Tập sách Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang – Chương 4 – Phần 1

23/01/2023

TRẦN QUANG CHU

(Biên soạn)

 

TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG

 

KỶ NIỆM ĐẠI HỘI LA VANG

LẦN THỨ 27 (2005)

CẬP NHẬT ĐẾN ĐÌNH HOÃN ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 32 (2020, 2021)

 

CHƯƠNG BỐN

 KIẾN THIẾT TRUNG TÂMTHÁNH MẪU LA VANG

I. THỜI KỲ SƠ KHAI (1798-1894).

Không có căn cứ để xác định ngôi nhà thờ tranh La Vang đầu tiên được thành lập từ năm nào. Có điều chắc chắn, cho đến cuối thế kỷ 19, những ngôi nhà thờ tại La Vang chỉ là những nhà tranh vách đất, một kiểu nhà nghèo thường thấy ở nông thôn miền Trung. Tuy nhiên, dựa vào những nét chấm phá của lịch sử La Vang thế kỷ 19, có thể nhận dạng những ngôi nhà thờ tranh La Vang vào thời kỳ sơ khai.

1. NGÔI NHÀ THỜ TRANH LA VANG ĐẦU TIÊN TỪ NGÔI CHÙA

Năm 1801, Nguyễn Ánh phục quốc, nhà Tây Sơn bị diệt vong, hết bắt đạo, giáo dân hồi hương về làng cũ. La Vang trở lại cảnh rừng thiêng hoang dã, ít người lui tới ngoại trừ những nông phu đi làm rú.

Người xưa kể rằng những lương dân đi làm rú thường hay đến van vái tại gốc cây đa cổ thụ, nơi tương truyền có bà linh thiêng hiện ra mà họ nghi vấn biết đâu đó không phải là Đức Bà của bên đạo mà là bà tiên, bà thánh của bên lương? Nghĩ thế họ liền đắp lên một nền thờ vọng và rào sơ tứ phía.

Bên lương chức dịch nhộn nhàng,

Đắp nền thờ vọng rào hàng sơ li(1).

Đầu đời Minh Mạng, khoảng năm 1820, lương dân ba làng Thạch Hãn, Cổ Thành và Bà Trừ (nay là hai làng Trường Phước + Ba Khê) chung nhau làm một ngôi chùa tranh trên nền thờ vọng ấy. Nhưng vừa làm xong các vị chức sắc cả ba làng, ứng nghiệm điềm chiêm bao, biết đây là nơi ngự của Đức Bà bên đạo, liền đồng thuận nhượng cúng ngôi chùa cho người Công giáo.

Cùng nhau bàn bạc rộn ràng,

Chùa này để cúng về đàng đạo nhơn(2).

Nhận đất và ngôi chùa nhượng cúng, những người Công giáo về trình lại sự việc cho cha sở và theo sự sắp đặt của ngài, ngôi chùa tranh đã được sửa đổi thành ngôi nhà thờ tranh. Và đó là ngôi nhà thờ tranh đầu tiên tại La Vang.

Ngôi nhà thờ tranh này tồn tại được bao lâu thì chưa đủ cứ liệu để khẳng định. Có điều chắc chắn, trong 29 năm (1833-1862) bắt đạo ác liệt thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức thì ngôi nhà thờ tranh này cũng như số phận tất cả những ngôi nhà thờ trên toàn lãnh thổ Việt Nam khó lòng tồn tại.

2. NGÔI NHÀ THỜ TRANH THỨ HAI.

Sau hòa ước Nhâm Tuất 1862, vua Tự Đức ban hành chỉ dụ “Tha tháp”, việc đạo được bình yên. Đức cha Joseph-Hyacinthe Sohier Bình sau chuyến công du châu Âu trở về dự định mở mang Thánh địa La Vang, nhưng bất thành vì việc sang nhượng đất La Vang không có kết quả. Đức cha chuyển hướng đưa công trình vào Ba Trục (Thanh Tân). La Vang mất cơ hội.

