Lược sử Giáo xứ Phú Hậu

10/03/2020

LƯỢC SỬ

GIÁO XỨ PHÚ HẬU

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Phú Hậu, giáo hạt Thành Phố, nằm trên địa bàn phường Phú Hậu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách tòa Tổng Giám mục hơn 4.5 km về hướng bắc. Giáo xứ đã được hình thành qua việc sáp nhập Giáo họ Bãi Dâu và Giáo xứ Đại Phong vào đầu năm 1960.

II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Cộng đoàn nguyên thủy: Giáo họ Bãi Dâu (1920)

Lược sử các Giáo xứ, tập I, Tổng Giáo Phận Huế, 2001, trang 183 ghi: “Căn cứ vào Sổ rửa tội của giáo xứ Phủ Cam, quyển I (1886-1889) ở số 341 có ghi bà Maria Chút được rửa tội ngày 17-7-1892 do cha E.M. Allys (Lý) ban và ghi vào sổ, ký tên. Bà là con ông Hổ, Chợ Dinh”. Ở chú thích của trang này còn ghi: “Vậy cứ sự, có thể khẳng định, vào năm 1892, tại vùng Chợ Dinh–Bãi Dâu đã có người được rửa tội. Có thể bà Chút là giáo dân đầu tiên của Giáo xứ Phú Hậu sau này”.

‎Khoảng trước năm 1910, có ông Tống Văn San, Công giáo, không rõ chánh quán ở đâu, đến sinh sống ở Bãi Dâu. Ông có người con là Tống Văn Truyền. Hiện nay, một số hậu duệ của ông vẫn còn sinh hoạt tại Giáo xứ Phú Hậu.

Khoảng từ năm 1910–1920 có thêm các gia đình Công giáo đến Bãi Dâu sinh sống: Ông Nguyễn An Thừa, người làng Tiên Nộn, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang; Ông Nguyễn Văn Định, ông Phaolô Nguyễn Văn Kế người làng An Khốt (nay là làng Vân Quật), xã Hương Phong, huyện Hương Trà; ông Trương Văn Chát người làng Kim Đôi, xã Hương Phong, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Từ năm 1920, cộng đoàn tín hữu Bãi Dâu trở thành giáo họ, trực thuộc giáo xứ Nam Phổ cho đến 1929.

Khoảng những năm 1940–1955 có thêm gia đình các ông Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Văn Đô người làng An Khốt, bà Anna Hoàng Thị Khuyết (chị ruột bà Agata Hoàng Thị Trung, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng), người làng An Xuân, xã Hương Phong, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên đến sinh sống ở Bãi Dâu.

Từ năm 1929 đến 1960, Bãi Dâu trở thành giáo họ của giáo xứ Gia Hội vừa được Đức cha E.M Allys (Lý) nâng lên thành giáo sở mới (1929). Giáo họ Bãi Dâu có nhà nguyện riêng, nguyên là tư gia được giáo dân quyên góp mua lại. Bổn mạng của giáo họ là Đức Mẹ Bảy Sự Thương Khó, cử hành trọng thể vào ngày 15-9 hàng năm.

Năm 1960, giáo họ đã được Đức Tổng Giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục sát nhập với giáo xứ Đại Phong làm thành Giáo xứ Bãi Dâu-Đại Phong. Khi nhập chung này, Bãi Dâu có 220 tín hữu.

Mặc dầu đã nhập chung với Giáo xứ Đại Phong thành Giáo xứ Bãi Dâu–Đại Phong, cha quản xứ Tôma Nguyễn Văn Hinh vẫn để cho Hội đồng Giáo họ Bãi Dâu tồn tại và hoạt động độc lập đến năm 1976. Ông Phaolô Nguyễn Văn Kế là Chủ tịch Hội đồng Giáo họ (1960-1963), sau đó là ông Giacôbê Phạm Đá (1963-1976).

