Lược sử Giáo xứ An Truyền

11/08/2019

Lược sử

GIÁO XỨ AN TRUYỀN

VÀ CÁC GIÁO HỌ TRIỀU THỦY – SƯ LỖ – DIÊN ĐẠI

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ.

Giáo xứ An Truyền, thuộc giáo hạt Hương Phú, nằm trên địa bàn thôn Truyền Nam, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách Tòa Giám mục Huế khoảng 10 km về hướng Đông Bắc. Có nhà thờ dâng kính Đức Mẹ Lên Trời, do linh mục Trần Văn Doãn vẽ kiểu và đứng ra coi sóc xây dựng (1887-1888) lúc ngài cai quản An Truyền (1886-1911).

Theo linh mục Hồ Đắc Liên gốc An Truyền, trước đây giáo dân ở tản mác khắp làng An Truyền trong 4 giáp. Sau nhờ sự can thiệp của bà Từ Cung Hoàng Thị Cúc (1890-1980), phi của vua Khải Định, giáo dân được phép sống biệt cư tại khu vực phía Nam của An Truyền. Thời bấy giờ gọi là An Truyền Nam, nay gọi tắt là Truyền Nam.

Hiện giờ, tất cả các hộ dân sống ở thôn An Truyền là lương dân. Thôn Truyền Nam là các tín hữu công giáo. Khoảng 10 năm trở lại đây (2010), thôn Truyền Nam mới có thêm mấy hộ lương dân đến định cư lập nghiệp[1].

II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN.

1. Những hạt giống đức tin tiên khởi

Theo gia phả họ Hồ Đắc viết bằng chữ Hán, được ngài Biên tu Hồ Đắc Tuyên dịch (23-12-1919) và được cụ Thượng thư Hồ Đắc Hàm duyệt vào năm Bảo Đại 16 (5-10-1941), thì ngài Hồ Đắc Mười là vị khai canh làng An Truyền cùng với 3 họ khác: Đoàn, Huỳnh và Nguyễn. Ngài gốc Bắc, trước ở làng Phú Môn (Phú Lộc) và làng Nam Phổ, sau nhập tịch làng An Truyền, huyện Phú Vang. Cũng theo gia phả, vào thời Lê triều (1604), có hai ông Hồ Đắc Siêu và Hồ Đắc Viên trở lại Công giáo Hai ông là con út và áp út của ông bà Hồ Đắc An gồm 6 người. Tiếc là sau đó, gia phả không tiếp tục ghi dòng dõi hai ông. Phải chăng đến đây hai ông bị loại ra khỏi gia tộc vì theo đạo ?

Như vậy vào năm 1604, tại An Truyền đã có người biết Chúa. Có thể hai ông Siêu và Viên đi buôn bán ở nước ngoài và đã trở lại ở đấy. Họ cũng có thể là những giáo dân đầu tiên của giáo đoàn Đàng Trong. Hiện tại ở An Truyền có nhiều tín hữu mang họ Hồ Đắc và có thể họ là hậu duệ của hai vị trên. Được biết năm 1940, cha Hồ Đắc Liên thụ phong linh mục thì có ông Hồ Đắc Liên (trùng tên), tri phủ Phú Vang, con thượng thư Hồ Đắc Trung, đại diện tộc Hồ Đắc, đến chúc mừng.

2. Đón nhận Tin Mừng từ các thừa sai dòng Tên.

Theo giáo sử, trong báo cáo của Đức cha Charles-Marin Labbé (1648-1697-1723, phó của Đức cha François Pérez, 1691-1725) gởi về Bộ Truyền bá Đức tin năm 1701, An Truyền[2] thuộc quyền phụ trách của các linh mục dòng Tên (x. Adrien Launay, Histoire de la mission de Cochinchine, T.1, tr. 502). Nhưng đến năm 1741, họ Chuồn lại chuyển sang cho các linh mục hội Thừa sai Hải ngoại Paris MEP coi sóc, khi cha Pierre Favre, thư ký của Đức Giám mục Khâm sai Elzéar des Achards de la Baume, rời Huế vào Quảng Nam để về Âu Châu (14-6-1741), và đã giao cho cha chính (tổng đại diện) Jean-Antoine de la Court (MEP) việc tạm quản Giáo phận bị trống tòa (6-10/1741) và coi sóc nhiều giáo xứ lớn trong đó có An Truyền.

