Tập sách Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang – Chương 7 – Phần 2

04/06/2023

TRẦN QUANG CHU

(Biên soạn)

 

TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG

 

KỶ NIỆM ĐẠI HỘI LA VANG

LẦN THỨ 27 (2005)

CẬP NHẬT ĐẾN ĐÌNH HOÃN ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 32 (2020, 2021)

 

CHƯƠNG BẢY

BA VỊ GIÁO HOÀNG CỦA ĐỨC MẸ LA VANG

I. ĐỨC THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII.

II. ĐỨC THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II.

1. NHỮNG HUẤN DỤ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II VỀ ĐỀN THỜ ĐỨC MẸ LA VANG(7).

* Huấn dụ của ĐGH Gioan Phaolô II về Đền thờ Đức Mẹ La Vang vào dịp Lễ Tôn phong 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Rôma ngày 19-6-1988, sau khi đọc kinh Truyền Tin.

“Anh chị em thân mến,

Như thường lệ, hôm nay chúng ta đi viếng Đền thánh Đức Mẹ trên khắp thế giới. Cuộc hành hương này không thể không dừng lại tại Việt Nam, dải đất được thêm phì nhiêu nhờ máu của 117 vị Tử Đạo vừa được tôn lên bậc hiển thánh.

Chúng ta dừng lại để tưởng nhớ Đền thánh La Vang thuộc Tổng Giáo phận Huế, ở miền Trung Việt Nam. Tên gọi ‘La Vang’ là do tên của một cánh rừng, nơi đó có một nhà thờ và tại đó thời xưa tín hữu thường đi kiếm củi.

a/ Việc phát triển đền thánh này cũng gắn liền với những thử thách mà các cộng đoàn đã phải chịu, vì vào năm 1798 các Kitô hữu chạy trốn tới đó để tránh cuộc bắt đạo của vua Cảnh Thịnh mà cũng chẳng sợ hãi, lo lắng tới nguy hiểm sẽ bị thú dữ cấu xé, hoặc bị đói khát và bệnh tật. Các tín hữu này đã tập hợp chung quanh một cây đại thụ để lần hạt và xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa.

ĐỨC THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

(Ảnh: Internet)

Truyền tụng bình dân kể rằng Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra nhiều lần, tay bồng Chúa Giêsu Hài Đồng, khuyên nhủ họ kiên trì và bảo đảm ơn trợ giúp che chở.

b/ Khi hòa bình trở lại, thì vào thời gian rất sớm người ta đã thấy mọc lên một ngôi thánh đường nhỏ bằng gỗ, và nơi đây đã trở nên một Trung tâm Hành hương. Nhưng những cuộc bách hại mới và dữ dội hơn đã nhằm vào các tín hữu ở thế kỷ 19. Lòng sùng kính Đức Mẹ là một trong những điểm quan trọng của đức tin nơi các vị Tử Đạo, khi những vị này bị điệu ra pháp trường thì người ta thường thấy các ngài mang tràng hạt ở cổ.

Vào năm 1886, bình an trở lại, ngôi thánh đường nhỏ bằng gỗ kính Đức Mẹ La Vang đã bị những kẻ bắt đạo đốt phá, được thay thế bằng ngôi đền thánh khang trang. Và vào năm 1901, ngôi đền thánh này được khánh thành cách trọng thể do cha Morineau thuộc Hội Thừa sai Paris, có đông đảo tín hữu tham dự.

Vào năm 1961, nhiều năm trước khi đền thánh bị phá hủy (1972), HĐGMVN, trong một bức thư chung, đã tuyên bố đó là Đền thánh Toàn quốc dâng kính Đức Mẹ, và cũng trong năm đó, Tòa Thánh đã nâng lên bậc Tiểu Vương Cung Thánh Đường.

Chúng ta có thể nghĩ rằng những cử chỉ đầy ý nghĩa của quyền bính Giáo hội như vừa nói trên đây đã cho thấy mong ước tái thiết đền thánh, điều mà chúng ta hy vọng sẽ được thực hiện sớm hết sức, trong bầu không khí tự do và hòa bình, để ca tụng Mẹ, Đấng được mọi đời chúc phúc (Lc. 1,48).

Trong bầu không khí đó, nhờ lời cầu bầu của Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, ngôi đền thánh này có thể biểu lộ mọi sinh lực thiêng liêng không những cho người Công giáo Việt Nam, nhưng còn giúp cho sự hòa hợp đất nước và nhờ đó mà đời sống công cộng cũng như đạo đức trên quê hương sẽ được tăng triển”.

* Trong buổi triều yết chung thứ tư hàng tuần, ngày 25-11-1992 tại Rôma, ĐGH Gioan Phaolô II nhắc đến Đền thờ La Vang.

“…Tôi cảm nhận những khó khăn và hy sinh mà người Công giáo Việt Nam phải gánh chịu trong cuộc sống thường ngày. Tôi xin các giáo hữu và anh em yên chí là tôi vẫn gần gũi với anh em trong tâm tư, trong tình thân ái và lời cầu nguyện. Lòng trung thành của anh em đối với Đức Kitô và người kế vị thánh Phêrô, là niềm vinh dự cho toàn thể Giáo hội và là niềm vui lớn lao cho tôi. Tôi xin hết lời cảm tạ Thiên Chúa. Xin Chúa của nguồn hy vọng ban cho anh em tràn đầy hân hoan và an bình trong Thánh Linh, và giúp anh em vững tâm bước đi trên những nẻo đường mà Đấng Quan Phòng đã chỉ dẫn cho Giáo hội ở quê hương anh em.

