Tập sách Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang – Chương 5 – Phần 1

19/03/2023

TRẦN QUANG CHU

(Biên soạn)

 

TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG

 

KỶ NIỆM ĐẠI HỘI LA VANG

LẦN THỨ 27 (2005)

CẬP NHẬT ĐẾN ĐÌNH HOÃN ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 32 (2020, 2021)

 

CHƯƠNG NĂM

LỊCH SỬ THÁNH TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG

I. GIAI ĐOẠN 1900 – 1963: THÁNH TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG – NỮ VƯƠNG CHIẾN THẮNG.

1. Nguồn gốc.

Trong dịp Đại hội La Vang 1 – Khánh thành nhà thờ ngói, vào ngày 8-8-1900, Đức cha Antoine-Louis Caspar Lộc đã cung thỉnh từ Pháp về bức thánh tượng Đức Mẹ La Vang – Nữ Vương Chiến Thắng. Thánh tượng mô phỏng theo mẫu tượng Đức Bà Chiến Thắng (Notre Dame des Victoires) ở nhà thờ Notre Dame de Paris. Đã được chính Đức cha Caspar Lộc kính cẩn làm phép trong dịp trọng đại này.

Thánh tượng được làm bằng thạch cao thông thường nhưng đôi mắt Đức Mẹ được lồng vào hai viên ngọc quý khiến khuôn mặt Đức Mẹ thêm tươi sáng, hiền hậu, dịu dàng. Nhờ thế, đối diện với Đức Mẹ, người đến khấn xin luôn có cảm tưởng như được Đức Mẹ đoái nhìn.

Sau Đại hội La Vang lần thứ nhất, thánh tượng Đức Mẹ La Vang – Nữ Vương Chiến Thắng được đặt nơi chính diện, trên cao, trước bàn thờ, ngay giữa lòng cung thánh nhà thờ ngói La Vang, trong một khám thờ bằng gỗ quý sơn son thếp vàng do cha Jean-Nicolas Renauld (cố Đồng) dâng cúng vì những ơn lành hồn xác mà ngài đã nhận được nơi Mẹ nhân lành. Còn vị trí đặt tượng Đức Mẹ, theo tương truyền, là nơi Đức Mẹ đã đứng khi hiện ra.

2. Ý nghĩa thánh tượng Đức Mẹ La Vang – Nữ Vương Chiến Thắng.

“Đức Mẹ mặc áo choàng màu thiên thanh, phủ trên áo trắng ngà, đầu đội triều thiên vàng, chân đứng trên đám mây. Đức Mẹ nhìn đàn con, nét mặt dịu hiền, dáng điệu uy nghi. Hai tay Mẹ nâng đỡ Chúa Hài Đồng đứng bên tay mặt, như muốn đưa ra giới thiệu cùng chúng ta, trao ban cho chúng ta. Chúa Giêsu Hài Đồng thật duyên dáng trong bộ áo màu hồng, đầu đội triều thiên, chân đứng trên quả địa cầu, lấp lánh mấy vì sao. Chúa Hài Đồng một tay níu áo Mẹ, nương tựa vào Mẹ như để làm gương cho ta, một tay giơ ra như để mời gọi ta chạy đến cùng Mẹ để tỏ lòng hiếu thảo mến yêu và lãnh nhận muôn ơn lành, nhờ lời Mẹ chuyển cầu”(1).

3. Tượng Đức Mẹ La Vang – Nữ Vương Chiến Thắng qua thời gian.

Năm 1923, sau cuộc hành hương La Vang – đưa cha Matthêu Hồ Tấn Đức, cha sở Hạnh Thông Tây, ra tạ ơn Đức Mẹ – linh mục JB. Huỳnh Tịnh Hướng, cha sở họ đạo Ngã Sáu- Chợ Lớn, trong bài Đi viếng cung thánh Đức Mẹ La Vang, đã viết về bức thánh tượng này như sau:

“Trên bàn thờ có ảnh tượng Đức Chúa Bà mua bên Tây, một bên có Đức Chúa Giêsu đứng, là Notre Dame des Victoires, lối một thước hai bề cao, có lồng kính nên tượng ảnh còn mới hoài… Chúng tôi vào quì gối trước bàn thờ Đức Mẹ, mắt ngó xem Đức Mẹ hình duông đẹp đẽ phương phi, mặt Mẹ đầy sự khoan nhơn dịu dàng, đáng yêu đáng mến là dường nào. Nhìn xem Đức Mẹ, lạy chào Đức Mẹ tức thì lòng bắt cảm động không tiếng nào nói đặng. Mọi người thảy đều châu lụy tuôn rơi, không cầm lại đặng…”(2).