Tuy nhiên, trước đó đã có những cuộc hành hương băng rừng vượt núi vào La Vang kính viếng Đức Mẹ do giáo xứ Cổ Vưu tổ chức. Bắt đầu từ Mùa Chay năm 1864, trùm hạt Quảng Trị PX. Lê Thiện Thìn, một tù nhân mới được tha về từ trại phân tháp, lãnh ý cha sở tập trung khoảng 30 giáo dân Cổ Vưu, vào lúc rạng sáng, vừa cung nghinh tượng Mẹ, vừa cầm gậy gộc, giáo mác, đánh phèng la, khua chiêng khua trống đề phòng thú dữ, vạch lá rừng mà đi.

Những cuộc hành hương như thế diễn ra hằng năm và số giáo dân tham dự càng lúc càng đông biến cuộc Hành hương La Vang cấp giáo xứ (Cổ Vưu) thành giáo hạt (Dinh Cát)(3).

Thiết nghĩ trong những lần hành hương như thế há lại không có chỗ dừng chân, đặt tượng Mẹ, hội họp đọc kinh và cử hành các nghi thức phụng vụ? Vả lại bấy giờ là thời bình yên, việc đạo được tự do, La Vang đã là một họ nhánh thuộc giáo xứ Cổ Vưu, không có gì khó khăn cho việc tái lập một nhà thờ tranh trên nền cũ.

Ngôi nhà thờ tranh La Vang thứ hai tất yếu phải được xây dựng vào thời kỳ này, được tu bổ theo năm tháng và tồn tại trong khoảng 20 năm, cho đến ngày bị thằng Thơ đốt vào dịp Văn Thân cực đoan thảm sát Giáo phận Huế (1885).

* Chuyện thằng Thơ đốt nhà thờ La Vang(4).

Sau khi thiêu sát họ Cổ Vưu vào ngày 7-9-1885 xong, hôm sau, ngày 8-9-1885, quân Văn Thân kéo nhau vào La Vang. Chúng thấy cảnh vườn không nhà trống vì giáo dân La Vang đã hoảng sợ chạy lên núi cả, bèn vơ vét của cải, đốt nhà cửa, bắt trâu bò, chỉ chừa lại ngôi nhà thờ tranh vì nghe tiếng Đức Bà linh thiêng không dám đốt. Xong việc chúng kéo nhau đi.

Trưa ngày 9-9-1885, một người lương ngụ ở làng Phú Long, xóm Bốc, tên là Thơ, con ông Mẹo lảng vảng đến La Vang với ý định hôi của, nhưng thấy tất cả nhà cửa người Công giáo nơi đây đã thành đống tro tàn chẳng còn gì để kiếm chác. Sực thấy ngôi nhà thờ tranh La Vang vẫn đứng yên như chọc tức nó, sẵn ác cảm với đạo, nó châm lửa đốt luôn.

Ngay hôm ấy quân Văn Thân thấy La Vang có lửa cháy nghi có chuyện gì chăng bèn rủ nhau trở lại La Vang dò xem động tĩnh. Chúng hỏi thăm biết thằng Thơ đã cả gan làm một việc mà chúng không dám làm: đốt nhà thờ La Vang! Tức giận chúng kéo nhau tới nhà ông Mẹo chưởi bới rồi phóng hỏa đốt cả nhà trên nhà dưới. Ông Mẹo, thằng Thơ và vợ con nó đều làm mồi cho ngọn lửa.

* Hiến lễ toàn thiêu tại nền nhà thờ La Vang(5).

Trong cuộc thảm sát tại giáo xứ Cổ Vưu, một số giáo dân may mắn thoát được trốn lên La Vang, vào rừng sâu lánh nạn. Lâu ngày đói khát lần mò trở lại nhà dân xin khoai sắn. Bỗng nghe tiếng kèn Tây từ Quảng Trị vọng lên. Họ rủ nhau về hướng ấy thì gặp cha Allys (cố Lý – sau là Giám mục), được ngài cho ăn uống.