Sự hiện diện của Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể làm chúng ta nhớ đến ngôi Đền thờ Đức Mẹ La Vang, thuộc Tổng Giáo phận Huế, ở miền Trung Việt Nam. Chúng ta phó dâng toàn thể cộng đồng Công giáo Việt Nam cho Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo. Người đã được tôn sùng trong xứ này gần 200 năm. Chớ gì tín hữu Công giáo Việt Nam được vui sống và lớn mạnh trong bầu không khí tự do, an hòa và đóng góp đặc biệt vào đà vươn lên của người dân và tiến bộ đạo đức của đất nước”.

* ĐGH Gioan Phaolô II phó thác cộng đồng tín hữu Việt Nam cho lời chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang. Denver, USA, 15-8-1993.

Từ ngày 11-8 đến 15-8-1993, dưới sự chủ tọa của ĐGH Gioan Phaolô II, Đại hội Quốc tế Giới trẻ Công giáo lần thứ năm diễn ra tại Denver, bang Colorado, Hoa Kỳ. Cùng thời gian này, tại Việt Nam, từ 13-8 đến 15-8-1993 diễn ra Đại hội Đức Mẹ La Vang lần thứ 23.

Vào ngày Bế mạc Đại hội Giới trẻ Công giáo Quốc tế, cũng là ngày Bế mạc Đại hội Đức Mẹ La Vang lần thứ 23 (15-8-1993), trong cuộc gặp gỡ 20.000 tín hữu Công giáo Việt Nam hải ngoại, sau lễ đồng tế, ĐGH Gioan Phaolô II đã “Phó thác cộng đồng tín hữu Việt Nam cho lời chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang”:

“Người là Mẹ quý mến đã hiện ra năm 1798 để an ủi những Kitô hữu bị bắt bớ dưới thời Cảnh Thịnh. Sắp tới đây Giáo hội Việt Nam – đã được dâng hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm – sẽ mừng hai trăm năm biến cố này.

Chớ gì thời gian chuẩn bị mừng Đại lễ này là một dịp nung nóng lại lòng tin và đời sống đạo (một dịp để củng cố tình đoàn kết với cộng đồng Công giáo tại quê nhà), một dịp để hồi tưởng lại quá khứ, và cũng là một dịp để chuẩn bị một tương lai xán lạn cho các thế hệ Việt Nam mai sau. Chớ gì họ lớn lên trong niềm hiên ngang chính đáng với cội nguồn dân tộc, với sự phong phú của nền văn hóa, với sự cao thượng tâm linh của tổ tiên, bất khuất trước những cơn thử thách mọi mặt.

Xin Đức Giêsu Kitô nâng đỡ anh em trong niềm tin, cậy, mến. Xin Ngài chúc phúc cho gia đình anh em trong sự tín nghĩa, hài hòa, an vui. Xin Chúa chúc phúc cho dân tộc Việt Nam”.

* ĐGH Gioan Phaolô II cầu xin Đức Mẹ La Vang phù trợ, hướng dẫn tín hữu Công giáo Việt Nam. Rôma, thứ tư, 26-10-1994.

Trong buổi triều yết chung, thứ tư 26-10-1994, có sự hiện diện của các linh mục, tu sĩ và giáo dân Việt Nam đến Rôma tham dự tuần lễ Thần học và Mục vụ, ĐGH Gioan Phaolô II đã ban huấn từ:

“Đặc biệt, tôi gởi lời chào thân ái đến các linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo hữu Việt Nam đến Rôma tham dự tuần lễ chia sẻ Thần học và Mục vụ.

Đang lúc Giáo hội Việt Nam chuẩn bị mừng HAI TRĂM NĂM ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI LA VANG, tôi mời gọi anh em luôn đào sâu đức tin, và hiệp thông với tín hữu trong đất nước anh em, để chuẩn bị một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ Việt Nam mai sau.

Xin Đức Mẹ La Vang phù trợ cho anh em, và xin Người đi trước, hướng dẫn tín hữu Công giáo Việt Nam – đã được dâng hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ năm 1960 trong cuộc hành trình đức tin”.

* ĐGH Gioan Phaolô II khẩn nài lời chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang, Đấng phù hộ Giáo hội tại Việt Nam.

Vatican, 10-6-1996.

Thư của Đức Hồng y Quốc Vụ khanh Angelo Sodano.

Ngày 10-6-1996, nhân lúc Giáo hội Việt Nam chuẩn bị Đại hội La Vang 24 (13-8 – 15-8-1996), Đức Hồng y Angelo Sodano, Quốc Vụ khanh Tòa Thánh đã nhân danh ĐGH Gioan Phaolô II, gởi thư đến Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể, Giám quản Tông tòa Giáo phận Huế, khẩn nài lời chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang là Đấng phù hộ Giáo hội tại Việt Nam:

“Kính thưa Đức cha,

Nhân dịp Đại hội Hành hương ba năm một lần tại Đền thờ Đức Mẹ La Vang, ĐTC hiệp thông với niềm vui và kinh nguyện của Dân Chúa và của các vị chủ chăn tại Giáo phận Huế và trong cả nước Việt Nam cùng nhau đến nơi đây để tôn vinh và ngợi khen Đức Trinh Nữ rất thánh, là Đấng an ủi và nâng đỡ họ trong các gian nan thử thách.

Đức Thánh cha khuyến khích mọi tín hữu phải sống đức tin một cách nhiệt thành và can đảm, trong tình hiệp thông Giáo hội đậm đà. Nhờ vậy các tín hữu mới xây dựng Giáo hội là thân thể sống động của Chúa Kitô.

