Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 2 – Chương 14

11/01/2021

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)

*****************

TẬP 2

CHƯƠNG MƯỜI BỐN

ĐỨC THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII, VỊ GIÁO HOÀNG CỦA ĐỨC MẸ LA VANG

A. THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII VỚI GIÁO HỘI VIỆT NAM

I. ĐGH GIOAN XXIII BAN PHÉP TỔ CHỨC ĐẠI HỘI THÁNH MẪU TOÀN QUỐC 1959, CỬ ĐHY ĐẶC SỨ GRÊGÔRIÔ PHÊRÔ AGAGIANIAN CHỦ TỌA ĐẠI HỘI THÁNH MẪU TOÀN QUỐC

1. Thông điệp của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII gởi các Đức Giám mục tại Việt Nam(1):

Giáo hoàng Gioan XXIII,

Kính gởi các Chư huynh, đại diện Tòa Thánh quản nhiệm các địa phận tại Việt Nam, lời chào thân ái và Phép lành Tòa Thánh.

Tâm hồn Ta trào lên một sự vui mừng, và đây là niềm hoan hỉ đặc biệt vì ngay trong buổi đầu của triều đại Ta, đã được đón nhận những nguyện vọng tha thiết, mà Chư huynh đã trình bày trong dịp hội nghị thường niên năm ngoái, muốn tổ chức tại Sài Gòn trong tháng 2 dương lịch, một Đại hội Thánh Mẫu, để nhân dịp này kêu gọi giáo dân Việt Nam kỷ niệm Đệ nhất bách chu niên Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức và đồng thời mừng ngày Đệ tam bách chu niên việc bổ nhiệm hai vị Giám mục tiên khởi ở bên quý quốc.

ĐỨC THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII

(Ảnh: Internet)

Lòng sùng kính thảo hiền mà hôm nay Chư huynh muốn biểu dương kính Đức Mẹ, Nữ Vương các xứ truyền giáo, có nghĩa là toàn thể giáo dân do Chư huynh quản nhiệm sẵn sàng công nhận họ mắc với Đức Mẹ muôn vàn ân huệ, và càng là lý do cho họ tin cần siết chặt hàng ngũ chung quanh Tòa Đức Mẹ, để cầu xin Chúa ban xuống nhiều ơn khác, nhất là ơn được thấy vãn hồi hòa bình.

Lễ Kỷ niệm Đệ tam bách chu niên việc bổ nhiệm các vị Giám mục đầu tiên minh chứng rằng người Công giáo Việt Nam, dòng giống của những anh hùng Tử đạo xưa đã lấy xương máu để bảo vệ đức tin, ngày nay họ biết đề cao tín ngưỡng là một đặc ân vô song của Chúa ban cho, và Ngài là ‘nguồn phát sinh mọi mỹ vật, mọi ân hưởng’ (Jac 1, 17). Đồng thời họ kính cẩn ghi ơn các vị thừa sai, từng đoàn người đã liên tiếp, chịu mọi vất vả hy sinh, có người hy sinh đổ máu để truyền bá Phúc Âm, trong mảnh vườn nho của Chúa này, kể từ ngày Đức tiên Giáo hoàng Alexandre VII đã có cao kiến bổ nhiệm tại Bắc Phần và Nam Phần Việt Nam hai vị Giám mục tiên khởi, tức là Đức Giám mục François Pallu và Pierre Lambert de la Motte, cả hai đều làm vẻ vang cho Hội Truyền giáo Ba Lê.

Xán lạn làm sao nhưng cũng gian truân làm sao, bước đường mà quý quốc của Chư huynh đã trải qua trong bao nhiêu thế kỷ! Hạt giống Phúc Âm đã sản sinh ra nhiều mùa gặt nặng trĩu hoa trái, mặc dù giáo hữu ở đây đã chịu những cuộc bách hại tàn khốc!

Ngày nay, con số gần một triệu rưỡi giáo dân nói lên một cách cụ thể tính chất phì nhiêu của dải đất này, nơi mà lời Thiên Chúa khác nào hạt giống ‘đã gieo vào đất tốt, để lớn lên, sinh nhiều hoa quả’ (Lc 8, 8).

Hàng giáo sĩ bản quốc mà các vị truyền giáo đã dày công hun đúc và giáo huấn thể theo nguyện vọng của Tòa Thánh nay đã tiến tới mức độ khả quan, cả về lượng, cả về phẩm, khả dĩ đứng ra chỉ huy và quản nhiệm phần đông các địa phận Việt Nam.

Chính vì tin tưởng rằng dân tộc Việt Nam suốt trong ba thế kỷ đã được Chúa quan phòng gìn giữ đặc biệt, và để đáp lại hồng ân Chúa đã ban đức tin, để phối hợp dân Việt Nam trở nên phần tử Giáo hội ‘đã được xây đắp trên nền tảng các thánh Tông đồ, Tiên tri, và Chúa Kitô là đá góc tường’ (Eph 2, 20), mà hôm nay, sốt sắng trong nhiệm vụ Tông đồ, Chư huynh đã quyết định cuộc lễ kỷ niệm trên đây, từ nay liệt vào những kỷ niệm lớn lao nhất, phải được tổ chức một cách hết sức tưng bừng long trọng.

Ta nhiệt liệt hoan nghinh sáng kiến cao đẹp này và cầu chúc cho giáo dân Việt Nam hãy ở cho xứng đáng những ơn cao cả Chúa đã ban, làm sao cho trong các giới đồng bào còn chưa biết Chúa, giáo dân phải là ngọn đèn sáng, chiếu dọi ảnh hưởng thiêng liêng và đưa họ về nhập đoàn chiên của Chúa.

(…)

Lời của Ta hôm nay đối với Chư huynh – các vị Giám mục – cũng như các vị linh mục và giáo dân dưới quyền Chư huynh coi sóc, là một lời khen ngợi thán phục, và Ta quả quyết rằng lòng Ta vẫn hướng về Chư huynh, và theo dõi Chư huynh bằng một lời khuyên thành khẩn của Thánh Phaolô: ‘Biết rằng anh em vững lòng tin Chúa Kitô và yêu thương nhau, bởi thế, Ta cám ơn Chúa thay cho anh em và sẽ nhớ cầu nguyện cho anh em’ (Eph 1, 15-17).

Ta vui mừng thông báo cho Chư huynh Đặc sứ của Ta đến chủ tọa Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc Việt Nam là vị hiền tử của Ta, tức Hồng y Giáo hội La Mã, quý danh Gregoire Pierre Agagianian, Thứ trưởng Bộ Truyền giáo, là một Hồng y tài ba lỗi lạc sẽ nâng cao vẻ đặc sắc của Đại hội.

Ta cầu chúc cho hết những ai đích thân tham dự sẽ thu lượm được nhiều kết quả. Còn những ai không thể tới tham dự được, để khỏi mất phần công ích thiêng liêng, Bộ Truyền giáo chiếu theo chỉ thị của Ta sẽ ban bố những ân xá đặc biệt.

Sau hết, để đảm bảo ơn trên trời ủng hộ, Ta rộng lòng ban tới Chư huynh, các vị Giám mục, các linh mục, các giáo dân Phép lành Tòa Thánh”.

Làm tại La Mã, bên cạnh đền thờ Thánh Phêrô.

Ngày 25 tháng 1 năm 1959, năm thứ nhất triều đại của Ta.

Giáo hoàng Gioan XXIII.

  1. Phúc chiếu của Thánh Bộ Truyền giáo(2)Trả lời thư của các Đức Giám mục Việt Nam dâng Đức Thánh cha xin các đặc ân thiêng liêng cho Giáo hữu Việt Nam nhân dịp Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc (khoản A) và nhân dịp kỷ niệm 300 năm đặt các vị Giám mục Đại diện Tông tòa ở Việt Nam (khoản B):

“Thừa ủy nhiệm Đức Thánh cha Gioan XXIII, nhờ ơn Chúa làm Giáo hoàng, đã cho bản bộ, chiếu theo những điều đã đệ trình, Thánh Bộ Truyền giáo vui lòng chấp thuận và ban những ơn đã xin.