Cha de la Court cho biết: trong khoảng thời gian 10 năm trước đó, họ An Truyền không được một thừa sai nào đến thăm viếng (hẳn là vì có các cuộc cấm cách của chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) vào các năm 1700 và 1714-1715). Do đó, nơi từng có khoảng 600 giáo dân theo thư cha de la Court gởi một người bạn tháng 6-1742 (x. A. Launay, sđd t. 2, tr. 99), thì trong danh sách các họ đạo năm 1747, tín hữu An Truyền chỉ còn 350, đứng sau họ Phủ Cam 650 người và họ Thợ Đúc 400 người.

Như thế, có thể cho rằng giáo xứ An Truyền xuất hiện sớm nhất vào đời chúa Minh hay muộn lắm vào đời chúa Ninh Nguyễn Phúc Trú (1725-1738), tức vào thời Đức cha François Pérez (1691-1725) hoặc vào thời Đức cha Alexandre de Alexandris (1728-1738). Giáo xứ hẳn đã nhận được Tin Mừng nhờ các cha dòng Tên, theo báo cáo của Đức cha Labbé nói trên hoặc theo một lá thư của Đức cha Alexandre de Alexandris năm 1736 vốn cho biết ngài đang có 6 vị dòng Tên làm mục vụ dưới quyền. Có thể các Thừa sai ấy về vùng quê hẻo lánh để truyền giáo và có một số người An Truyền đã theo đạo, làm nên giáo xứ nầy.

3. Nạn nhân chỉ dụ Phân Tháp (1861)

An Truyền còn vất vả trong đời sống đạo qua các cuộc bách hại của chúa Ninh với sắc chỉ năm 1725, của vua Minh Mạng với các sắc lệnh năm 1825, 1826, 1830, 1833, 1834, 1836 và 1838, của vua Tự Đức với các sắc lệnh năm 1848, 1851, 1855, 1857, 1859. Song đó chỉ là hậu quả gián tiếp: các thừa sai khó hay không đến giáo xứ được.

Nhưng khi vua Tự Đức ra chỉ dụ Phân Tháp (Phân Sáp)[3] ngày 05-08-1861, áp dụng từ  22-08-1861, An Truyền đã lâm cảnh ngộ bi đát với toàn thể Giáo hội Việt Nam. Nhiều giáo dân nơi đây bị khắc tự và bị giam ở 3 trại tù: An Lưu (Phú Mỹ), Lưu Khánh (Dương Nỗ – Phú Dương) và Cồn Hến, như mệ Hồ Thị Đào, ông mệ Hồ Tương, ông mệ Nguyễn Mừng, ông Đoàn Vang, ông Đoàn Hiển, ông đội Nguyễn Vi, ông bộ Hồ Được, ông Hồ Dược, ông Hồ Hạnh, mệ Hồ Vích, ông mệ Hồ Lắm, ông Hồ Beo, ông Đoàn Hạ, ông Hồ Vui, ông mệ Đoàn Cay, ông Đoàn Tam v.v… Có 40, 50 người phải chịu khốn đốn như vậy. Lúc bấy giờ, không có chế độ nuôi tù, các giáo dân được cho về làng kiếm ăn hoặc đi ăn xin, vì nhà cửa, ruộng vườn đều phải giao cho làng lương bên cạnh. Tối về nhà giam.

Ngày 13-07-1862, vua ra sắc chỉ tha đạo và tha phân tháp, vì trước đó, ngày 05-06-1862, triều đình Huế đã phải ký với nước Pháp hoà ước Nhâm Tuất trong đó có điều khoản: “Thần dân hai nước Pháp và Tây Ban Nha được hành đạo Gia Tô ở nước Đại Nam, và bất luận người nước Đại Nam ai muốn theo đạo Gia Tô, đều sẽ được tự do theo, nhưng những người không muốn theo đạo Gia Tô thì không được ép họ theo.”