Biết tỉnh thành đã bình yên nhiều người trong họ trở lên La Vang tìm báo cho thân nhân bạn bè kêu ai về nhà nấy. Không ngờ, một vài nơi dư đảng Văn Thân còn say máu, lẩn quẩn quanh khu vực La Vang chờ chém giết. Một toán 30 giáo dân Cổ Vưu bị bắt khi vừa rời khỏi bìa rừng. Ông Thoàn xin cho cả toán được chết trên nền nhà thờ La Vang vừa bị thằng Thơ đốt. Quân Văn Thân trói ông Thoàn và 29 giáo dân lại thành chùm chất củi hỏa thiêu. Xa xa vẳng tiếng kèn Tây thắng trận.

3. NGÔI NHÀ THỜ TRANH THỨ BA.

Hết thảm họa Văn Thân, tình hình xứ Dinh Cát trở lại bình yên. Giáo dân La Vang bỏ rừng núi trở về tái lập nhà cửa, ổn định cuộc sống. Không ai khỏi chạnh lòng khi chứng kiến ngôi nhà thờ tranh nhỏ bé thân thương, nơi sớm hôm có bóng Mẹ từ bi, nay chỉ còn nền hoang. Họ tập trung đi rừng đốn gỗ, bứt tranh, chặt tre làm lại ngôi nhà thờ khác trên nền nhà thờ cũ đã bị đốt trong biến cố Văn Thân.

Ngôi nhà thờ tranh La Vang thứ ba ra đời ngoài ý nghĩa lưu dấu nơi Đức Mẹ đã đứng khi hiện ra còn là nơi minh chứng máu đào đức tin của con cái Mẹ đã đổ xuống.

Trong Báo cáo năm 1894, cha sở Cổ Vưu kiêm quản hạt Quảng Trị Patinier Kinh cho biết: “Năm 1885 ngôi nhà thờ ở đây, cũng như những nhà thờ khác trong hạt, không thoát khỏi thảm họa… Khi hòa bình vừa vãn hồi, con đã cấp tốc dựng lại ngôi nhà thờ nhỏ bé, tạm bợ để chờ nguồn kinh phí cũng như để chờ cho tình hình bớt nhiễu nhương…”(6).

Nhà thờ tranh thứ ba tồn tại được bao lâu? Điều này lệ thuộc vào việc khởi công ngôi nhà thờ ngói được xây trên nền nhà thờ tranh. Nhưng nhà thờ ngói được khởi công năm nào?

Trở lại Báo cáo năm 1894, cha Patinier Kinh cho biết: “…Vừa trở về, con đã kêu gọi tất cả giáo dân thiện chí giúp vận chuyển số gỗ xây dựng lên núi. Vào ngày đã định, giáo dân trong phạm vi sáu dặm tập trung đông đủ, chia nhau vác gỗ và chỉ trong hai chuyến toàn bộ gỗ đã được tập kết tại La Vang… Hôm sau bộ giàn trò được dựng lên, giờ thì chỉ còn lo việc hoàn thành nhà thờ”(6).

Vậy ngôi nhà thờ tranh La Vang thứ ba chỉ tồn tại được 9 năm, từ cuối năm 1885 đến năm 1894.

II. THỜI KỲ PHÁT TRIỂN (1894-1960).

1. NGÔI NHÀ THỜ NGÓI.

Năm 1885, khi danh tiếng Đức Mẹ La Vang, qua nhiều ơn lành hồn xác Mẹ ban, đã vượt Địa phận Huế, Đức cha Caspar Lộc quyết định cho xây dựng tại La Vang một ngôi nhà thờ ngói. Mọi vật liệu cần thiết đã được chuẩn bị. Dự định khởi công vào năm 1886. Chẳng may Giáo phận Huế lâm nạn Văn Thân nên trễ mất 9 năm, 1894, mới thực hiện được. Nhà thờ ngói được Đức cha Caspar Lộc làm phép và khánh thành vào dịp Đại hội La Vang lần thứ nhất, với tước hiệu Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu.

Đó là ngôi nhà thờ được thiết kế “bên trong theo kiểu cách Annam. Vừa chứa đặng vài trăm người. Mặt tiền có hơi theo kiểu Tây. Bề ngang nhà thờ thì nhỏ mà trước có hai tháp dang ra hai bên nên coi trước mặt tiền tưởng là lớn… Trên bàn thờ có tượng ảnh Đức Chúa Bà mua bên Tây, một bên có Đức Chúa Giêsu đứng là Notre Dame des Victoires, lối một thước hai bề cao, có lồng kính chung quanh nên tượng ảnh còn mới hoài. Dưới bàn thờ có tượng ảnh Đức Bà Môi Khôi, có ông thánh Đôminicô và bà thánh Catarinà chầu”(7).