Những đặc ân này sẽ có hiệu lực trong tất cả thời kỳ mở Đại hội Thánh Mẫu (theo khoản A) và trong thời kỳ kỷ niệm 300 năm đặt các vị Giám mục Đại diện Tông tòa (theo khoản B)”.

Ban hành tại Rôma.

Tại điện riêng của Thánh Bộ Truyền giáo.

Ngày 31-1-1959.

3. Văn kiện của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII cử Đức Hồng y Grêgôriô Phêrô Agagianian làm Đặc sứ chủ tọa Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc 1959(3):

Giáo hoàng Gioan XXIII gởi:

Quý tử thân mến Agagianian Grêgôriô XV,

Hiệu tòa Thánh Batôlômêô in Insula,

Hồng y phẩm Linh mục Giáo hội Công giáo,

Giáo chủ Cilicia xứ Armênia,

Và Bộ trưởng Phụ tá Thánh Bộ Truyền giáo lời chào thân ái và Phép lành Tòa Thánh.

Quý tử thân mến,

“Để bế mạc Năm Toàn xá, thiết lập với mục đích kỷ niệm Thánh Mẫu Vô Nhiễm Nguyên Tội hiện ra tại hang Lộ Đức, năm ngoái, các Giám mục Việt Nam – nơi mà cách đây ba thế kỷ đã được cử đến những vị Giám mục Tông tòa quản nhiệm đầu tiên – đã quyết định tổ chức một Đại hội Thánh Mẫu long trọng vào tháng 2 này. Dự định cao quý đó của quý vị Giám mục, Ta rất hài lòng chấp thuận.

Thực vậy, không có cách nào cho giáo dân được hưởng ơn cứu độ dồi dào hơn là đặt mình dưới sự bảo trợ quyền năng của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội, để nhờ Hiền Mẫu mở hết các kho tàng Thiên Chúa cứu độ, và như thế họ được sống và sống sung mãn hơn. Thiên Chúa đã chẳng muốn cho ta được hết mọi sự nhờ Thánh Mẫu Maria sao?

Vì đây là một nghi lễ rất quan trọng đối với đoàn con rất thương mến của Ta, nhưng đang sống xa Ta, và sống trong hoàn cảnh rất khó khăn. Ta đã quyết định có mặt tại Đại hội này bằng cách cử Khâm sai Đại thần đến chủ tọa. Vậy, Quý tử thân mến, Quý tử đã được tôn lên hàng giáo chủ thuộc trật Hồng y La Mã, và hiện điều khiển Thánh Bộ Truyền giáo tại kinh thành bất diệt, như Ta đã loan báo, Ta cử trạch Quý tử và tôn làm Khâm sai Đại thần để đại diện Ta và lấy quyền Ta chủ tọa Đại hội Thánh Mẫu sắp khai diễn tại đô thị trứ danh Sài Gòn.

Quý tử đã sẵn tâm hồn và ngôn ngữ phong phú, đức độ khả ái lại giàu lòng sùng kính và hiếu thảo đặc biệt đối với Đức Trinh Mẫu, Ta đinh ninh Quý tử thể nào cũng đem lại cho cuộc lễ nghi long trọng này những kết quả mỹ mãn đã từng mong ước.

Vì hy vọng làm cho giáo dân được hưởng ơn cứu độ kết quả hơn, Ta còn hân hoan phú nhiệm nơi Quý tử – trong chính ngày đã ấn định, ngay sau cuộc đại lễ – quyền lấy danh hiệu và uy quyền Ta chúc phúc cho tất cả mọi người tín hữu để họ được hưởng mọi ơn Toàn xá, theo những điều kiện ấn định trong Giáo hội.

Còn nay, để bảo đảm các ơn thiêng và chứng tỏ lòng đặc biệt ưu ái của Ta, Ta sung sướng ban cho Quý tử, hỡi quý tử thân mến, cho Giám mục Sài Gòn và tất cả các Giám mục cao quý khác, cũng như cho hết mọi người giáo dân sẽ tham dự hay đã cộng tác vào Đại hội, Phép lành Tòa Thánh”.

Ban hành tại La Mã, cạnh đền Thánh Phêrô.

Ngày 31 tháng 1 năm 1959, năm thứ nhất triều Giáo hoàng của Ta.

Ký tên: Giáo hoàng Gioan XXIII.

  1. Điện văn của Đức Hồng y Đặc sứ gởi Quốc Vụ khanh Tòa Thánh Vatican về Đại hội Thánh Mẫu tại Việt Nam(4):

“Đại hội Thánh Mẫu Việt Nam bế mạc vô cùng long trọng. Toàn thể giáo hữu, giáo sĩ, Giám mục và Đặc sứ Giáo hoàng kính dâng lên Đức Thánh cha niềm hiếu thảo mến yêu và lòng trung thành tuyệt đối. Xin ghi ân sâu xa lòng cao cả của Đức Thánh cha. Nguyện xin Phép lành Tòa Thánh làm bảo đảm cho toàn thể dân tộc Việt Nam”.

Ký tên: Hồng y Đặc sứ Agagianian.

5. Điện văn của Hồng y Quốc Vụ khanh thay mặt Đức Giáo hoàng Gioan XXIII gởi Hồng y Đặc sứ – Tòa Khâm mạng Sài Gòn(5):

“Kết quả mỹ mãn, Đại hội Thánh Mẫu cử hành long trọng, cùng sự biểu lộ lòng tri ân và trung thành như điện văn của ngài bày tỏ, đã làm cho lòng Hiền phụ Đức Thánh cha vui mừng. Đức Thánh cha cầu xin ơn phù hộ của Nữ Vương trên trời cho mọi người được đức tin mạnh mẽ, đức mến nhiệt thành.

Một lần nữa, ngài lại đặc biệt và ân cần ban Phép lành Tòa Thánh rộng rãi sinh nhiều ơn ích cho Đức Hồng y, cho các cấp chỉ huy trong Giáo hội và trong chính quyền, cho các vị linh mục và thừa sai, cho các tín hữu và nhân dân Việt Nam”.

II. ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII BAN PHÉP THÀNH LẬP HÀNG GIÁO PHẨM VIỆT NAM

1. Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum, ngày 24-11-1960, của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII về việc thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam(6):

Gioan Giám mục, tôi tá các tôi tá Thiên Chúa.

Để ghi nhớ muôn đời.

“Chư huynh đáng kính, là Hồng y Giáo hội Rôma, phụ trách tại Thánh Bộ Truyền giáo, sau khi tham khảo ý kiến Hiền tử Mario Brini, Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương, đã nghĩ việc thiết lập Phẩm trật Giáo hội tại Việt Nam là thích thời và tối lợi cho giáo sự. Ta đây cũng đồng ý, lại tự suy xét chín chắn và thêm ý kiến những người liên hệ, Ta lấy quyền Tông tòa mà quyết định và truyền thi hành như sau:

Tại Việt Nam sẽ thành lập ba Giáo tỉnh, tức là:

GIÁO TỈNH HÀ NỘI gồm Tổng Giám mục Hà Nội, tới nay chỉ là Đại diện Tông tòa, với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Thánh Giuse, và thêm những Giám tòa thuộc hạt từ nay cũng hết là Đại diện Tông tòa, để trở nên Địa phận Chính tòa, tức là:

Lạng Sơn với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Thánh Đa Minh hiển tu.

Hải Phòng và Bắc Ninh với hai nhà thờ Chính tòa danh hiệu Nữ Vương Rất Thánh Văn Côi.

Hưng Hóa với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Lên Trời.

Thái Bình với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Bùi Chu với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Nữ Vương Rất Thánh Văn Côi.

Phát Diệm với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Nữ Vương Rất Thánh Văn Côi.

Thanh Hóa với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Vinh với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Lên Trời.