4. Trở thành giáo sở với những sinh hoạt đặc biệt.

Tháng 8-1867, Đức cha Joseph Sohier (Bình) ra thông báo yêu cầu các linh mục cho biết các xứ đạo trong giáo phận, nhằm kiểm kê và ổn định các giáo xứ sau các năm bắt đạo gay gắt của vua Tự Đức, nhất là sau vụ Phân Tháp. Giáo xứ An Truyền được chọn làm giáo sở với 6 giáo xứ: An Truyền, Cự Lại, Đồng Di, Mà Á, Sư Lỗ, Vân Dương[4]

a. Rước kiệu Mân Côi

Theo lịch sử giáo xứ An Vân, năm 1903 cha sở Giuse Trần Văn Tỉnh được Đức cha Caspar (Lộc) cho lập hội Mân Côi (hay Môi Khôi) tại đây với 13 hội phụ. Hội Mân Côi ở An Truyền có lẽ cũng ra đời vào giai đoạn này. Vì trong quá khứ, họ An Truyền tổ chức kiệu Mân Côi thường niên. Theo các ông bà lớn tuổi, mỗi năm vào tháng 10 dương lịch, giáo dân các họ đạo như Hà Thanh, Hà Úc, Trài, Tân Mỹ, Quy Lai… chèo đò đến ngoài đầm phá rồi lên An Truyền. Còn các giáo xứ Mà Á, Sư Lỗ, Hòa Đa, Kim Long, Dương Sơn, Gia Hội thì cuốc bộ hoặc đi thuyền về[5]. Vào hôm kiệu, trên bộ người đông vui như ngày Tết, dưới nước ghe thuyền ra vào cập bến tấp nập. Kiệu thường tổ chức vào buổi chiều. Suốt cả buổi kiệu, có tiếng chuông tán rộn rã thúc giục giáo dân. Tiếng phát vang xa, khi bổng khi trầm, nghe lòng phấn khởi. Đồng quê tịch mịch, cảnh vật im lìm nay trở nên háo hức và sinh động!

Đặc biệt khi kiệu về, có các màn múa hèo, múa bông để mừng Đức Mẹ. Điệu vũ, bài ca mang tính tôn giáo. Các vũ viên vừa múa vừa hát, có người hai tay cầm hai lá cờ ngũ hành tượng trưng Chúa Giêsu khải hoàn. Sau kiệu, họ giáo còn mở hội liên hoan, đãi đằng chè cháo các họ bạn. Ăn uống là phụ, gặp gỡ là chính. Gặp gỡ giữa những người phục vụ và khách đạo. Lúc này, An Truyền sung túc, có nhiều tài gia làm ăn phát đạt như Bộ Long, Bộ Chức, Hương Tuyển, Trùm Cẩn, Bộ Tương…

b. Đối đáp kinh nghĩa

Phần lớn tín hữu sống trong thôn Truyền Nam, làm nghề chằm nón, thợ hồ, nuôi vịt, buôn bán nhỏ lẻ. Nón lá An Truyền nổi tiếng khéo và tinh xảo nhất nhì thành phố Huế. Nghe đâu một vị Thừa sai đã đem nghề nón về truyền cho bổn đạo. Họ vừa ngồi làm nón vừa thưa – hỏi kinh nghĩa (sách giáo lý cũ), 2 bên đối đáp, để tăng thêm lòng đạo và sự hiểu biết về đức tin. Người già thì ngồi nghe và chỉ bảo cho con cháu nếu có chỗ nào đọc lộn. Nghề nón nay vẫn còn nhưng tiếc thay, hiện tượng thưa hỏi kinh nghĩa trên mất hẳn.

