Lược sử Giáo xứ Thiên An

08/03/2020

LƯỢC SỬ

GIÁO XỨ THIÊN AN

Nhà nguyện đan viện Thiên An

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Thiên An, thuộc Giáo hạt Thành Phố, trải dài trong 3 xã: Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy), Thủy Xuân, An Tây (Thành phố Huế), tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách tòa Tổng Giám mục chừng 5 km về phía nam. Giáo xứ được các linh mục thuộc đan viện Thiên An chăm sóc mục vụ. Đây là đứa con tinh thần, đứa con đầu lòng của đan viện.

II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH

Khi hai linh mục thuộc đan viện Biển Đức La Pierre-Qui-Vire nước Pháp là Dom Romain Guillaume và Dom Corentin Colin đến thành lập đan viện Thiên An tại thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên vào tháng 6 năm 1940, thì vùng đất này đã có vài gia đình Công giáo, sinh hoạt tại giáo xứ Phủ Cam.

Dần dần có một số người Công giáo tới giúp việc cho Đan viện. Những kẻ đầu tiên đến đây gốc Châu Đốc, Thanh Tân, Di Loan, Xuân Thiên… và nhiều xứ khác. Một thời gian sau, họ lập gia đình và xin làm nhà riêng trong đất của Đan viện. Lược sử giáo xứ Thiên An ghi nhận gia đình đầu tiên của cộng đoàn tín hữu này là gia đình ông Ba Sót.

Rồi qua lối tu hành và việc phục vụ của các đan sĩ, nhiều người lương ở Cư Chánh (như ông Hồ Văn Hường), Ngũ Tây (như hai ông Võ Đình Tý và Võ Đình Sang), Thủy Xuân, Bằng Lãng xin trở lại Công giáo. Ông Tý và ông Sang là những người bị lính Tây bắt và bị kết án, nhưng được cha Dom Romain can thiệp và bảo lãnh; họ được tha, theo đạo và xin ở lại giúp việc cho đan viện.

Kể từ năm 1965, đan viện Thiên An mở xưởng cưa, trại mộc. Các thợ đến làm việc ngày càng đông, trong số ấy có nhiều người Công giáo. Do đó, Đan viện đã dành một phòng ở trường tiểu học Thánh Mẫu Cư Chánh (do đan viện xây dựng năm 1960 để dạy chữ cho dân chúng quanh vùng) làm phòng nguyện. Mỗi sáng Chúa nhật có linh mục đến dâng thánh lễ và ông Phùng Học (gốc Thanh Tân) được đặt làm trưởng ban nghi lễ-phụng vụ.

Tiểu học Thánh Mẫu Cư Chánh

Năm 1952 cha Benoit Nguyễn Văn Thái (gốc Giáo phận Sài Gòn) làm Bề trên, các linh mục được chỉ định để coi sóc số giáo dân này lần lượt như sau (cho tới năm 1965): cha Gioan Lê Chúng (gốc Giáo phận Qui Nhơn), cha Phaolô Vũ Hữu Vị (gốc Giáo phận Phát Diệm), cha Anrê Tôn Thất Phái (gốc Giáo phận Huế), cha Guillaume Phạm Trung Tá (gốc Giáo phận Huế).

Từ năm 1957-1965, trường tiểu học Thánh Mẫu được giao cho các tu sĩ Dòng Thánh Tâm, chuyên trách dạy chữ cho cư dân các xã Thủy Bằng, Thủy Xuân và Thủy An. Các thầy cũng giúp xóm đạo tổ chức đoàn Nghĩa binh Thánh Thể (nay gọi là Thiếu nhi Thánh Thể) và Lễ sinh. Xóm đạo được các cha Thiên An coi sóc nhưng vẫn lệ thuộc giáo xứ Phủ Cam.

III. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Thành lập Giáo xứ (1965)

Năm 1964, làng Dương Hoà (xã Long Hồ, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên) mất an ninh, giáo dân giáo xứ Buồng Tằm kéo về định cư tại làng Cư Chánh, vùng đất trước lăng Thiệu Trị, làm thành xóm đạo Hoà Lương. Số lượng giáo dân ít ỏi của họ đạo Thiên An được giáo dân Buồng Tằm đến tăng cường, nên năm 1965 họ đạo được nâng lên thành giáo xứ, có một nhà nguyện tại trường Thánh Mẫu và một nhà nguyện tại Hoà Lương.