GIÁO TỈNH HUẾ gồm Tổng Giám mục Huế, trước đây chỉ là Đại diện Tông tòa, với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Trái Tim Cực Sạch Đức Mẹ, và thêm các Giám tòa thuộc hạt đã được trở thành Địa phận Chính tòa:

Qui Nhơn với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Lên Trời.

Nha Trang với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Chúa Giêsu Vua.

Kontum với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

GIÁO TỈNH SÀI GÒN gồm Tổng Giám mục Sài Gòn, trước đây chỉ là Đại diện Tông tòa, với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, và thêm các Địa phận thuộc hạt trước kia chỉ là Đại diện Tông tòa, tức là:

Vĩnh Long với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Bà Thánh Anna, thân mẫu Đức Bà Maria.

Cần Thơ với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Và các địa phận mới được thành lập:

Đà Lạt với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Thánh Nicola Bari.

Mỹ Tho với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Long Xuyên với nhà thờ Chính tòa sắp được xây dựng.

Ta cũng lệnh cho các Địa phận Lạng Sơn, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Huế, đến nay vẫn do Hội Thừa sai Ba Lê và Dòng Đa Minh điều khiển, và các Địa phận mới Đà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên, tất cả các địa phận kể trên từ nay sẽ trao cho giáo sĩ Triều Việt Nam quản nhậm.

Ta cũng ban cho các địa phận vừa nói và các địa phận khác đã kể trên, cho các nhà thờ Chính tòa cũng như các Giám mục lãnh đạo được mọi quyền lợi, danh dự, đặc ân thích xứng. Đối với các Giám mục lãnh đạo, Ta còn đặt thêm trọng trách và nhiệm vụ. Tất cả các địa phận trên đây sẽ tiếp tục trực thuộc Thánh Bộ Truyền giáo, còn các Giám mục lãnh đạo thì Ta thuyên chuyển như sau:

– Thân huynh đáng kính Giuse Maria Trịnh Như Khuê, trước đây là Đại diện Tông tòa với hiệu tòa Synaitana, từ nay là Tổng Giám mục Hà Nội.

– Thân huynh đáng kính Vincentê Phạm Văn Dụ, Giám quản Lạng Sơn với hiệu tòa Bosetana từ nay là Giám mục Chính tòa Địa phận Lạng Sơn.

– Thân huynh đáng kính Phêrô Khuất Văn Tạo, Giám quản Hải Phòng với hiệu tòa Caralliensi từ nay là Giám mục Chính tòa Địa phận Hải Phòng đồng thời kiêm Giám quản Địa phận Bắc Ninh.

– Thân huynh đáng kính Phêrô Nguyễn Huy Quang, Giám quản Hưng Hóa với hiệu tòa Claudiopolitana xứ Isauria, từ nay là Giám mục Chính tòa Địa phận Hưng Hóa.

– Thân huynh đáng kính Đaminh Đinh Đức Trụ, Giám quản Thái Bình với hiệu tòa Cataquensi, từ nay là Giám mục Chính tòa Địa phận Thái Bình.

– Thân huynh đáng kính Giuse Phạm Năng Tĩnh, Giám quản Bùi Chu với hiệu tòa Bernicensi, từ nay là Giám mục Chính tòa Địa phận Bùi Chu.

– Thân huynh đáng kính Phaolô Bùi Chu Tạo, Giám quản Phát Diệm với hiệu tòa Numida, từ nay là Giám mục Chính tòa Địa phận Phát Diệm.

– Thân huynh đáng kính Phêrô Phạm Tần, Giám quản Thanh Hóa với hiệu tòa Justiniapoi bên Galatia, từ nay là Giám mục Chính tòa Địa phận Thanh Hóa.

– Thân huynh đáng kính Gioan Baotixita Trần Hữu Đức, Đại diện Tông tòa ở Vinh với hiệu tòa Niciotana, từ nay là Giám mục Chính tòa Địa phận Vinh.

– Thân huynh đáng kính Phêrô Martinô Ngô Đình Thục, Đại diện Tông tòa tại Vĩnh Long với hiệu tòa Saesinensi, từ nay là Tổng Giám mục Địa phận Huế.

– Thân huynh đáng kính Phêrô Phạm Ngọc Chi, Đại diện Tông tòa tại Bùi Chu và Giám quản Tông tòa ở Qui Nhơn với hiệu tòa Sozopolitana bên Haemimonto, từ nay là Giám mục Chính tòa Địa phận Qui Nhơn.

– Thân huynh đáng kính Marcellô Piquet, Đại diện Tông tòa tại Nha Trang với hiệu tòa Erizê, từ nay là Giám mục Chính tòa Địa phận Nha Trang.

– Thân huynh đáng kính Phaolô Seitz, Đại diện Tông tòa tại Kontum với hiệu tòa Catulensi, từ nay là Giám mục Chính tòa tại Địa phận Kontum.

– Thân huynh đáng kính Phaolô Nguyễn Văn Bình, Đại diện Tông tòa tại Cần Thơ với hiệu tòa Agnusiensi, từ nay là Tổng Giám mục Địa phận Sài Gòn.

– Thân huynh đáng kính Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Đại diện Tông tòa ở Địa phận Sài Gòn với hiệu tòa Sagalassê, từ nay là Giám mục Chính tòa Địa phận Đà Lạt.

Và Ta đặt các Hiền tử:

Giuse Trần Văn Thiện làm Giám mục Chính tòa Địa phận Mỹ Tho.

Antôn Nguyễn Văn Thiện làm Giám mục Chính tòa Địa phận Vĩnh Long.

Philipphê Nguyễn Kim Điền làm Giám mục Chính tòa Địa phận Cần Thơ.

Micae Nguyễn Khắc Ngữ làm Giám mục Chính tòa Địa phận Long Xuyên.

Trong các địa phận mới này, thuộc Giám mục Chính tòa cũng như Tổng Giám mục Chính tòa, nếu vì hoàn cảnh sự vụ hay địa phương, chưa thể thành lập Kinh sĩ hội, thì phải lựa đặt Ban Cố vấn địa phận theo Giáo luật, và một khi Kinh sĩ hội được thành lập, Ban Cố vấn tức khắc chấm dứt nhiệm vụ.

Các vị lãnh đạo cũng phải đặc biệt lưu ý việc đào luyện thanh niên có triển vọng lên chức linh mục, họ là hướng đạo tương lai của giáo dân.

Ngân quỹ Giám tòa tạo thành bởi của cải địa phận hiện có, lợi tức Giám tòa, tặng vật người ta tự cúng và tiền Thánh Bộ Truyền giáo trợ cấp. Việc cai quản và điều hành Địa phận, quyền lợi giáo sĩ và giáo dân, bổ nhiệm vị Đại diện Kinh sĩ hội khi trống ngôi và mọi việc khác, thì cứ chiếu giáo luật mà thi hành.

Sắc chỉ của Ta đây sẽ được niêm ấn chì và Ta truyền cho vị Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương Ta đã nói trên, phải đích thân hay ủy nhiệm người  khác thi hành, miễn là người ấy có chức vị trong Giáo hội. Nếu trong thời gian thi hành, vị khác sẽ nhậm chức vụ Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương, thì vị ấy sẽ thi hành lệnh của Ta. Vị thi hành phải thận trọng lập biên bản đầy đủ khi việc đã hoàn tất và kíp đệ trình lên Thánh Bộ Truyền giáo các văn kiện đã ký nhận chắc chắn. Ý Ta là Sắc chỉ này có hiệu lực tức khắc và mãi về sau, cho nên tất cả những gì được ấn định trong Sắc chỉ này phải được những người liên hệ tôn trọng thi hành và như thế là có hiệu lực. Không một luật lệ nào nghịch lại có thể ngăn cản hiệu lực của Sắc chỉ này: Chính Sắc chỉ này hủy bỏ các luật lệ ấy. Vì thế bất kỳ ai, ở chức vị nào, hữu ý hay vô tình nghịch lại những sự Ta vừa nói trên, thì Ta luận phi và kể là vô giá trị.