Đức Thánh cha mời gọi các tín hữu hãy tin tưởng chạy đến với Đức Trinh Nữ Maria mà học biết đón nhận Chúa Kitô, giữ Chúa sống trong lòng và trở nên những chứng nhân chiếu tỏa Chúa giữa anh em đồng bào mình.

Đức Thánh cha khẩn nài lời chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang là Đấng phù hộ Giáo hội tại Việt Nam, đồng thời ngài rộng lòng ban Phép lành Tòa Thánh cho các Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và toàn thể giáo dân hiện diện trong dịp Đại hội này.

Cùng với những lời cầu chúc của riêng tôi cho cuộc lễ hồng phúc này, xin Đức cha nhận nơi đây tâm tình thân thiết và chân thành của tôi”.

* ĐGH Gioan Phaolô II phó thác Giáo hội Việt Nam cho Đức Mẹ La Vang(8). Rôma, 14-12-1996.

Sáng ngày 9-12-1996, tại điện Vatican, ĐGH Gioan Phaolô II đã tiếp kiến phái đoàn I gồm 6 Đức Giám mục Việt Nam (ĐHY Giuse Phạm Đình Tụng, TGM Têphanô Nguyễn Như Thể, GM Phaolô Bùi Chu Tạo, GM Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, GM Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách, và GM Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm) đến Rôma viếng mộ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ.

Tương tự, ngày 10-12-1996, ĐGH tiếp kiến phái đoàn II, gồm 8 Giám mục Việt Nam (GM Giuse Nguyễn Tùng Cương, GM Giuse Trần Xuân Hạp, GM Phaolô Nguyễn Minh Nhật, GM Giuse Nguyễn Duy Nhất, GM Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, GM Giuse Trịnh Chính Trực, GM Phêrô Trần Thanh Chung và GM Gioan Baotixita Bùi Tuần).

Ngày thứ bảy 14-12-1996, trước khi phái đoàn các Giám mục Việt Nam rời Rôma về nước, ĐGH Gioan Phaolô II, trong lời huấn dụ, đã nói: “Tôi phó thác anh em cho sự phù trợ, che chở của Mẹ Chúa Kitô, Đức Mẹ La Vang mà anh em sắp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra, sẽ mừng vào ngày 15 tháng 8 năm 1998”.

* ĐGHGioan Phaolô II phó thác các Đức Giám mục và Giáo hội Việt Nam cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang.

Ngày thứ ba 22-1-2002, nhân dịp các Đức Giám mục Việt Nam đi Rôma viếng mộ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, đã cùng dâng thánh lễ đồng tế với Đức Thánh cha tại nhà nguyện riêng trong Phủ Giáo hoàng. Sau lễ, trong buổi triều yết chung, ĐTC đã ban huấn từ phó thác các Đức Giám mục Việt Nam cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang. Ngài nói:

“Tôi phó thác anh em cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang, Đấng mà năm ngoái anh em đã mừng kính một cách đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đại hội Thánh Mẫu lần đầu tiên vào ngày 15-8. Tôi biết lòng tín thác của anh em đối với Mẹ Đức Kitô. Xin Mẹ soi sáng con đường của anh em…

Tôi rất vui lòng ban Phép lành Tòa Thánh đầy tình yêu thương cho từng người trong anh em, cho các linh mục, tu sĩ nam nữ và tất cả các giáo dân Việt Nam”.

2. ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II VỚI NĂM TOÀN XÁ ĐỨC MẸ LA VANG – KỶ NIỆM 200 NĂM ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI LA VANG.

* Tòa Thánh ban phép mở năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang (từ 1-1-1998 đến 15-8-1999)(9).

TÒA XÁ GIẢI TỐI CAO

Prot. N. 99/97/1

“Trọng kính Đức Thánh cha,

ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, TGM Hà Nội và Chủ tịch HĐGMVN, cùng với Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể, Giám quản Tông tòa Giáo phận Huế, kính cẩn trình bày về việc Đền thánh Đức Mẹ La Vang, nằm trong địa hạt Tổng Giáo phận Huế, được xây dựng cách đây 200 năm. Đền thánh này đã được các Giám mục Miền Nam Việt Nam quyết định gọi là Đền thánh Toàn quốc ngày 13-4-1961. Để tưởng thưởng cách xứng đáng đức tin bất khuất của người Kitô hữu, Đức Thánh cha Gioan XXIII đáng kính nhớ đã tôn phong đền thánh này lên tước hiệu và vinh dự Tiểu Vương Cung Thánh Đường trong tông thư ‘Magno Nos Solatio’ ngày 8 tháng 8 năm 1961.

Để mừng kỷ niệm hai trăm năm này cách xứng đáng và tạ ơn Thiên Chúa toàn năng cho phải đạo, những nghi lễ tôn kính đặc biệt và những việc đạo đức này được đề ra chủ yếu là để hỗ trợ đức tin, đức cậy và đức mến cách tích cực hơn nơi các Kitô hữu, củng cố tình hiệp thông phẩm trật với Đức Thánh cha và với các vị chủ chăn của mình và hướng dẫn lối sống cho phù hợp với Tin Mừng và như vậy cũng chuẩn bị tâm hồn họ đón nhận dồi dào hơn hồng ân Năm Thánh 2000 sắp tới.

Để đạt được cách hoàn hảo hơn những ân huệ thiêng liêng này, Đức Hồng y đứng tên thỉnh cầu trên đây kính xin Đức Thánh cha ban Ơn Toàn Xá cho các Kitô hữu”.

Ngày 20 tháng 10 năm 1997.

