Ngày thứ bảy (06-01-2024) – Trang suy niệm

05/01/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy đầu tháng – Trước Lễ Hiển Linh

BÀI ĐỌC I: 1 Ga 5,5-6.8-13

“Thánh Thần, nước và máu”

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông Đồ.

Các con thân mến, ai là người chiến thắng thế gian, nêu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa? Đấng đã đến nhờ nước và máu, chính là Đức Giêsu Kitô, không phải trong nước mà thôi, nhưng trong nước và máu nữa. Có Thánh Thần làm chứng: Thánh Thần, nước và máu, cả ba chỉ là một. Nếu chứng của Người đời mà chúng ta còn nhận lấy, thì chứng của Thiên Chúa còn mạnh hơn. Vì đó là chứng của Thiên Chúa, chứng mạnh hơn là Người đã làm chứng về Con mình. Ai tin kính Con Thiên Chúa, thì có chứng của Thiên Chúa nơi mình. Còn ai không tin Thiên Chúa, thì cho Người là gian dối, vì kẻ ấy không tin nơi chứng mà Thiên Chúa đã làm chứng về Con mình. Và chứng đó là thế này: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống đó ở trong Con của Người. Ai có Chúa Con, thì có sự sống, còn ai không có Chúa Con, thì cũng không có sự sống. Ta viết các điều này cho các con, để các con biết rằng: Các con là những người tin vào danh Con Thiên Chúa, các con được sống đời đời.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv. 147, 12-13, 14-15, 19-20

Đáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa. (12a)

1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa, Hãy ngợi khen Thiên Chúa ngươi, hỡi Sion, vì Người đã củng cố then chốt cửa thành ngươi, con cái ngươi được Người chúc phúc trong ngươi. (2) Người sắp đặt bờ cõi ngươi trong thanh bình, cho ngươi hưởng no nê những tinh hoa lúa miến. Người đã sai Lời Người xuống mặt đất, và Lời Người đã mau mắn chạy đi. (3) Người đã rao Lời Người cho Giacób, Lề Luật và giới răn người cho Israel. Người không làm như thế cho dân khác, không bày tỏ cho họ biết giới răn Người.

ALLELUIA: Ga 1, 14 và 12b

All. All. – Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. – All.

PHÚC ÂM: Mc 1, 6b-11

“Con là con yêu qúy của Cha, con đẹp lòng Cha mọi đàng”.

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô.

Khi ấy Gioan rao giảng rằng: “Có Đấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần. Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nazarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời: Con là con yêu quí của Cha, con đẹp lòng Cha mọi đàng.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

06/01/2024 – THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH

Mc 1,7-11

THỜI ĐẠI MỚI CỦA THÁNH THẦN

“Tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.” (Mc 1,8)

Suy niệm: Đức Giê-su, với tư cách một thành viên trong gia đình nhân loại, bước xuống sông Gio-đan để Gio-an làm phép rửa biểu lộ lòng ăn năn sám hối; và cũng chính Ngài, là Ngôi Hai trong gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa, “bước lên khỏi nước” để ‘khai trương’ một phép rửa mới: “phép rửa bằng Thánh Thần”. Nơi dòng sông Gio-đan, Chúa Giê-su đã khởi động một hành trình đưa nhân loại vào thời đại mới, thời đại của Thánh Thần. Thánh Thần là tác nhân thánh hoá, nhờ bí tích Rửa tội, Ngài làm cho sống mới của Thiên Chúa nhờ công ơn cứu độ của Đức Ki-tô được trổ sinh nơi người tín hữu và biến đổi họ nên nghĩa tử trong gia đình Chúa Ba Ngôi.

Mời Bạn: Khi lãnh bí tích Rửa tội, chúng ta được rửa sạch mọi tội lỗi và được tái sinh trong Chúa Thánh Thần. Điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ được miễn nhiễm với tội. Do đó, chúng ta vẫn phải không ngừng lắng nghe và tuân theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời. Lắng nghe và vâng theo Chúa Thánh Thần giúp chúng ta đủ sức chống lại cám dỗ của ma quỷ. Chúng dụ dỗ ta sa vào chốn hư mất. Nhưng Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta đến sự sống mới trong ánh sáng và bình an.