Lại nữa, không ai được phép xé hủy hay giả mạo Sắc chỉ này của Ta và nếu công bố hoặc là ấn loát hay viết tay thì những bản đó phải được chức vị trong Giáo hội đóng ấn và đồng thời phải mang chữ ký của một vị chính thức coi giữ văn kiện thì mới đáng tin. Nếu ai dám khinh dể hay khước từ cách nào Sắc chỉ này thì hãy biết rằng sẽ bị những hình phạt giáo luật đã ra cho những người không tuân lệnh các Đức Giáo hoàng”.

Làm tại Rôma, nơi đền thờ Thánh Phêrô.

Ngày 24 tháng 11 năm 1960, cũng là năm thứ ba triều đại của Ta.

Ký tên

Thay Đức Hồng y Chưởng ấn Giáo hội Rôma:

Đôminicô Tardini, Hồng y Quốc Vụ khanh.

Grêgôriô Phêrô Agagianian, Hồng y Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền giáo.

Phanxicô Tinellô, Nhiếp chính Chưởng ấn Tông tòa.

Phanxicô Annibalê Ferretti, Tổng Lục sự Tông tòa.

Albertô Seratini, Tổng Lục sự Tông tòa.

Gửi đi ngày 24-11-1960, năm thứ ba triều đại Giáo hoàng Gioan XXIII.

D. Rodomon Galligani, thay người ấn chỉ.

Ghi tại Chưởng ấn Tông tòa, cuốn thứ một trăm, năm 1964 (col CV), số 31.

2. Thông điệp của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, gởi Hàng Giáo phẩm Việt Nam(7):

Giáo hoàng Gioan XXIII,

“Kính gửi các Chư huynh Tổng Giám mục và Giám mục Việt Nam lời chào thân ái và Phép lành Tòa Thánh.

Ngay từ khi mới lên ngôi Giáo hoàng, Ta đã có dịp may mắn để gửi tới Chư huynh lời an ủi, cầu chúc trong dịp trọng đại hồi tháng 2 năm 1959 ở bên quý quốc đã tổ chức Ðại hội Thánh Mẫu. Sở dĩ Ðại hội này đã tổ chức là vì hai lý do: trước là để kết thúc một cách thích đáng Đệ nhất bách chu niên Ðức Mẹ hiện ra ở Lộ Ðức, sau là mừng Đệ tam bách chu niên việc Tòa Thánh bổ nhiệm các vị Giám mục tiên khởi trên dải đất này. Chính nơi đây, hai vị Giám mục Phanxicô Pallu và Phêrô Lambert de la Motte, cả hai thuộc hội Truyền giáo Ba Lê, đã hi sinh tận tuỵ, để thành công xây dựng những khởi sinh điểm đầu tiên, để rồi đưa đến cả một hệ thống và tổ chức truyền giáo ngày nay.

Cũng năm ngoái, Ta rất hân hoan khi nhận thấy những cuộc nghinh tiếp tôn nghiêm long trọng đã dành cho Ðức Hồng y Grêgôriô Phêrô Agagianian, hiện là Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, hồi ấy tới Việt Nam với tư cách Đặc sứ của Ta, và khi nghe biết tất cả những cảnh sắc kỳ quan trong cuộc biểu dương tín ngưỡng và lòng đạo đức trong dịp đại lễ ấy, cùng chung với Chư huynh, nhưng tâm hồn Ta không khỏi xúc động sâu sa, khi cảm thông rằng: cả những vị Giám mục và các con cái thân yêu miền Bắc, mặc dầu do cách trở không tham dự những cuộc đại lễ Bách chu niên tại Sài Gòn, nhưng cũng đã đoàn kết để hiện diện bằng tinh thần – ‘Một lòng một linh hồn’ – để hợp hoan với Chư huynh chung quanh tòa Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Tư tưởng này làm cho Ta sực nhớ lại lời Thánh Phaolô: ‘Tiên vàn Cha cám ơn Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô, vì tất cả chúng con, vì lẽ rằng đức tin của chúng con đã được tán dương trên khắp hoàn cầu’ (Rom 1,18).

Giờ đây còn một cơ hội khác không kém phần thuận tiện, để Ta đàm thoại với Chư huynh, đang khi tâm hồn Ta vui sướng và lòng Ta đầy sự cảm tạ ơn Chúa. Tức là sự kiện Ta mới lấy quyền Tòa Thánh thiết lập trong khắp các địa hạt tôn giáo ở bên quý quốc Phẩm trật Giáo hội: ‘Cha muốn cho chúng con ý thức rõ rệt bao nhiêu ân cần Cha dành cho chúng con’ (Col 2, 1).

Ðây là một biến cố hết sức quan trọng, nặng đầy ý nghĩa, và đem theo nhiều hứa hẹn cho sự thống nhất thiêng liêng và cho đời sống Công giáo của Chư huynh. Ta muốn nhấn mạnh điểm này bằng cách nói lên với chính ngôn ngữ của Ta, và cởi mở cho Chư huynh thấy rằng: lòng Ta chan chứa niềm tin tưởng và kỳ vọng cho quý quốc của Chư huynh một tiền đồ vẻ vang xán lạn: ‘Miệng Cha đã nói cho chúng con, và lòng Cha tự cảm như nở thêm một khúc ruột’ (II Cor 6, 11).

Cái hệ thống tổ chức truyền giáo phân chia từ trước thành 17 địa phận, từ nay sẽ thêm được 3 địa phận mới, và tất cả được nâng lên địa vị hàng Giáo phẩm, bằng cách thiết lập 3 Giáo tỉnh mới: một ở Bắc, một ở Trung, một ở Nam, với ba Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Huế, Sài Gòn có nhiệm vụ bao hàm 17 địa phận thực danh mới. Sở dĩ quyết định trên đây đã được chấp thuận một cách chính đáng là vì Giáo hội theo dõi những tiến bộ khả quan đã đạt được ở bên quý quốc. Thực ra, dân số Công giáo năm 1900 mới có 812.000; năm 1927 lên tới 1.237.249; ngày nay đã vượt qúa số 1.500.000.

Ta tin chắc rằng hàng Giám mục và giáo sĩ Việt Nam, trong khi tỏ lòng tri ân Tòa Thánh vì cử chỉ tín nhiệm cao đẹp này, sẽ biết nhận ở đấy lý do chính đáng để vui mừng, an ủi, và đồng thời thúc đẩy mình càng thêm chịu khó, nhiệt thành, và đồng tâm nhất trí trong việc chu toàn bổn phận và trách nhiệm mục vụ của mình, như lời Thánh Phaolô: ‘Phải ân cần chứ đừng biếng nhác, phải nhiệt tâm phụng sự Thiên chúa. Hãy vui mừng trông cậy, hãy nhẫn nại khi gặp gian nan, bền chí trong khi cầu nguyện, tham gia tất cả các nhu cầu của giáo dân’ (Rom 12, 11-13).

Còn giáo dân Việt Nam phải nhìn nhận trong cái danh dự cao quý này, không những một bằng chứng nâng cao giá trị cho những truyền thống Công giáo cố hữu ở đây, truyền thống đã được đánh dấu bằng máu các thánh Tử đạo, và máu này đã phát sinh ra nhiều giáo dân. Hơn nữa, danh dự này còn là một tiếng gọi, nhắc cho họ phải ý thức rõ rệt những nghĩa vụ của người Công giáo và công dân.

