọn Mẹ Sầu Bi làm bổn mạng. Giáo họ chuyển qua trực thuộc giáo xứ Lại Ân (cách Triều Sơn Nam hơn 1km về phía bắc, bên hữu ngạn sông Hương)

Từ đó Triều Sơn Nam ở dưới sự kiêm nhiệm của các linh mục quản xứ Lại Ân sau đây:

– Cha Antôn Nguyễn Văn Sản (1923-1925).

– Cha Maximilien de Pirey (cố Đề) (1925-1931).

– Cha Phil. Nguyễn Văn Tự (1931-1940).

– Cha Giuse Lê Hữu Huệ (1940-1948).

– Cha Giuse Trần Văn Tường (1948-1951).

– Cha Gioan Võ Văn Hoằng (1951-1956).

– Cha Gioan B. Nguyễn Văn Huệ (1957-1960).

– Cha Tôma Nguyễn Văn Luật (1960-1971).

Năm 1968, biến cố Mậu Thân, nhà thờ bị bị bom đạn vùi dập, đến cuối năm 1969 đầu năm 1970 mới được tái thiết. Lúc ấy cũng có thêm gia đình ông Võ Lăng từ An Khốt và gia đình ông Hồ Văn Mật từ An Truyền đến lập nghiệp tại thôn Triều Sơn Nam và nhập đạo.

Từ năm 1972, giáo họ trực thuộc các linh mục quản xứ Tiên Nộn:

– Cha Gioan Nguyễn Đăng Bình (1972-1994)

– Cha Giuse Nguyễn Văn Hội (1994-2002)

Trong thời gian này giáo họ Triều Sơn Nam có những bước phát triển mới, số giáo dân đã tăng lên đáng kể, đang khi đó ngôi nhà thờ cũ thì nhỏ và đã xuống cấp. Nhu cầu cấp thiết đặt ra lúc này của giáo họ là cần một ngôi nhà thờ mới lớn hơn, vững chắc hơn. Dưới sự hướng dẫn của linh mục kiêm nhiệm Giuse Nguyễn Văn Hội, cùng với sự cộng tác của giáo dân, một ngôi nhà thờ mới chắc chắn, khang trang và rộng rãi đã mọc lên.  

Nhà thờ Triều Sơn Nam (thời cha Giuse Nguyễn Văn Hội)

Đến năm 2002, cha Giuse Nguyễn Văn Hội do tuổi cao sức yếu nên đã nhờ cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng quản xứ Phú Hậu (Giám mục tương lai) giúp mục vụ tại Triều Sơn Nam.

3- Thành giáo xứ độc lập (từ năm 2004):

Đến ngày 6-12-2004, dưới thời Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể, giáo họ Triều Sơn Nam được nâng lên hàng giáo xứ, tách khỏi giáo xứ Tiên Nộn. Linh mục quản xứ tiên khởi là cha Phaolô Tống Thanh Trọng, gốc Ngọc Hồ.

Từ khi nhận nhiệm sở, vị tân quản xứ đã bắt tay trùng tu nhà thờ, xây dựng nhà xứ, lập trường mẫu giáo. Đồng thời ngài cũng chuyên chăm trong việc tu sửa và củng cố “ngôi nhà thiêng liêng” là chính linh hồn của mỗi giáo dân trong giáo xứ. Chấn chỉnh các hội đoàn cũ, xây dựng các hội đoàn mới như: Hội đồng Giáo xứ, Cha mẹ Gia đình, Gia đình Têrêxa, Giới trẻ, Thiếu Nhi Thánh Thể, Ca đoàn, Lễ sinh, Tu sinh. Tất cả đều hoạt động hăng say, tích cực sống đức tin qua việc dâng Thánh lễ, chầu Thánh Thể và đặc biệt là việc suy niệm lời Chúa của mỗi hội đoàn sau thánh lễ hằng ngày.

Ngày 15-10-2016, linh mục Giuse Hoàng Quốc, gốc Loan Lý (Thừa Thiên), được Đấng bản quyền bổ nhiệm làm quản xứ Triều Sơn Nam, thay thế linh mục Phaolô Tống Thanh Trọng đã đến tuổi nghỉ hưu, phải về Nhà chung Tổng giáo phận.

Ngoài việc duy trì các hội đoàn và các sinh hoạt như vị tiền nhiệm (ngoại trừ lớp mẫu giáo), cha Giuse nhấn mạnh việc đào sâu đức tin, xây dựng tình hiệp nhất và tinh thần truyền giáo cho tín hữu, vì số lượng lương dân đông đảo trong khu vực quả là một sự thách thức kiêm một lời mời gọi.

Cha cũng đã làm mới lại nhà thờ, từ ngoài sân gạch vào trong cung thánh, và nới rộng hai bên hông nhà thờ.

Giáo xứ hiện chia làm 3 khu vực: khu vực Thánh Giuse và Đức Bà gồm những gia đình sống chung quanh nhà thờ, còn lại là khu vực Hài Đồng ở giữa đồng cách nhà thờ khoảng 3km, khu vực này thường bị ngập lụt vào mùa mưa.

Bên trong nhà thờ Triều Sơn Nam hiện thời

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Tu sĩ và đại chủng sinh.

– Luxia Lê Thị Vân Phi (sn: 1972, vk 2015), Tu đoàn Thừa sai Thánh Mẫu Chúa Cứu Thế, hiện phụ trách cộng đoàn ở Campuchia

– Phaolô Lê Phước Hân, thần học III.

2- Giáo dân:

– Năm 2010:    328 người.

– Năm 2015:    359 người.

– Năm 2020:    330 người.

Kết luận: Mặc dù giáo xứ đã có những bước phát triển, nhưng vẫn cần được huấn luyện nhiều hơn nữa về mọi mặt, đặc biệt cần phải củng cố và phát triển đức tin của người giáo dân trong bối cảnh xã hội bị tục hóa như ngày nay.

———————————————————-

[1] Giáo hạt Bên Thủy (cùng với Giáo hạt Bên Bộ và Giáo hạt Dinh Cát) là cơ cấu tổ chức của Giáo phận Huế thời bấy giờ. Bên Thủy bao gồm những giáo xứ, giáo họ từ Phủ Cam chạy dài đến Lăng Cô, dọc đường thiên lý bắc-nam, từ Xuân Thiên vào đến đầm Lăng Cô, dọc phá Cầu Hai đi xuống cửa Tư Hiền (theo Lê Ngọc Bích, Nhân vật Giáo phận Huế. 2000. Tập II, tr. 231

——————————————————————————

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.