Bài giảng Thánh Lễ Bế Mạc Tĩnh Tâm Năm 2020 của Linh Mục Đoàn TGP Huế

11/11/2020

Lm. Antôn Dương Quỳnh, Tổng Đại Diện TGP Huế.

Kính thưa cộng đoàn,

Xin được kính chào quý anh chị em và quý vị đang theo dõi buổi lễ trực tuyến này.

Bài Phúc Âm vừa nghe đưa chúng ta đứng trước một cuộc thăm viếng, cuộc thăm viếng vừa là của đời thường, vừa là một mầu nhiệm: Chúa Giêsu vừa đầu thai trong lòng Mẹ đã đi thăm vị Tiền hô của mình; cả hai còn trong lòng mẹ, mà đã biết nhau; thánh Gioan Tẩy giả đã biểu lộ niềm vui, nhảy mừng chào đón Chúa Cứu Thế.

Thánh lễ Bế mạc tuần Tĩnh tâm Linh mục trên đất Mẹ La Vang, con xin được cùng quý cha và cộng đoàn chiêm ngắm dung mạo tâm hồn của Mẹ, Mẹ của Chúa Giêsu chí ái, Mẹ của linh mục và là Mẹ của mọi tín hữu.

Kính thưa cộng đoàn, kính thưa quý vị,

1. Dung mạo đầu tiên của tâm hồn Mẹ là đức tin thẳm sâu.

Giây phút truyền tin, thiên sứ Gabriel thưa với Mẹ: “Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên Bà. Vì thế, Đấng Thánh mà Bà sắp sinh ra, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”.

Thiên Thần báo tin Mẹ sẽ thụ thai. Đây là cuộc thụ thai nhiệm mầu, người trần không thể hiểu thấu. Thế mà, Mẹ, một thiếu nữ mới lớn, đã thưa xin vâng.

Lời xin vâng của Mẹ lúc đó biểu lộ cả một niềm tin sâu thẳm vào quyền năng và tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Lời xin vâng của Mẹ là một quyết định vào đời trong đức tin, là tiếng “dạ vâng” không do dự với Thiên Chúa, trước một tương lai mờ mịt.

Mẹ thưa xin vâng vì Mẹ đã tin.

  1. Dung mạo thứ hai của tâm hồn Mẹ là sự khiêm nhường.

Khi bà Elizabeth ngợi khen Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, lập tức Mẹ lại xưng mình là “nữ tỳ hèn mọn của Thiên Chúa”.

Bài học khiêm nhường là bài học cứu độ. Khi Chúa Giêsu muốn dâng của lễ xóa tội trần gian, Ngài đã hạ mình vâng lời Chúa Cha, vâng lời cho đến chết trên Thập giá. Chúa Giêsu yêu cầu mọi người học nơi Ngài điểm then chốt của ơn cứu độ: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”.

  1. Dung mạo thứ ba của tâm hồn Mẹ là sự sẻ chia.

Mẹ lên đường đi thăm bà Elizabeth thì trước hết Mẹ đi thăm với tư cách là bà con, muốn chia sẻ mọi sự với bà. Nhưng Mẹ cũng lên đường, vì muốn mang niềm vui bình an và sự giúp đỡ cho bà Elizabeth.

Tình yêu đang ở trong lòng Mẹ, đốt nóng tâm hồn Mẹ, nên mọi cử chỉ lời nói của Mẹ trong cuộc gặp gỡ và suốt 3 tháng tại nhà bà Elizabeth đều ấm nồng tình yêu.

  1. Kính thưa quý cộng đoàn,

Kính thưa quý vị đang trực tuyến,

Cuộc ra đi viếng thăm và dung mạo của Mẹ đưa chúng ta về với các cuộc viếng thăm cứu trợ từ khắp nơi đến Miền Trung, đang gồng mình dưới những trận lũ lụt lịch sử.