Từ nay hầu hết các địa phận ở Việt Nam sẽ do các Giám mục bản quốc quản trị. Sự kiện đó minh chứng một cách hùng hồn sự trưởng thành và khả năng của hàng giáo sĩ bản xứ nay đã đông đúc và được huấn luyện đầy đủ. Sự kiện đó còn minh chứng rằng: những Huấn dụ, những Chỉ thị do các vị Giáo hoàng La Mã ban bố qua các Thông điệp Truyền giáo đã có hiệu quả dồi dào, và đã được khắp nơi tuân theo một cách trung thành; nhất là trong những năm gần đây, qua các Thông điệp‘Maximum illud’ của Ðức Bênêđictô XV, ‘Rerum Ecclesiae’ của Đức Pio XI, ‘Evangelii Praecones’ và ‘Fidei donum’ của Ðức Piô XII, và sau cùng Thông điệp mới nhất ‘Princeps Pastorum’ của Ta. Hôm nay, trong cảnh hân hoan này, ta muốn sao lại một đoạn như sau: ‘Lời khuyên nhủ của Ðức Bênêđictô XV, mà sau đấy hai vị tiên Giáo hoàng Piô XI và Piô XII đã luôn luôn nhắc lại, hiện nhờ ơn Chúa đã thu lượm được nhiều kết quả mỹ mãn, và chính là đề tài để hôm nay Ta thiết tha thỉnh cầu Chư huynh cùng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa, vì đã xui nên trong các địa hạt Truyền giáo được một số đông Giám mục và linh mục tài ba lỗi lạc’ (Thông điệp Princeps pastorum, AAS, LI, 1959, trang 837-838).

Nhưng để cho sự nghiệp hợp tác của Chư huynh được thêm mãnh liệt và chuyên cần, để cho Chư huynh ‘được đoàn kết chặt chẽ với nhau trong một tinh thần để bảo vệ tín ngưỡng Phúc Âm’ (Phil 1, 27), Ta muốn nhắc lại nơi đây một đoạn khác của Thông điệp nói trên: ‘Các giáo đoàn địa phương – nơi mà các vị thừa sai còn đang cộng tác hoạt động – cho dù có thành lập Phẩm trật Giáo hội riêng đi nữa, nhưng vì địa thế còn mênh mông, số giáo dân ngày một gia tăng mãi, hơn nữa còn vô số người chưa được nghe dạy đạo lý Phúc Âm, thành ra vẫn còn cần sự giúp đỡ của các vị truyền giáo ngoại quốc. Về những vị này, ta có thể mượn lại lời Ðức tiên Giáo hoàng đã ban bố: ‘Không thể gọi họ là ngoại quốc, bởi vì một linh mục Công giáo mà trung tín thừa hành nghĩa vụ của mình, thì bất cứ ở đâu, chỗ Nước Chúa đang thịnh đạt hay mới khởi sự, họ phải tự coi như là ở trong quê hương của mình’ (thư Ðức Piô XII gửi Ðức Hồng y A. Piazza, AAS, XLVII, 1955, trang 542).

Bởi thế, hết mọi người hãy hoạt động, nhưng trong một tình luyến ái huynh đệ, thành thực, y như tình luyến ái mà họ dành cho Chúa Cứu Thế và Giáo hội của Ngài. Mọi người hãy sẵn sàng vui vẻ, theo đạo con cái mà tùng phục các Giám mục ‘là những vị Chúa Thánh Thần đã kén chọn để cai quản Giáo hội Thiên Chúa’ (Act. 20,28). (Thông điệp Princeps Pastorum, AAS, LI, 1959, trang 839-840).

Cái viễn tượng một kỷ nguyên mới, cũng như sự tổ chức một hệ thống mới mà Giáo hội vừa thực hiện ở bên quý quốc, quả nhiên không thể và không phải là lý do, để giảm bớt hay làm giảm mức độ cố gắng và khả năng của những đoàn người truyền giáo ngày nay đang chung sức rao giảng Phúc Âm, vì thực ra trong tương lai còn rất nhiều việc phải làm.

Trong hoàn cảnh này, Ta hân hoan, cũng như nghĩa vụ của Ta là để lời ca ngợi, và tuyên dương công trạng cho ‘đoàn công nhân Phúc Âm’ nàỵ, trải qua ba thế kỷ, đã nối tiếp nhau xây dựng mảnh vườn nho thiêng liêng của Chúa tại nơi đây, bằng bao nhiêu công lao vất vả, bằng bao nhiêu hi sinh nặng nhọc, có lần bằng cả xương máu, để mở đường và tạo nên cơ hội thuận tiện cho việc thành lập Phẩm trật Giáo hội ngày nay. Ðồng thời, Ta cũng gửi lời thân yêu và biết ơn tới hết các vị Truyền gíáo ngoại quốc hiện còn đang cộng tác – đúng tinh thần ‘người cộng sự của Thiên Chúa’ (I Cor 3, 9) – với hàng giáo sĩ địa phương, để sự nghiệp rao truyền đạo lý Chúa Kitô mỗi này càng phổ biến sâu rộng trong dân tộc Việt Nam. Ta cám ơn những vị Giám mục đã nhường chỗ cho các vị Giám mục bản xứ khác, sau khi đã tận lực mở Nước Chúa, và hao công xây dựng nền tảng cho những giáo đoàn các ngài đã lãnh nhận coi sóc. Ta thành khẩn xin Chúa trọng thưởng các ngài bằng những nguồn ơn thiêng liêng dồi dào, và biến đổi sự hi sinh các ngài đã chịu vì quyền lợi tối cao của Giáo hội trở thành nguồn vui bất tận. Sự nghiệp của các ngài nay đã tới chỗ thành công mỹ mãn và hiển nhiên, nhất là ở tại việc thiết lập Hàng Giáo phẩm. Ðây là điều minh chứng rõ rệt Thiên Chúa đã đoái nhận sự nghiệp của các ngài, và nhờ ơn Chúa nay đã thành tựu.

Sau hết, với tấm lòng cảm xúc và thán phục, Ta gửi tới toàn thể Chư huynh và giáo dân Việt Nam tất cả tình ưu ái của một Hiền phụ, ‘tượng trưng cho tình ưu ái của Chúa Kitô’, nhất là gửi tới những con người ‘đang bị đau khổ!’ Ta mượn lời Thánh Phaolô để nhắn nhủ chúng con rằng: ‘Chúng con hãy thức tỉnh, vững vàng trong đức tin, hãy can trường, mạnh mẽ’ (I Cor 16,13). Và để biểu dương hơn nữa lòng Ta thương yêu, săn sóc và cảm phục, Ta nhắc lại đây lời Thánh Tông đồ: ‘Hằng ngày, Cha phải cám ơn Thiên Chúa vì chúng con. Thực thế, đức tin chúng con mãnh liệt thêm mãi, tình thân ái của chúng con với tha nhân mỗi ngày một dồi dào, khiến Cha được hãnh diện vì chúng con trước mặt Giáo hội của Chúa, hãnh diện vì chúng con bền chí, vững lòng tin trong mọi cơn bách hại, trong những giờ gian lao khốn khó. Như thế mới xứng đáng vào nước Thiên Chúa, chính vì Ngài mà chúng con đã chịu đau khổ’ (II Thess 1,3-5).

Ta còn thiết tha mong rằng giáo dân Việt Nam, trong khi phục tùng các vị Giám mục, họ còn phải trổi hơn ai khác trong sự biết tôn trọng chính quyền của tổ quốc, và cố gắng cộng tác vào sự tiến bộ chung trong xã hội, thi đua với người đồng loại trong cả đời sống dân sự: Thực ra, người Công giáo phải là một người công dân mô phạm.

Trong khi thành tâm nguyện chúc như thế, Ta tha thiết và rộng tay gửi tới Chư huynh, các vị Giám mục khả kính, và tới toàn thể linh mục, giáo dân mà Chư huynh coi sóc Phép lành Toà Thánh”.

Làm tại La Mã, từ Vương Cung Thánh Ðiện Thánh Phêrô, ngày 14 tháng 1 năm 1961.

Gioan XXIII, Giáo hoàng.

3. Đức Giáo hoàng Gioan XXIII – Thư gởi Hàng Giáo sĩ và giáo dân Việt Nam(8):

“Ngày lễ kính các Chân phước Tử đạo Việt Nam sắp tới đây là một dịp cho Ta hướng cả lòng trí, với niềm yêu mến Hiền phụ, tới Chư huynh đáng kính và các giáo hữu dưới quyền Chư huynh quản nhiệm. Quả thực, Ta lấy làm vui sướng chào mùng, nơi Chư huynh và toàn thể giáo dân, những người thừa tự và kế tục đức tin anh dũng của đạo Công giáo, đức tin đã làm vinh dự cho quê hương của Chư huynh và đã chiếu sáng rực rỡ bao nhiêu tấm gương anh hùng đã hy sinh xương máu, để thành nhân chứng cho Chúa Kitô.

