Thánh Lễ Tạ Ơn Khánh Thành Đài Kính Các Thánh Tử Đạo tại Giáo xứ Đốc Sơ

05/05/2022

“Tất cả là hồng ân!” – Đó là tất cả những gì Giáo xứ Đốc Sơ có thể vui mừng nói lên sau những ngày diễn ra nhiều sự kiện đặc biệt với nhiều hoạt động ý nghĩa vừa qua. Trong đó cao điểm là Thánh Lễ khánh thành Đền Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam do Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh chủ tế vào lúc 16g30 ngày 02.5.2022, trong dịp này Giáo xứ cũng hân hoan vui mừng kỷ niệm 348 năm thành lập giáo xứ và đặt viên đá bắt đầu khởi công xây dựng Nhà xứ Đốc Sơ.

Sự hiện diện của Đức TGM Giuse, quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, quý Ân nhân, quý khách mời, quý bà con giáo dân Đốc Sơ hôm nay đã nói lên tình yêu thương, sự quan tâm khích lệ dành cho giáo xứ khi bắt đầu sinh hoạt trở lại sau những ngày tạm ngưng vì dịch bệnh Covid-19.

Trước Thánh lễ, Đức TGM Giuse đã chủ sự nghi thức Làm phép và Khánh thành Đền Kính Các Thánh Tử Đạo, sau đó Làm phép Viên Đá Đầu Tiên khởi công xây dựng Nhà xứ Đốc Sơ. Sau đó, Thánh lễ Tạ ơn diễn ra trong niềm hân hoan của mỗi người tín hữu Đốc Sơ cũng như quý khách đang hiện diện vì mỗi người đều cảm nhận được diễm phúc của Giáo xứ với dấu mốc 348 năm lãnh nhận hồng ân đức tin và hướng về dịp lễ 350 năm – một sự kiện để nối dài lời tạ ơn hôm nay.

Thánh lễ diễn ra trong ngôi nhà thờ gỗ cổ kính, tuy ngoài trời có một chưa mưa se lạnh, nhưng bên trong lại thấm đượm tình Chúa và tình người. Thánh lễ đã diễn tả ý nghĩa cao nhất mà mọi giáo dân Đốc Sơ đã mong ngóng trong suốt thời gian qua, đó là được cùng Đấng Bản Quyền của mình dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì muôn hồng ân Chúa ban cho Giáo xứ.

Suốt thời gian qua, khi cùng hướng về cao điểm là Thánh lễ hôm nay, Giáo xứ Đốc Sơ đã cùng nhau tổ chức những hoạt động cộng đồng để chung chia và lan toả niềm vui trong dịp lễ này.

Đầu tiên là Giải Bóng đá “Tin Yêu” lần thứ 3 được tổ chức trong tháng 4 vừa qua giữa 10 đội bóng trong Giáo xứ. Đây là hoạt động diễn ra trong tinh thần chuẩn bị cho dịp lễ Bổn mạng, với mục đích tái tạo lại các sinh hoạt cộng đồng trong tình hình mới hậu Covid-19, giúp phát triển phong trào tập luyện thể dục thể thao, rèn luyện sức khoẻ, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần và phát huy tình đoàn kết, giao lưu học hỏi giữa các khu vực trong Giáo xứ.

Tiếp đó, chương trình Trại Bổn Mạng dành cho các em Giáo lý sinh trong Giáo xứ đã được tổ chức để các em cũng hiệp hành trong niềm vui chung của Giáo xứ mình. Với 5 đội được lấy theo tên của 5 vị thánh tử đạo tại Đốc Sơ là Micae Hy, Anrê Trông, Phanxicô Trung, Giuse Thị và Simon Hoà, các em đã hô vang khẩu hiệu: Hy Sinh – Kiên Trung – Yêu Mến trong suốt thời gian tham gia trại. Đó cũng là tinh thần mà mỗi trại sinh mong muôn được kế thừa và bước tiếp trên hành trình đức tin mà các vị tử đạo tiền nhân đã dấn bước.

Các hoạt động này đều hướng về mục đích làm sao cho mỗi người tín hữu trong Giáo xứ học biết, tri ân và yêu mến hơn những chứng nhân anh dũng đã đổ máu hy sinh để giữ gìn kho tàng đức tin cho hậu duệ ngày nay.

Những ngày đại lễ đã qua, nhưng ước mong rằng, điều mãi mãi lưu lại nơi mảnh đất thiêng liêng thấm đỏ máu đào tử đạo này, chính là lòng khao khát hiến mình vì Chúa trong tình yêu, theo gương những chứng nhân anh dũng đã hy sinh chính mạng sống của mình để làm chứng cho Chúa Kitô trên chính mảnh đất Đốc Sơ này.

***************************

Đôi lời giới thiệu về Đền Kính Các Thánh Tử Đạo tại Đốc Sơ

Ngược dòng lịch sử với báo cáo của cha Marinô Labbé (thuộc Hội Thừa Sai Paris), Giáo xứ Đốc Sơ chính thức được thành lập vào năm 1674, thật là diễm phúc vì nhờ dấu mốc đặc biệt ấy, năm nay Giáo xứ Đốc Sơ mừng kỷ niệm 348 năm lãnh nhận hồng ân đức tin.