“Tòa Xá giải Tối cao, thừa lệnh đặc biệt của Đức Thánh cha, sẵn sàng ban Ơn Toàn Xá, với những điều kiện thông thường – xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh cha, và dứt bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi – cho các Kitô hữu được hưởng nhờ tại đền thánh La Vang, trong thời gian nói trên, khi họ sốt sắng tham dự bất cứ lễ nghi tôn kính nào, hoặc ít ra là đọc một kinh Lạy Cha và kinh Tin kính:

a/ Vào 2 ngày cử hành trọng thể Khai mạc và Bế mạc.

b/ Vào các ngày tổ chức giảng Lời Chúa hoặc đọc Kinh Thánh tại đền thánh đó.

c/ Mỗi lần họ sốt sắng tham gia các cuộc hành hương đạo đức tại đền thánh đó do một Đức Giám mục hướng dẫn, hoặc do từng nhóm tự động tổ chức.

d/ Một lần vào một ngày do mỗi tín hữu tự ý chọn (nghĩa là ngoài ba trường hợp trên, riêng mỗi tín hữu còn được hưởng Ơn Toàn Xá một lần khác [tại La Vang] vào một ngày do mình tự chọn).

Ơn Toàn Xá này cũng được ban, với những điều kiện nói trên, cho bất cứ nhà thờ nào của bất cứ giáo phận nào, trong mười ngày do ĐGM chỉ định, khi nơi đó có tổ chứcbất cứ lễ nghi trọng thể nào để tôn vinh Đức Mẹ La Vang.

Bất cứ điều gì trái nghịch không thể cản trở việc ban hành này”.

Hồng Y Villelmus Baum,

Chánh án Xá giải.

UM. Todeschini.

L.s.

* Sứ điệp của ĐGH Gioan Phaolô II nhân dịp Năm Toàn Xá kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang(10).

“Nhân dịp khai mạc Năm Toàn Xá Kỷ niệm 200 năm Đức Trinh Nữ Maria hiện ra tại La Vang, tôi nhiệt tình chung vui và tạ ơn Thiên Chúa với các Giám mục Việt Nam và với các tín hữu trong giáo phận các ngài.

Tại đền thánh này, vốn rất được tín hữu Công giáo Việt Nam quý mến, vang lên một Sứ điệp Hy vọng mà Mẹ Thiên Chúa đã gởi đến con cái Người vào năm 1798, giữa những thống khổ tinh thần và thể xác, khi Mẹ nói: ‘Các con hãy tin tưởng, hãy vui lòng chịu đựng đau khổ, Mẹ đã nhận lời các con cầu xin. Từ nay về sau, hễ ai đến kêu xin Mẹ nơi đây, sẽ được toại nguyện’.

Suốt hai thế kỷ, sứ điệp ấy vẫn luôn luôn hợp thời, đã được sốt sắng đón nhận tại La Vang. Mặc cho những thử thách lớn lao đã đánh dấu dòng lịch sử của La Vang, Trung tâm Thánh Mẫu này, nay trở thành Trung tâm Toàn quốc, đã duy trì được các cuộc hành hương liên tục như một truyền thống sinh động. Mang tâm sự thầm kín, rất nhiều người, đủ mọi thành phần, đủ mọi hoàn cảnh, đến phó thác cho Mẹ trên trời những hoàn cảnh lắm lúc khó khăn. Tôi chúc tụng Thiên Chúa đã không bao giờ bỏ rơi toàn dân này trong những ngày hạnh phúc cũng như trong những lúc khốn đốn.

Tôi cầu chúc cho những tín hữu, trong Năm Toàn Xá này sẽ đến cầu nguyện với Đức Mẹ La Vang tại đền thánh của Người ở những nơi khác, được tìm thấy một sức thúc đẩy tông đồ mới cho đời sống Kitô hữu của họ, và nhận lãnh ơn an ủi và sức mạnh để đương đầu với những âu lo trong cuộc sống. Tôi mời gọi họ nhìn thấy nơi Đức Maria một người Mẹ mà chính Đức Giêsu đã ban tặng cho loài người, một người Mẹ sẽ dẫn dắt họ đến với Người Con thần linh của mình.

Vì đã sống cách hoàn hảo thân phận người môn đệ Chúa, Mẹ kêu gọi các Kitô hữu tiến bước trên con đường sống Tin Mừng hăng say. Ước gì Mẹ lôi cuốn họ thành những người hành hương của niềm hy vọng, hướng tới sự mong đợi giờ phút Thiên Chúa gặt hái mùa màng đã gieo vào lòng đất, thành những người hành hương của lòng bác ái, sống ơn gọi hiệp nhất, huynh đệ và phục vụ giữa các anh chị em mà họ chia sẻ cuộc sống.

Trong khi chúng ta bước vào năm thứ hai chuẩn bị Năm Đại Toàn Xá 2000, năm dành riêng cho Chúa Thánh Thần, tôi động viên người Công giáo Việt Nam hãy chiêm ngắm nơi Đức Maria, hình ảnh một Người Nữ khiêm tốn trong nhân loại đã để cho tác động bên trong của Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Mẹ kết hiệp đậm đà và sâu xa với Thiên Chúa, Mẹ đã trung thành và trọn vẹn vâng theo các lời mời gọi của Ngài. Ước gì mọi người có thể khám phá ra nơi Mẹ một Người Nữ thầm lặng và lắng nghe, suy đi nghĩ lại trong lòng những gì mà Thánh Thần của Chúa đã soi sáng cho Mẹ nhận thức: Đó là sự hiện diện ưu ái và tác động thánh hóa của Ngài. Mẹ không hề chán nản thất vọng vì các khó khăn. Mẹ đã thể hiện đầy đủ khát vọng tiềm ẩn nơi những người nghèo khó của Thiên Chúa. Do đó Mẹ là mẫu gương sáng ngời cho những ai thành tâm tin tưởng vào lời hứa của Chúa (Tiến về Ngàn năm thứ ba, số 48).