2- Cộng đoàn di cư: Giáo xứ Đại Phong (1954)

Năm 1954, qua sự phân chia đất nước, có 48 gia đình thuộc làng Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình di cư vào Huế. Từ năm 1954 đến 1959 số gia đình này sinh sống tại xã Xuân Hòa, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Ngày 19-01-1959, 42 gia đình Công giáo trong số 48 gia đình nói trên được chính quyền thành phố Huế cấp 17 mẫu đất trống Bãi Dâu thuộc làng An Quán để định cư, lập thành giáo xứ Đại Phong. Được biết, Đại Phong nguyên thủy ở Quảng Bình có tên là Kẻ Đợi hay Kẻ Đại. Trong Lược sử các Giáo xứ, tập I, Tổng Giáo phận Huế, năm 2001, trang 179-180 có ghi: “Kẻ Đợi là một họ đạo có từ trước năm 1642. Số giáo dân vào năm 1693 là 600, năm 1747[1] là 300”. Như vậy, sau hơn 100 năm (từ trước 1642 đến 1747), trải qua những cuộc bắt đạo dưới đời các chúa Nguyễn[2], hạt giống Tin Mừng không những tồn tại mà còn sinh hoa trái là tổ tiên, ông bà của các giáo dân Đại Phong.

Giáo xứ Đại Phong (Huế) lúc bấy giờ có 255 giáo dân, quản xứ là Linh mục Tôma Nguyễn Văn Hinh (gốc An Vân, 1890-1922-1965) và có các Nữ tu Dòng Mến Thánh Giá đến giúp, nhưng nơi thờ phượng chỉ là một nhà nguyện nhỏ. Nhà xứ cũng chưa có, nên cha xứ và các nữ tu phục vụ phải trú tại nhà ông Ngô Tiến, chủ tịch Hội đồng Giáo xứ và là liên gia trưởng liên gia số 25 thuộc chính quyền phường Phú Hậu (cũ). Cha sở Đại Phong cũng kiêm nhiệm giáo xứ Tiên Nộn từ 1958-1960 (x. Lược sử các Giáo xứ, Tổng Giáo phận Huế, tập I, trang 362).

Ông Ngô Tiến giữ chức vụ ấy từ năm 1959 đến 1976. Nghĩa là mặc dầu đã nhập chung thành giáo xứ Bãi Dâu–Đại Phong, Hội đồng Giáo xứ Đại Phong vẫn tồn tại và hoạt động độc lập với Hội đồng Giáo xứ Bãi Dâu cho đến năm 1976.

3- Giáo xứ Bãi DâuĐại Phong với những bước thăng trầm (1960-1980)

Năm 1960, Đức TGM Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục ra quyết định nhập chung giáo họ Bãi Dâu và giáo xứ Đại Phong thành Giáo xứ Bãi DâuĐại Phong và bổ nhiệm cha Tôma Nguyễn Văn Hinh làm quản xứ.

3.1- Từ 1960-1962: Cha Tôma Nguyễn Văn Hinh. Giáo xứ Bãi Dâu-Đại Phong lúc này có 475 giáo dân chia thành 2 khu vực: khu vực Bãi Dâu và khu vực Đại Phong. Ngôi nhà nguyện Giáo họ Bãi Dâu bấy giờ đã được cha quản xứ Tôma đồng ý cho phép bán để góp chung vào công cuộc xây dựng nhà thờ mới mà chính cha khởi sự xây dựng. Nhà thờ này đã được cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh hoàn tất năm 1963 với thánh hiệu Gioan Baotixita. Nó đã được cha Giuse Trần Thắng Trung tu sửa mặt tiền và phần mái vào tháng 4-1998 nhưng rồi hoàn toàn bị triệt hạ để xây mới vào năm 2007.

Cha Tôma Nguyễn Văn Hinh cũng đã xây dựng nhà xứ. Nhà xứ ban đầu này vẫn giữ nguyên cho tới lúc được xây mới vào tháng 5-2003 thời cha quản xứ Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng.