Sống Lời Chúa: Dành thời gian cầu nguyện mỗi ngày để lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần soi sáng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ban cho con ơn khôn ngoan để có thể hiểu được ý Chúa. Xin ban sức mạnh để con vượt qua những thử thách và nghịch cảnh trong cuộc sống. Xin thắp lên trong con ngọn lửa của tình yêu và lòng nhân ái, để con chia sẻ niềm vui và tình thương đến với tha nhân. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Người Do-thái rất nhạy cảm về sự ô uế nơi thân xác.

Theo sách Lêvi, thân xác con người có thể bị ô uế bởi nhiều lý do.

Chạm vào xác chết hay vào người phong làm ta ra ô uế.

Người phụ nữ sinh con hay có phản ứng sinh lý bình thường

cũng trở thành ô uế và cần được thanh tẩy.

Lẽ ra người phụ nữ bị băng huyết không được chạm vào Đức Giêsu.

Đây không phải là sự ô uế do phạm tội về mặt đạo đức,

mà chỉ là sự ô uế khiến người ta không được phép dự các lễ nghi.

Để sạch trở lại, cần được thanh tẩy.

Nước là cách thanh tẩy dễ dàng nhất.

Sách Lêvi hay dùng câu: “lấy nước mà tắm rửa” (chương 14-17).

Nước dùng để thanh tẩy thường là nước nguồn, nước mưa.

Cho đến nay trong nhánh Do-thái giáo Chính Thống hay Bảo Thủ,

nơi thanh tẩy (mikvah) vẫn chiếm vị trí trung tâm của nhà cộng đoàn.

 

Chúng ta không lấy làm lạ khi Gioan Tẩy giả mời gọi dân chúng 

đến với ông để chuẩn bị cho Đấng Mêsia đang gần tới. 

Ông kêu gọi người ta hối cải, xưng thú tội lỗi mình,

rồi chịu phép rửa của ông ở dòng nước sông Giođan.

Đức Giêsu đã nghe tiếng kêu của Gioan và đã đến,

đã đứng chung với các tội nhân, chờ đến phiên mình,

đã dìm toàn thân mình dưới nước, và được Gioan ban phép rửa. 

Lúc ấy Ngài đã trên ba mươi tuổi, làm thợ nhiều năm ở Nadarét,

đã lặng lẽ và bình an chờ đợi ngày Cha sai mình.

Nhận phép rửa của Gioan là làm một cử chỉ khiêm hạ.

Đức Giêsu không ngờ chính giây phút dìm mình ở con sông này

lại là giây phút Thiên Chúa ngỏ lời với Ngài,

vén mở cho Ngài biết Ngài là ai trong mắt của Thiên Chúa,

và kín đáo mời gọi Ngài rời Nadarét để lên đường.

 

“Con là Con yêu dấu của Cha !” đó là lời Thiên Chúa từ trời phán. 

Như Isaac là con yêu dấu của Abraham (St 22,2),

Đức Giêsu là Con yêu dấu của Cha. 

Ngài là Con như vị vua mới đăng quang thuộc dòng Đavít,

được Thiên Chúa tuyển chọn và bảo:

“Con là con của Cha, hôm nay Cha đã sinh ra con” (Tv 2,7).

Như Người Tôi trung được đầy Thánh Thần để làm sứ mạng,

Ngài được Thiên Chúa tuyên bố: “Cha hài lòng về Con” (Is 42,1). 

Thiên Chúa Cha hài lòng về Đức Giêsu là người Con yêu dấu,

người đã vâng ý cha suốt bao năm ở Nadarét,

và sẽ còn vâng ý Cha cho đến nỗi hy sinh chính mạng sống mình.

 

Những gì xảy ra trên sông Giođan hôm nay

sẽ tiếp diễn mãi trong suốt đời của Đức Giêsu.