Cùng với kỷ niệm cảm kích trên đây, Ta muốn gợi lại cái quang cảnh đầy phấn khởi về đời sống tôn giáo rất linh hoạt nơi giáo dân cần mẫn và hiếu hòa của Chư huynh, một dân tộc đã sẵn có những truyền thống gia đình và xã hội cao đẹp. Tuy nhiên, niềm phấn khởi trên đây không làm cho Ta quên những thử thách đau thương hiện đang còn tiếp diễn khiến cho một phần lớn đồng bào của Chư huynh phải sống trong lo lắng, sầu khổ, gây ra tang tóc và làm tuôn rơi giọt lệ trong biết bao gia đình.

Trước thảm cảnh đó, thưa Chư huynh đáng kính, Ta ý thức được tất cả những mối lo âu đè nặng trên Chư huynh, là những người mang trách nhiệm làm cha và chủ chăn các tâm hồn. Ta muốn quả quyết với Chư huynh rằng chính lòng Ta cũng mang nặng những lo lắng của Chư huynh, và Ta không ngớt dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện thiết tha, để ‘Người khích lệ và bảo tồn Chư huynh trong công việc phụng sự Người’, để Người ban xuống cho toàn dân muôn ơn an hòa, thương xót, và sau hết, để Người đoái thương cho chóng thấy ngày thanh bình thư thái.

Với những cảm tình trên đây, và để chứng tỏ niềm ưu ái Hiền phụ của Ta, Ta tận tình gởi tới Chư huynh cũng như tới toàn thể giáo hữu dưới quyền Chư huynh coi sóc Phép lành Tòa Thánh đặc biệt làm bảo chứng muôn ơn trên trời”.

Tại điện Vatican, ngày 13-8-1962.

Giáo hoàng Gioan XXIII.

4. Dưới triều đại Giáo hoàng Gioan XXIII, mấy thiết lập quan trọng khác(9):

+ Ngày 13-11-1962: Đức Thánh cha Gioan XXIII ký sắc lệnh Spectabile Monumentum nâng nhà thờ Chính tòa Sài Gòn lên bậc Tiểu Vương Cung Thánh Đường.

+ Ngày 18-1-1963: Đức Thánh cha Gioan XXIII ký sắc lệnh:

– Thành lập Giáo phận Đà Nẵng, tách từ Giáo phận Qui Nhơn, thuộc Tổng Giáo phận Huế và trao cho Hàng Giáo sĩ Triều.

– Thuyên chuyển Đức Giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, thuộc Hàng Giáo sĩ Triều rời Tòa Giám mục Chính tòa Qui Nhơn sang Tòa Giám mục Chính tòa Đà Nẵng.

– Thuyên chuyển Đức Giám mục Đôminicô Hoàng Văn Đoàn, thuộc dòng Đa Minh, hiệu tòa Saccea lên Giám mục Chính tòa Qui Nhơn.

+ Ngày 15-5-1963: Linh mục Phaolô Trần Đình Nhiên được tấn phong Giám mục và được cử làm Giám mục Phó Giáo phận Vinh.

+ Ngày 2-6-1963: Linh mục Giuse Maria Trịnh Văn Căn được tấn phong Giám mục và được cử làm Tổng Giám mục Phó Tổng Giáo phận Hà Nội.

+ Ngày 15-8-1963: Linh mục Phaolô Giuse Maria Phạm Đình Tụng được tấn phong Giám mục và được cử làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Bắc Ninh.

B. THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII VỚI ĐỀN THỜ ĐỨC MẸ LA VANG

I. ƠN VŨ LỘ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII – BAN TẶNG CÂY NẾN

1. Đức Giáo hoàng Gioan XXIII ban tặng cây nến được đặt tại đền thờ Đức Mẹ La Vang(10).

Nhân ngày Lễ Nến 2-2-1960, để tỏ tình cha luôn tưởng nhớ đến đoàn con rải rác khắp bốn phương, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã ban tặng mỗi Giáo hội một cây nến và yêu cầu cho đặt tại một nhà thờ giá trị lịch sử nhất, để nhắc nhở giáo dân sốt sắng cầu nguyện cho sự thành tựu của Công đồng Vaticanô II sẽ họp vào năm 1963.

  1. HỘP ĐỰNG. 2. CÂY NẾN.3. THƯ CỦA ĐGH GIOAN XXIII

(Ảnh: Ns Việt tiến, số 36, tháng 3-1960)

Đức Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt Nam, sau khi hội ý với Hội đồng Giám mục Miền Nam đã quyết định dâng cây nến đó cho nhà thờ Đức Mẹ La Vang.

Nhà văn, nhà nghiên cứu Phạm Đình Khiêm, trong bài tùy bút “La Vang 1961” có nói đến nguồn gốc cây nến lịch sử ấy:

“Để phát động phong trào cầu nguyện cho Công đồng Vaticanô II sắp tới, Đức Thánh cha Gioan XXIII đã có sáng kiến cao quý ban tặng mỗi quốc gia một cây nến sáp lớn để nhắc nhở giáo hữu toàn quốc cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng. Cây nến sáp lịch sử ấy – từ Rôma gởi tới mang huy hiệu Đức Giáo hoàng, cao ngang đầu người – hiện được đặt giữa cung thánh đền thờ Đức Mẹ La Vang, do quyết định chung của các Đức Tổng Giám mục, Giám mục tại Việt Nam. Một quyết định cũng có tính cách lịch sử làm vẻ vang cho Linh địa La Vang và xác nhận lòng tin tưởng tôn sùng của giáo hữu toàn quốc đối với Đức Mẹ chiến thắng và phù hộ các giáo hữu…”(11).

Cây nến có màu vàng nhạt, cao hơn 1 mét, thân nến, trên và dưới, được chạm trổ nhiều hình ảnh lá hoa công phu và mỹ thuật. Đoạn giữa, một bên nổi bật lên hình Đức Mẹ, bên kia, hình chân dung và huy hiệu Đức Giáo hoàng Gioan XXIII. Cây nến đã được Đức Giáo hoàng Gioan XXIII làm phép trong ngày lễ Đức Mẹ Dâng Đức Chúa Giêsu Vào Đền Thánh, cũng là ngày dành riêng cầu nguyện cho Công đồng Vaticanô II, một sự kiện vĩ đại của Giáo hội Công giáo toàn cầu trong thế kỷ XX.

Đáp lại lòng mong mỏi của đấng lãnh đạo Giáo hội, Đức cha Địa phận Huế Urrutia Thi dạy tổ chức lễ Rước Nến vào ngày 25-3-1960, nhân ngày lễ Truyền Tin.

2. Phóng sự “Cuộc lễ Rước Nến”(12):

“Từ mờ sáng tinh sương, ngày 25 tháng 3, đồi La Vang như trở mình thức giấc, đón chào muôn lớp sóng giáo dân từ vạn nẻo về, mang theo cả niềm Tin Yêu rộng lớn dâng lên Mẹ Maria.