Ngoài ra, phải nhận giáo dân Huế có giọng đọc kinh đặc biệt, phân biệt với các cung giọng ở Bắc hay Nam. Có thể cung giọng này phát xuất từ làn điệu ca Huế, và được định hình tại An Truyền rồi phổ biến khắp giáo phận, trong đó có công lớn của Lm Anrê Trần Văn Doãn. Cha Doãn vốn giỏi kinh sách, sành các làn điệu vè, vãn. Làng An Truyền lại nổi tiếng hát bội, do đó cha đã soạn kinh sách và đặt ra cả giọng đọc kinh. Nay một số kinh và giọng đọc còn lưu truyền trong giáo phận: kinh Lạy Đức Chúa Giêsu rất hiền hậu dịu dàng, kinh Thân lạy ông Thánh Giuse.

Trước đây, giáo xứ An Truyền có 10 mẫu ruộng nhất đẳng điền (sau 1975, chỉ còn 6 sào). Mỗi khi có việc cần dùng, chỉ cần bán lúa của họ đạo mà chi tiêu. Giáo dân An Truyền thời trước cũng khá đông. Nay sau những thập niên chiến tranh, họ đi làm ăn xa: Cà Mau, Rạch Giá, Quảng Biên, Sài Gòn. Riêng tại Quảng Biên, hàng năm vào dịp bổn mạng họ, lễ Đức Mẹ Lên Trời, và cùng là dịp chạp giỗ trong gia tộc, những người gốc An Truyền tựu về, họp nhau mừng lễ, đông từ 500-600 người.

III. CÁC ĐỜI QUẢN XỨ

Sau cuộc Phân tháp, với việc định hình các giáo xứ do Đức cha Sohier, người ta ghi nhận tên tuổi các vị quản xứ An Truyền như sau:

  1. Anrê Đoan ( khoảng 1864…)
  2. Micae Nguyễn Ngọc Án (khoảng 1875…)
  3. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Tuyên (khoảng 1880…)
  4. Giuse Hồ Đình Tính (Giảng) (khoảng 1882…)
  5. Phanxicô Dezalay (cố Lễ) ( khoảng 1885…). Thấy lính Pháp lật ngửa cái chuông Việt (ta) để chứa nước, cố Lễ xin đem về. Hiện chuông được đặt ở tháp bên trái.
  6. GB. Nguyễn Văn Mộ (1885‒1886)
  7. Giuse Trần Văn Thới (17.10.1886‒04.11.1887, mất tại giáo xứ)
  8. Anrê Trần Văn Doãn (1887‒12.1911). Xây ngôi thánh đường hiện nay (1888): tiền đường, hai tháp chuông (chưa có chóp). Xây tường thành, nhà xứ và nhà họ. Dịch ra kinh “Lạy Đức Chúa Giêsu rất hiền hậu dịu dàng”.
  9. Giuse Trương Văn Long (kỳ 1: 1911‒1914)
  10. Matthêô Nguyễn Thanh Bạch (1.1914‒4.1915)
  11. Giuse Trương Văn Long (kỳ 2: 4.1915‒1923). Trùng tu nhà thờ: lợp lại ngói, xây 2 chóp tháp.
  12. Phêrô Lê Văn Đức (1923‒10.1930)
  13. Tađêô Nguyễn Văn Tuệ (1930‒1935)
  14. Đôminicô Lê Hữu Luyến (1935‒1943). Sửa lại nhà xứ.
  15. Bênêđictô Phạm Hữu Hội (1943‒1952)
  16. Tôma Trần Văn Dụ (kỳ 1: 10.05.1952‒12.08.1957). Xây hang đá Đức Mẹ.
  17. GB. Phạm Bá Viên (12.08.1957‒07.1959)
  18. GB. Nguyễn Văn Hân (31.07.1959‒08.03.1962, mất tại giáo xứ). Trùng tu Nhà thờ.
  19. Phêrô Nguyễn Văn Oai (09.1962‒19.12.1962 (mất tại giáo xứ).
  20. GB. Lê Xuân Mầng (1963‒1964)
  21. Raphaen Bửu Hiệp (1964‒1967)
  22. GB. Bửu Đồng (1967‒1968, bị bắt đi trong biến cố Mậu Thân, xác tìm thấy năm 1969)
  23. Tôma Trần Văn Dụ (lần 2) (1968‒1971, quản xứ Nam Phổ, kiêm An Truyền). Xây đài nghĩa trang Giáo xứ.
  24. Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp (1971‒1995. Kiêm giáo họ Sư Lổ. Từ 26.05.1980, thêm giáo họ Nam Phổ). Xây đài Thánh Giá. Tu sửa khuôn viên nhà thờ An Truyền. Tu sửa nhà thờ Nam Phổ.