Năm 1928, La Vang có nhà thờ mới: Đền Thờ Đức Mẹ La Vang, sau là Vương Cung Thánh Đường La Vang, công trình của Đức cha Eugène Allys Lý và cha sở Cổ Vưu René Morineau Trung. Thánh tượng Đức Mẹ La Vang được cung thỉnh đặt ở một vị trí trang trọng trong nhà thờ mới, tương ứng với vị trí cũ trong nhà thờ ngói cổ.

Trong dịp Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, linh mục Tiến Lãng, CSsR, trong Kính Mừng Maria, với bức ảnh Linh đài Tứ giác Đức Mẹ La Vang (1955), cho biết: “Sau bàn thờ là thánh tượng Đức Mẹ đã được cung nghinh và làm phép tại La Vang năm 1901. Tượng này cao 1,20m, nay không còn, đã được đặt làm phỏng theo tượng Đức Mẹ Chiến Thắng tại Pháp”(3).

Quả vậy, trước đó cha sở La Vang Giuse Trần Văn Tường, được sự đồng thuận của Đức Giám mục Huế Jean Baptiste Urrutia Thi đặt một pho tượng Đức Mẹ La Vang khác, cùng mẫu tượng Đức Bà Chiến Thắng nhưng với kích thước lớn hơn, đường nét mềm mại hơn, màu sắc thanh nhã hơn, khuôn mặt dịu dàng hơn, từ Sài Gòn đưa ra, đặt vào vị trí pho tượng cũ trong đền thờ La Vang.

Còn pho tượng cũ, khi Linh đài Bát Giác nhường chỗ cho Linh đài “Ba cây đa nhân tạo”, năm 1963, theo nhà nghiên cứu Phạm Đình Khiêm, một chứng nhân đương thời, thì: “Bức tượng cũ nhỏ hơn đã được tôn kính từ khi làm phép ngôi nhà thờ ngói – Đại hội La Vang lần thứ nhất, và nay còn được giữ làm kỷ niệm trong nhà mặc áo”(4).

Trong biến cố Mùa hè Đỏ lửa 1972, Vương Cung Thánh Đường La Vang đổ nát hoàn toàn. Bức thánh tượng Đức Mẹ La Vang – Đức Bà Chiến Thắng – kỷ vật từ Đại hội 1, cất trong phòng áo (phòng thánh) hoặc bị bắn bể, hoặc đổ nát theo sự đổ nát của Vương Cung Thánh Đường, nay chẳng còn dấu tích gì!

Riêng bức thánh tượng Đức Mẹ La Vang – Đức Bà Chiến Thắng kích thước lớn hơn, do cha sở Giuse Trần Văn Tường sắm năm 1955 cũng bể nát, hoà chung trong đống gạch vụn. Chỉ riêng chiếc mũ triều thiên, cũng rơi xuống trong đống đổ nát, nhưng may mắn còn nguyên vẹn. Một giáo dân gốc Huế, quê quán giáo xứ Thần Phù, giáo họ Giạ Lê, hiện cư ngụ tại giáo xứ Cầu Lớn, hạt Hóc Môn, TGP Sài Gòn, trong lần viếng Mẹ sau biến cố Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 nhặt được đem về thờ kính tại tư gia. Sau dâng cúng lại cho La Vang. Hiện được cất giữ như kỷ vật tại nhà Truyền Thống.

THÁNH TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG – NỮ VƯƠNG CHIẾN THẮNG DO ĐỨC CHA CASPAR LỘC CUNG THỈNH TỪ PHÁP VỀ ĐƯỢC ĐẶT TRONG LINH ĐÀI BÁT GIÁC NĂM 1955

(Ảnh: Kính Mừng Maria – Lm. Tiến Lãng)

MŨ TRIỀU THIÊN CỦA THÁNH TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG – NỮ VƯƠNG CHIẾN THẮNG TRONG VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG LA VANG CŨ

(Ảnh: Trần Quang Chu. 2001, từ Nhà truyền thống)

II. GIAI ĐOẠN 1963 – 1972: THÁNH TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG – ĐỨC MẸ BAN ƠN (ĐỨC MẸ LA VANG BAN ƠN).