Trong giai đoạn 1960-1962 này, hoạt động của cha Tôma chủ yếu là xây dựng nhà thờ, nhà xứ cũng như xây đắp mối đoàn kết, hiệp nhất giữa giáo họ Bãi Dâu và giáo xứ Đại Phong.

3.3- Từ 1962-1963: Cha Phaolô Trần Văn Sanh.

Năm 1962, cha Tôma Nguyễn Văn Hinh nghỉ hưu. Đức Tổng Giám mục Phêrô Ngô Đình Thục cử cha Phaolô Trần Văn Sanh (gốc Tân Mỹ, 1897-1908-1963), đang hưu dưỡng tại Tòa Tổng Giám mục trông coi giáo xứ. Cha Phaolô thường trú tại Nhà hưu và chỉ về dâng thánh lễ và ban các bí tích tại giáo xứ mà thôi.

3.4- Từ 1964-1965: Quản xứ Gia Hội kiêm nhiệm

Cuối năm 1963, cha Phaolô Trần Văn Sanh qua đời, cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh, quản xứ Gia Hội kiêm nhiệm Bãi Dâu-Đại Phong. Cha Tađêô là người hoàn thành công trình xây dựng nhà thờ giáo xứ mà cha Tôma Nguyễn Văn Hinh đã khởi sự.

Cuối năm 1964, cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh về nhận xứ Sáo Cát (Lăng Cô), cha Antôn Nguyễn Văn Thọ, gốc Bố Liêu (Quảng Trị) được bổ nhiệm làm quản xứ Gia Hội, kiêm giáo xứ Bãi Dâu–Đại Phong tiếp.

3.5- Từ 1965 đến 1971: Cha Antôn Nguyễn Văn Bằng

Năm 1965, giáo xứ Bãi Dâu- Đại Phong lại có quản xứ mới là cha Antôn Nguyễn Văn Bằng, gốc Tam Tòa (1896-1926-1983). Trước đó, ngài làm quản xứ Dương Sơn từ 1955-1965.

So với các vị tiền nhiệm, mặc dù tuổi đã cao, cha Antôn làm quản xứ Bãi Dâu-Đại Phong khá lâu dài. Cha xây 2 phòng làm nơi sinh hoạt cho các hội đoàn (2 phòng này hiện còn và được dùng làm phòng học giáo lí, văn hóa), xây gác chuông (nay không còn nữa).

Cha Antôn đổi tên giáo xứ thành Đại An, từ ghép của cụm từ Đại Phong–An Quán (tuy nhiên, con dấu cha sở vẫn ghi là Bãi Dâu–Đại Phong). Giáo xứ lúc đó có 630 giáo dân. Sinh hoạt hội đoàn có Thiếu nhi Thánh Thể và Mẹ Gia đình.

Từ năm 1965-1969, cha xứ Bãi Dâu–Đại Phong kiêm Nam Phổ.

3.6- Từ 1971 đến 1972: Quản xứ Gia Hội kiêm nhiệm.

Năm 1971, Cha Bằng nghỉ hưu. Bãi Dâu-Đại Phong lại được cha Antôn Nguyễn Văn Thọ quản xứ Gia Hội tái kiêm nhiệm..

3.7- Từ 1972 đến 1980: Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Hoàng: Tháng 10 năm 1972, Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền bổ nhiệm cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Hoàng (gốc Đại Lộc, Quảng Trị, 1942-1970-2008) lúc ấy là quản lý trường Thiên Hựu, Huế, về làm quản xứ. Giáo dân Bãi Dâu-Đại Phong bấy giờ là 730 người.