– Phêrô Lê Văn Ngọc tạm giúp (1996‒1998)

– Giuse Trần Văn Lộc tạm giúp (1998‒2001). Xây nhà tránh lụt 2000, nay thành Nhà Mục vụ.

  1. Tađêô Nguyễn Văn Lý (05.02.2001‒17.05.2001, bị bắt đi tù). Trùng tu nhà thờ 03-2001. Tu sửa nhà họ 5×7 và lên tầng để thành nhà xứ.

– PX. Nguyễn Vân Nam (Nam Phổ) tạm giúp (06.2001‒07.2001)

– Các Cha Dòng Chúa Cứu Thế tạm giúp (08.2001‒11.2004)

  1. Phêrô Nguyễn Văn Linh ( 02.12.2004‒09.10.2011, mất tại giáo xứ). Sửa hang đá Đức Mẹ 08-2007. Lát gạch bên trong và hành lang nhà thờ. Tu chỉnh đài nghĩa trang giáo xứ.
  2. Antôn Nguyễn Văn Thăng (14.11.2012‒4/2019). Xây mới tường thành, cổng trước và sau. Nâng sân và lát gạch sân nhà thờ. Chỉnh trang đài Thánh Giá 08-2013. Cung hiến Bàn thờ đá. (có mảnh xương Thánh PX. Nguyễn Văn Trung). Lát gạch sân nhà xứ. Xây lại tiền sảnh, tô trát 2 tháp chuông & sơn tiền đường nhà thờ. Hoàn thiện Nhà tránh lụt 3 tầng, đặt tên là Nhà mục vụ. Xây Đài Lòng Chúa thương xót..
  3. Phaolô Đặng Văn Nam (từ 22.05.2019). Bài sai ký ngày 21.04.2019

IV. HOA TRÁI ĐỨC TIN

1. Linh mục

HY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (1938-lm: 1967-hy: 2015-) (họ ngoại).

Giuse Hồ Tấn Tư (1930-1957-1971)

GB Hồ Đắc Liên (1909-1940-2001)

Micae Nguyễn Kim Thanh (1947-1973-) Pháp

Giuse Hồ Đắc Tâm (1961-2000-) Dòng Chúa Cứu Thế

Giuse Hồ Thứ (1959-2000-) Giám đốc Đại Chủng Viện Huế (họ ngoại).

Phêrô Huỳnh Trọng (1970-2002-) Quản xứ giáo sở Thủy Yên (họ ngoại)

Antôn Hồ Đắc Dũng (1985-2018-) Phó xứ Hà Úc.

2. Đại chủng sinh

1/ G.Baotixita Hồ Trường Chinh – Năm Thử.

2/ Phaolô Đoàn Văn Tiên – Triết II.

3/ Phêrô Hồ Thành Tín – Triết I.

3. Nữ tu:

1/ ? Hồ Thị Hạnh – Sinh 1911 – Dòng CĐMĐV – Qua đời.

2/ Anna Đoàn Thị Hiên – Dòng CĐMVN – Hưu dưỡng.

3/ Anna Hồ Thị Tuyền – Dòng CĐMĐV – Vĩnh khấn.

4/ Catarina Hồ Thị Kim Thoa – Dòng MTG – Khấn năm thứ 5.