Tôi đồng tâm hiệp ý trong lời cầu nguyện với đông đảo khách hành hương về La Vang, và thiết tha khẩn cầu Mẹ Chúa Kitô, Mẹ nhân loại, cho toàn thể dân tộc Việt Nam cũng như các cộng đoàn Kitô hữu người Việt sống ở nước ngoài. Ước gì họ đặt tin tưởng vào Đức Trinh Nữ rất thánh, Đấng đang đồng hành với họ trong cuộc lữ hành trần thế với tất cả tình hiền mẫu. Dù sống bất cứ nơi đâu, ước gì họ là những môn đệ của Chúa Kitô, trung thành và quảng đại làm chứng nhân cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa ở giữa anh chị em mình.

Trong dịp hồng phúc Kỷ niệm 200 năm Đức Trinh Nữ hiện ra tại La Vang, tôi thân ái gởi Phép lành Tòa Thánh đến ngài, cũng như đến các Giám mục, linh mục, những người chuẩn bị làm linh mục, các tu sĩ nam nữ và toàn thể tín hữu ở Việt Nam và hải ngoại”.

Vatican, ngày 16 tháng 12 năm 1997.

Gioan Phaolô II, Giáo hoàng

* ĐGH Gioan Phaolô II ban tặng Chén thánh và Huy hiệu Giáo hoàng.

Nhân dịp Đại Lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang (13-8- 15-8-1998), ĐTC Gioan Phaolô II đã ban tặng Chén thánhHuy hiệu Giáo hoàng.

Chén thánh hình bán cầu, mạ vàng, màu vàng thắm, kiểu dáng thông dụng. Nhìn xa chỉ thấy óng ả, vàng mướt, trơn tru, nhưng lại gần, nhìn kỹ, hoa văn chìm ẩn, lượn lờ, duyên dáng. Đó là một công trình nghệ thuật siêu hạng trong công nghệ đồ thờ kim loại Âu châu.

Quà tặng đặc biệt của Đức Thánh cha mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng: “Một quà tặng đầy ý nghĩa, như là Đức Thánh cha vẫn hiện diện tại La Vang để cùng chúng ta dâng Hy lễ Tạ ơn. Từ nay, mỗi thánh lễ chính thức được cử hành tại La Vang sẽ dùng chính chén thánh của Đức Thánh cha tặng để nói lên sự hiệp thông sâu đậm nhất của chúng ta với Đức Thánh cha và để cầu nguyện đặc biệt cho Đức Thánh cha”(11).

CHÉN THÁNH VÀ HUY HIỆU GIÁO HOÀNG

 (Ảnh: Tòa TGM Huế: La Vang 200 Năm, 1999)

Chén Thánh được ban tổ chức đặt vào một khuôn kính trang trọng, kê trên chiếc bàn chữ nhật sơn son thếp vàng, phía sau là bức họa Huy hiệu Giáo hoàng, được trưng bày trên Lễ đài, góc phải, trước, trong suốt thời gian Đại hội. Trong lời chào mừng Đức TGM Huế và các Đức GM vào chiều khai mạc 13-8-1998, linh mục TĐD Huế Stanilaô Nguyễn Đức Vệ đã trịnh trọng giới thiệu với Đại hội chén thánh của ĐTC ban, một trong hai kỷ vật (kỷ vật kia là thánh tượng Đức Mẹ La Vang trên Linh đài do HĐGMVN tặng), “như chính sự hiện diện hiệp thông của ngài giữa chúng con trong dịp Đại lễ hồng phúc này. Chúng con xin thành kính tri ơn ĐTC”.

* ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, TGM Hà Nội, làm Đặc sứ chủ tọa Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang.

Thân gửi hiền đệ đáng kính,

Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng,

Tổng Giám mục Hà Nội, Chủ tịch HĐGMVN.

Nay đã đến ngày mừng Kỷ niệm 200 năm Đức Trinh Nữ Maria, theo lời truyền tụng, hiện ra tại thôn La Vang trong Tổng Giáo phận Huế, để nhắc lại những lời khuyên của Tin Mừng, để ban niềm hy vọng lành thánh cho mọi người. Ngoài ra, tôi cũng biết rằng đền thánh này có một địa vị đặc biệt vì đã được Đức cố Giáo hoàng Gioan XXIII đáng kính nhớ nâng lên hàng Tiểu Vương Cung Thánh Đường. Hơn nữa, mọi người đều dư biết rằng tôi có lòng sùng kính mãnh liệt đối với Đức Trinh Nữ và được Người ưu ái gìn giữ, họ thừa hiểu rằng chính nhờ đó mà biết bao nhiêu phúc lộc và ơn trợ giúp từ trên tuôn xuống cho các tín hữu ở khắp mọi nơi.

Vì vậy, cần phải làm hết sức để biến cố này được mừng kính cách xứng hợp và được biểu dương đến mức tối đa. Thật thế, cuộc cử hành này tạo cơ hội và điều kiện để không những nhắc nhở đến sự kiện trên, mà còn làm nảy sinh nơi các tâm hồn một lòng đạo đức sốt sắng hơn, một đức tin vững vàng và những quyết tâm mạnh mẽ hơn.

Tôi biết rằng lễ mừng kính 200 năm, kể từ ngày xảy ra biến cố xa xưa kia sẽ được cử hành trọng thể vào các ngày từ 13 đến 15 tháng 8, để cộng đồng Giáo hội múc lấy sức mạnh từ đó mà tiếp nhận những ơn trợ giúp phong phú hơn và trổ sinh nhiều hoa trái dồi dào hơn.