Mặc dầu giữ nhiệm vụ vào một giai đoạn khó khăn về đạo lẫn đời, cha Phanxicô Xavie –một linh mục trẻ, nhiệt tình, tận tụy, có tài tổ chức và quản lý– ngoài nỗ lực xây dựng sự đoàn kết, hiệp nhất Bãi Dâu–Đại Phong, duy trì được số lượng giáo dân và dần dần thống nhất chỉ đạo các hoạt động của giáo xứ, ngài cũng đã tạo công ăn việc làm cho dân nghèo. Vì thế, giáo dân rất biết ơn ngài về những đóng góp to lớn vào quá trình xây dựng và phát triển giáo xứ.

Trong khoảng thời gian đầu, ngài củng cố lại các hội đoàn: Thiếu nhi Thánh Thể, Thanh niên Công giáo, Mẹ Gia đình. Ngài vẫn cho phép duy trì các hoạt động phụng vụ ở 2 khu vực, nhưng từng bước xây dựng Hội đồng Giáo xứ chung và dần dần tập trung các hoạt động thành một giáo xứ duy nhất.

Sau biến cố tháng 4 năm 1975, do đời sống khó khăn, một số gia đình trong giáo xứ phải chuyển vào các tỉnh phía Nam sinh sống hoặc đi xây dựng các vùng kinh tế mới, thành thử nhân số giảm nhanh xuống chỉ còn 455 người.

Từ 1976 đến 1990 là khoảng thời gian vất vả của giáo xứ. Ngoài Thiếu nhi Thánh Thể, Thanh niên Công giáo, Mẹ Gia đình, cha Phanxicô Xavie lập thêm Legio Mariae, nhưng hoạt động của giáo xứ cũng chỉ chủ yếu là sinh hoạt thiêng liêng, học hỏi giáo lý. Trong hoàn cảnh đó, cha Phanxicô Xavie quan tâm đặc biệt đến việc nuôi dưỡng ơn gọi: Ngài đã lập 2 nhóm Ơn gọi: nam 24 chủng sinh, nữ 76 dự tu. Các nhóm ơn gọi này đã giải tán vào năm 1989.

4- Đổi tên thành giáo xứ Phú Hậu (1980)

4.1- Từ 1980 đến 1994: Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Hoàng. Năm 1980, theo nguyện vọng của giáo dân, Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền đã chấp thuận việc đổi tên giáo xứ thành Phú Hậu với bổn mạng mới là Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Về xây dựng, năm 1992, cha Phanxicô Xavie cho tu sửa cung thánh và năm 1993 tu chỉnh 2 phòng học thành hội trường.

Cha phục vụ giáo xứ đến ngày 11-12-1994 thì được bổ nhiệm làm quản xứ Phù Lương và đã qua đời ngày 04-08-2008 (04-07-Mậu Tý) tại đó.

4.2- Từ 12-1994 đến 01-2002: Cha Giuse Trần Thắng Trung

Cha Giuse Trần Thắng Trung (gốc Kẻ Văn, 1917-1948-2004), quản lý Giáo phận, sau một thời gian chữa bệnh, thay vì nghỉ hưu, thì được Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể bổ nhiệm làm quản xứ Phú Hậu từ ngày 11-12-1994.

Ngài đến Phú Hậu khi nhiệm sở này đang là một giáo xứ thuộc loại nghèo trong giáo hạt Thành Phố: nhà thờ xây dựng cách đó 34 năm đang trong thời kỳ xuống cấp, nhà từ hư hỏng, nhà xứ quá sơ sài… đa số giáo dân sinh sống bằng các nghề lao động chân tay.

Chủ trương xây dựng giáo xứ trên nền tảng đức tin, đức cậy và đức mến của mỗi một tín hữu, với sự cộng tác điều hành của một Hội đồng Giáo xứ nhiệt tình, có năng lực, cha Giuse đã:

– Củng cố và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hội đoàn như Thiếu nhi Thánh Thể, Ca đoàn, Giới trẻ, Legio Mariae hoạt động.

– Chăm lo nuôi dưỡng ơn gọi; tổ chức các lớp giáo lý thanh thiếu niên, dự bị hôn nhân; mời trở lại nhiều giáo dân xa rời, nguội lạnh.

– Mở 2 lớp Anh văn cho các lễ sinh, dự tu và con em giáo xứ lẫn học sinh địa phương.

– Giúp gia đình giáo dân nghèo trong các dịp lễ, tết; một số được trợ cấp thường xuyên; ai già yếu, bệnh tật hoặc có hoàn cảnh khó khăn về tinh thần lẫn vật chất được quan tâm đặc biệt.

Cùng với các công việc trên, Cha Giuse từng bước xây dựng cơ sở vật chất cho giáo xứ :

– Đầu năm 1995 san lấp mặt bằng, đổ bê-tông sân thánh đường. Đến hè, xây dựng nhà từ, nhờ sự giúp đỡ của giáo dân, linh mục ở các giáo xứ thuộc các giáo phận phía Nam, đặc biệt của Đức ông Simon Nguyễn Văn Lập, nguyên Tổng Đại diện Giáo phận.

– Năm 1997, xây mới nhà xứ. Khởi công tu sửa mặt tiền và phần mái nhà thờ năm 1998, nhờ sự tài trợ của hội Misereor ở Đức. Như công trình mừng 200 năm cuộc hiện ra tại La Vang (1798), một tượng Đức Mẹ La Vang do Đức Tổng Giám mục Têphanô dâng tặng được đặt ở tiền đường.

Nhà thờ Bãi Dâu-Đại Phong với mặt tiền mới thời cha Giuse Trần Thắng Trung

4.3-  Từ 12-2002 đến 2-2005: Cha Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng

Ngày 01-01-2002, cha Giuse Trần Thắng Trung về hưu dưỡng tại nhà riêng ở Phủ Cam (và qua đời 02-04-2002). Cha P.X. Lê Văn Hồng (Giám mục tương lai, gốc Trí Bưu, 1940-1969-) du học Pháp về, được Đức Tổng Giám mục Têphanô bổ nhiệm làm quản xứ Phú Hậu 12-2002 đến 2-2005. Ngài tiếp tục những công việc mà vị tiền nhiệm đã làm và duy trì hoạt động của các hội đoàn trong giáo xứ. Ngài cũng đã tu sửa lại cung thánh và xây thêm nhà xứ mới vào tháng 5-2003.

Hội đồng Giáo xứ được ngài tái nhiệm. Ông Phaolô Lê Văn Thiệt làm chủ tịch. Tháng 01-2005, ông Lê Văn Thiệt qua đời, ông Têphanô Nguyễn Duy Lành, phó chủ tịch đảm nhiệm chức vụ chủ tịch (đến tháng 5-2008). Giáo xứ lúc này gồm 145 hộ với 629 giáo dân.

Ngày 19-2-2015, cha Phanxicô Xavie được bổ nhiệm Giám mục Phụ tá hiệu tòa Gadiaufala với khẩu hiệu “Sicut qui ministrat” (Như một người phục vụ Lc 22,27). Ngày 19-2-2005, ngài rời Phú Hậu về Tòa Tổng Giám mục Huế để chuẩn bị lễ tấn phong Giám mục ngày 07-4-2005.

Cha Giuse Trần Viết Viên được cử làm quản nhiệm giáo xứ từ tháng 4 đến tháng 7-2005.

4.4- Từ 7-2005 đến 7-2015: Cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến

Này 27-7-2005, Đức Tổng Giám mục Têphanô bổ nhiệm cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến, (gốc Hà Úc, 1946-1976-), quản xứ Lại Ân, đặc trách sinh viên Công giáo, làm quản xứ Phú Hậu.      

Là một con người có học thức, bước đầu, ngài đặc biệt lưu tâm đến giáo dục bằng cách lập quỹ khuyến học và tổ chức các lớp học văn hóa cho các em nghèo lương giáo trong vùng. Một thí dụ minh họa: sĩ số học sinh giáo xứ Phú Hậu niên khóa 2014-2015 là 180 em, gồm 24 đại học-cao đẳng-trung cấp, 73 trung học, 57 tiểu học và 23 mẫu giáo.