1. Hoàn cảnh thánh tượng Đức Mẹ La Vang Ban Ơn ra đời.

Năm 1963, năm hoàn thành phần thô Linh đài, cũng là năm tình hình chính trị miền Nam rối ren sau cuộc lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Cũng từ thời điểm này, chiến tranh lan rộng khắp các tỉnh thành miền Nam, nhất là ở vùng nông thôn. Cuộc sống người dân lâm vào cảnh bất an.

Hiểu được tình cảnh đó, bề trên Giáo phận Huế giục lòng con cái tín thác vào Đức Mẹ La Vang – Nữ Vương ban sự bình an – và không ngần ngại chọn thánh tượng Đức Mẹ La Vang Ban Ơn để tôn kính tại Linh đài, ngõ hầu xin Mẹ ban ơn cho đất nước hoà bình, quốc thái dân an.

Thêm vào đó, kể từ những năm đầu hậu bán thế kỷ XX, tiếng lành đồn xa, nhiều ơn lạ Đức Mẹ La Vang được truyền tụng khắp ba miền đất nước làm nức lòng mọi người lương giáo xa gần. Nhiều người băng rừng vượt núi tìm đến La Vang cầu xin Đức Mẹ ban ơn. Trong hoàn cảnh đó, bề trên giáo phận quyết định chọn thánh tượng Đức Mẹ Ban Ơn để tôn kính tại Linh đài là hoàn toàn hợp tình hợp lý, hợp lòng người.

Sau khi thực hiện xong phần thô Linh đài theo đồ án tổng thể của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và mô hình “Ba cây đa nhân tạo” của điêu khắc sư Nguyễn Văn Thế, không thể chờ đợi hoàn chỉnh phần trang trí mỹ thuật, thỉnh thị ý kiến của Đức Tổng Giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục đang ở Rôma, cha quản nhiệm tiên khởi Trung tâm La Vang Giuse Trần Văn Tường đã cung thỉnh từ Sài Gòn bức tượng Đức Mẹ Ban Ơn – giáo dân Huế quen gọi tượng Đức Mẹ Xuống Ơn hay Đức Mẹ Xuống Tuyết – làm mẫu tượng chính thức tôn kính tại Linh đài.

2. Ý nghĩa thánh tượng Đức Mẹ La Vang Ban Ơn.

Thánh tượng Đức Mẹ La Vang Ban Ơn được diễn tả như sau:

LINH ĐÀI BA CÂY ĐA NHÂN TẠO VỚI THÁNH TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG BAN ƠN – MẪU 1

(Ảnh: Phòng Lưu trữ MEP: https://archives.mepasie/fr)

Đức Mẹ không đội triều thiên vàng như mẫu tượng Đức Bà Chiến Thắng mà chỉ đội khăn lúp trắng nhẹ nhàng thả xuống quá hai vai, mình Mẹ mặc áo trắng ngà, bên ngoài khoác áo choàng. Đức Mẹ đứng trên chiếc bệ tròn tượng trưng quả cầu, chân đạp đầu con rắn, thể hiện sự trang nghiêm và uy nghi của bậc Mẫu Nghi Thiên Hạ. Đôi mắt Mẹ thể hiện ánh nhìn đầy thương yêu, trìu mến. Đôi tay Mẹ dang ra như đang ban phát tình thương, ơn lành, bình an, niềm vui cho tất cả những ai chạy đến cùng Mẹ.

Hình ảnh Mẹ Maria ban ơn toát lên sự thanh cao, hiền lành, phúc hậu và tràn đầy sự hy sinh. Bên cạnh đó, sức mạnh của người Mẹ đầy lòng can đảm và sự cương trực sẵn sàng bảo vệ con cái mình.

Mẹ đứng đó, dang tay như ngọn hải đăng soi đường dẫn lối cho những đứa con lầm lạc trở về. Mẹ đứng đó, dang tay sẵn sàng ban ơn lành hồn xác cho con cái khắp mọi miền đất nước chạy đến cùng Mẹ. Mẹ đứng đó, dang tay sẻ chia những gian khó thế gian, đồng hành với dân tộc trong tang thương, đổ nát.