Nhà thờ ngói tồn tại được bao lâu? Không thể dựa vào năm khởi công xây dựng đền thánh mới để xác định vì đền thánh mới được xây dựng ở vị trí khác, không cần thiết phải triệt hạ cái cũ để làm cái mới. Trong hồi ký viết tay cha Matthêô Lê Văn Thành cho biết: “Vào tháng 5-1925 khi ngài (cha Giacôbê Kinh) làm phó xứ Cổ Vưu…, lúc linh mục Morineau Trung vào tĩnh tâm ở Huế ngài thay thế lên La Vang đôn đốc công việc triệt hạ ngôi nhà thờ cũ”(8). Đúng vậy, vào một tối tháng 5-1925, căn gần tháp tự động đổ xuống. May mà giáo hữu đọc kinh tối xong vừa mới ra về.

Vậy có thể xác định nhà thờ ngói tồn tại được 25 năm, từ năm 1900 đến năm 1925.

Sau bao nhiêu năm, các nhà nghiên cứu về Giáo phận Huế và về Thánh địa La Vang đã nỗ lực tìm kiếm hình ảnh ngôi nhà thờ ngói cổ này nhưng không tìm thấy. Mãi gần đây, qua mạng truyền thông Internet, theo địa chỉ https://archives.mepasie/fr, Phòng Lưu trữ Hội Thừa sai Paris công bố nhiều bức ảnh chụp quý hiếm về Thánh địa La Vang, trong đó có bức ảnh chụp ngôi nhà thờ ngói cổ.

Xác định được bức ảnh này chính là bức ảnh ngôi nhà thờ ngói cổ nhờ đối chiếu với bức tranh vẽ DCB LA VANG (DINH CHÚA BÀ LA VANG = THÁNH ĐƯỜNG ĐỨC MẸ LA VANG) của họa sĩ Nguyễn Khắc Nhân.

Nguyên, sau khi vua Thành Thái bị phế truất năm 1907, họa sĩ Nguyễn Khắc Nhân, Viện sĩ Hàn lâm Biên tu, vị trung thần của nhà vua cũng bị bắt giam ở ngục Quảng Trị. Tại đây cụ Nhân gặp cụ Nguyễn Hữu Bài. Cụ Bài mến tài giới thiệu cụ Nhân với cha sở Cổ Vưu Cadière (cố Cả).

Nhờ cuộc đào duyên hội ngộ này, cụ Nhân đã để lại nhiều tác phẩm hội họa Công giáo giá trị, trong đó có bức tranh Thánh đường La Vang (Nhà thờ ngói cổ).

Nhìn kỹ bức tranh vẽ, chính diện mặt tiền nhà thờ, phía trên cửa ra vào in nổi 5 chữ Nôm: La Vang Cung Chủ Mẫu (La Vang Cung Điện Mẹ Chúa Trời = Đền Thờ Đức Mẹ La Vang).

BỨC TRANH THÁNH ĐƯỜNG LA VANG (NHÀ THỜ NGÓI CỔ)

CỦA HỌA SĨ NGUYỄN KHẮC NHÂN

(Ảnh: Linh địa La Vang)

Bức tranh này được vẽ vào khoảng trước năm 1910, vì qua năm 1910, cha Cadière về Pháp có mang theo để ấn loát, phát hành rộng rãi vào năm 1913. Các gia đình Công giáo Huế và Quảng Trị đều có mua về treo trên bàn thờ. Cha Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc cho đăng lại trong Linh địa La Vang, 1970.

Đối chiếu với bức tranh vẽ, bức ảnh chụp đã xuống cấp, hai tháp đã tách khỏi thân nhà thờ ngả ra hai bên, nhất là tháp bên trái ngả hẳn khỏi thân nhà thờ cả gang tay. Mái ngói của nhà thờ cũng, theo thời gian, bị uốn cong, xệ xuống, chứng tỏ bức ảnh này được chụp không lâu trước khi nhà thờ sụp đổ và bị triệt hạ vào năm 1925.