Với vị trí đặc biệt gần với thủ phủ Phú Xuân trước kia và Kinh Thành Huế sau này, Giáo xứ Đốc Sơ đã chứng kiến biết bao biến loạn của thời cuộc, biết bao thăng trầm trong dòng chảy lịch sử của Giáo Hội. Chính trên mảnh đất Đốc Sơ này, từ thời vua chúa Nguyễn, lịch sử đã từng chứng kiến hàng ngàn những tấm gương anh dũng của các vị Tử Đạo đã hy sinh anh dũng trên những pháp trường của Đốc Sơ, để rồi kiêu hùng dương cao ngọn cờ nhuốm máu minh chứng cho Đức Tin. Từng lớp lớp những con người can đảm tiến lên pháp trường Cống Chém và An Hoà. Trong số 16 vị thánh Tử Đạo của Huế thì có đến 5 vị đã lãnh nhận ơn tử đạo trên mảnh đất Đốc Sơ. Đó là các thánh: Simon Phan Đắc Hoà – Y sĩ (1774-1840), Anrê Trần Văn Trông – Quân nhân (1814-1835), Micae Hồ Đình Hy – Quan thái bộc (1808-1857), Phanxicô Nguyễn Văn Trung – Cai đội (1825-1858) và Giuse Lê Đăng Thị – Cai đội (1825-1860). 

Ngoài ra còn có các vị Tử Đạo được ghi nhận đó là Matthêu Ven, Đamasô Dao và Marta Phước. Thật vậy, có ai ngờ rằng, vùng đất trước kia bị phủ trùm bởi bao đau thương mất mát, chứng kiến cảnh máu chảy đầu rơi thì giờ đây lại vui sướng tự hào vì là nơi ghi dấu ấn đặc biệt của các vị Thánh Tử Đạo. Và cũng chính nhờ đó, giáo xứ Đốc Sơ cũng được hưởng nhờ phước lành và lời chuyển cầu của các thánh, để trung kiên noi gương của các bậc tiền nhân quả cảm. Thật đúng là “Máu các vị Tử Đạo đã làm trổ sinh người có đạo”.

Biết bao thế hệ con dân Đốc Sơ với lòng cảm phục các ngài luôn chất chứa trong huyết quản, ngày đêm hằng thao thức ngóng trông, ưu tư khắc khoải, phải chi tại mảnh đất này, có một đền Thánh để tưởng nhớ, để tri ân công đức trời biển của các vị Tử đạo đã hy sinh thân mình để gìn giữ Đức Tin cho con cháu. Đền Kính Các Thánh Tử Đạo này được xây nên như một nơi tôn kính xứng đáng hầu tưởng nhớ công ơn của các ngài và cũng là nơi để hun đúc, củng cố Đức Tin cho các tín hữu. Ước mong Đền Thánh này sẽ trở nên điểm hành hương cho mọi người gần xa đến viếng thăm, đi lại trên những chặng đường các thánh đã đi qua, cảm nhận được sự linh thiêng của một vùng đất thẫm nhuộm máu đào tử đạo.

Khi nói về Đền Thánh có hình chiếc nón này, hẳn ai cũng đã biết xứ Huế mộng mơ từ lâu vốn đã nổi tiếng với hình ảnh sông Hương núi Ngự, với áo dài thướt tha và nón lá duyên dáng, thật vậy:

Dòng nước sông Hương chảy lặng lờ,

Ngàn thông núi Ngự đứng như mơ.

Gió cầu vương áo nàng Tôn nữ,

Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ.

Thật vậy, hình ảnh xứ Huế với sông Hương núi Ngự, với nón lá áo dài, cố nhiên đã trở thành biểu tượng trong tâm trí của mỗi người không chỉ riêng Huế mà của cả nước. Trong đó, chiếc nón lá đã tạo nên nét duyên rất Huế, một vẻ đẹp “chẳng nơi nào có được”.

Nổi tiếng từ lâu, Đốc Sơ là làng nón trứ danh của xứ Huế, với Huế thì nón lá tạo nên nét duyên dáng dịu dàng nhưng đối với con dân Đốc Sơ, nó gần như là tất cả của một thời gian khó. Nón lá không chỉ che mưa che nắng, không chỉ làm đẹp cho các mẹ các chị nhưng còn là cơm áo cho đàn con thơ, là cứu cánh trong thời buổi khó khăn của thời cuộc. Nhờ nón lá mà biết bao con người Đốc Sơ được lớn lên và trưởng thành, do vậy nón lá là một hình ảnh rất thân thuộc và trìu mến, dần dà đã trở thành biểu tượng của Đốc Sơ.

Cho nên, Đền Kính Các Thánh Tử đạo được xây dựng với mô hình biểu tượng là chiếc nón. Hình ảnh nón lá che chở bao bọc nhắc nhở chúng ta về tình thương bao la của Chúa, vốn luôn quan phòng và an bài mọi sự cho con cái Người và là biểu trưng của một nét văn hoá và dấu ấn mang giá trị lịch sử của một vùng văn hoá xứ sở.

Đền Kính Các Thánh Tử Đạo với hình ảnh chiếc nón lá duyên dáng trên đất Đốc Sơ này, ước mong sẽ là nơi để bao thế hệ người tín hữu xa gần tề tựu để tôn kính và tưởng nhớ công lao của các vị Tử Đạo, để qua đó, Đức Tin của mỗi người được hun đúc và củng cố mỗi ngày một hơn.

Ban Truyền Thông Giáo xứ Đốc Sơ

Xin xem thêm một số hình ảnh: