Lược sử Giáo xứ Phường Đúc

11/07/2020

GIÁO XỨ PHƯỜNG ĐÚC

Nhà thờ Phường Đúc 

Lược sử

GIÁO XỨ PHƯỜNG ĐÚC

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Phường Đúc, giáo hạt Thành Phố, nằm trên địa bàn phường Phường Đúc và phường Thủy Xuân (xưa gọi là làng Dương Xuân Thượng và Dương Xuân Hạ), thành phố Huế, cách tòa Giám mục Huế 3.5 km về phía tây. Nhà thờ Phường Đúc ở số 321 đường Bùi Thị Xuân. Sát về phía tây là đường Huyền Trân Công Chúa. Giáo dân đa phần sống tập trung hai bên đường Bùi Thị Xuân chạy song song với dòng sông Hương, sau lưng là đồi dốc chập chùng.

Giáo xứ ban đầu được gọi là Thợ Đúc, đến năm 1850 Đức cha François Pellerin đổi tên thành Trường An (do hai xóm Trường Đồng và Vĩnh An). Thời cha sở Lu-y Nguyễn Văn Bính (1977), Đức Tổng Philipphê Nguyễn Kim Điền lấy lại tên cũ nhưng sửa chút ít, gọi là Phường Đúc.

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Khai sinh nhờ người thợ đúc súng.

Giáo xứ Phường Đúc đã ra đời rất sớm, như một cộng đoàn nhỏ, và gắn liền với tên tuổi của một nhân vật đặc biệt, ông João da Cruz (Jean de la Croix 1610-1682), người Bồ Đào Nha.

Theo linh mục Léopold Cadière, ông João da Cruz giữ một vai trò quan trọng đối với vương phủ nhà Nguyễn, thời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), đồng thời còn có một vị trí đặc biệt đối với giáo đoàn Đàng Trong nói chung và giáo xứ Thợ Đúc nói riêng trong những năm tháng đầu tiên khai sinh cộng đoàn này. Lúc đó đã có một số Kitô hữu ở đây rồi. Cha Cadière viết:

Những tài liệu đầu tiên chúng tôi có đã liên kết việc thiết lập Kitô giáo tại vùng Thợ Đúc với người đúc súng cho triều đình Annam thế kỷ XVII, Jean de la Croix”. Rồi ngài trích dẫn “Hồi ký Lefèbvre”: “Một người lai Bồ Đào Nha hoặc Tây Ban Nha, làm nghề đúc súng đại bác, đến đề nghị với Vua (tức chúa Hiền) các việc phục vụ của mình, đã được chấp thuận và cho ở Thợ Đúc, nơi mà mọi thợ đúc quen đến sinh sống. Người lai Công giáo này đã thuyết phục Vua rằng ông cần một linh mục trong đạo của ông, mà những lời cầu nguyện sẽ giúp ông thành công trong các công việc của mình. Vua đã cho vời một Thừa sai dòng Tên đến, vị này ở một thời gian trong nhà một nữ Kitô hữu, đã qua đời và được chôn trong vườn ông thợ đúc… Đây là linh mục (dòng Tên) duy nhất đã ở tại làng này cho đến lúc đó, không phải trong một trú sở, nhưng trong một nhà người lạ[1]

Theo linh mục Louis Chevreuil (MEP, 1627-1693), người được Đức Giám mục Lambert de la Motte sai đến Huế từ Xiêm để gặp ông Jean de la Croix, cho hay ông này có một nhà nguyện riêng và một cha tuyên uý là Domenico Fuciti (dòng Tên người Ý) trông coi nhà nguyện đó[2]. (Năm 1698, nhà nguyện này sẽ bị chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) cho phá hủy cùng với nhà thờ của cha Pierre Langlois ở Phủ Cam). Cha Chevreuil còn cho biết tại hầm nhà nguyện của cha Fuciti, có bốn hoặc năm xác kitô hữu tiên khởi bị giết chết vì đức tin cách đấy 30 năm, được cất giữ trong bốn hoặc năm quan tài gỗ. Các xác nầy không thể xác định danh tánh. Cha Tanitlaô Nguyễn Văn Ngọc cho đó là hài cốt của 5 vị tử đạo từ 1645-1656: thầy giảng Inhaxiô (Quảng Trị), thầy giảng Vinhsơn (Quảng Ngãi), ông Âutinh (Quảng Bình), ông Alêxù (Q.Bình) và ông Phêrô Văn Nết (Thuận Hóa)[3].

Căn cứ vào mô tả của ông Michel Đức Chaigneau (Souvenirs de Hué [Cochinchine]), nhất là dựa vào Hồi ký (Mémoire) của Thừa sai Armand-François Lefèbvre (MEP người Pháp), trên nền nhà thờ của ông Jean de la Croix có hai ngôi mộ, một của cha Pietro Belmonte dòng Tên người Ý, chết rũ tù vì đạo (27-5-1700) và một của ông Jean de la Croix, nhưng không rõ ngôi nào là của vị nào. (Bốn ngôi mộ đất là vợ, con, cháu và dâu của ông ấy).

Như vậy, nhà ông Jean de la Croix được coi như trụ sở dòng Tên đầu tiên ở Huế sau hai trụ sở ở Hội An và Đà Nẵng. Đó là gốc tích giáo xứ Phường Đúc. Cộng đoàn tín hữu Thợ Đúc lúc ấy nằm dọc ấp Bồi Thành (Vĩnh An) sát lò đúc của ông vốn ở dưới chân Thành Lồi[4], góc đông bắc, gần sông Hương và gần Khe Tre.

2- Nơi dừng chân của nhiều mục tử

Cha Domenico Fuciti ở Thợ Đúc từ năm 1658 đến năm 1665 thì chúa Hiền truyền lệnh phải vào Hội An, rồi bị trục xuất sang Xiêm (Thái)[5].

Tháng 8 năm 1665, Đức cha Lambert de la Motte, Đại diện Tông tòa tiên khởi của Giáo phận Đàng Trong (1624-1658-1679), cử cha Antoine Hainques (MEP, 1637-1670) đến Huế. Ngài cải trang làm người Nhật và ở lại nhà ông Jean de la Croix tại Thợ Đúc khoảng một tháng và ban các phép bí tích cho giáo dân.

Kế đến là cha Giuseppe Candone (dòng Tên người Ý), đến VN năm 1670. Trong một lá thư gởi các bề trên chủng viện hội Thừa sai Paris năm 1675, linh mục Guillaume Mahot (giám mục tương lai, 1630-1681-1684) có đề cập tới cha Giuseppe Candone, cho biết ngài “đến kinh đô và ở lại trong nhà ông thợ đúc” (để làm tuyên úy), nhưng không nói ở lại cho tới khi nào[6].

Kế tiếp là cha Bartolomeo Acosta (dòng Tên, cha Bồ mẹ Nhật), tới VN năm 1671. Về vị này, Henri Chappoulie, trong cuốn Rome et les Missions d’Indochine au XVIIe siècle, cuốn I, trang 327, có viết: “Mới từ Macao sang… ngài đã thận trọng cập bến Hội An mà không mang theo áo lễ, chén thánh trong hành lý, vì biết mình sẽ tìm thấy những gì cần thiết tại nhà ông Jean de la Croix, chốn quan phòng thường trực của các cha từ Macao đến”. Khi thừa sai Pierre Langlois đến Huế năm 1680, đã gặp linh mục Bartolomeo ở đây và cho biết ngài làm tuyên úy cho ông thợ đúc của chúa. Cha Bartolomeo còn có mặt tại Huế cho đến 1693 theo thư của linh mục Noguette (10-2-1694)[7].

Năm 1675, Đức cha Lambert de la Motte kinh lược lần thứ hai xứ Đàng Trong và ở lại nhà ông Thơ Mật tại Thợ Đúc trong 15 ngày (không ở nhà ông Jean de la Croix là kẻ chẳng thích gì các thừa sai MEP). Từng là cánh tay phải của các cha dòng Tên[8] trong tư cách thầy giảng, ông Thơ Mật đồng thời là quản gia được quí mến của ông hoàng Nguyễn Phúc Diễn (1640-1684, con trưởng của chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần), nên ông đã đón Đức cha về nhà ở mà không sợ bị khuấy rầy cản trở[9]. Có cha Bénigne Vachet (MEP) tháp tùng vị Giám mục. 

Trong 15 hôm đó, nhà ông Thơ Mật mở cửa suốt ngày để bổn đạo xa gần đến đọc kinh và chịu phép thêm sức. Các thầy giảng ba tỉnh Thuận Hóa, Quảng Trị, Quảng Bình đến hầu Đức cha, trình bày công việc, giãi bày khó khăn và nhận bằng cấp. Lúc này các cha dòng Tên vắng mặt. Đức cha và các thầy làm việc suốt ngày.

Tiếp đó, cộng đoàn Thợ Đúc lại đón một mục tử mới là cha Pietro Belmonte (dòng Tên, người Ý, ?-1700), tới Việt Nam năm 1692, đến ở ngôi nhà nguyện của ông Jean de la Croix mà lúc này đã mất nên để lại cho con là Clemente da Cruz (Clément de la Croix). Theo mô tả của linh mục Jean-Baptiste de Capony (MEP người Pháp), cha Belmonte có “vóc dạng cao lớn, tóc đen, mặt dài”[10].

3- Thử thách bắt đầu: tù đày và tử đạo

a- Mục tử bị tống giam, chết rũ tù

Trong thư đề ngày 7-1-1695 gởi cho người bạn là thừa sai Robert Noguette (MEP), cha Pierre Langlois viết: “Từ cuộc trình diễn nhân lễ Giáng sinh do cha Pietro (Belmonte) tổ chức tại nhà thờ ông Clément de la Croix (con trai ông Jean de la Croix), người ta đã nhắc lại những tiếng đồn cũ về chuyện cấm Kitô giáo, khiến ai nấy lo sợ. Càng lo sợ hơn vì chúa đã phạt nặng những người trình diễn, đổ trách nhiệm lên họ, chặt ngón tay và cạo trọc đầu một số người đã bị bắt[11]

Đến lễ Phục sinh năm 1968, một đàng thấy tín hữu đến dự lễ đông đảo tại nhà thờ cha P. Langlois ở Phủ Cam và nhà nguyện ông Clément de la Croix ở Thợ Đúc, một đàng nghe theo lời sư sãi vu cáo tín hữu phá chùa đập tượng, Minh vương Nguyễn Phúc Chu (1675-1691-1725) đã ra lệnh cho ông Tả Khang đem lính tới phá nhà thờ Phủ Cam và ông Hữu Cam[12] dẫn quân tới phá nhà nguyện Thợ Đúc xây từ năm 1658.

Đến ngày 13-3-1700, Minh vương lại ra lệnh cấm đạo. Nhiều linh mục và giáo dân bị bắt, bị cầm tù và mang gông xiềng. Ở kinh đô có 5 thừa sai lâm nạn: 3 vị dòng Tên là các cha Pietro Belmonte, Giuseppe Candone (Ý 1637-1701), Antonio Arnédo (TBN, 1660-1715) và 2 vị hội Thừa sai là cha Pierre Langlois và Jean-Baptiste de Cappony (1652-1707)[13]. Tất cả bị mang gông và tống vào nhà ngục Phú Xuân.

Cha P. Belmonte bị tra tấn vì đạo trong gần ba tháng. Ngoài ra ngài còn phải mang gông xiềng nặng. Bị giam phòng bên cạnh, cha de Cappony nhận xét về ngài như sau: “Không thấy ngài nổi giận bao giờ. Khuôn mặt ngài luôn tươi cười, lời nói ngài dịu dàng, dễ chịu, rất đạo đức… Ngài bị đau ruột, phải nằm dưới sàn đất 7-8 ngày… Một lúc trước khi tắt thở, ngài xin lỗi chúng tôi, khiến tôi phải chảy nước mắt. Ngài lãnh đủ các bí tích với lòng sốt sắng cao độ, và tự mình đáp lại lời khuyên phó linh hồn[14] Hôm đó là ngày 27-5-1700. Cha Juan Antonio Arnedo, giáo sư dạy toán cho chúa, được tha trước, đã nhận xác cha Belmonte và đem về an táng.

Thừa sai P. Belmonte là vị linh mục đầu tiên và thuộc dòng Tên hy sinh vì đạo cho giáo đoàn Đàng Trong tại cộng đoàn Thợ Đúc.

Vẫn vào thời gian cấm đạo trên (1700), chúa Minh cho tịch thu hài cốt tử đạo đang cất giữ ở hầm nhà nguyện của ông Jean de la Croix (nói trên) mà đem rải trên đường làng Dương Xuân Hạ, với vu cớ là người có đạo đào mả lấy cốt để làm bùa mê.

Cũng trong cuộc bắt bớ năm 1700, thừa sai Pierre de Sennemand (MEP 1660-1730, đến Viễn Đông năm 1693), lúc đó đang ở Hội An cũng bị cầm tù (Adrien Launay, Sđd, t.I, tr. 441) và bị đưa ra Thuận Hóa, đến cuối năm 1703 mới được thả.

Có lẽ vì trong thời gian này, hòa thượng Thích Đại Sán được chúa Minh mời từ Trung Quốc sang Thuận Hóa thuyết giáo (1695). Theo thừa sai de Sennemand, vị Hoa Thoan (hòa thượng) được chúa kính trọng này đã dâng thỉnh nguyện thư xin tha tù cho các giáo sĩ.[15]

Lúc ra khỏi nhà giam, cha de Sennemand định lên ở khu đất của cố linh mục P. Langlois (chết rũ tù) tại Xóm Đá – Phủ Cam. Nhưng rồi cha bỏ ý định đó vì lời ra tiếng vào của hai cha de Cappony và Arnédo mà lên ở Thợ Đúc mua đất lập nhà thờ ở vùng gần núi tên là Khe Tre, để quan lại ít dòm ngó. Theo cha Charles Labbé, đó là vùng đất cách phủ chúa một dặm[16]. Vậy có thể từ rất sớm, vào năm 1704, Khe Tre (thôn Thượng Bốn) của làng Dương Xuân Thượng (nay thuộc phường Thủy Xuân) là địa bàn thứ hai của cộng đoàn Thợ Đúc. Được biết lúc lên ở đấy, cha de Sennemand từng đi thăm những tín hữu bị bỏ tù trong cuộc bách hại năm 1714, ban các phép bí tích cho họ[17]. Ngài cũng có lập dòng Mến Thánh Giá vào năm 1719.[18] Nay còn có giếng bà Ngọ, bề trên tiên khởi của cộng đoàn chị em (xem bản đồ lẫn hình chụp) và một số phần mộ như là dấu tích và bằng chứng về việc họ Thợ Đúc di dời từ Bồi Thành Vĩnh An (thôn Dương Xuân Hạ) vào sâu vùng Khe Tre để dễ bề giữ đạo. Lúc cha de Sennemand qua đời tại Phủ Cam (1730), xác ngài được đưa về họ Thợ Đúc và an táng tại tu viện Mến Thánh Giá, cha Charles de Flory chủ lễ. Các nữ tu lúc này còn lập một bệnh xá lớn, tồn tại cho tới năm 1733.

b- Giáo dân mang án thảo tượng

Năm 1714, chúa Minh ra sắc dụ cấm đạo. Trong thư gởi các bề trên chủng viện của hội Thừa sai Paris (27-10-1715), Đức cha Charles Labbé cho biết vào tháng 3-1714, có tin đồn cấm đạo, khiến giáo dân phải ngụy trang nhà thờ như nhà ở, phải thu giấu ảnh tượng và cất kỹ bàn thờ gia đình. Các phụ nữ không còn mang xâu chuỗi ở cổ khi ra đường, nhiều người phải lánh vào rừng hoặc tạm thời trú ngụ nơi bạn bè lương dân. Có kẻ trốn xung quanh nhà, hết ở bụi bờ này đến bụi bờ khác[19].

Rất nhiều Kitô hữu Thuận Hóa và Dinh Cát bị giam tù ở kinh đô. Theo thư nói trên của Đức Giám mục Charles Labbé, ngày nọ chúa truyền đưa 26 người (21 nam, 5 nữ) đến phủ để bị thẩm vấn. Khi chúa hỏi vì sao họ lại phản loạn, không chấp hành lệnh cấm đạo của triều đình, họ khẳng khái trả lời tuyệt đối vâng lời và trung thành phục vụ chúa ngoại trừ lệnh buộc bỏ đức tin. Nghe thế chúa tức giận, hạ lệnh chém đầu tất cả. May có một vị đại thần can gián. Ông này tâu với chúa rằng họ cũng là thần dân của chúa, sống đơn sơ, không gian dối, chẳng làm ác cho ai, nộp thuế đầy đủ và hoàn tất các nghĩa vụ theo luật định. Nếu đem họ ra giết, sẽ gây hoang mang trong nước và quốc gia sẽ bị thất thu về thuế vì người có đạo sẽ sợ mà bỏ trốn. Nên phạt họ như cha phạt con, chứ đừng giết họ như kẻ thù. Lấy làm phải, chúa nguôi giận và đổi án trảm quyết bằng án thảo tượng (đi bứt cỏ nuôi voi nhà chúa suốt đời, phải mang xiềng ở cổ và chân, trán bị khắc hình thánh giá bằng mũi kiếm như dấu ô nhục). Riêng 5 phụ nữ thì được tha về[20].

Hiện tại ở giáo xứ Phường Đúc, thôn Thượng Bốn, có ngôi mộ tập thể gọi là mộ 12 Ông Cỏ, bị án thảo tượng từ những năm 1714-1715. Mộ các ngài đã được cha sở Phêrô Trần Văn Quý tôn tạo lại năm 1999 theo lệnh của Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể.

c- Câu họ can trường

Tại phủ chúa lúc ấy, còn có cuộc kiểm tra lính thị vệ, để biết người nào theo đạo. Cũng theo Đức cha Labbé, trong số những quân nhân sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đức tin, có On Pho (ông Cai Phó), người lớn tuổi nhất và được chúa tin dùng vì luôn hoàn thành nhiệm vụ. Muốn lưu dụng ông nên chúa cho gọi và kín đáo đề nghị ông bỏ đạo. Chúa nói: “Này Cai Phó, tại sao ngươi muốn làm phật ý ta ? Hãy thóa mạ Giêsu-Kitô, nhỏ thôi cũng được, và ta sẽ tha cho ngươi”. Nhưng người tín hữu quả cảm này đáp lại: “Tâu Chúa thượng, tại sao ngài lại muốn tôi làm điều ngài truyền bảo ? Chúa biết tôi chỉ là bầy tôi hèn mọn; nhưng nếu các quan triều đình cùng nhau cho tôi tất cả vàng trên thế gian hoặc dọa giết chết tôi cách dã man nhất để buộc tôi thóa mạ Chúa thượng, tôi sẽ không bao giờ làm, vì ngài là chúa của tôi và tôi phải phục vụ lẫn tôn vinh ngài đến độ mất mạng sống hơn là lỗi bổn phận nầy. Nếu sự kính trọng của tôi đối với Chúa thượng tới mức như vậy, như lòng tôi làm chứng cho tôi… thì làm sao bây giờ tôi có thể thóa mạ Đức Giêsu Kitô mà tôi biết là Chúa trời đất, Chủ tể vũ trụ, Đấng tạo dựng và gìn giữ mọi vật, Vị tối cao nắm quyền sinh tử mọi người; và trước ngai tòa Người tất cả chúng ta khi ra khỏi cuộc sống này sẽ phải đến trình diện để nhận hoặc phần thưởng hoặc án phạt cho mọi hành động của chúng ta. Chúa thượng có thể làm gì cho tôi tùy ý ngài, nhưng tôi khiêm tốn van xin ngài đừng xem việc tôi thành thực thưa với ngài rằng tôi không dám thóa mạ Đức Giêsu là điều xấu xa”.

Câu trả lời khẳng khái của quan Cai Phó đã khiến chúa thất vọng và cảm thấy bị xúc phạm, bèn truyền tịch thu lập tức tài sản lẫn triệt hạ hoàn toàn nhà cửa ông[21]. Nhưng bà vợ ông đã tiên liệu mà thu giấu của cải gia đình.

Theo Linh mục Tanítlaô Nguyễn Văn Ngọc, ông Cai Phó trên là người Thợ Đúc, làm tín hữu từ lâu. Do không chịu bỏ đạo, ông bị thích hình Thánh giá trên trán, mang xiềng và đi bứt cỏ cho voi. Năm 1715, ông Cai Phó được tha về. Với tiền của nhờ bà vợ khéo thu giấu, ông mua một sở vườn gần chân Thành Lồi, xây cất một bệnh xá và một nhà nguyện để cùng với giáo dân họp nhau đọc kinh hôm sớm. Ông trở thành câu họ. Cha Pierre Heutte được Đức Giám mục Franciso Pérez đặt coi giáo đoàn Huế (1715-1719), từng đến nhà nguyện này dâng lễ và giảng dạy. Nhà nguyện này, theo cha Charles de Flory, đã bị đốt vào cuối đời chúa Minh[22]

4- Tạm yên: đại chủng viện thứ nhất và tòa giám mục thứ hai được thiết lập.

Năm 1725, chúa Minh qua đời, chúa Ninh Nguyễn Phúc Chú (1725-1738) lên ngôi. Lúc ấy, ở Thợ Đúc có cha de Flory từ Phủ Cam lên cư trú từ tháng 9-1731. Ngài đã xây một nhà thờ khác, không phải chỗ nhà nguyện cũ vốn bị phá hủy từ năm 1725 rồi. Cha đã qua đời tại giáo xứ Phủ Cam 3-1-1733 và ngày 24-3-1741 được cải táng về Thợ Đúc[23].

Thời chúa Ninh, đạo được dễ dàng, nhưng xảy ra bất đồng giữa các dòng tu về nghi lễ Á đông và địa giới truyền giáo.

Đức Giáo hoàng Clêmentê XII khi ấy đã cử Đức Giám mục Elzéar-François des Achards de la Baume (1679-1730-1741) làm Khâm sai để thu xếp mọi chuyện. Đến xứ Đàng Trong rồi ra Thuận Hóa ngày 7-6-1739, giải quyết xong một số vấn đề và đi kinh lý một số họ đạo (ra tới tận Quảng Bình), Đức Khâm sai đã quyết định thành lập chủng viện tại Thợ Đúc để đào tạo linh mục bản xứ. Đó là lý do ra đời đại chủng viện Carôlô dưới chân Thành Lồi ngày 30-09-1740. Cha Jean-Antoine de la Court (MEP, 1706-1746) làm bề trên tiên khởi. Khóa đầu khai mạc với 24 chủng sinh. Đại chủng viện này tồn tại được 10 năm thì giải tán vì tình hình khó khăn (1741-1750) dưới thời Đức cha Armand Lefèbvre và thời chúa Võ (Vũ) Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765)[24].

Cha de la Court lúc đó cũng cai quản giáo đoàn kinh đô. Năm 1742, ngài cho biết số tín hữu tại 2 họ đạo lớn nhất như sau: Thợ Đúc 800 và Phủ Cam 3000. Vào năm 1744, cả vùng kinh đô có khoảng 6000 giáo hữu. [25]

Phần Đức Khâm sai thì chẳng may qua đời ngày 2-4-1741 tại tòa giám mục ở Phủ Cam nhưng sau đó được chuyển lên an táng tại Thợ Đúc trong một nghĩa trang nhỏ ở chân cạnh bắc Thành Lồi. Năm 1982, do nghĩa trang này -nằm phía đông đường Huyền Trân Công Chúa- bị quy hoạch thành cơ sở của một công ty, cha xứ Lu-y Nguyễn Văn Bính bèn dời mộ của Đức cha cũng như của cha Phanxicô Xavie Trương Văn Thường (1806-1849-1892) và cha Inhaxiô Phan Văn Huân (1827-1861-1877) về trong nhà thờ Thợ Đúc hiện thời.

Trước đó, khi Đức Khâm sai Tòa thánh đến Huế thì vị Đại diện Tông tòa Đàng Trong là Giám mục Alessandro di Alessandria (dòng Bácnabit người Ý, 1691-1725-1738) vừa mới qua đời. Đức Khâm sai đã chọn cha Armand François Lefèbvre (MEP) đang ở Thái Lan làm Giám mục  (1709-1743-1760), đệ trình với Tòa thánh và được chuẩn y. Sau khi được phong chức, Đức cha Lefèbvre về Huế, sửa lại nhà thờ giáo xứ Thợ Đúc gần cạnh đông Thành Lồi sắp sụp đổ và chọn làm tòa Giám mục. Tháng 9-1745, Tòa thánh chọn cha Edmond Bennetat (MEP) làm Giám mục phó và được Đức cha chính Lefèbvre truyền chức ngày 1-5-1748 tại nhà thờ Thợ Đúc.

5- Lại trải qua bắt bớ

a- Hai Giám mục và các Thừa sai bị trục xuất

Tình hình đạo khó khăn trở lại là do năm 1749, có tay Pierre Poivre đại diện Công ty Đông Ấn của Pháp đến Đàng Trong xin buôn bán, nhưng việc không thành. Pierre Poivre đã cho tàu nhổ neo mà không đợi giấy phép của chúa (lúc ấy là Võ vương Nguyễn Phúc Khoát 1738-1765), ông cũng chẳng trả tiền phiên dịch cho Micae Cường mà còn bắt cóc người này theo. Vụ việc khiến chúa tức giận, anh ông Cường thì đưa đơn kiện.

Sẵn mối bất bình với các thừa sai, quan Cai An Tín cho lính đến tòa Giám mục bắt Đức cha Lefèbvre và các cha Rivoal, Lidur, Mathias, Maccioni và Antoine về giam. Đồng thời triệt hạ các nhà thờ và tịch thu tài sản các cha Graff, Neughbauer. Cha Moureiro thì bị bắt trói và mang gông. Sau cùng Đức cha Lefèbvre và các thừa sai bị đưa vào Hội An (27-8-1750) để về Macao.[26]

Vụ việc Pierre Poivre gây tổn thất lớn cho giáo đoàn Đàng Trong và ảnh hưởng nặng nề đối với giáo xứ Thợ Đúc. Trước sẵn có linh mục bao nhiêu thì bây giờ lại vắng vẻ bấy nhiêu. Vụ việc chỉ được xem lắng dịu khi Đức cha Bennetat dàn xếp đưa Micae Cường về nước (5-1752), chuộc lại nhà thờ Thợ Đúc (duy nhất còn sót) mà Đức cha Lefèbvre đã bán lúc bị trục xuất. Nhà thờ này sau đó bị triều đình phá hủy. Đến năm 1781, nó được xây lại và được cha Pierre Halbout (1758-1788) làm phép vào tháng 7.[27]

b- Linh mục tử đạo tiên khởi.

Trong thời gian đầu cuộc chiến giữa ba họ Trịnh, Nguyễn và Tây Sơn (1774-1786), đạo được tạm yên. Nhưng gian đoạn này kéo dài không lâu. Năm 1798, vua Cảnh Thịnh (Tây Sơn) ra lịnh cấm đạo. Theo linh mục Pierre Gire (MEP), vua quan Tây Sơn nghi ngờ các thừa sai ở Huế ủng hộ Nguyễn Ánh ở Đồng Nai nên cho lính đi lùng bắt Đức cha Jean Labartette, Giám quản Tông tòa Giáo phận bấy giờ (1744-1784-1828)[28].

Ngày 07-08-1798, bốn cơ binh bất thần bao vây 4 giáo xứ lớn vùng kinh đô, trong đó có Phủ Cam và Thợ Đúc. Cha Emmanuen Nguyễn Văn Triệu (sinh tại Thợ Đúc, 1756-1798) lúc đó vì thương nhớ mẹ ở Thợ Đúc nên đã từ giáo phận Đông Đàng Ngoài vào thăm bà. Không tìm thấy Đức Giám mục, quan quân bắt một số nữ tu MTG và giáo dân trong đó có lẫn cha Triệu để tra hỏi. Không muốn để mặc họ bị lính lấy khẩu cung đánh đập, cha Triệu tự nguyện cung khai danh tính và thân phận mình. Ngài bị xử trảm tại chợ Được gần cầu Gia Hội, đầu đường Chi Lăng hiện nay ngày 17-9-1798. Đây là vị tử đạo tiên khởi được phong thánh của Giáo phận Huế.

Khi vua Gia Long lên ngôi (1802), Đức cha Labartette ra lệnh cải táng cha thánh Triệu về chôn tại Dương Sơn (1803). Năm 1996, hài cốt thánh nhân được rước về kính tại nhà thờ Phường Đúc.

Cũng năm 1798, 32 chức việc ở kinh đô trong đó có họ đạo Thợ Đúc bị bắt giam trong ngôi nhà có hai cửa sinh môn và tử môn. Ba mươi người bước ra tử môn bị lính cầm gươm chém chết tại chỗ[29].

c- Quan thị vệ bị án trảm quyết và Thừa sai Pháp bị án lăng trì

18 năm triều Gia Long (1802-1820) và 5 năm đầu triều Minh Mạng, Giáo hội Việt Nam nói chung và Giáo phận Đàng Trong nói riêng được yên hàn.

Ngày 02-10-1808, cha Jean Doussain được tấn phong giám mục phó (phụ giúp Đức cha Jean Labartette) tại nhà thờ Thợ Đúc.

Cũng tại nhà thờ Thợ Đúc, ngày 29-3-1818, cha Jean Joseph Audemar được tấn phong giám mục phó, giúp Đức cha Jean Labartette điều hành giáo phận.

Nhưng từ năm 1825, Giáo hội VN lại gặp phải sóng gió. Họ đạo Thợ Đúc lại được diễm phúc thấm máu đào tử đạo.