Ngài không chỉ xếp hàng với những người tội lỗi,

mà hơn nữa, “Đấng không hề biết đến tội, thì vì chúng ta, 

Thiên Chúa đã làm Ngài thành thân tội” (2 Cr 5,21).

Thánh Thần đã xuống trên Ngài ở Giođan,

sau đó sẽ đưa Ngài vào hoang địa để chịu thử thách (Mc 1,12).

Đức Giêsu đã khiêm tốn chịu phép rửa bởi Gioan,

và Ngài sẽ còn đau đáu chờ một phép rửa khác nữa (Lc 12,50). 

Ngài đã hỏi hai môn đệ xem họ có dám chịu phép rửa

mà Ngài sắp chịu không (Mc 10,38-39).

Phép rửa ấy không gì khác hơn là cái chết để phục vụ,

và hiến mạng làm giá chuộc cho muôn người (Mc 10,45). 

 

Chúng ta đã được chịu Phép Rửa trong Thánh Thần,

nhân danh Chúa Giêsu, để được ơn tha tội (Cv 2,38).

Ước gì Chúa Cha cũng nói với từng người chúng ta:

“Con là con Cha yêu dấu, Cha hài lòng về con.”

 

Cầu nguyện:

 

Lạy Chúa Giêsu,

sám hối không phải là điều dễ dàng,

bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn

để nhận mình lầm lỗi.

 

Chúng con ngỡ ngàng

khi thấy Chúa là Đấng vô tội

mà lại đứng chung với các tội nhân,

chờ Gioan ban phép rửa.

 

Chúa đã muốn nên bạn đồng hành 

với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.

 

Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh

lối nghĩ và lối sống của mình,

tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,

thành thật để khỏi tự dối mình.

 

Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,

dám đi đến những hành động cụ thể,

và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.

Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con

niềm vui của Gia kêu, 

hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến. 

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

6 THÁNG GIÊNG

Tiếng Gọi Của Lễ Hiển Linh

“Mầu nhiệm này tôi đã được mạc khải cho biết” (Ep 3,3). Giáo Hội lấy những lời ấy của Tông Đồ Phao-lô trong thư gửi giáo đoàn Ê-phê-sô để nhận hiểu ý nghĩa của ngày Lễ Hiển Linh (Epiphany), ngày lễ này đã được gọi tên như thế ngay từ thuở đầu của Giáo Hội. Chúng ta muốn suy tôn ân sủng của Thiên Chúa trong ngày lễ này, ân sủng dẫn con người đến với đức tin.

Vâng, mầu nhiệm Đức Kitô được vén mở cho con người nhận biết qua đức tin. Đây là cốt lõi của ngày Lễ Hiển Linh. Bằng một cách thức nào đó, đức tin này được mạc khải vào tâm khảm của kẻ nhận thần khải, như ngày ấy Đức Giêsu đã tự tỏ hiện cho Sao-lô người Tarsus trên đường đi Damas. Thế là, Phao-lô trở thành một chứng nhân đặc biệt nhờ cuộc trở về đón nhận đức tin. Như chính Phao-lô tuyên bố: “… anh em nghe nói đến ân huệ mà Thiên Chúa đã ưu ái ban cho tôi vì thiện ích của anh em” (Ep 3,2).

Thánh tông đồ muốn làm chứng hùng hồn cho ân sủng Hiển Linh. Và Giáo Hội lấy lại lời của Thánh tông đồ, vì trong lời chứng ấy chúng ta có thể nhận ra tất cả những ai được Đức Kitô kêu gọi qua đức tin. Tất cả những ai tin đều trở thành “người thông dự vào lời hứa của Đức Giêsu Kitô qua Tin Mừng” (Ep 3,6). Thánh Phao-lô muốn nhấn mạnh với chúng ta tiếng gọi giục giã loan báo Tin Mừng cho dân ngoại – vì chúng ta là những người đã tin. Đó là tiếng gọi đem ánh sáng mạc khải của Thiên Chúa đến cho các dân tộc. Đó là tiếng gọi của ngày Lễ Hiển Linh.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 06/01

1Ga 5, 5-13; Mc 1, 7-11.