La Vang muôn thuở vẫn là ngọn đồi yên tĩnh với tiếng gió vi vu qua các rặng dương liễu xanh rì. Giữa cảnh trời mây non nước bao la ấy, ngọn tháp đền Đức Mẹ vươn lên nguy nga tráng lệ…

Thế mà hôm nay trời đất linh động hẳn lên, xe cộ chen lấn nhau nhộn nhịp, người đông như nêm đóng, cờ xí phất phới tưng bừng, các lều trại đã được dựng lên san sát theo hàng lối đẹp mắt. Thật là một ngày Đại hội không cần phải kèn trống, một ngày Đại hội cầu nguyện, vì tất cả mọi người đều sốt sắng dâng lên lời kinh tha thiết từ trong đền thờ, quanh Linh đài Đức Mẹ và ngay bất cứ ở một xó xỉnh nào trong khuôn viên huyền vũ ấy. Nguyên chỉ tiếng La Vang cũng đủ lôi kéo hàng vạn con cái Đức Mẹ, huống chi hôm nay, La Vang đã được ơn vũ lộ của Đức Thánh cha ban riêng một cách đặc biệt: gửi một cây nến đã làm phép trong ngày lễ Đức Mẹ Dâng Đức Chúa Giêsu Vào Đền Thánh, để cầu nguyện cho Công đồng chung, một hoài bão tha thiết của Đức Giáo hoàng.

Vì thế nên ta có quyền đoán được con số người đông đảo đến chừng nào.

Trước 8 giờ sáng, các đoàn thể, phong trào, các tổ chức Công giáo Tiến hành đã tề tựu đông đủ giữa sân thánh đường và hàng vạn giáo dân chen chúc hai bên đài Đức Mẹ.

8 giờ 15 cuộc rước nến bắt đầu, khởi hành từ sân nhà cha sở kéo dài ra đường lớn rồi vòng quanh đài Đức Mẹ. Nghiêm trang và sốt sắng. Các anh chị em với đoàn kỳ tiến bước đều đặn, đọc kinh và hát chung dưới quyền điều khiển của một linh mục trên máy vi âm.

Đi trước hết là Thánh Giá, các đệ tử dòng Thánh Tâm, các em Nghĩa binh Thánh Thể, Hùng tâm Dũng chí, đoàn Con Đức Mẹ, các nam nữ tu sĩ rồi mới đến bàn kiệu Cây Nến. Đức Giám mục trong phẩm phục uy nghi đi tiếp sau bàn kiệu và có chừng 100 linh mục dòng và triều theo ngài làm thành một đoàn giáo sĩ trông rất long trọng.

Sau hết là giáo hữu tự động xếp vào hàng ngũ nối đuôi dài lần lượt kéo về đài Đức Mẹ. Đoàn Thanh niên Công giáo mới thành lập chính thức trong đêm hôm trước được vinh dự đứng làm hàng rào danh dự, các Hướng đạo sinh Công giáo đã tỏ ra rất quán xuyến, giữ trật tự cho đoàn rước kiệu. Hàng vạn giáo dân khác không đi kiệu nơm nớp chung quanh đài, cầu khẩn van nài Mẹ ban xuống nhiều ơn theo ý Đức Giáo hoàng và Đức Giám mục.

Cây nến đặt trên kiệu là trung tâm thu hút mọi ánh mắt nhìn kính cẩn. Trên vẻ mặt mọi người sáng lên một niềm sung sướng và hãnh diện vì Đức Thánh cha đã thương họ, gửi đến Cây nến Tình yêu. Cây nến ấy cao hơn một thước, màu vàng nhạt, chung quanh chạm trổ nhiều hình ảnh hoa lá muôn màu. Đặc biệt nhất là hình Đức Mẹ và hình Đức Giáo hoàng Gioan XXIII.

Bàn kiệu từ từ tiến đến đài Đức Mẹ và được đặt vào giữa đài. Đức Giám mục trịnh trọng thắp nến và cắm lên một đế cao trước tòa Đức Mẹ. Trong lúc ấy tiếng hát Lumen ad Revelationnem Gentiumnổi lên náo động cả góc đồi La Vang. Muôn vạn người như một, miệng hát, lòng gắn bó hướng về ánh sáng từ trời rọi xuống qua Vatican, để rồi đến ngự trị giữa con cái Việt Nam.

Cha Bảo Lộc Bính (Phaolô Nguyễn Kim Bính) lên máy vi âm giảng về ý nghĩa Cây Nến, đặc ân của Đức Giáo hoàng với đền La Vang lừng danh khắp bốn biển. Ngài không quên khơi động lòng sùng kính Đức Mẹ và hô hào mọi người cầu nguyện theo ý Đức Thánh cha cho Công đồng chung, theo ý Đức Giám mục cho hòa bình thế giới, an ninh nước nhà, cho anh em đang trở về với đức tin. Để tóm kết, ngài tha thiết kêu gọi tất cả phải là ánh sáng soi chiếu tinh thần đạo Chúa.

Đức Giám mục hành lễ giữa đoàn con sốt sắng cầu nguyện. Tiếp theo là Phép lành Mình Thánh Chúa, cũng do Đức Giám mục chủ sự. Mọi người đều cất cao tiếng hát như gởi cả tâm sự vào lòng nhân từ Mẹ Maria.

Buổi lễ bế mạc lúc 9 giờ 30 giữa sự luyến tiếc của vạn tâm hồn. Mọi người ra về hoan hỉ mang theo những kỷ niệm êm đềm: Ai mà quên được La Vang – Maria? Ai mà không nhớ La Vang – Vatican?”.

II. ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII NÂNG ĐỀN THỜ LA VANG LÊN BẬC TIỂU VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG

Đức Giáo hoàng Gioan XXIII vừa ban hành Sắc chỉ Vénérabilium Nostrorum ngày 24-11-1960, thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, nay ngày 8-8-1961, ngài ưu ái ban hành sắc chỉ Magno Nos Solatio nâng đền thờ Đức Mẹ La Vang lên bậc Vương Cung Thánh Đường.

1. Điện văn của Bộ Phụng tự Tòa Thánh Vatican

Trước Đại hội La Vang 15 (1961), đang nóng lòng chờ đợi thì Tòa Tổng Giám mục Huế nhận được điện văn của Tòa Thánh, như sau(13):

“Bộ Phụng tự đã tuyên bố nâng đền thờ La Vang lên bậc Tiểu Vương Cung Thánh Đường. Stop. Đền thờ La Vang được mang tước hiệu đó vào ngày 22-8-1961, vì Giáo hội buộc một đền thờ phải được xức dầu trước mới được nâng lên tước hiệu Vương Cung Thánh Đường. Stop. Về sắc chỉ, hiện Phủ Quốc Vụ khanh đang chuẩn bị. Stop end”.

2. Sắc chỉ Magno Nos Solatio của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII nâng đền thờ La Vang lên bậc TIÊU VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG.

Ngày 8-8-1961, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII ban hành Sắc chỉ Magno Nos Solatio nâng đền thờ La Vang lên bậc TIÊU VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG. Sắc chỉ có hiệu lực kể từ ngày 22-8-1961. Toàn văn như sau(14):

Gioan XXIII,

Để muôn đời ghi nhớ.

“Lòng tôi đầy tràn an ủi khi hồi tưởng đến vô vàn dấu tỏ lòng cung kính Đức Mẹ xuất hiện khắp nơi trên hoàn cầu, như muôn đóa hoa tuyệt đẹp trổ ra trong cánh đồng phì nhiêu Công giáo. Đất Việt Nam cũng trổ hoa mến yêu Đức Trinh Nữ, và ở La Vang, một làng nằm trong lãnh thổ nước này có đền thánh danh tiếng vì được dân chúng đến viếng đêm ngày đông đúc, và được coi như thiên đài toàn quốc.

Đền thánh ấy, các Giám mục miền Nam Việt Nam trong phiên họp năm 1961 đã muốn gọi là Đền thánh Toàn quốc khấn dâng, vì các ngài đã quyết định dâng riêng cho Đức Mẹ một đền thánh để nhớ ơn Đức Mẹ phù hộ, ban cho Giáo hội chiến thắng được kẻ nghịch, đức tin được bảo toàn, đất nước được thống nhất và hưởng lại tự do. Muốn được những ơn phúc ấy, dân chúng sẽ đến viếng mỗi ngày một đông hơn và xem đền thánh ấy như nhà cầu nguyện. Nơi đó sẽ còn thiết lập và khuyến khích thói quen chầu Thánh Thể ngõ hầu lòng tôn kính Chúa Giêsu đi đôi với lòng sùng kính Đức Mẹ.