Khoảng cuối tháng 12-1832, khi chuẩn bị ra chiếu chỉ cấm đạo toàn quốc, vua Minh Mạng đòi kê khai những người Công giáo trong hàng ngũ thị vệ. Thế là ông Phaolô Tống Viết Bường bị gọi trình diện rồi bị xiềng xích tra tấn để buộc bỏ đạo.

Thấy không thể lay chuyển đức tin của người môn đệ Chúa Kitô, quan Thượng thư bộ Hình xin nhà vua tuyên án. Vua châu phê bản án trảm quyết, treo đầu ba ngày để làm gương cho thiên hạ. Thế là ngày 23-10-1833, lúc năm giờ chiều quân lính dẫn ông ra pháp trường ở Thợ Đúc. Lấy cớ bị trói và mang gông nặng, ông thị vệ kéo dài thời gian di chuyển, để được chém trên nền nhà thờ mà Minh Mạng mới ra lệnh đốt tại Khe Tre, gần nhà con gái và con rể. Thủ cấp ông bị bêu ba ngày ở sân nhà thờ Thợ Đúc, còn thi hài vị tử đạo được an táng ở giáo xứ Phủ Cam. Sau đó vua truyền xây dựng đình làng Dương Xuân Thượng trên nền nhà thờ bị triệt hạ này.

Đài kỷ niệm thánh Phaolô Tống Viết Bường

Nối tiếp con đường hy sinh của cha vợ, con rể của ông là Lê Hữu Quờn, bị bắt vào tháng 9 trước đó, đã phải giam tại Khám Đường (góc phía tây của Thành Nội) cho đến tháng 11-1833 và sau đó bị đày đi Lao Bảo (11-12-1833). Thợ Đúc còn rạng ngời với tên tuổi ông Micae Lê Văn Cửu. Theo cha Jaccard, bị bắt ép làm những điều mê tín, ông Cửu từ chối và phải chịu cực khổ nhiều vì đức tin (1831). Ông vốn làm thông ngôn của vua Minh Mạng, biết tiếng Bồ và Pháp, thường theo tàu qua Singapore và Batavia. Được biết ông Cửu là thân phụ ông Quờn, thông gia với thánh Bường. Thấy con và thông gia bị bắt vì đạo, ông thường công khai bênh vực và ước ao được bắt để xưng đức tin (1832) nhưng vua không bắt. 

Hai năm sau cuộc tuẫn giáo của thánh Tống Viết Bường, lại đến cái chết bi hùng của thừa sai Marchand Du. Với gần ba tháng trong chiếc cũi chật hẹp, và những cuộc tra tấn chết đi sống lại, ngài là vị duy nhất bị án bá đao, nghĩa là bị cắt xẻo 100 nhát trước khi bị chặt ra làm bốn phần tại pháp trường ở Thợ Đúc (cùng với 4 tử tù khác can tội phản loạn) ngày 30-11-1835. Thủ cấp của ngài sau đó bị đem đi bêu nhiều nơi, rồi được trả về kinh đô, bỏ vào cối giã nát và rắc xuống biển. Chẳng ai giữ được một cái gì của ngài làm thánh tích. Nhưng máu tử đạo ngài đã thấm đẫm vùng đất đầy dấu vết vinh quang này.

Đài kỷ niệm thánh Marchand Du

d- Những giáo dân nạn nhân Phân sáp.

Đời vua Tự Đức, vào năm 1860-1861, có sắc dụ Phân sáp, nhằm phân rẽ các gia đình Công giáo, sáp nhập các giáo dân bất kể nam nữ, trẻ già theo kiểu lưu đày vào những làng ngoại hay đến những trại tù để bị giam giữ, thích chữ vào má Tả đạo. Sắc dụ này đã gây ra tang thương tàn khốc dã man chưa từng thấy: 115 linh mục tuẫn giáo; 2.000 nữ tu trong 80 tu viện bị phân tán, trong đó hơn 100 tử đạo; trên 10.000 chức việc bị bắt; hơn 2.000 họ đạo bị hủy diệt; trên 300.000 giáo dân bị phân tán trong các làng bên lương, trong đó, khoảng 40.000 bị thiệt mạng.

Thừa sai Théodore-Prosper Bernard (cố Thới 1834-1859-1868) đã viết một tập sách tiếng Pháp nhan đề (dịch ra tiếng Việt) là “Những người tuyên xưng đức tin từ 1848 đến 1862 của Bắc Đàng Trong” đăng trên Annales của hội Thừa sai Paris. Về cộng đoàn Thợ Đúc, tác giả đã nêu ra danh tính và trường hợp tử đạo (chết rũ tù) của 19 vị[30], từ em bé 3 tuổi đến bà góa 65 tuổi, từ một kẻ mồ côi đến một người cha gia đình… Các vị bị giam ở nhiều nơi, như Cầu Hai, Vân Dương, Huỳnh An, Bảo Vang, Phú Xuân, Triều Sơn Tây, Xuân Hòa, Nam Phổ, Sư Lỗ, An Cựu…

6- Thành giáo xứ với các quản xứ

Kể từ thời Đức Giám mục Hyacinthe Sohier Bình chỉnh đốn lại giáo phận (1866) sau khi khi vua Tự Đức tha đạo vào năm 1862, thì các họ đạo mới có những quản xứ đến ở thường xuyên để coi sóc (Trước đó, chỉ có những mục tử lưu động, một đàng vì con số ít ỏi, một đàng vì thời buổi cấm cách, một đàng vì ranh giới xứ đạo chưa rõ rệt). Thợ Đúc cũng chỉ trở thành giáo xứ với quản xứ riêng biệt hay kiêm nhiệm từ 1866

1- Inhaxiô Nguyễn Ngọc Tuyên (Phủ Việt)               1866-1872, quản xứ Phủ Cam kiêm nhiệm.

2- Phêrô Trần Văn Sáng (gốc An Ninh)         1872-1880, phó xứ Kim Long kiêm nhiệm.

3- Inhaxiô Nguyễn Ngọc Tuyên (Phủ Việt)               1880-1883, kiêm nhiệm Phủ Cam.