5/ Anna Nguyễn Thị Phúc Ái – Dòng CĐMVN – Khấn năm thứ 5.

6/ Matta Hồ Thị Tuy – Dòng CĐMĐV – Vĩnh khấn.

7/ Maria Gabriel Hồ Thị Duy – Dòng Kín Đà Lạt – Bề trên.

8/ Cêcilia Lê Hồ Đắc – Dòng CĐMVN.

9/ Anna Nguyễn Thị Điệp – Dòng Phaolô – Ở Pháp.

10/ M. Madalena Hồ Thị Tường Vy – Dòng Phaolô – Tập viện.

11/ Matta Đoàn Thị Khánh Linh – Dòng CĐMĐV – Đệ tử, năm 3.

4. Giáo dân

+ Năm 2010: 750 người.

+ Năm 2013: 851 người, trong đó: An Truyền : 782 (190 gia đình, thuộc xã Phú An); Triều Thuỷ: 10 (4 gia đình, thuộc xã Phú An); Vinh Vệ : 11 (2 gia đình, thuộc xã Phú Mỹ); Ấp Hạ : 7 (2 gia đình, thuộc xã Phú Mỹ); Xuân Ổ : 4 (2 gia đình, thuộc xã Phú Xuân); Diên Đại : 22 (5 gia đình, thuộc xã Phú Xuân); Sư Lỗ : 15 (4 gia đình, thuộc xã Phú Hồ).

+ Năm 2015: 875 người

+ Năm 2019: 900 người.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.

[1] Do đó nhiều vị cựu quản xứ lẫn giáo dân đã đề nghị bản quyền Giáo phận đổi tên giáo xứ thành Truyền Nam.

[2] Thật ra trong bản báo cáo viết là Chuoi (Chuồn, Kẻ Chuồn). Địa danh dân gian này là do làng An Truyền nằm cạnh đầm Chuồn, một phần của hệ thống đầm phá Tam Giang. Cũng có cách giải thích là do nơi đây có loài cá chuồn rất nổi tiếng.

[3] Chỉ dụ “Phân Tháp” hay Phân Sáp của vua Tự Đức gồm 5 điều khoản như sau: (1) Tất cả mọi tín hữu Công giáo nam nữ, giàu nghèo, già trẻ đều phải phân tán trong các làng lương. (2) Mỗi làng lương phải chịu trách nhiệm nhận quản thúc những người Công giáo, theo tỷ lệ một người Công giáo cho năm người lương. (3) Tất cả các làng Công giáo phải bị triệt hạ, ruộng vườn nhà cửa được chia cho các làng lân cận và các làng nầy phải chịu trách nhiệm đóng thuế. (4) Đàn ông và đàn bà bị phân tán, chồng trong tỉnh nầy thì vợ trong tỉnh kia, không cho đoàn tụ, con cái được giao cho người lương nuôi. (5) Trước khi đem đi phân tháp, tất cả đều phải thích vào mặt: bên má trái hai chữ tả đạo, và bên má mặt là tên tổng và huyện nơi họ được chỉ định cư trú để khỏi trốn thoát.      

[4] Theo khảo sát năm 2013, Đồng Di và Mà Á không còn giáo dân nào. Cự Lại đã thành giáo xứ chính. Vân Dương (quê hương của Thánh linh mục Gioan Đoạn Trinh Hoan, tử đạo (1798-1861), nay là giáo họ thuộc giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

[5] Tưởng nên biết khoảng năm 1604, ông Hồ Đắc Dương thấy vùng đất An Truyền khô cằn thiếu nước làm ruộng, ông có sáng kiến gả con gái cho một hào trưởng làng Vinh Vệ, sau đó lấy lý do tuổi cao sức yếu, không đi lại được, và xin làng Vinh Vệ đào hói vừa đủ rộng để đi đò về thăm con. Làng Vinh Vệ y cho và ông xuất tiền thuê đào mương dẫn nước về An Truyền như hiện thấy và được giáo dân sử dụng để về kiệu Mẹ nói ở trên.