Lời Suy Niệm:  Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.(Mc 1,8)

          Gioan Tẩy Giả rất khiêm tốn trước những câu hỏi của những người quyền thế lúc bấy giờ; và ông chỉ xác nhận công việc của ông: “Tiếng người kêu trong hoan địa” và phép rửa của ông chỉ bằng nước để tỏ lòng sám hối, chuẩn bị cho Đấng đến sau ông, sẽ rửa cho toàn dân trong Thánh Thần.

          Lạy Chúa Giêsu. Điều Giaon tẩy Giả tiên báo về Phép Rửa của Chúa, đã được Chúa công khai trao cho các Tông Đồ sứ vụ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20). Chúng con tạ ơn Chúa, đã cho chúng con được trở thành con cái Chúa trong Bí Tích Rửa Tội. Xin cho chúng con luôn biết giữ mình để làm sáng danh Chúa. Amen. 

Chiều:

Lễ Vọng Chúa Hiển Linh

Is 60, 1-6; Ep 3, 2-3a. 5-6; Mt 2, 1-12.

Lời Suy Niệm:  Khi Đức Giêsu ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì có mấy nhà chiêm tinh từ Phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi. Đức vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vị sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” (Mt 2,1-2)

Để chuẩn bị tâm hồn đón mừng lễ Chúa Hiển Linh; Giáo Hội mời gọi người tín hữu cần có tâm tình của Ba nhà đạo sĩ: Nhận ra ánh sao của Chúa Giêsu, là Đấng cứu tinh của nhân loại; lên đường tìm kiếm Người; không ngại khó khăn và trở ngại, cố tìm cho bằng được bằng cách hỏi thăm, và cuối cùng đã gặp được; các ngài đã thờ lạy và dâng lễ vật và trở về quê củ.

Lạy Chúa Giêsu. Chúng con thật là hạnh phúc khi được sinh ra trong một gia đình Công Giáo, chúng con được xức dầu và nhận ấn tín Chúa Thánh Thần, được Giáo Hội giáo huấn để nhận ra Chúa là Thiên Chúa của con. Xin cho chúng con luôn biết cảm tạ ngợi khen và giới thiệu Chúa cho mọi người chung quanh chúng con. Amen

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

06 tháng Giêng

  Vị Vua Thứ Tư

Hôm nay lễ Ba Vua. Phúc Âm chỉ nhắc đến ba vị vua. Thế nhưng văn sĩ Joergernen người Ðan Mạch thì lại tưởng tượng ra một vị vua thứ tư. Vị vua thứ tư này đến chầu Chúa Giêsu sau ba vị vua khác. Triều bái Hài Nhi Giêsu nhưng mặt ông tiu nghỉu bởi vì ông không còn gì để dâng tặng Ngài.

Trước khi lên đường, ông chọn ba viên ngọc quý nhất trong kho tàng của ông, thế những dọc đường gặp bất cứ ai xin, ông cũng mang ra tặng hết. Người thứ nhất mà ông đã gặp là một cụ già rét run vì lạnh. Ðộng lòng trắc ẩn, ông đã tặng cho cụ viên ngọc thứ nhất. Ði thêm một đoạn đường nữa, ông gặp một toán lính đang làm nhục một cô gái. Ông đành mang viên ngọc thứ hai ra thương lượng với chúng để chuộc lại cô gái. Cuối cùng khi tiến vào địa hạt Bêlem, ông gặp một người lính do vua Herôđê sai đi để tàn sát các hài nhi trong một ngôi làng lân cận. Vị vua thứ tư đành phải rút ra viên ngọc cuối cùng để tặng cho người lính và thuyết phục anh từ bỏ ý định gian ác.

Tìm được Hài Nhi Giêsu, vị vua thứ tư chỉ còn hai bàn tay trắng. Ông bối rối kể lại cuộc hành trình của mình.

Nghe xong câu chuyện, Hài Nhi Giêsu mỉm cười đưa bàn tay bé nhỏ ra đón nhận quà tặng của ông. Nó không phải là vàng bạc châu báu, nhưng là tấm lòng vàng được dệt bằng những nghĩa cử đối với tha nhân, nhất là những người túng thiếu, đói khổ, những người cần giúp đỡ.

Mùa Giáng Sinh là mùa của những bất ngờ. Bất ngờ của một Thiên Chúa hóa thân làm người. Bất ngờ của một thiên Chúa giáng hạ trong hang súc vật. Bất ngờ sự việc những người nghèo hèn nhất trong xã hội đã nhận ra Tin Mừng. Bất ngờ của những người dân ngoại tìm đến triều bái Vua các vua. Nhưng điều khiến con người sẽ không bao giờ ngờ đến: đó là Ðấng Thiên Chúa hóa thân làm người ấy lại tự đồng hóa với mỗi một con người sinh ra trên cõi đời này, nhất là những con người bé mọn nhất trong xã hội. Ngài đã nói: tất cả những gì các người làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất là các người làm cho chính Ta. Từ đây, người ta chỉ có thể gặp gỡ được Ngài qua tha nhân. Tất cả những gì người ta làm cho tha nhân là làm cho chính Ngài. Lễ dâng làm đẹp lòng Ngài nhất chính là những gì người ta trao tặng cho tha nhân, nhất là những người nghèo hèn túng thiếu hay bất cứ ai cần sự giúp đỡ.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Ngày 6 tháng 1 – BNGS

Bài đọc: 1 Jn 3:22-4:6; Mt 4:12-17, 23-25.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự thật sẽ giải thoát chúng ta

          Cha ông chúng ta thường khuyên nhủ con cháu: “Sự thật mất lòng, nhưng chỉ có sự thật mới giải thoát con người và làm cho con người được sống.” Vì thế, biết và sống theo sự thật sẽ sống; ngược lại, không biết và không sống theo sự thật sẽ làm cho con người phải chết.      

Cuộc đời của chúng ta là những chuỗi ngày đi tìm sự thật; nhưng đây là công việc không phải dễ dàng vì chúng ta luôn phải đương đầu với sự gian dối của ba thù: ma quỉ, thế gian và xác thịt. Để có thể tìm sự thật chắc chắn, chúng ta phải tìm đến Kinh Thánh vì đó là kho tàng sự thật đến từ Thiên Chúa, được mặc khải qua các thánh ký và nhất là được dạy dỗ bởi chính Chúa Giêsu, Người Con Một của Thiên Chúa Cha, được sai xuống trần gian để truyền đạt sự thật cho con người.

          Các bài đọc hôm nay củng cố niềm tin của chúng ta bằng cách nhắc lại cho chúng ta chân lý tiêu biểu này: Phải tìm sự thật qua Kinh Thánh và nhất là nơi những lời dạy dỗ của Đức Kitô. Trong bài đọc I, tác giả Thư thứ nhất của Gioan nhắc cho chúng ta sự thật nền tảng là “phải tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Thiên Chúa và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta.” Trong Phúc Âm, thánh Matthews tường thuật sứ vụ của Đức Kitô khi Ngài bắt đầu hành trình rao giảng sự thật về Nước Thiên Chúa. Ngài đã chọn vùng đất của Dân Ngoại: Zebulun và Naphthali, để rao truyền sự thật cho “đoàn dân đang ngồi trong cảnh tồi tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phải biết phân biệt sự thật khỏi sự sai trái         

1.1/ Chúng ta được Thần Khí của Thiên Chúa hướng dẫn để nhận ra sự thật: Sự thay đổi của thời gian và những hoàn cảnh khác biệt làm cho con người thay đổi tư duy và quyết định; nhưng sự thật không lệ thuộc vào thời gian và hoàn cảnh. Vì thế, để biết sự thật và làm quyết định khôn ngoan, con người phải dựa trên những sự thật và nguyên lý không thay đổi. Tác giả Thư thứ nhất Gioan nhắc lại cho chúng ta biết: người Kitô hữu chúng ta luôn được Thần Khí hướng dẫn để biết và tuân giữ hai sự thật nền tảng này:

(1) Phải yêu thương hết mọi người: Mang danh là con Thiên Chúa, chúng ta được đòi hỏi để trở nên giống Thiên Chúa, Đấng đã cho mặt trời mọc lên và mưa rơi xuống trên phần đất của cả người công chính cũng như người bất lương. Mang danh là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta được đòi hỏi để yêu thương tất cả mọi người như Đức Kitô, Đấng đã chết cho cả người Do Thái lẫn Dân Ngoại. Vì thế, là Kitô hữu (Christians, những người giống như Chúa Kitô), chúng ta được đòi hỏi để yêu thương tất cả mọi người: bậc thánh nhân cũng như người tội lỗi, không được loại trừ bất cứ một ai vì tất cả mọi người đều là những chi thể của một thân thể của Đức Kitô và là anh chị em của chúng ta.

(2) Phải tuân giữ các điều răn Người đã ban cho chúng ta: Giống như trong Phúc Âm của Gioan, chương 15, yêu thương Thiên Chúa được gắn liền với việc giữ các giới răn của Người. Tất cả các giới răn được tóm gọn trong hai giới răn là mến Chúa và yêu người. Chúng ta không thể nói rằng chúng ta kính mến Chúa mà không yêu thương anh chị em vì yêu thương anh chị em là tiêu chuẩn đo lường tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa.

1.2/ Làm sao chúng ta biết Thần Khí của Thiên Chúa ở trong chúng ta?

          Ngoài hai điều đã nói trên để chúng ta biết được Thần Khí hướng dẫn, tác giả còn cho chúng ta một tiêu chuẩn khác để nhận ra đâu là ngôn sứ thật từ những ngôn sứ giả.

(1) Ngôn sứ giả: là những người không nói những gì Thần Khí của Thiên Chúa muốn nói; nhưng nói những gì họ muốn nói và thế gian muốn nghe. “Các ngôn sứ giả đó thuộc về thế gian; vì thế, chúng nói theo thế gian, và thế gian nghe chúng.” Trong cộng đoàn Ephêsô của tác giả thời đó đã xuất hiện ít nhất hai giáo phái mà tác giả gọi là những kẻ Phản Kitô (Anti-Christ) theo văn hoá Hy-lạp:

– Gnosticism (Ngộ-đạo): Thuyết này chủ trương thân xác là điều xấu xa và là ngục tù giam hãm linh hồn. Để giải thoát linh hồn khỏi thân xác, con người cần có những kiến thức đặc biệt mà chỉ có một số người ưu tuyển mới biết được. Scientology của nghệ sĩ Tom Cruise là một hình thức của giáo phái này. Vì vậy, họ không tin việc Chúa Kitô lại muốn nhập thể để mang thân xác con người trong khi họ đang tìm cách để vất bỏ thân xác đó.

– Docetism (Dường-như): Mặc dù tin vào Đức Kitô nhập thể; nhưng họ tìm cách để giải thích các đau khổ của Đức Kitô theo các thức của họ: dường như chứ không thật: Khi Chúa Kitô sinh ra trong máng cỏ, Ngài không cảm thấy lạnh vì Ngài là Thiên Chúa. Khi Đức Kitô chịu đóng đinh trên Thập Giá thì không phải là chính Ngài mà là linh hồn của ông Simon, người vác đỡ Thập Giá cho Chúa, còn Đức Kitô hoán chuyển vị thế với ông Simon… Tất cả những giải thích như thế hoàn toàn trái ngược với cách thức của Giáo Hội khi tuyên bố hai bản tính không thể tách rời của Đức Kitô: bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại. Những đau khổ của Đức Kitô có giá trị cứu chuộc cho con người.

(2) Ngôn sứ thật: là những người nói những gì mà Thần Khí của Thiên Chúa muốn nói, chứ không phải nói những gì cá nhân người rao giảng muốn nói hay những gì độc giả muồn nghe. Một cách cụ thể, tác giả cho chúng ta một tiêu chuẩn để nhận ra ai là ngôn sứ thật. Đó là: “Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra Thần Khí của Thiên Chúa: Thần Khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm thì Thần Khí ấy bởi Thiên Chúa; còn Thần Khí nào không tuyên xưng Đức Giêsu thì không bởi Thiên Chúa; đó là thần khí của tên phản Kitô. Anh em đã nghe nói là nó đang tới, và hiện nay nó ở trong thế gian rồi.”

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu là Đấng Kitô đến nhập thể để ở với chúng ta.

2.1/ Ngài là ánh sáng và sự thật, đến để xua tan bóng tối và sự gian tà của thế gian.

          Hai biểu tượng chúng ta thấy được đề cập thường xuyên trong Mùa Giáng Sinh là ánh sáng và sự thật. Đây cũng là hai biểu tượng được thường xuyên dùng và có liên hệ mật thiết với nhau trong Sách tiên tri Isaiah và Tin Mừng theo thánh Gioan.

          (1) Chúa Kitô là ánh sáng xua tan bóng tối: Khi mặt trời lặn xuống, vũ trụ trở thành một đêm đen và con người không thể đi lại nếu không có ánh sáng. Tương tự với đời sống trí tuệ của con người, nếu không có ánh sáng của Thiên Chúa hướng dẫn, con người sẽ lần bước trong đêm tối và không thể làm những quyết định khôn ngoan cho cuộc đời của mình.

          (2) Chúa Kitô là sự thật cất đi sự gian tà của thế gian: Như chúng ta đã đề cập đến trong phần nhập đề, thế giới chúng ta đang ở đầy tràn những lạc thuyết của thế gian nhằm phá huỷ con người. Khi Đức Kitô đến, Ngài mặc khải cho con người biết tất cả sự thật từ Thiên Chúa; nhất là ý định cứu chuộc con người được thực hiện qua Đức Kitô. Khi con người đã biết sự thật đến từ Thiên Chúa, họ cũng nhận ra những sự gian tà đến từ thế gian và tránh được mọi nguy hiểm đến từ chúng.

          Thánh Matthews đã trich dẫn Isa 9:1-2 để nói lên sự làm trọn lời ngôn sứ đã nói về những gì sẽ xảy ra cho hai vùng đất của Dân Ngoại, Zebulun và Naphthali, “Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại!16 Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.”

2.2/ Ngài chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền của dân chúng.

(1) Chữa lành bệnh phần hồn bằng việc rao giảng Tin Mừng nước trời: Các bệnh phần hồn thì nguy hiểm hơn các bệnh về phần xác; vì thề, việc đầu tiên Chúa Giêsu làm là đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng nước trời cho dân chúng. Một khi dân chúng biết mục đích của cuộc sống là đạt tới Nước Trời, họ sẽ biết hướng cuộc đời của họ về nơi vĩnh cửu đó.

(2) Chữa lành bệnh phần xác bằng việc làm các phép lạ: Thánh sữ Matthews chỉ tường thuật vắn tắt những phép lạ Chúa Giêsu đã chữa lành: “Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt; và Người đã chữa họ.” Trong những chương kế tiếp, Ngài sẽ tường thuật cách chi tiết những phép lạ này hơn.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Sự thật sẽ giải thoát con người. Việc đầu tiên chúng ta cần làm là học hỏi để biết sự thật.

– Sự thật của Thiên Chúa đã được mặc khải qua Kinh Thánh. Chúng ta không thể tìm sự thật của cuộc đời bằng chỉ dựa trên những suy tư của con người.

– Biết được sự thật của Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta nhận ra những sai trái và lầm lạc của con người, để tránh phải lãnh nhận những hậu quả của chúng.

– Khi chúng ta đã biết sự thật và đường đi cho bản thân mình; lúc đó chúng ta mới có đủ khả năng để hướng dẫn người khác.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************