NHÀ THỜ NGÓI CỔ

(Ảnh: Phòng Lưu trữ MEP: https://archives.mepasie/fr) 

THÁNH TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG – NỮ VƯƠNG CHIẾN THẮNG.

Trong dịp Đại hội La Vang lần đầu tiên – Khánh thành nhà thờ ngói vào ngày 8-8-1900, Đức cha Caspar Lộc đã cung thỉnh từ Pháp bức thánh tượng Đức Mẹ La Vang theo mẫu tượng Đức Bà Nữ Vương Chiến Thắng đặt trong ngôi nhà thờ ngói.

“Đức Mẹ mặc áo choàng màu thiên thanh, phủ trên áo trắng ngà, đầu đội triều thiên vàng, chân đứng trên đám mây. Đức Mẹ nhìn đàn con, nét mặt dịu hiền, dáng điệu uy nghi. Hai tay Mẹ nâng đỡ Chúa Hài Đồng đứng bên tay mặt như muốn đưa ra giới thiệu cùng chúng ta, trao ban cho chúng ta. Chúa Giêsu Hài Đồng thật duyên dáng trong bộ áo màu hồng, đầu đội triều thiên, chân đứng trên quả địa cầu lấp lánh mấy vì sao. Chúa Hài Đồng một tay níu áo Mẹ, nương tựa vào Mẹ như để làm gương cho ta, một tay giơ ra như để mời gọi ta chạy đến cùng Mẹ để tỏ lòng hiếu thảo mến yêu và lãnh nhận muôn ơn lành nhờ lời Mẹ chuyển cầu”(9).

Sau khi nhà thờ ngói bị triệt hạ, bức thánh tượng này được đặt tại đền thờ mới. Đến thời cha sở Giuse Trần Văn Tường, ngài cho thay thánh tượng khác với kích thước lớn hơn. Thánh tượng cũ được đưa vào tôn kính trong Linh đài Bát Giác xây dựng năm 1955. Năm 1963, Linh đài Bát giác nhường chỗ cho Linh đài Ba cây đa nhân tạo, bức thánh tượng Nữ Vương Chiến Thắng được cất giữ như một báu vật của Thánh địa La Vang.

THÁNH TƯỢNG ĐỨC MẸ LA VANG

MẪU TƯỢNG NỮ VƯƠNG CHIẾN THẮNG

(Ảnh: Trung tâm Thánh Mẫu La Vang)

Bức thánh tượng quý giá này đã bị hủy hoại trong cuộc chiến Mùa Hè Đỏ Lửa1972, nay không còn nữa.

2. GIẾNG ĐỨC MẸ.

Năm 1903, khi lên chăm sóc vườn Mẹ, cha phó Cổ Vưu Giuse Nguyễn Xuân Cảnh đã cho đào một giếng đất ngay trước nhà thờ ngói cổ. Giáo dân quen gọi là Giếng Đức Mẹ.

Nước giếng Đức Mẹ không trong lắm nhưng có vị ngọt và mát, không bị ô nhiễm bởi môi trường bên ngoài nên có thể uống ngay, không cần nấu chín.

Vẫn biết nước giếng Đức Mẹ là nước uống bình thường không mang dược tính gì cả, nhưng từ truyền khẩu ngày xưa đến thực tế ngày nay nhiều bệnh nhân uống nước giếng Đức Mẹ mà được lành các bệnh tật là do bởi lòng thành kính cậy tin quyền phép Đức Mẹ được Mẹ ban ơn lành theo ý nguyện mà thôi.