Với ưu tư của một mục tử mong sao có được ngôi thánh đường mới thay thế ngôi thánh đường cũ nay xuống cấp, ngài đã lặn lội đi tìm nguồn kinh phí để xây dựng nơi thờ phượng này và nhà sinh hoạt, dạy giáo lý cho giáo xứ. Ngày 19-4-2007 nhà thờ lẫn nhà giáo lý được khởi công và sau hai năm hai tháng, ngày 12-6-2009, Đức Tổng Giám mục Têphanô đã dâng thánh lễ cung hiến ngôi thánh đường Thánh Tâm giáo xứ Phú Hậu, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo xứ 1959–2009 (tính từ thời điểm cộng đoàn di cư Đại Phong được nâng thành giáo xứ),

Một năm sau, cha Antôn lại xây dựng đài Đức Mẹ Lavang với phù điêu ba cây đa để giáo dân có nơi cầu nguyện với Đức Mẹ.

4.5- Từ 7-2015 đến 10-2016: Cha Giuse Nguyễn Văn Chánh (gốc Phủ Cam, 1948-1975-) sau 10 năm cai quảm giáo xứ Dương Sơn, đã được Đức Tổng giám mục Phanxicô Xavie bổ nhiệm làm quản xứ Phú Hậu, thế cho cha An tôn lên làm quản xứ chính tòa Phủ Cam.

Ngài cũng tiếp nối công việc củng cố đức tin, xây dựng lòng đạo cho tín hữu để họ làm chứng Tin Mừng giữa một xã hội ngày càng duy vật hóa. Bên cạnh đó, về cơ sở vật chất, cha Giuse tái xây dựng sân tiền đường nhà thờ. Tiếc rằng chỉ hơn một năm sau, ngài phải rời Phú Hậu để đi làm quản xứ Gia Hội nên không thực hiện được gì nhiều.

4.6- Từ ngày 14-10-2016, cha Phanxicô Xavie Nguyễn Thiện Nhân (gốc Bố Liêu, 1975-2008-), sau khi du học Ý từ năm 2012 đến năm 2016 trở về, đã được Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xavie bổ nhiệm làm quản xứ Phú Hậu.

Trong năm đầu làm quản xứ, cha đã tu sửa khuôn viên thánh đường cho khang trang hơn, đặc biệt gia cố và lót đá sân đài Đức Mẹ La Vang, xây đựng đài Thánh Giuse. Đài này được Đức Tổng GM Giuse Nguyễn Chí Linh làm phép vào Thứ năm Tuần thánh 29-03-2018.

Ngày 28-6-2019 lễ Thánh Tâm CGS, cha sở cùng toàn thể cộng đoàn đã đặt viên đá xây dựng nhà mục vụ giáo xứ và đến bây giờ công việc đang dần hoàn thiện.

Về đời sống đức tin, cha Phanxicô Xavie đã lưu tâm củng cố và xây dựng các đoàn thể vững mạnh: thành lập nhóm Legio Junior, nhóm Legio nam, củng cố lại ban Chung sự hiếu đạo, Thiếu nhi Thánh thể, giới trẻ …..

Ngày 22-7-2019, dưới sự chủ tọa của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, sự tham dự của nhiều thành phần dân Chúa trong giáo phận, giáo dân Phú Hậu cùng cha quản xứ đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo xứ và 10 năm cung hiến tân thánh đường.

Cũng từ đầu năm 2019, trong tư cách Trưởng ban Loan báo Tin Mừng Giáo phận, cha Phanxicô đã thực hiện  nhiều chương trình truyền giáo và đặc biệt là “Lò bánh mì”, hằng ngày cung cấp miễn phí từ 400 đến 450 ổ bánh cho những bệnh nhân tại bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện thành phố (Kim Long) do các nữ tu Dòng Phaolo đảm trách và 2 tủ bánh mì tại các vùng nghèo trong thành phố.

Cha cũng lập một trang Facebook để thông tin và giao lưu với các độc giả trong và ngoài giáo xứ: https://www.facebook.com/pg/nhathophuhau/posts/

Bên trong nhà thờ Phú Hậu hiện thời.

II – HOA TRÁI ĐỨC TIN

a- Linh mục

– Phanxicô Xaviê Nguyễn Ngọc Thu: sinh 1941 – lm 1970 (hưu dưỡng) Tgp Sài Gòn.

– Phanxicô Ngô Phục: sinh 1944 – lm 1973 – Tgp Sài Gòn.

– Phaolô Nguyễn Ngọc Vịnh: sinh 1976 – lm 2010. Tgp Huế

– Phanxicô Xaviê Nguyễn Ngọc Hiến: sinh 1966 – lm 2001 (họ ngoại Phú Hậu). Gp Đà Nẵng

b- Nữ tu

– Maria Ngô Thị Lài, Dòng Mến Thánh Giá.

– Agnes Nguyễn thị Quý, Dòng Mến Thánh Giá

– Anê Nguyễn Thị Hồng Nhung, Dòng Mến Thánh Giá.

– Maria Phạm Thị Ngọc Lành, Dòng Phaolô.

– Lucia Nguyễn Thị Thủy, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

– Maria Lê Thị Kim Ngân, Dòng Mến Thánh Giá.

– Maria Lê Thị Cẩm Vân, Dòng Phaolô.

– Têrêsa Nguyễn Thị Hiển, Dòng Phaolô.

– Annê Nguyễn Thị Hạ Huyền, Dòng Mến Thánh Giá Huế.

– Maria Trần Thị Mỹ Phương, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

– Anna Nguyễn Thị Bích Ngọc, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.

– Têrêsa Lê Phương Thảo, Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm.

– Maria Trần Thị Thanh Nga, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng

c- Giáo dân

– Năm 2010: 664 người

– Năm 2015: 753 người

– Năm 2020: 739 người.

Bàn thờ kính Thánh Tử đạo Isidore Gagelin (Kính) trong nhà thờ Phú Hậu.

Trên địa bàn giáo xứ Phú Hậu (phường Phú Hậu), nơi vùng đất mang tên Chợ Dinh, có một di tích tôn giáo đáng trân trọng và kính viếng (nhưng vị trí chính xác chưa được rõ). Gọi là Chợ Dinh hay Chợ Dinh Ông vì trước đây dưới triều Nguyễn, ở mỏm đất phía bắc của Cồn Vua (nay là phường Phú Hiệp và phường Phú Hậu, nằm giữa kênh Đông Ba và sông Hương) có dinh thự của các quan lại. Khác ngôi chợ nhỏ hiện nằm phía nam cầu Chợ Dinh, giữa đường và bờ sông, Chợ Dinh xưa nầy ở gần cuối đường Chi Lăng, trước khi vào nhà thờ giáo xứ Phú Hậu. Ngày 17-10-1883, linh mục thừa sai Isidore Gagelin đã bị xử giảo tại khu vực Chợ Dinh đó, nơi đang có nhà dân ở. Sử sách còn cho một cái tên khác về nơi tử đạo của ngài là Bãi Dâu. /.

—————————————————————————-

[1] 1642: thời cha Đắc Lộ (x. Alexandre, Voyages et Missions, Paris, 1653); 1693: thời Đức cha Francisco Pérez (x. Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine I, tr. 423; 1747: thời Đức cha Armand Lefèbvre (x. A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine II, tr. 187)

[2] Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan vào năm 1646, chúa Hiền Nguyễn Phúc Trân vào các năm 1664-1666, chúa Minh Nguyễn Phúc Chu vào năm 1698 và từ 1714-1715.

———————————————————————–

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.