4- P.X Trương Văn Thường (Ngọc Hồ)         1883-1892 (qua đời và an táng tại Thợ Đúc)

5- Têphanô Lê Văn Ấn (Thợ Đúc)                1892-1895 (cháu ngoại thánh Tống Viết Bường)

6- François Patinier (cố Kính)                         1895-1922 (qua đời tại Thợ Đúc)

Giáo xứ Thợ Đúc lưu tại Khe Tre lâu, từ 1703 đến 1906. Năm 1906 linh mục Patinier (cố Kính) cho dựng nhà thờ kiểu Việt Nam tại khuôn viên nhà thờ hiện tại. Năm 1913-1914, cố Kính đi Pháp, cha Tađêô Đỗ Văn Cử (Bích Khê) tạm thế.

7- Tôma Trương Đình Điểm (Nam Tây)         1923-1024

Vào năm 1924, tại giáo xứ Trường An (tên mới của Thợ Đúc), cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn (1876-1902-1948, giám mục tương lai) đã thành lập dòng Sư huynh Thánh Tâm và làm bề trên tiên khởi.

8- Phaolô Huỳnh Văn Thế (Di Loan)             1925-1936. Cha Đôm. Nguyễn Thanh Chước ở phó.

9- Đôminicô Lê Hữu Luyến (Di Loan)           1936-1945

10- Phaolô Trần Văn Khánh (Dương Sơn)     1946-1949

11- Phêrô Đỗ Khắc Tuế (Trường An)            1949-1962

12- Mattêô Lê Văn Thành (Trí Bưu)              1962

13- Anrê Nguyễn Văn Từ (Đại Lộc)              1963-1967

14- Đôminicô Lê Hữu Luyến    (Di Loan)       1967-1974 (kỳ 2)

Từ 1969-1972, ban Truyền giáo Giáo phận, cha Giuse Lê Hữu Huệ phụ trách, đặt tại Trường An.

15- Micae Ng. Văn Tường (Hương Lâm)      1974-1975

16- Giacôbê Ng. Văn Ngọc (Buồng Tằm)      1975-1977

17- Lu-y Nguyễn Văn Bính (Phủ Cam)          1977-1995. Trùng tu nhà thờ, cải táng 3 mộ của Đức Khâm sai de la Baume, cha Phanxicô Xavie Trương Văn Thường và cha Inhaxiô Phan Văn Huân từ nghĩa trang cạnh Thành Lồi về trong nhà thờ.

18- Phêrô Trần Văn Quí (Tây Linh)                1995-2012:

– Xây dựng phòng hội (1996), đài Đức Mẹ (1997), tu sửa cung thánh, lợp lại nhà thờ (1998)

– Xây lăng tử đạo 12 Ông Cỏ (1999), đúc bêtông sân nhà thờ, nhà xứ và sân đài Mẹ (2000), đường đến nơi tử đạo của hai thánh Marchand Du, Phaolô Tống Viết Bường và lăng mộ 12 Ông Cỏ.

– Dựng tượng đài Chúa Giêsu trước nhà thờ (2005), thay áo quan mới và làm bài vị mới cho Thánh Emmanuel Nguyễn Văn Triệu (2000).

– Nhận lại trường cho Giáo xứ làm phòng học giáo lý. Xây dựng nhà An nghỉ Tiền nhân (2008).

19- Gioan Bosco Dương Quang Niệm           2012-2018

Sửa dãy nhà trường học giáo lý.

20- Đôminicô Lê Đình Du                              10/2018-4/2019

Sửa sang nhà xứ

21- Phaolô Trần Thắng Thế                             05/2019…. Bài sai ký ngày 10.5.2019

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN:

A- Linh mục:

1- Emmanuel Nguyễn Văn Triệu        (1756-1792-1798)

2- Phêrô Đỗ Khắc Nhơn                     (1821-1855-1874) bác của cha Đỗ Khắc Quyến

3- Inhaxio Phan Văn Huấn (Hổ)         (1827-1861-1877) bác của cha Phan Văn Bá

4- Têphanô Lê Văn Ấn                       (1829-1867-1897)

5- Anrê Nguyễn Văn Định                 (1838-1868-1894)

6- Giuse Bùi Thông Bửu                     (1839-1875-1885)

7- Grêgôriô Đô Khắc Quyến             (1850-1888-1899)

8- Phêrô Phan Văn Bá                        (1857-1891-1910)

9- Phêrô Nguyễn Văn Chức               (1865-1897-1914)

10- Phêrô Đỗ Khắc Tuế                      (1879-1905-1965)

11- Phêrô Tống Văn Hộ                      (1884-1915-1968)

12- Phaolô Phan Đình Bố                   (1897-1926-1969)

13- Anrê Nguyễn Văn Cần                 (1904-1934-1993)

14- Phêrô Phan Phát Huờn (Huồn)     (1926-1953-2015) dòng Chúa Cứu Thế

15- Matthêô Nguyễn Văn Nghi          (1928-1955-1967) anh ruột cha Nguyễn Quý Trọng

16- Phaolô Lê Quang Trinh                (1929-1957-1972) dòng Chúa Cứu Thế

17- Têphanô Nguyễn Quý Trọng        (1931-1955-1957)

18- Giuse Phan Thiện Ân                    (1933-1958-2018) dòng Chúa Cứu Thế

B- Tu sĩ nam nữ

1- Maria Trần Thị Hương, sn: 1936, vk: 1982, dòng Mến Thánh Giá.

2- Anna Đỗ Thị Diệu Vinh, sn: 1950, vk: 1989, dòng Mến Thánh Giá.

3- Maria Trần Thị Bích Kiều, sn: 1988, tk: 2015, dòng Mến Thánh Giá.

C- Giáo dân

Năm 1939:      640 người.