GIẾNG ĐỨC MẸ, NGUỒN MẠCH MỌI ƠN LÀNH

(Ảnh: Phòng Lưu trữ MEP: https://archives.mepasie/fr)

GIẾNG ĐỨC MẸ, NGUỒN MẠCH MỌI ƠN LÀNH

(Ảnh: Nhà Truyền thống La Vang)

Ngày nay, hơn một thế kỷ đã trôi qua, giếng Đức Mẹ vẫn được bảo quản sạch đẹp, vệ sinh làm tăng vẻ mỹ quan vườn Mẹ, nhưng trên hết giếng Mẹ là một bảo chứng tình yêu tuyệt vời đối với con cái Mẹ. Từ mạch tự nhiên này, biết bao ơn lành hồn xác Đức Mẹ đã đổ xuống cho con cái Người.

3. ĐỀN THÁNH LA VANG.

Trong dịp Đại hội La Vang 8 (1923), Đức cha Allys Lý, Giám mục Giáo phận Huế nhận thấy số giáo dân hành hương ngày một đông, ngôi nhà thờ ngói thì quá chật hẹp, lại đã xuống cấp, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nên ngài đã quyết định xây dựng ngôi đền thánh rộng lớn tại La Vang. Đức cha đã giao phó trọng trách này cho cha sở Cổ Vưu René Morineau (cố Trung).

Ngày Lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11-2-1924, cha sở Cổ Vưu Morineau Trung phát hiệu lệnh khởi công xây dựng Đền thánh La Vang theo đồ án của kiến trúc sư Carpentier, với mức kinh phí dự trù tối thiểu phải hai mươi ngàn đồng bạc Đông Dương.

Ròng rã bốn năm trời với biết bao công sức tiền của đổ ra, công trình Đền thánh La Vang vĩ đại đã hoàn thành, ngoại trừ phần tháp chuông chưa xong.

ĐỀN THỜ ĐỨC MẸ LA VANG, 1928

(Ảnh: Phòng Lưu trữ MEP: https://archives.mepasie/fr)

(Đăng lại trong Tb. Vì Chúa. Số 18, 1937, tr.1)

“Ngôi thánh đường với hai tầng mái và hai cánh thánh giá cổ điển, cùng với cây tháp vuông hai tầng cao ngất nổi bật lên giữa cảnh đồi cát chung quanh và núi rừng xa xa. Đây là ngôi nhà thờ ngói thứ hai minh chứng lòng thành kính Đức Mẹ La Vang của giáo dân toàn quốc”(10).

8 giờ sáng ngày 20-8-1928, ngày đầu trong Tam nhật Đại hội La Vang 9, Đức cha Allys Lý đã long trọng cử hành  nghi thức làm phép nhà thờ mới. Còn nghi thức làm phép chuông, cũng do Đức cha Allys cử hành nhưng chậm hơn, vào ngày Chúa nhật 30-9-1928.

Qua năm tháng Đền thánh La Vang bị hư hại nặng. Năm 1959, cha sở La Vang Giuse Trần Văn Tường đã cho trùng tu, thay toàn bộ tuồng gỗ bằng vài sắt Eiffel, lợp mái ngói và đóng trần mới.

4. NHÀ CHA SỞ.

Song song với việc xây dựng đền thánh, một căn nhà ngói làm nhà cha sở cũng được hoàn thành. Đời cha sở Giuse Trần Văn Tường, nhà được nâng cấp thành căn lầu rộng rãi khang trang, vừa làm nhà cha sở, vừa làm nhà tĩnh tâm cho 100 linh mục đến La Vang trong các dịp lễ lớn. Căn nhà này bị sụp đổ trong chiến tranh. Thời cha Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang được sửa chữa vừa làm nhà cha sở vừa làm nhà nguyện. Sau này cha quản nhiệm Giuse Dương Đức Toại cho cải tạo thành Nhà Trung Tâm.

5. LINH ĐÀI BÁT GIÁC.

Để chuẩn bị Đại hội La Vang 13 (1955), linh mục trưởng ban tổ chức Matthêô Lê Văn Thành, được sự đồng thuận của các linh mục hạt Quảng Trị, đã cho xây Linh đài Đức Mẹ ngay vị trí bàn thờ trong nhà thờ ngói cổ, tức là nơi Đức Mẹ đã đứng khi hiện ra. Để xác định, linh mục Matthêô Lê Văn Thành cho biết:

“Vào tháng 5-1925… Một buổi tối nọ, ngài (linh mục Giacôbê Nguyễn Linh Kinh) bảo mấy ông thợ mộc chuốt cho ngài một cọc lim vót nhọn, rồi với hai người khỏe mạnh đóng sâu dưới bàn thờ. Xong công việc ngài lấp đất lại, yêu cầu hai người giúp việc tuyệt đối giữ bí mật. Đã 30 năm qua, nay bắt tay vào tìm kiếm cái cột lim, ba mươi người đào xới cả vùng trên nền nhà thờ cũ thật vất vả. Cuối cùng tìm được cái cột lim nằm sâu dưới đất”(11).