Vì những lý do nói trên, các Giám mục – cũng là thể theo ý Đức Hồng y Grêgôriô Phêrô Agagianian, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo – đã nghĩ đến việc cho đền thánh ấy mang vinh dự một Vương Cung Thánh Đường. Các ngài đã nhờ Đức cha Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục, Tổng Giám mục Huế đệ trình lên Tòa Thánh ý nguyện của các ngài.

Phần tôi, để ban thưởng đức tin bất khuất của giáo hữu Việt Nam một cách tương xứng và để thúc đẩy lòng đạo đức thực tiễn, tôi vui lòng chấp nhận ý nguyện ấy. Bởi thế sau khi đã bàn hỏi Bộ Phụng tự, tìm biết chắc chắn và cân nhắc kỹ lưỡng, tôi lấy toàn quyền Giáo hoàng để viết Sắc chỉ này có hiệu lực vĩnh viễn để ban cho Đền thánh Đức Mẹ La Vang ở giáo phận Huế được tước hiệu và phẩm vị TIỂU VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG, với tất cả các quyền lợi, đặc ân thường ban cho những thánh đường như thế, không gì trái ngược có thể chống lại Sắc chỉ này.

VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG LA VANG

(Ảnh: Ns.Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Số 147, th.8-1961, bìa 1)

Tôi truyền cho những ai liên quan hoặc có thể liên quan với Sắc chỉ này, từ nay về sau phải hoàn toàn vâng phục. Bất cứ ai, bất cứ quyền lực nào vi phạm Sắc chỉ này, vô tình hay hữu ý, đều kể là bất thành, vô hiệu”.

Ban hành tại Rôma, cạnh đền thờ thánh Phêrô, có đóng ấn Ngư Phủ, ngày 8-8-1961, năm thứ ba triều đại Giáo hoàng của tôi.

Thừa lệnh Giáo hoàng

Ký thay

Hồng y Quốc Vụ khanh Angelo Dell’Acqua.

Đại biện

3. Điện văn chúc mừng của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII gởi Đại hội La Vang 15(15):

“Đức Thánh cha cầu xin Đức Mẹ phù hộ những con cái thân yêu của Việt Nam hội họp trong các ngày Đại hội tại đền thánh La Vang, và yêu dấu gởi Phép lành Tòa Thánh mà các con cầu xin”.

Thừa lệnh Giáo hoàng

Ký thay

Hồng y Cicognani.

Hết Chương 14.

Xem tiếp Chương 15.

**********************************************

THƯ MỤC THAM KHẢO

& DẪN NGUỒN. TẬP 2 

SÁCH LA VANG

  1. Vô Danh Thị. Đức cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn hiệu đính: Vãn La Vang.Imprimatur de Mgr. Alexandre Paul MariaChabanon Giáo – Vicaire Apostolique de Huế, le 20 Juillet 1932.
  2. Lm. Matthêô Lê Văn Thành (chủ biên). Lm. Hồng Phúc (hiệu đính): Đức Mẹ La Vang. Cứu Thế Tùng thư xuất bản. 1955.
  3. Dục Đức Phạm Đình Khiêm: Đức Mẹ La Vang là Nữ Vương chiến thắng. Tạp chí Trái Tim Đức Mẹ xuất bản. 1961.

4.Lm. Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc:Linh địa La Vang. Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc La Vang xuất bản. 1970. Kỷ niệm Đại hội La Vang 1970.

  1. Lm. Hồng Phúc (CSsR): Đức Mẹ La Vang và Giáo hội Công giáo Việt Nam. Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. 1998.
  2. Tòa Tổng Giám mục Huế: Thánh địa Đức Mẹ La Vang. Lưu hành nội bộ. 1998.
  3. Trần Văn Trí: Năm Thánh Mẫu La Vang. 1998.
  4. Lm. Tiến Lãng (CSsR): Kính mùng Maria. Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ La Vang. Tủ sách Văn hóa và Tinh thần. Paris. 1998.
  5. Lm. Nguyễn Tự Do (CSsR): Đức Mẹ La Vang 200 năm. Lưu hành nội bộ. 2000.

SÁCH ĐẠO, SÁCH SỬ KÝ

  1. Nhiều tác giả: Tiểu sử các linh mục giáo phận Huế. Cuốn 1 và Cuốn 2. Bản đánh máy.
  2. Lm. Phêrô Phan Phát Huồn (CSsR): Việt Nam giáo sử. Quyển I, Quyển II. Cứu Thế tùng thư. 1962.
  3. Tủ sách Sacerdos:Việt Nam Công giáo niên giám. 1964.
  4. Lê Ngọc Bích: Nhân vật Giáo phận Huế – Kỷ niệm 150 năm thành lập Giáo phận Huế. Tập 1. Tập 2. Lưu hành nội bộ.
  5. Lê Ngọc Bích: Các vị Giám mục một thời đã qua. 1933-1995. Lưu hành nội bộ.
  6. Sử ký tỉnh Quảng Trị. Bản đánh máy, ngày 26-8-1963.

TẠP CHÍ CÔNG GIÁO, BÚT KÝ, HÌNH ẢNH…

  1. Bulletin de la Société des Missions Étrangères de Paris.
  2. Phòng Lưu trữ MEP: https://archives.mepasie/fr
  3. Tuần báo Nam Kỳ địa phận.
  4. Tuần báo Vì Chúa.
  5. Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
  6. Bán nguyệt san Tông đồ.
  7. Nguyệt san SacerdosLinh mục nguyệt san.
  8. Nguyệt san Nguồn sống.
  9. Nguyệt san Đức Mẹ La Vang.
  10. Nguyệt san Việt Tiến.
  11. Nguyệt san Trái Tim Đức Mẹ.
  12. Hình ảnh, kỷ vật tại Nhà Truyền thống La Vang.
  13. Bản tin Về bên Mẹ La Vang. USA.
  14. Hồi ký chép tay của linh mục Matthêô Lê Văn Thành, tại Huế, ngày 5-8-1993. Tài liệu gia đình của Lê Thiện Sĩ.

WIKIPEDIA. INTERNET.

Hết Tập 2.

——————————————————————–

(1) Ns. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Số 119, tháng 4-1959, tr.127-128 + Ns. Nguồn sống. Số 9, ngày 15-3-1959, tr.6-7.

(2) Ns. Nguồn sống. Số 9, ngày 15-3-1959, tr.41-42.

(3) Ns. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Số 119, tháng 4-1959, tr.117.

(4)Ns. Nguồn sống. Số 9, ngày 15-3-1959, tr.45.

(5) Xem chú thích (4) cùng trang.

(6) Việt Nam Công giáo Niên giám. Tủ sách Sacerdos. 1964, tr.174-178.

(7) Ns. Nguồn sống. Số 32, tháng 2-1961, tr.9-12.

(8) Ns. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Số 161, tháng 10-1962, tr.299.

(9)Việt Nam Công giáo Niên giám. Tủ sách Sacerdos. 1964, tr.178.

(10) Ns. Việt tiến. Số 36, tháng 3-1960, tr.28 + Ns.Nguồn sống. Số 22, ngày 15-4-1960, tr.42.

(11) Dục Đức Phạm Đình Khiêm: La Vang 1961. Ns. Trái Tim Đức Mẹ. Số 12, tháng 7-1961, tr.18.

(12)Mộng Hòa và Dân Hiệp: Cuộc lễ rước nến. Ns. Nguồn sống. Số 22, ngày 15-4-1960, tr. 38-39.

(13)Ns. Đức Mẹ la Vang. Số 1, tháng 8-1961, tr. 44.

(14)Tòa TGM HUẾ: Thánh địa Đức Mẹ La Vang, 1998. Nguyên bản tiếng La Tinh, Lm Simon Nguyễn Văn Lập phụng dịch Việt ngữ, tr. 29-30.

(15)Trích lời đọc từ cuộn phim Đại hội La Vang 15 (1961).

=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 2 – Chương 14