3. Thánh tượng Đức Mẹ La Vang Ban Ơn qua thời gian.

Trong giai đoạn này có 2 Thánh tượng Đức Mẹ La Vang Ban Ơn lần lượt được đặt tại Linh đài:

a/ Thánh tượng Đức Mẹ La Vang Ban Ơn 1.

Thánh tượng Đức Mẹ La Vang Ban Ơn 1 tồn tại được 7 năm, từ 1963 đến 1970. Theo lời cha quản nhiệm GB. Nguyễn Văn Đông, do khí hậu khắc nghiệt của miền Trung nên thánh tượng dễ bị hư hỏng, hoen ố, trầy xước, nứt nẻ… Vì vậy hầu như mỗi năm đều phải tu bổ, lấp đầy các vết xước rồi sơn lại. Mỗi lần sơn lại đều tôn trọng màu trắng nguyên thuỷ ban đầu. Thánh tượng chỉ sơn toàn một màu trắng.

Năm 1970, chuẩn bị Đại hội La Vang lần thứ 17, do bức tượng đã có dấu hiệu hư hỏng, kích thước lại hơi nhỏ so với khung cảnh Linh đài, được sự chấp thuận của Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền, cha quản nhiệm GB. Nguyễn Văn Đông đã thay thế bằng bức tượng khác.

b/ Thánh tượng Đức Mẹ La Vang Ban Ơn 2.

Thánh tượng Đức Mẹ La Vang Ban Ơn thứ 2 này cùng kiểu dáng nhưng kích thước lớn hơn, với hai màu sơn: áo trong của Mẹ màu trắng ngà, áo khoác và khăn lúp màu xanh thiên thanh. Bức tượng Đức Mẹ La Vang Ban ơn thứ 2 này chỉ tồn tại được 3 năm (1970-1973), trong đó có 2 năm lành lặn (1970-1972) và một năm thương tích (1972-1973). Thánh tượng bị thương tích trong biến cố Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, bị một mảnh đạn lạc bắn bể đầu.

Tháng 11-1973, cha Tôma Lê Văn Cầu tự nguyện ra La Vang Thượng, nhân đó ngài qua chăm sóc Thánh địa. Thấy cảnh thương tâm ngài cho hạ thánh tượng Đức Mẹ Ban Ơn xuống nhờ người tu sửa lại rồi đặt ở phía sau Vương Cung Thánh Đường cũ. Khi đó phần chái đền thờ chỉ sụp mái, vẫn còn tường. Đến thời cha quản nhiệm Giacôbê Lê Sĩ Hiền, nghĩa là sau sau 35 năm, bức thánh tượng vẫn còn ở vị trí đó. Đến thời cha tân quản nhiệm Micae Phạm Ngọc Hải thánh tượng được dời đi nơi khác.

THÁNH TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG BAN ƠN – MẪU 2 – BỊ MỘT VIÊN ĐẠN LẠC BẮN BỂ ĐẦU TRONG BIẾN CỐ MÙA HÈ ĐỎ LỬA 1972

(Ảnh: Internet)

III. GIAI ĐOẠN 1973 – 1998: TRỞ LẠI THÁNH TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG – NỮ VƯƠNG CHIẾN THẮNG

Linh đài không thể không có tượng, cha Tôma Lê Văn Cầu mượn tạm thánh tượng Nữ Vương Chiến Thắng của giáo xứ Cự Lại, hạt Hương Phú, cách La Vang hơn 60 cây số, đặt lên thay thế.

Ý nghĩa và kiểu dáng thánh tượng Đức Mẹ La Vang – Nữ Vương Chiến Thắng cũng giống như các mẫu tượng trước, chỉ riêng kích thước lớn hơn mẫu tượng do cha Giuse Tường sắm (đã bể nát trong cuộc chiến 1972).

Một đặc điểm khác, bức thánh tượng được sơn một màu dụ trắng trông lạ mắt. Năm 1975, cha sở Diên Sanh Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang được bổ nhiệm kiêm quản nhiệm Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang. Trong hoàn cảnh “khó khăn và tế nhị” ngài ra sức bảo vệ Thánh địa, đặc biệt khu vực Linh đài, nơi có tượng Mẹ. Ban đêm, ngài tổ chức cho thanh niên thay phiên ngủ tại Linh đài nhằm bảo vệ tượng Mẹ.