Linh mục Matthêô Lê Văn Thành “cho mời ông Hồ Văn Hải, kỹ sư công chánh hồi hưu, một tân tòng có lòng sùng kính Đức Mẹ. Là nhà thầu khoán, ông thiết kế một đài Á Đông kiểu tám góc… Sau khi được sự đồng ý, ông khởi công và chỉ nửa tháng xây cất, đài Đức Mẹ được cơ bản hoàn tất…”(11).

Linh mục quản xứ Giuse Trần Văn Tường và linh mục trưởng ban tổ chức Đại hội La Vang 13 Matthêô Lê Văn Thành đồng thuận đặt tên là Linh đài Bát Giác, theo ý nghĩa Tám mối Phúc thật: Đức Mẹ là Đấng duy nhất bao hàm đầy đủ Tám mối Phúc thật. Còn khách thập phương hành hương, thấy mỗi tầng mái chỉ có bốn góc nên gọi Linh đài Tứ Giác.

Thánh tượng Đức Mẹ La Vang – Nữ Vương Chiến Thắng có từ năm 1900 được cung thỉnh đặt chính giữa bàn thờ trong Linh đài Bát Giác.

LINH ĐÀI BÁT GIÁC

(Ảnh: Nhà Truyền thống La Vang)

Linh đài Bát Giác hiện nay không còn nữa, đã nhường chỗ cho Linh đài Ba cây đa nhân tạo. Nhưng ba cây nhân tạo được xây “lùi về phía sau độ 15 thước”(12), nên Linh đài Bát Giác – địa điểm theo tương truyền Đức Mẹ đã đứng khi hiện ra – là trước Linh đài Ba cây đa nhân tạo khoảng 15 thước.

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

(1)Vãn La Vang, câu 9-10.

(2)Vãn La Vang, câu 55-56.

(3) Nội dung từ bài Lương y PX. Lê Thiện Thìn. 1805-1878. Trùm hạt Quảng Trị. Tài liệu gia phả Lê Thiện Tộc, trong tài liệu gia đình của ông Lê Thiện Sĩ.

(4) Bài giảng của Đức cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn trong Đại hội La Vang 10. Dẫn theo Lm. Matthêô Lê Văn Thành: Đức Mẹ La Vang, tr.46-49.

(5) Jabouille (nguyên công sứ Quảng Trị). Lm. Delvaux Văn bổ chính và chú thích: Một trang huyết lệ trong lịch sử tỉnh Quảng Trị tháng chín Tây năm 1885. Tb. Vì Chúa. Số 164, tr.10-11.

(6) Trích Báo cáo năm 1894, tr.3-4/6.

(7) Lm. GB. Huỳnh Tịnh Hướng (cha sở họ đạo Ngã Sáu – Chợ Lớn): Bài La Vang lúc kim thời. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 737, ngày 3-5-1923, tr.268.

(8) Trích hồi ký chép tay của Lm. Matthêô Lê Văn Thành, tại Huế, ngày 5-8-1993.

(9) Tòa TGM Huế: Thánh địa Đức Mẹ La Vang, tr.13.

(10) Lm. Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang, tr.72.

(11)Trích hồi ký chép tay của Lm. Matthêô Lê Văn Thành, tại Huế, ngày 5-8-1993.

(12) Khổng Trung Lưu: Thư La Vang, 1963. Ns. Đức Mẹ La Vang. Bộ II. Số 12, tháng 8-1963, tr.52.

=> Tài liệu dạng Word, nhấn vào đây để tải Chương 4 – Phần 1