Vì lẽ đó, tôi ước mong bày tỏ công khai lòng trìu mến và ưu ái của tôi đối với các tín hữu Việt Nam và hết mọi người ở đó, đồng thời hiện diện trong tinh thần để thông công mừng kính ngày tưởng niệm nói trên, tôi đã tha thiết mong muốn và quyết định cử một vị nào sáng giá để thay mặt cho tôi, tôi đã nghĩ đến ngài, thưa Hiền đệ đáng kính của tôi, vì ngài là người con ưu tú của đất nước Việt Nam, hoàn toàn xứng đáng để thi hành sứ vụ này và hoàn thành tốt đẹp. Vì thế với lòng quý mến sâu xa, thưa Hiền đệ đáng kính của tôi, tôi công bố và bổ nhiệm ngài làm Đặc sứ để cử hành ngày Đại lễ nói trên.

Vậy xin Hiền đệ bày tỏ cho toàn thể mọi người tham dự và hết thảy các tín hữu lòng ưu ái của tôi và thúc giục họ sùng kính mến yêu Đức Maria. Tôi cũng muốn Hiền đệ nhân danh tôi và lấy quyền tôi mà ban cho mọi người Phép lành Tòa Thánh, như là dấu hiệu đổi mới các tâm hồn và bảo chứng một lòng trông cậy vững vàng hơn”.

Vatican, ngày 1 tháng 8 năm 1998.

Năm thứ 20 triều Giáo hoàng của tôi.

* Sứ điệp của ĐGH Gioan Phaolô II nhân dịp Đại lễ Bế mạc Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang – Đại hội La Vang 25.

*a/ “Nhân dịp Bế mạc Năm Thánh Đức Mẹ và Đại hội Hành hương lần thứ 25 tại Đền thánh Đức Mẹ La Vang, tôi hiệp ý cầu nguyện với các tín hữu Việt Nam và các người hành hương chạy đến cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, hiền mẫu cầu bầu. Nguyện xin Mẹ chí thánh đồng hành với Giáo hội Công giáo Việt Nam trên con đường đi về với Chúa và phù trợ cho Giáo hội Việt Nam được trở nên chứng tá trước ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba.

‘Từ hai ngàn năm qua, Hội Thánh là chiếc nôi mà Đức Mẹ đặt Chúa Giêsu vào và trao phó Ngài cho muôn dân tôn thờ và chiêm ngắm’ (Sắc chỉ “Mầu Nhiệm Nhập Thể” ấn định Năm Toàn Xá, số 11), để họ không ngớt cầu khẩn Mẹ đầy lòng lân tuất. Con người luôn tìm được nơi nương náu và lòng can đảm dưới sự che chở của Mẹ. Thật vậy, Đức Maria ‘đã tỏa sáng trên trần gian như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho Dân Chúa đang lữ hành giữa những khó khăn ở đời này’ (Lumen Gentium, số 68). Mẹ là Mẹ của Hội Thánh đang tiến bước, Hội Thánh mà Mẹ vẫn tiếp tục sinh hạ, đồng thời Mẹ luôn mời gọi con người đón nhận lời hứa của Thiên Chúa như Mẹ, và trở nên những người luôn truyền Tin Mừng nhờ Chúa Thánh Thần trợ lực”.

*b/ “Các tín hữu hãy học hỏi nơi Mẹ một cách đặc biệt, khi tiến gần đến Năm Đại Toàn Xá; họ được kêu mời không ngừng gia tăng việc hoán cải, củng cố đức tin của mình, chuyên chăm nhiều hơn vào Lời Chúa và sẵn sàng phục vụ anh chị em mình. Đối với người môn đệ Chúa Kitô, Mẹ Maria là gương mẫu tuyệt hảo về đời sống Kitô hữu. Mẹ chuẩn bị tâm hồn chúng ta đón tiếp Đức Kitô, bằng cách dạy chúng ta hãy thi hành những gì Đức Kitô nói, như Mẹ đã bảo với gia nhân trong tiệc cưới Cana (Ga 2,5). Mẹ mời gọi chúng ta thực hiện như chính Mẹ đã làm cho người chị họ Elizabeth, là đi đến gặp gỡ những ai cần được chúng ta nâng đỡ và trợ giúp (Lc 1, 39 – 45). Như thế, chúng ta nhận được ở nơi Người Mẹ chí ái niềm vui tìm gặp Thiên Chúa và thi hành sứ mạng đối với anh chị em mình, đó là hai khía cạnh của đức mến Kitô giáo.

Khi chúng ta quay về với Đức Maria, niềm hy vọng của chúng ta cũng được khơi dậy. Thật thế, Mẹ là thành phần của nhân loại – và trong Mẹ – chúng ta chiêm ngắm vinh quang mà Thiên Chúa hứa ban cho những ai đáp lại lời mời gọi của Ngài. Bởi vậy, tôi kêu mời các tín hữu hãy tín thác vào Người Mẹ chung của chúng ta, thường được kêu cầu dưới danh hiệu Sao Biển, để họ được luôn vững vàng gắn bó với Đức Kitô và có thể làm chứng cho tình yêu của Ngài, giữa bão tố của tội lỗi và các biến cố lịch sử lắm lúc đau thương. ‘Dõi theo Mẹ anh chị em sẽ không lạc đường, kêu cầu Mẹ anh chị em sẽ không phải thất vọng, nghĩ đến Mẹ anh chị em sẽ không bị lầm lạc. Nếu Mẹ nâng đỡ anh chị em sẽ không đắm chìm, nếu Mẹ che chở anh chị em sẽ không phải lo sợ gì, dưới sự hướng dẫn của Mẹ anh chị em sẽ không còn mệt nhọc, nhờ ơn Mẹ anh chị em sẽ đạt tới cùng đích’ (Thánh Bênađô, bài giảng thứ hai về các lời Phúc Âm: Thiên sứ Gabrien được sai đến)”.

*c/ “Khi đi về Đền thánh Đức Mẹ La Vang – nơi thân yêu của giáo hữu Việt Nam – người hành hương đến tín thác cho Mẹ những vui mừng và lao nhọc, những hy vọng và đau thương của mình. Như thế, họ quay về với Thiên Chúa và trở thành những người chuyển cầu cho gia đình và cho toàn thể dân tộc mình. Xin Chúa đặt vào trong tâm hồn mọi người những tâm tình hòa bình, huynh đệ và liên đới, để tất cả mọi người Việt Nam hiệp nhất với nhau mỗi ngày một hơn, ngõ hầu xây dựng một thế giới, trong đó con người sống tốt đẹp hơn, trên nền tảng những giá trị tinh thần và luân lý thiết yếu – và trong đó – mỗi người có thể nhìn nhận theo phẩm giá con cái Thiên Chúa và có thể quay về với Cha trên trời là Đấng ‘giàu lòng thương xót’, trong tự do và với tình con thảo (Eph 2,4)”.

*d/ “Lòng trí tôi gần gũi với Đức cha một cách đặc biệt trong thời gian này, khi Giáo hội trên quê hương của Đức cha đang tôn vinh Mẹ Đấng Cứu Thế. Tôi phó thác Đức cha cho sự cầu bầu của Thánh Mẫu La Vang. Tôi rất vui lòng và thân ái ban Phép lành Tòa Thánh cho Đức cha và cho tất cả các vị chủ chăn, cũng như cho những người hành hương sẽ dừng chân nơi đền thánh trong tinh thần Năm Toàn Xá và cho toàn thể các tín hữu Công giáo Việt Nam”.

Vatican, ngày 16-7-1999.

Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

* ĐGH Gioan Phaolô II sẽ đến La Vang?

ĐGH Gioan Phaolô II sẽ viếng thăm những quốc gia nào trong chuyến công du sắp tới, và địa điểm nào sẽ được chọn để công bố bản huấn dụ kết thúc Thượng Hội đồng Giám mục Á Châu, đã được tổ chức ở Rôma từ 19-4 đến 14-5-1998.

Macao chăng?

Thống đốc Vieira đã đến Rôma để mời ĐGH Gioan Phaolô II đến thăm Macao. Vatican hoan nghinh ý tưởng này, vì cho rằng Macao sẽ là nơi thích hợp để ĐGH đến thăm và công bố bản huấn dụ Thượng Hội đồng Giám mục Á Châu. Cuộc viếng thăm Macao còn có giá trị biểu tượng, vì bán đảo này là căn cứ của các nhà truyền giáo đã đem Tin Mừng vào Trung Quốc và Nhật Bản trong bốn thế kỷ qua. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao e ngại rằng chuyến đi của ĐGH tới Macao có thể gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh. Bởi vì Macao từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha và sẽ được trao trả cho Trung Quốc vào tháng 12-1999.

Ấn Độ chăng?

Trong các cuộc thảo luận của Thượng Hội đồng Giám mục Á Châu,nhiều vị Giám mục đề nghị ĐGH đến Ấn Độ, mà Calcutta và New Delhi được nhắc đến nhiều nhất. Nhưng những cuộc đụng độ giữa người Kitô giáo và Ấn giáo gần đây khiến người ta lo ngại đến vấn đề an ninh.

Irắc chăng?

Một nơi mà Tòa Thánh cũng đã nghĩ đến(12).

Trong khi chưa có công bố chính thức ở đâu, khi nào ĐGH Gioan Phaolô II sẽ viếng thăm Châu Á – chỉ biết một cách không chính thức ĐGH sẽ công du vào cuối năm 1999 – thì ở Việt Nam, HĐGMVN đã có quyết định mời Đức Thánh cha đến thăm Việt Nam và chủ tọa Lễ Bế Mạc Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang – Đại hội La Vang 25.

Đức Tổng Giám mục Huế Têphanô Nguyễn Như Thể, trong bài đúc kết “Tổng giáo phận Huế năm 1998”(13) đã viết: “Năm 1998, Giáo hội Công giáo tại Việt Nam đã thành kính long trọng kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang với Năm Toàn Xá đặc biệt kéo dài từ 1-1-1998 đến 15-8-1999. Vào dịp lễ Đức Mẹ Lên Trời năm nay, 15-8-1999, Giáo hội Công giáo tại Việt Nam sẽ bế mạc Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang từ 13-8 đến 15-8-1999. Giáo hội Công giáo tại Việt Nam đang sốt sắng cầu nguyện và mong ước được đón tiếp Đức Thánh cha đến La Vang vào dịp này”.

Ngày 4-3-1999, trả lời phóng viên hãng Thông Tấn FIDES, ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng cho biết: “Dân chúng Việt Nam cầu mong cho có những liên lạc ngoại giao giữa Tòa Thánh và Chính phủ Việt Nam, bởi vì điều này sẽ làm cho chuyến viếng thăm Việt Nam của Đức Thánh cha được dễ dàng hơn. Tôi đã chính thức xin Chính phủ mời Đức Thánh cha Gioan Phaolô II sang thăm Việt Nam, nhưng cho đến bây giờ tôi chưa nhận được sự trả lời nào. Chúng tôi chờ đợi và cầu nguyện, bởi vì còn nhiều vấn đề khó khăn…”.

Mọi người nóng lòng chờ đợi.

Nhưng cùng ngày 4-3-1999, trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phan Thúy Thanh, đã trả lời những câu hỏi liên quan đến việc ĐGH Gioan Phaolô II viếng thăm Việt Nam(14):

“Theo tôi hiểu, Giáo hoàng là người đứng đầu Tòa Thánh, là một nhân vật quan trọng. Theo thông lệ, việc mời đón Giáo hoàng không phải là đơn giản. Theo ủy quyền của Chính phủ Việt Nam, ngày 20-1-1999, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam đã gặp Hồng y Phạm Đình Tụng, Chủ tịch HĐGMVN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ rằng, việc này (mời, đón Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II) hiện nay chưa thực hiện được”.

Mọi hy vọng đón tiếp Đức Thánh cha của giáo dân Việt Nam đã tan thành mây khói.

3. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II VỚI ĐẠI HỘI LA VANG 26.

* Phép lành của ĐGH Gioan Phaolô II.

Phủ Quốc Vụ khanh Tòa Thánh

Số 514.494

“Vatican, ngày 24 tháng 6 năm 2002,

Kính gởi: Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể – Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế.

Nhân dịp Đại hội Hành hương lần thứ 26 tại Đền thánh Đức Mẹ La Vang, Đức Thánh cha hiệp ý chung lời cầu nguyện với các tín hữu Tổng Giáo phận Huế cùng vị Tổng Giám mục của mình và với các tín hữu trong toàn nước Việt Nam, đến tham dự Đại hội Hành hương đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba, để sốt sắng tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria, là ngôi sao sáng của công cuộc Tân Phúc Âm hóa.

Đức Thánh cha mời gọi các vị mục tử và các tín hữu hãy múc lấy nơi chứng tá hùng hồn của Mẹ Đấng Cứu Thế một lòng can đảm tươi mới, để trở thành những chứng nhân tỏa sáng niềm hy vọng Kitô giáo. Ước mong nhờ Lời Chúa nuôi dưỡng, và được no thỏa nhờ Phép Thánh Thể là bí tích xây dựng Thân Mình Mầu Nhiệm Đức Kitô, họ có thể cùng Mẹ ra khơi, trung tín ấp ủ trong lòng mầu nhiệm Chúa Kitô như Mẹ, để sống và can đảm loan báo niềm tin giữa đồng bào của mình.

Đức Thánh cha cầu xin Thánh Mẫu La Vang cầu thay nguyện giúp, phù hộ che chở Giáo hội tại Việt Nam. Ngài cũng rộng lòng ban Phép lành Tòa Thánh cho các Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, và cho tất cả giáo dân hiện diện trong dịp hồng phúc này”(15).

Hồng y Angelo Sodano,

Quốc Vụ khanh Tòa Thánh.

* Sắc lệnh Tòa Thánh chấp thuận Thánh lễ và các Bài đọc tôn kính Đức Maria sử dụng tại Trung tâm Thánh Mẫu La Vang bằng tiếng La Tinh và tiếng Việt.

Ngày 2-8-2002, Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích đã ban hành Sắc lệnh số Prot. 1439/02/1, do Đức TGM Thư ký Francesco Pio Taveburrino ký, gởi Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể. Toàn văn như sau:

“Trọng kính Đức cha. Tôi vui mừng kính gởi đến Đức cha sắc lệnh của Bộ Phụng tự Và Kỷ luật các Bí tích, chấp thuận bản văn La Tinh và Việt ngữ, Thánh lễ và các Bài đọc tôn kính Đức Trinh Nữ Maria, sẽ được sử dụng tại Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang trong Tổng Giáo phận của Đức cha.

Trong ít ngày nữa Đền thánh La Vang sẽ cử hành Đại hội Hành hương toàn quốc tôn kính Đức Trinh Nữ Maria. Đúng là một dịp thuận lợi để đào sâu lòng sùng kính Đức Maria cho tất cả những ai đến nơi đó bày tỏ lòng tôn kính Thánh Mẫu Chúa Trời là Đấng rất thân thương đối với các tín hữu Việt Nam.

Trân trọng kính xin Đức cha nhận nơi đây tâm tình quý mến của tôi”(16).

(Còn tiếp)

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

(7)Tòa TGM Huế: Thánh địa Đức Mẹ La Vang, 1998, từ tr.31 +Kỷ yếu Phong thánh Tử Đạo Việt Nam – Lễ Phong thánh (19-6-1988), từ tr.99.

(8) Tb. Công giáo và Dân tộc. Số 1087-1088, chủ nhật 22-12-1996, tr.10.

(9) Tòa TGM Huế: La Vang 200 năm. NXB Thuận Hóa. 1999, tr.10.

(10)Đài Chân lý, ngày 13-1-1998 + Tòa TGM Huế: La Vang 200 năm. NXB Thuận Hóa, tr.26-27.

(11) Trích lời chào mừng ĐHY Chủ tịch HĐGMVN của Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể, trong thánh lễ chiều 14-8-1998 tại La Vang.

(12) Nội dung trên từ Tb. Công giáo và Dân tộc. Số 1209 (28-5 – 3-6-1999), tr. 20.

(13) Tb. Công giáo và Dân tộc. Số 1195 – 1196 (Xuân Kỷ Mão 1999), tr.21.

(14) Tb. Công giáo và Dân tộc. Số 1199 (12-3 – 18-3-1999), tr.10.

(15) Văn bản từ Tòa TGM Huế.

(16) Văn bản từ Tòa TGM Huế.

=> Tài liệu dạng Word, nhấn vào đây để tải Chương 7 – Phần 2