Từ ngày mùng 7  đến cuối tháng Mười, suốt 3 tuần lễ, những cơn mưa xối xả không dứt, những làn nước bạc từ núi kéo về nhận chìm hàng chục ngàn ngôi nhà, cuốn trôi tài sản người dân ra sông, ra biển. Những vùng thấp trũng, người dân vội leo lên gác, lên mái nhà, bỏ lại tất cả gia cầm, gia súc, thực phẩm, gạo cơm; áo quần ướt sủng, vừa đói vừa lạnh, mạng sống bị đe dọa từng giờ, vừa do nước lũ chảy siết, vừa vì không biết lúc nào nước bạc hết dâng cao.

Giữa cảnh nguy nan, đói lạnh như thế, những chiếc ghe nan đầu tiên tới thăm viếng là của các Linh mục Quản xứ. Bất kỳ lương giáo, thấy cha tới với mấy thùng mì tôm, và nụ cười trên môi, là mọi người bừng lên niềm vui khôn tả. Ghe cha không phải chỉ lương thực cứu đói mà chở cả niềm hy vọng của sự sống.

Chỉ vài hôm sau, khi lương thực cứu đói của các cha Quản xứ vừa cạn kiệt, một sự kiện thăm viếng khác của HĐGMVN, rất cảm động, đã làm nức lòng mọi người trong và ngoài nước. Bốn vị Tổng Giám mục và Giám mục đã đi ghe, mặc áo phao, đến thăm các vùng lũ lụt nặng nề nhất, ngay cả vùng sạt lở, của Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị và Hà Tĩnh, và tận tay trao phẩm vật cứu trợ cho đồng bào trong vùng.

Tiếp ngay sau đó, TGP Huế dưới sự chỉ đạo của Đức Tổng Giuse và của cha Giám đốc Caritas, lập 6 nhóm cứu trợ, đưa phẩm vật đến các miền, các giáo xứ còn ngập nước ngang ngực, ngang lưng.

Tất cả, từ các ĐGM, các Cha Quản xứ đến các đoàn, theo gương Mẹ Maria và trong tinh thần của Mẹ, đều ra đi thăm viếng trong thương yêu và khiêm tốn, cảm thông và trân trọng, chia sẻ các món quà cứu trợ khẩn cấp, bất kể lương giáo, làm ấm lòng người.

  1. Kính thưa cộng đoàn, quý vị đang theo dõi màn hình.

Chúng ta tự hỏi vì sao từ các vị Cao cấp nhất trong Giáo hội Việt Nam đến những đoàn gồm nhiều thành phần đã làm như thế? Thưa đó là vì tình nghĩa đồng bào “lá lành đùm lá rách” trong cơn hoạn nạn, hành động đầy tính nhân văn của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa; nhưng còn hơn thế, đó là vì Đạo Công giáo là đạo lấy đức thương người làm gốc rễ, với lý do sâu thẳm nhất là giới răn của Chúa: “Mười điều răn Đức Chúa Trời tóm về 2 điều: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy”. Điều răn đó được cụ thể hóa trong kinh Thương người có 14 mối, mà ba mối đầu ghi rõ: “Thứ nhất cho kẻ đói ăn, thứ hai cho kẻ khát uống, thứ ba cho kẻ rách rưới ăn mặc”.

6. Và lý do trên hết, đó là loan truyền sứ điệp về sự sống viên mãn và trọn vẹn. Trước dòng nước bạc không ngừng dâng cao, cuồn cuộn chảy, sinh mạng con người thật bấp bênh và nhỏ bé. Trước cơn đại dịch Covid-19 đang lan tràn khắp nơi, giết chết hàng triệu sinh linh, kiếp sống con người như chợt đến, chợt đi, thật mong manh, tạm bợ. Từ muôn đời, thân phận con người là như thế. Trước thân phận ấy, người Kitô giáo nêu cao một Đấng chói lọi, phá tan tất cả nỗi đau thương và kiếp sống vô thường, Đấng ấy là Chúa Giêsu với lời tuyên phán: “Ta là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống”.

Như Mẹ Maria đã đem Chúa Giêsu là sự sống ấy đến cho nhà bà Elizabeth, đoàn người cứu trợ này thiết tha muốn đem sự sống ấy đến cho mọi người đang sống kiếp phàm nhân trên cõi trần này.

Kính chào cộng đoàn và xin cám ơn quý vị.

Lm. Antôn Dương Quỳnh