Cũng từ năm 1965-1968, các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm đảm trách việc dạy học tại trường Thánh Mẫu và giúp mục vụ giáo xứ Thiên An.

 2- Các cha Dòng Thiên An quản xứ (1965-2020)

– Cha Guillaume Phạm Trung Tá phụ trách nhà nguyện Hòa Lương (1964-1966).

– Cha Anrê Tôn Thất Phái phụ trách nhà nguyện Thánh Mẫu (1965-1968).

– Cha Arsène Nguyễn Thanh Long (gốc Giáo phận Qui Nhơn) (1966-1968).

– Cha Tôma Châu Văn Đằng (gốc Giáo phận Sài Gòn), bề trên đan viện Thiên An, kiêm quản xứ (1968-1984).

Từ năm 1968-1975 do chiến tranh loạn lạc, các gia đình phân tán đi nhiều nơi; trường Thánh Mẫu bị bom đạn tàn phá, nhà nguyện Hoà Lương không còn, các nữ tu rút về, các hội đoàn ngưng sinh hoạt. Giáo dân còn lại tham dự phụng vụ tại nhà nguyện đan viện Thiên An.

Sau năm 1975, giáo dân Buồng Tằm trở về làng Dương Hoà quê cũ. Các giáo dân Thiên An di tản cũng lần lượt trở lại quê nhà. Từ năm 1978, cha Anrê Trông Nguyễn Văn Tâm (gốc Giáo phận Huế) cùng các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá (cộng tác đến năm 1993) mở lại các lớp giáo lý.

Thế nhưng trường Thánh Mẫu, trong đó có ngôi nhà nguyện, ngay từ 1-1976, đã bị chiếm dụng luôn cho đến bây giờ, do lâm trường Tiền Phong lúc đầu mượn với cớ làm nơi ươm giống trái thông của đồi thông đan viện để đem trồng trên các đồi trọc xung quanh thành phố Huế nhưng rồi không chịu trả dù đan viện đã nhiều lần đòi lại.

– Cha Têphanô Huỳnh Quang Sanh (gốc Giáo phận Đà Nẵng), bề trên đan viện kiêm quản xứ Thiên An (1984-2002). Cha Anrê Trông Nguyễn Văn Tâm phụ tá lo về ca đoàn, giáo lý, đào tạo giáo lý viên, tổ chức các hội đoàn, điều hành Hội đồng Giáo xứ.

– Cha Anrê Trông Nguyễn Văn Tâm, phó bề trên đan viện, chính thức làm quản xứ từ năm 2002; nhiều thầy của đan viện được cử ra phụ giúp. 

– Cha Anrê Dũng Lạc Mai Văn Diên (gốc giáo phận Vinh) làm quản xứ Thiên An từ năm 2014, theo sự đề cử của cha Bề trên Giám quản Antôn Nguyễn Huyền Đức (gốc Giáo phận Vinh) và dưới sự đồng ý của Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng.

Năm 2015, cha Anrê Dũng Lạc đã tổ chức 50 năm thành lập giáo xứ Thiên An.

– Cha Philiphê Minh Đặng Chung (gốc Giáo phận Đà Nẵng), làm quản xứ Thiên An từ tháng 5-2017 cho đến hôm nay.

Bên trong nhà nguyện đan viện Thiên An

IV. HOA TRÁI ĐỨC TIN:

1- Nữ tu:

– Mađalêna Tống Thị Thanh Thủy, sn: 1983, vk: 2015, Dòng Mến Thánh Giá.

– Elisabeth Hồ Hoàng Linh, sn: 1984, vk: 2015, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

2- Số tín hữu qua các thời kỳ:

– Năm 2010: 282 người.

– Năm 2015: 341 người.

– Năm 2020: 379 người.

Các hội đoàn trong giáo xứ:

– Cha gia đình, Legio Mariae, Giới trẻ, Thiếu nhi Thánh Thể, Lễ sinh, Ca đoàn (già + trẻ )

Thánh lễ cử hành tại đồi Đức Mẹ

———————————————————————-

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.