Kể từ năm 1978, tuy hoàn cảnh vẫn còn đầy khó khăn của nền kinh tế thời hậu chiến, ngài vẫn đều đặn tổ chức theo định lệ “ba năm một lần đại hội” và một năm ba lần hành hương. Vì thế việc bảo vệ tượng Mẹ là hết sức cần thiết.

Do thời tiết khắc nghiệt, mỗi năm ngài đều tìm người có năng khiếu sơn lại tượng Mẹ, không sơn theo màu dụ trắng nguyên thuỷ mà sơn nhiều màu theo màu sơn truyền thống dành cho mẫu tượng Đức Bà Chiến Thắng.

THÁNH TƯỢNG ĐỨC BÀ CHIẾN THẮNG MÀU DỤ TRẮNG MƯỢN TẠM CỦA GIÁO XỨ CỰ LẠI, CHÍNH THỨC ĐƯỢC TÔN KÍNH TẠI LINH ĐÀI ĐỨC MẸ LA VANG TỪ 1973 ĐẾN 1998

(Ảnh: Lm. Phêrô Phan Văn Lợi)

Năm 1995, cha sở Diên Sanh Emmanuen hết nhiệm vụ kiêm nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu La Vang, bàn giao công việc lại cho linh mục tân quản nhiệm Giuse Dương Đức Toại. Thánh tượng Đức Mẹ La Vang – Nữ Vương Chiến Thắng mượn của giáo xứ Cự Lại tiếp tục được tôn kính tại Linh đài.

Nhân Đại lễ khai mạc Năm Thánh Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, 1-1-1998, bức thánh tượng này được sơn lại như mới, được Trung tâm La Vang chụp hình làm ảnh lưu niệm cho khách hành hương.

Đây cũng là thánh tượng Đức Mẹ La Vang kiểu Tây cuối cùng được tôn kính tại Linh đài Đức Mẹ La Vang. Bởi trong dịp Đại lễ Kỷ niệm 200 Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, Đức Tổng Giám mục Huế Têphanô Nguyễn Như Thể, được sự đồng thuận của Hội đồng Giám mục Việt Nam, giới thiệu mẫu thánh tượng Đức Mẹ La Vang nét Việt Nam hoàn toàn mới.

Còn thánh tượng cũ – Nữ Vương Chiến Thắng – được trả về cho giáo xứ Cự Lại, không phải với màu dụ trắng ban đầu mà với nhiều màu đẹp đẽ như khi Mẹ ngự ở La Vang.

Trở về nhà cũ, thánh tượng Nữ Vương Chiến Thắng được đặt ở đài Tứ Giác trong khuôn viên nhà thờ Cự Lại, phía bên trái từ dốc đi lên. Từ ngày đó nhiều người, nhiều lần thị kiến tượng Mẹ bừng sáng lên trong nhà thờ Cự Lại. Đó là phúc lộc La Vang Mẹ mang về làm quà tặng cho giáo xứ Cự Lại, kể từ ngày Mẹ trở về nhà cũ(5).

THÁNH TƯỢNG ĐỨC BÀ CHIẾN THẮNG MƯỢN TẠM CỦA GIÁO XỨ CỰ LẠI ĐƯỢC SƠN LẠI NHIỀU MÀU, ĐƯỢC TÔN KÍNH TẠI LINH ĐÀI TỪ 1973 ĐẾN 1998

(Ảnh: Trung tâm Thánh Mẫu La Vang)

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

(1) Tòa TGM Huế: Thánh địa Đức Mẹ La Vang, tr.13.

(2) Lm. JB Huỳnh Tịnh Hướng: Đi viếng cung thánh Đức Mẹ La Vang. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 737, ngày 3-5-1923, tr.268 +Số 734, ngày 12-4-1923, tr.219.

(3) Lm. Tiến Lãng (CSsR):Kính Mừng Maria, tr.108.

(4) Dục Đức Phạm Đình Khiêm: La Vang 1961. Ns. Trái Tim Đức Mẹ. Số 12, tháng 7-1961, tr.18.

(5) Lm. Phêrô Phan Văn Lợi.

=> Tài liệu dạng Word, nhấn vào đây để tải Chương 5 – Phần 1