Năm 2010:      324 người

Năm 2015:      302 người

Năm 2020:      261 người

*********************

            Giáo xứ Phường Đúc có thể xem như chiếc nôi của Giáo đoàn Đàng Trong, từng chứng kiến biết bao sự ra đời, đổi thay và thăng trầm của công cuộc truyền giáo. Giáo xứ còn là cửa ngõ dẫn vào Giáo phận Huế tách rời khỏi Giáo phận Quy Nhơn Đông Đàng Trong (27-8-1850). Nhờ là nơi phát sinh dòng Mến Thánh Giá Huế, dòng Sư huynh Thánh Tâm, nơi thiết lập đại chủng viện đầu tiên và tòa giám mục thứ hai của Giáo phận Đàng Trong, nơi chào đời vị thánh tử đạo đầu tiên và là nơi tuẫn giáo cách rùng rợn nhất của một thừa sai Giáo phận Huế, giáo xứ Phường Đúc quả là bức tranh thu nhỏ mà đầy đủ về cuộc sống đức tin phong phú và anh dũng của Giáo phận. Nay thuật lại lịch sử của mình là một cách để chúc tụng Thiên Chúa và tạ ơn vì những ân huệ mà Người đã ban” (ĐTC Phanxicô).

———————————————————————-

[1] Bulletin des Amis du Vieux Hué 1924. No 4, tr. 307-308.   

[2] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine. Documents historiques I. Paris, Téqui, 1923. Tr. 16

[3] St. Nguyễn Văn Ngọc, Lịch sử Giáo xứ Phường Đúc, bản viết tay, tr.12

[4] Thành Lồi là một thành cổ bằng đất và gạch của người Chămpa, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 7, tọa lạc trên đồi Long Thọ, thuộc địa phận 3 phường Thủy Biều, Thủy Xuân và Phường Đúc của TP Huế. Thành hình vuông, chu vi dài 2 km với cấu trúc khép kín 4 mặt. Hệ thống các lũy thành nằm theo hướng Tây-Nam-Đông-Bắc do người Chămpa xây dựng với mục đích tạo nên một công trình phòng thủ vững chắc. Sách Đại nam Nhất thống chí ghi: xã Nguyệt Biều, huyện Hương Thủy, thể truyền đây là chỗ ở của vua Chiêm Thành gọi là thành Phật Thệ. Thành cũ nay vẫn tục gọi là Thành Lồi“. https://vnexpress.net/thoi-su/thanh-loi-hon-1-000-tuoi-tro-thanh-di-tich-cap-quoc-gia-3293817.html. Theo khảo sát gần đây, Thành Lồi nằm giữa Khe Tre (cạnh đông) và Khe Long Thọ (cạnh tây).

[5] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine. Documents historiques I. Paris, Téqui, 1923. Tr. 26. 

[6] Adrien Launay, Sđd, t. I, tr. 157 

[7] Adrien Launay, Sđd, t. I, tr. 434.

[8] Adrien Launay, Sđd, t. I, tr. 178.

[9] Theo cha L. Cadière, Bulletin des Amis du Vieux Hué 1924. No 4, chú thích số 4&5, tr. 325, “Thơ Mật” là giản âm của từ “thơ ký mật” (secrétaire secret) chứ không phải tên riêng của ông này, vì ông làm việc cho chúa Hiền, rất được lòng chúa và ông hoàng cả của chúa. Nhờ uy tín riêng này, ông đã đứng ra tổ chức đón rước Đức cha khi ngài kinh lược kinh đô lần thứ hai như nói ở trên.

[10] Adrien Launay, Sđd, t. I, tr. 451. 

[11] Adrien Launay, Sđd, t. I, tr. 435. 

[12] Do hoàn cảnh lịch sử phải lo chống nhau với các chúa Trịnh ở miền Bắc nên việc binh chế võ bị cũng được các chúa Nguyễn chăm chút. Quân lính được chia làm 5 cơ: Trung, Tả, Hữu, Hậu và Tiền. Quân số Đàng Trong vào khoảng 30.000 người, và theo khảo cứu của các sử gia Pháp thì không ổn định, tăng giảm bất thường.

[13] Adrien Launay, Sđd, t. I, tr. 441. 

[14] Adrien Launay, Sđd, t. I, tr. 551.

[15] Adrien Launay, Sđd, t. I, tr. 454

[16] Adrien Launay, Sđd, t. I, tr. 485-486.

[17] Adrien Launay, Sđd, t. I, tr. 570.

[18] Năm 1719, cha Pierre de Sennemand (1660-1730) trong thời gian sống ở Thợ Đúc (1710-1719) đã lập một phước viện Mến Thánh giá. Đây là dòng nữ đầu tiên tại Giáo phận Huế. Cha đã xây cho các chị một nhà ở, một nhà nguyện và một bệnh xá lớn. Hằng ngày, ngoài các giờ thiêng liêng, các nữ tu lo dạy dỗ các thiếu nữ, điều khiển bệnh xá, giúp đỡ kẻ liệt và làm các việc từ thiện khác.

[19] Adrien Launay, Sđd, T. I, tr. 567-568.

[20] Adrien Launay, Sđd, T. I, tr. 570-571

[21] Adrien Launay, Sđd, T. I, tr. 571-572

[22] Adrien Launay, Sđd, T. II, tr. 9.

[23] Adrien Launay, Sđd, T. II, tr. 86-87

[24] Tháng 4-1882, Đức cha Antoine Caspar (Lộc) quyết định dời đại chủng viện Kim Long (có từ 1866) qua Thợ Đúc lại, lần này xây gần bờ sông Hương. Tháng 11-1882 khai giảng, số chủng sinh là 42 người. Nhưng gặp chỗ đất thấp, bùn lầy, các thầy bị bệnh thấp khớp nên tháng 10-1888, đại chủng viện lại phải dời qua Phú Xuân (chỗ hiện thời).

[25] Adien Launay, Sđd, T. II, tr. 99, 120.

[26] Adrien Launay, Sđd, T. II, tr. 246-274.

[27] Adrien Launay, Sđd, T. III, tr. 113.

[28] Ngài có ở Thợ Đúc năm 1775, lúc chưa làm giám mục. Adrien Launay, Sđd T. III, tr. 12.240

[29] L.-E. Louvet, La Cochinchine religieuse I. Paris, Challamel Ainé, 1885, tr 470-471.

[30] https://archives.mepasie.org/fr/annales/confesseurs-de-la-foi-de-1848-a-1862-2-suite

————————————————————–

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.