Hãy bình tĩnh trước Covid-19

11/03/2020

Theo cập nhật của Bộ Y Tế vào lúc 08g00 ngày 11/3/2020, toàn thế giới có 118.493 người nhiễm bệnh, 4.261 người tử vong và 105 nước có vi rút Covid-19 tấn công. Theo dự báo của các chuyên gia, những ngày tới số liệu này sẽ còn tiếp tục gia tăng.

Trước đại dịch Covid-19, con mắt nhân loại đang ẩn chứa sự sợ hãi. Vi rút Corona cực nhỏ, mắt thường không thấy được nhưng nó làm cho thế giới hoảng loạn, sợ hãi và đảo lộn mọi sinh hoạt của con người, nền kinh tế bị tê liệt, các trường học và Nhà thờ đóng cửa không có Thánh lễ, kể cả lễ an táng là Thánh lễ cuối cùng của đời người, các thành phố giàu có xinh đẹp, tráng lệ trở thành nghĩa địa không có bóng người.

Trong tiếng Anh, con vi rút này được Tổ chức Y tế Thế giới gọi là Coronavirus disease 2019, viết tắt là Covid-19.

C viết tắt của chữ Corona, con vi rút có tên là Corona. Theo tôi, C có nghĩa là cộng, vì con vi rút này càng ngày càng tăng, càng thêm mà không giảm. Bùng phát từ Vũ Hán – Trung Quốc, vi rút đã lây lan đến105 quốc gia trên thế giới, nên gọi là càng, cộng, chưa kể là nó cướp đi hàng ngàn sinh mạng của con người trong thời gian vừa qua.

Không chỉ là cộng thêm và còn sinh sôi, nẩy nở, ngày càng phát triển cách chóng mặt. Vi rút này thuộc dạng động từ bất quy tắc, tức là không theo luật lệ và trật tự nào, nên còn gọi là S, sinh sản, sinh sôi, nó sinh, thì con người tử.

Theo kinh nghiệm y học, con vi rút nào không sớm thì muộn, đều có thể tìm ra thuốc đặc trị để ngăn chặn việc lây lan, nhiều khi người ta phải dùng phương pháp đối kháng: “độc trị độc”. Chính Thánh Phaolô đã dùng tư tưởng đối kháng này nói về ân sủng trong thư Rôma: Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội… Thì nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, con người được hưởng ơn cứu độ. Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, lại còn lớn lao hơn biết mấy…” (Rm 5:12-17).

Hay như câu chuyện con rắn đồng trong sa mạc: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống.Ông Mô-sê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống” (Ds 21, 4b-9; Ga 3, 13-17).

Trước tình trạng con vi rút Corona thì chúng ta cũng dùng hai từ C và S cho dễ hiểu để kháng trị. Hơn bao giờ hết, hiện nay và lúc này phải dùng phương thuốc C và S.

1. Phương thuốc dùng chữ “S”

Dùng cho đời sống thể lý, S có nghĩa là sạch sẽ. Bộ Y Tế khuyến cáo nhà cửa nên sạch sẽ, thoáng mát, mở cửa sổ ra cho ánh sáng mặt trời chiếu vào, đồ dùng cá nhân, áo quần sạch sẻ, đeo khẩu trang, hạn chế đi lại, rửa tay thường xuyên, khử trùng, sát khuẩn, giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ thoáng mát…

Dùng cho đời sống thiêng liêng, S có nghĩa là sẵn sàng đón nhận trong mọi tình huống, kể cả tình thế xấu nhất. Chúng ta luôn tin tưởng, phó thác và trông cậy vào ơn Chúa để giữ “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến. Tâm bình an giữa thế giới bất an”. Vì hiện nay đã có dấu hiệu bất ổn ở nhiều nơi, người ta chen lấn, ùa nhau đi mua mì tôm, gạo và thức ăn để dự phòng. Do đó, xin mọi người bình tĩnh và nghe Lời Chúa trấn an chúng ta: “Cứ yêu tâm, chính Thầy đây, đừng sợ” (Mc 6, 50).

Chúng ta hãy nhìn vào gương của người Nhật. Nhật Bản là một đất nước thường xuyên phải gánh chịu nhiều thương đau đến từ thiên tai, thảm họa thiên nhiên. Nhưng nhờ tính cách kiên cường, sau mỗi biến cố, họ luôn bình tĩnh, cúi đầu đón nhận để cùng nhau khắc phục, chung tay xây dựng đất nước vươn lên khiến cả thế giới nghiêng mình kính phục. Cốt lõi của tính cách kiên cường ấy là “Triết lý cây lúa của xứ sở Phù Tang” mà người ta vẫn hay nhắc đến.

Triết lý cây lúa được người Nhật dạy cho con trẻ từ thưở ấu thơ, dù ở đâu, làm gì cũng phải sống như cây lúa, lúc hạt lép thì phải ngóc lên, khi hạt chín, mẩy thì trĩu xuống. Điều đó có nghĩa là khi còn đói nghèo hay kém cỏi thì càng phải biết vươn lên, vượt khó vượt khổ, khi no đủ giàu có, hay giỏi giang thành đạt thì nên biết khiêm nhường cúi đầu, không tự cao, kiêu ngạo. Quả thật, nước Nhật sau thảm họa thiên tai chẳng khác gì một cây lúa mới trổ bông, và họ cũng đã chứng minh cho cả thế giới thấy triết lý cây lúa của mình với một ý chí, tinh thần kiên cường vượt qua thời khắc khó khăn, khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ và khâm phục. Dù đứng trước thảm họa, mất mát và đau thương nhưng họ không hề hoảng loạn, không hề tranh giành cướp bóc, họ bình tĩnh ứng xử với thảm họa, đùm bọc sẻ chia lẫn nhau. Hình ảnh những đoàn người xếp hàng dài chờ lấy lương thực, đồ cứu trợ đã làm rung động hàng triệu trái tim con người trên thế giới.

Nhìn con người Nhật Bản, ngẫm triết lý cây lúa và tự hỏi rằng: Sẽ như thế nào nếu thảm họa nghiêm trọng này xảy ra tại những quốc gia khác? Những đức tính đáng quý của người Nhật cũng như triết lý cây lúa chắc chắn sẽ là giá trị mà nhiều người Việt Nam ta cần học tập. Sự khiêm tốn, cúi đầu của người Nhật không khuyến khích chỉ biết cúi xuống cam chịu không chịu phấn đấu, mà là nhắc nhở cho người ta biết cách ứng xử để trưởng thành hơn. Nhìn vào thế hệ trẻ ngày nay, chúng ta cảm thấy lạc quan khi người trẻ có nhiều hoài bảo ước mơ, biết khẳng định chính mình và có ý chí vươn lên. Đó là điều đáng trân trọng nhưng cũng dễ mắc những nhược điểm như: tự phụ, tự mãn, hiếu thắng, đôi khi thiếu nhường nhịn, không khiêm tốn…dẫn đến không chấp nhận thành công của người khác, không chịu học tập người khác. Đất cao thì dễ bị xói mòn, nơi trũng thấp thì năng được bồi đắp. Làm người cũng vậy, tự mãn thì bị ghét bỏ, còn khiêm hạ lại được cảm thông. Bông lúa chín trĩu nặng cúi đầu không chỉ để tự bảo vệ trước chim chóc, gió mưa… mà còn biểu hiện sức nặng tích tụ bởi tinh hoa của Đất Trời, chắt lọc từ thiên nhiên. Cũng như vậy, làm người, nếu biết tu thân dưỡng tính, thì sẽ đạt được những giá trị nội hàm bền vững và cao quý. (Sưu tầm)

Thêm vào đó, S cũng là viết tắt của từ Saint, là thánh thiện. Sự đạo đức, thánh thiện là điều quan trọng trong đời sống Kitô hữu. Sống khiêm tốn ăn năn sám hối là nhìn thân phận mỏng dòn, yếu đuối của kiếp người, là cảm nghiệm nhân sinh trong tiến trình của tự nhiên “sinh, bệnh, lão, tử”. Để qua những biến cố của cuộc đời, con người chấp nhận mở rộng bàn tay đón nhận hồng ân Chúa ban qua các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể và Giao Hòa.

Ngoài ra, S cũng là chữ cái đầu tiên của cụm từ SC. SC là cụm từ viết tắt Sanctum Chrisma (Dầu Thánh) được dùng để xức trên đầu người chịu Phép Rửa tội, và xức trên trán người chịu Phép Thêm sức để được “thánh hiến” cho Thiên Chúa và sai đi loan báo Tin Mừng. Trong ngày lễ Truyền chức, Linh mục được xức dầu thánh trong lòng bàn tay, để đôi tay được hiến thánh mà xứng đáng dâng của lễ, và trở thành những cánh tay nối dài cho sứ vụ tông đồ của Giám mục. Đức Giám mục được xức dầu thánh ở trên đầu trong ngày lễ tấn phong, nhận Thần Khí thủ lãnh, để có thể lãnh đạo và dẫn dắt Dân Chúa trên hành trình lữ thứ trần gian. Dầu thánh còn được xức trên bàn thờ và các cột nhà thờ trong ngày lễ cung hiến.

2. Phương thuốc dùng chữ “C”

Dùng cho đời sống thể lý, C có nghĩa là vitamin C. Bác sĩ khuyên chúng ta trong mùa dịch bệnh này nên uống nhiều vitamin C, nhất là nước cam, nước chanh để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Sở dĩ chúng ta bị dịch bệnh tấn công là do hệ miễn dịch yếu, cơ thể thiếu sức đề kháng với vi rút. Do đó, mỗi sáng thức dậy, chúng ta nên uống một ly nước chanh, pha nước ấm, thêm một ít lát gừng và một thìa mật ong thì rất tốt cho cơ thể, có sức đề kháng để chống dịch bệnh.

Dùng cho đời sống thiêng liêng, C có nghĩa là cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện. Cầu nguyện là thần dược, là liều thuốc hữu hiệu nhất. Cá nhân cầu nguyện, gia đình cầu nguyện, các hội đoàn ban ngành trong giáo xứ cầu nguyện, giáo phận và cả thế giới cầu nguyện.

Cầu xin lòng thương xót của Chúa cho cơn đại dịch sớm chấm dứt để cuộc sống được bình an trở lại như lời kinh Xin Ơn Chữa Lành được Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm chuẩn nhận ngày 14/02/2020.

Lạy Thiên Chúa Ba ngôi chí thánh,

Chúng con tuyên xưng Chúa là Đấng toàn năng và là Cha giàu lòng thương xót.

Này chúng con đến trước nhan Chúa.

Xin Chúa thương xót nhân loại chúng con trong cơn dịch bệnh,

đang lan rộng nhiều nơi trên thế giới cũng như trên đất nước chúng con.

 

Xin Chúa thương ban cho các nhà cầm quyền và các nhân viên y tế,

Ơn khôn ngoan và can đảm,

tìm ra nhưng phương thế ngăn chận dịch bệnh nguy hiểm này.

Xin Chúa an ủi và chữa lành nhưng anh chị em bị nhiễm bệnh,

và nâng đỡ gia đình họ trong lúc khó khăn.

Xin Chúa đón nhận những anh chị em đã qua đời vì dịch bệnh,

và đón nhận họ vào nhà Chúa muôn đời.

 

Sau cùng, xin ban Thánh Thần Chúa xuống trên chúng con,

biến chúng con thành khí cụ bình an của Chúa.

để chúng con góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh,

đem tình thương và ơn lành của Chúa đến cho muôn người.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa,

họp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

Linh mục Giuse Phan Văn Quyền