Tập sách Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang – Chương 2 – Phần 2

19/12/2022

TRẦN QUANG CHU

(Biên soạn)

 

TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG

 

KỶ NIỆM ĐẠI HỘI LA VANG

LẦN THỨ 27 (2005)

CẬP NHẬT ĐẾN ĐÌNH HOÃN ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 32 (2020, 2021)

CHƯƠNG HAI

ĐỊA CHÍ LA VANG

I. ĐỊA DANH LA VANG.

II. NGUỒN GỐC LÀNG (THÔN) LA VANG.

III. CÂU CHUYỆN LA VANG XUẤT PHƯỜNG(11).

IV. SỰ HÌNH THÀNH HỌ ĐẠO LA VANG.

1. TỪ XÓM ĐẠO LÁ VẰNG ĐẾN GIÁO XỨ LA VANG.

* Xóm đạo Lá Vằng.

Căn cứ vào bản phúc trình của cha Lorensô Lâu, cha sở tiên khởi Dinh Cát gởi Thánh Bộ Truyền giáo thì: “Ngày 8-1-1691, trong cuộc viếng thăm các họ đạo vùng Dinh Cát tôi đã tới thăm họ Cổ Vưu. Số giáo dân ở đây gồm có 120 người. Phần đông số giáo hữu họ này đi làm rú, không có mấy người ở nhà…”(13).

Nếu hiểu “rú” đây là rú La Vang thì giáo dân Cổ Vưu đã có mặt ở La Vang từ trước cuối thế kỷ XVII. Theo thói quen giữ đạo ở nước ta, hễ nơi nào có dăm mười người Công giáo thì thường vào buổi tối thế nào họ cũng họp nhau đọc kinh chung: Xóm đạo La Vang được định hình.

* Họ nhánh La Vang.

Năm 1866, Đức cha Joseph-Hyacinthe Sohier Bình mở cuộc kinh lý toàn địa phận. Ngài chỉ thị các linh mục quản xứ lập báo cáo gởi về Tòa Giám mục. Dựa vào đó, tháng 8-1867 Đức cha chia địa phận Huế ra làm 26 địa sở với 108 họ đạo. Tại Quảng Trị có 13 địa sở, 58 họ đạo, chia làm 3 hạt: Đất Đỏ, Bái Trời và Dinh Cát. Hạt Dinh Cát có 35 họ đạo, chia ra 6 địa sở: Nhu Lý, Đại Lộc, Bố Liêu, Nhất Đông, Nhất Tây và Cổ Vưu. Cổ Vưu với 5 họ đạo: Cổ Vưu, Hạnh Hoa, An Đôn, Ba Lòng và Ngô Xá(14). Không có tên họ đạo La Vang.

Đến năm 1874 “cha sở Gioan Đoạn Trinh Khoan coi địa sở Cổ Vưu và các họ nhánh: Linh địa La Vang, Hạnh Hoa, An Đôn, Ba Lòng, Ngô Xá(15). Và cha Gioan Khoan chỉ làm quản xứ Cổ Vưu một năm (1874), qua năm 1875 cha Anrê Trần Văn Doãn đến thay”(16).

Như vậy, họ nhánh La Vang có lẽ được thành lập vào năm 1874 dưới thời Đức cha Sohier Bình. Họ nhánh La Vang trực thuộc địa sở Cổ Vưu, hạt Dinh Cát, giáo phận Huế.

* Giáo xứ La Vang.

Đức cha Louis Caspar Lộc là người đã vén bức màn La Vang sau gần một thế kỷ im hơi lặng tiếng, với ngôi nhà thờ ngói đầu tiên khánh thành vào dịp Đại Hội La Vang lần 1. Nhưng La Vang thời Đức cha Caspar Lộc cũng chỉ là một họ nhánh, một địa điểm hành hương, chưa hội đủ điều kiện để trở thành một giáo xứ.

Năm 1928, sau khi khánh thành ngôi nhà thờ lớn La Vang, Đức cha Joseph Allys Lý nhận thấy số giáo hữu hành hương La Vang ngày một đông. Họ muốn được dâng lễ, rước lễ, xưng tội, chầu Mình Thánh Chúa… Vả lại, để nhà Mẹ bớt hoang vu, cần phải có số đông giáo hữu đến định cư bên Mẹ. Điều này sẽ trở nên dễ dàng nếu ở La Vang có linh mục quản xứ.

Vì vậy, năm 1928 Đức cha Allys Lý thành lập giáo xứ La Vang, tách từ giáo xứ Cổ Vưu, đồng thời bổ nhiệm linh mục Phaolô Võ Văn Thới (1878-1904-1932) làm quản xứ. Đây là cha sở tiên khởi giáo xứ La Vang.

Đáng tiếc, ngày 2-11-1932, cha Phaolô Thới lâm bệnh qua đời. Họ đạo La Vang trở lại thời kỳ họ nhánh thuộc giáo xứ Trí Bưu.

Năm 1943, linh mục Giacôbê Nguyễn Linh Kinh ra La Vang dưỡng bệnh. Năm 1946 ngài chính thức được bổ nhiệm quản xứ La Vang. La Vang trở lại đơn vị giáo xứ thuộc hạt Dinh Cát, Giáo phận Huế.

* La Vang Chính và các giáo xứ La Vang định cư(17).

Năm 1954 giáo dân di cư vào Nam tương đối đông. Tại La Vang, ngoài tu viện MTG Di Loan còn có bốn giáo xứ đến định cư bên Mẹ:

Cha sở An Bằng Phêrô Trần Văn Điển đưa giáo dân di cư, lập giáo xứ La Vang Hữu với 1402 giáo dân.

Cha sở An Ninh GB. Trương Đình Thắng đưa giáo dân di cư, lập giáo xứ La Vang Tả với 817 giáo dân.

Cha sở Cổ Hiền GB. Bửu Đồng đưa giáo dân di cư, lập giáo xứ La Vang Thượng với 1751 giáo dân.

Cha sở Ba Ngoạt Phêrô Trương Văn Thiên đưa giáo dân di cư, lập giáo xứ La Vang Trung với 1200 giáo dân.

Giáo xứ La Vang Chính và bốn giáo xứ La Vang định cư đều thuộc hạt Dinh Cát, Giáo phận Huế.

BẢN ĐỒ LA VANG CHÍNH

VÀ CÁC GIÁO XỨ LA VANG ĐỊNH CƯ

(Nguồn: Đức Mẹ La Vang 200 năm)

Năm 1960, ĐGH Gioan XXIII ban phép thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam với 3 Tổng Giáo phận: Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Tổng Giáo phận Huế được chia làm 3 Tổng hạt(18), 9 hạt(19). Giáo xứ La Vang Chính và 4 giáo xứ La Vang định cư đều thuộc hạt Cát Nam, Tổng hạt Dinh Cát, TGP Huế.

2. TỪ GIÁO XỨ LA VANG ĐẾN TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG.

* Hội đồng Giám mục Miền Nam với Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang.

Ngày 13-4-1961 tại Huế, Hội đồng Giám mục Miền Nam gồm Giáo tỉnh Huế và Giáo tỉnh Sài Gòn đã đồng thanh quyết định chọn La Vang làm TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC. Kèm theo quyết định này Hội đồng Giám mục Miền Nam cũng đã chọn Thánh đường La Vang làm ĐỀN THỜ TOÀN QUỐC KHẤNG DÂNG TRÁI TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ.

Ngày 22-8-1961, ngày cuối cùng của Đại hội La Vang 15, Đức Tổng Giám mục Huế Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục, đã long trọng tuyên bố quyết định ngày 13-4-1961 của Hội đồng Giám mục Miền Nam:

“Kể từ nay La Vang là Nhà của Mẹ, Đất của Mẹ, là Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc”.

* Hội đồng Giám mục Việt Nam với Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang.

Ngày 11-6-1982(20) tại Hà Nội, lúc 9 giờ, trong phiên họp toàn thể, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đồng thanh biểu quyết chấp thuận La Vang là TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC.

Sau khi đồng thanh biểu quyết, toàn thể các Đức Giám mục đã đứng lên hát bài Salve Regina rất cảm động.

HĐGMVN TRONG PHIÊN HỌP TẠI HÀ NỘI

NGÀY 11-6-1982, ĐÃ ĐỒNG THANH BIỂU QUYẾT LA

VANG LÀ TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC

(Ảnh tư liệu của Lm. Phêrô Phan Văn Lợi)

(Hết chương II, còn tiếp)

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

(11) Lm. Philipphê Lê Thiện Bá: Tự tích La Văng (hồi ký viết tay). Tài liệu gia đình của ông Lê Thiện Sĩ.

(13) Lm. Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang, tr.33.

(14) Xem và đối chiếu Lịch sử giáo phận Huế. Tập II, tr.106.

(15) Lm. Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang, tr.49.

(16)Tiểu sử các linh mục giáo phận Huế. Cuốn 1, tr.108.

(17) Lm. Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang, tr.91.

(18) Tổng hạt Bên Bộ, tổng hạt Bên Thủy và tổng hạt Dinh Cát.

(19) Hạt Bộ Bắc, hạt Bộ Trung, hạt Bộ Nam, hạt Thủy Bắc, hạt Thủy Biển, hạt Thủy Nam, hạt Cát Bắc, hạt Cát Trung, hạt Cát Nam.

(20)Đính chính của Lm. Phêrô Phan Văn Lợi. Tài liệu cũ ghi ngày 1-5-1980.

=> Tài liệu dạng Word, nhấn vào đây để tải Chương 2 – Phần 2