Khi nghĩ về Thánh Giuse, chúng ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh của một người Cha thầm lặng, khiêm tốn; một người chồng lặng lẽ, hy sinh, để thi hành một sứ vụ rất âm thầm, mờ nhạt.
Tuy nhiên, chúng ta đã có một bài học rất lớn từ sự ÂM THẦM và MỜ NHẠT của Thánh Cả. Trước sự âm thầm, mờ nhạt trong lăn kín của con người, thì Ngài đã thật sự trở thành nhân vật quan trọng với vai trò không thể thiếu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đó là: Làm bạn trăm năm của Mẹ Maria và làm Cha nuôi của Đấng Cứu Thế. Với những vai trò ấy, một thông điệp gởi đến chúng ta, những ai xuất hiện cách ẩn giấu, có thể đóng một vai trò không thể so sánh trong lịch sử cứu độ (ĐTC Phanxicô).
Dẫu thế, khi suy tư về cuộc đời của Thánh Giuse, chúng ta không chỉ dừng lại ở vai trò và sứ mạng, nhưng sâu xa hơn là thái độ thi hành sứ mạng của Ngài. Có thể nói, thái độ nổi bật nơi Thánh Giuse là thái độ luôn luôn LẮNG NGHE – PHÂN ĐỊNH và mau mắn THỰC THI Thánh Ý Thiên Chúa.
Có ai trong chúng ta đã có lần thắc mắc và tự đặt câu hỏi: Tại sao đối với Thánh Giuse Chúa luôn nói với ngài qua giấc mơ? Cụ thể, Tin mừng Thánh Mat-thêu ghi lại bốn giấc mơ của Thánh Giuse:
Giấc mơ thứ nhất (Mt 1, 20.24): Ông đang toan tính như vậy thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” ….Khi tỉnh giấc ông Giuse làm như lời Chúa dạy và đón vợ về nhà.
Giấc mơ thứ 2 (Mt 2, 13): Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại…Ông Giuse liền trỗi dậy và đang đêm đưa Hài Nhi và mẹ người trốn sang Ai-cập.
Giấc mơ thứ 3 (Mt 2, 19): Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Ai-cập, báo mộng cho ông rằng: Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi. Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en.
Giấc mơ thứ 4 (Mt 2, 22): Giuse được báo mộng…từ bỏ kế hoạch trở về đất Israel và phải lui về miền Galilê và đến lập cư tại một thành gọi là Nadarét.
Khi nghe tường thuật lại bốn giấc mơ của Thánh Giuse, với những cụm từ nổi bật: “Khi tỉnh giấc ông Giuse làm như lời Chúa dạy”, “Ông Giuse liền trỗi dậy và đang đêm đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.” “Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en.”
Theo mạch văn, chúng ta nhận thấy Thánh Giuse quá mau mắn và dứt khoát trong việc lắng nghe và thi hành ý Chúa. Chúng ta hoàn toàn không thể xác định sự chuyển động nội tâm của ngài trong tiến trình đi đến quyết định. Tuy nhiên, một cách thông thường, chắc chắn Thánh Giuse cũng đã trải qua những cuộc chiến nội tâm để đi đến một chọn lựa dứt khoát. Nhưng sở dĩ tác giả Tin Mừng đã dùng cách diễn tả với cố ý làm nổi bật phong cách đáp trả mau mắn của ngài trước Thánh ý Thiên Chúa là vì muốn nhấn mạnh đến một kết quả tỏ tường, có thể thấy được, của một tâm hồn luôn gắn bó thâm sâu với Chúa và toàn tâm tìm kiếm và thực thi Thánh ý Chúa chăng?
Để hiểu rõ hơn, chúng ta trở lại câu hỏi: vì sao Chúa luôn trao sứ vụ cho Giuse trong giấc mơ? Nhìn từ gốc độ phân tâm học, với cách giải thích của nhà phân tâm Sigmund Freud về giấc mơ: “giấc mơ là sự thể hiện của thế giới tiềm thức và là những nỗ lực của vô thức để thỏa mãn và giải quyết những gì đã không hoặc chưa được thực hiện một cách có ý thức.” Như thế, phải chăng sự say mê lắng nghe và để tâm thi hành ý Chúa luôn sẵn có trong tâm hồn Thánh Giuse, để rồi ngay cả trong giấc ngủ, ngài vẫn mơ và nghe được tiếng Chúa nói với Ngài, nghe được những chỉ dẫn và mệnh lệnh cho những vấn đề cần được giải quyết trong sứ vụ hiện tại.
Khi chiêm ngắm Thánh Giuse, chúng ta nhận ra, khả năng phân định ý Chúa chỉ có được ở những tâm hồn gắn bó mật thiết với Chúa và luôn chú tâm thực thi Thánh ý của Ngài. Như thế, phân định là một tiến trình buông bỏ bản thân, tách mình ra khỏi những ràng buộc của con người xác thịt, để tâm trí hoàn toàn quy phục trước sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, và chỉ trong Thánh Thần chúng ta mới có thể nghe được tiếng Chúa.
Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông huấn Gaudete et Exsultate – Hãy Vui Mừng Hân Hoan, về ơn gọi nên thánh trong thế giới hôm nay, đã khẳng định rằng: khả năng phân định đòi hỏi một cái gì khác hơn là chỉ có trí thông minh hay lương tri, đó là một ơn chúng ta phải cầu xin. Nếu chúng ta tin tưởng và cầu xin Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ ban cho chúng ta, và rồi chúng ta tìm cách phát triển nó bằng cầu nguyện, suy tư, đọc sách và xin lời chỉ bảo, thì chắc chắn chúng ta sẽ lớn lên trong ân huệ thiêng liêng này (x. GE, số 166).
Phân định còn là một tiến trình chấp nhận sự thay đổi. Thánh Giuse, khi nhận ra Thánh ý Thiên Chúa, đã chấp nhận thay đổi những kế hoạch, những dự tính của một chàng thanh niên mới lớn, đã sẵn sàng rẽ sang một con đường mới, thực hiện một kế hoạch mới mà hoàn toàn không phải của riêng mình.
ĐTC Phanxicô trong bài tham luận khai mạc Symposium quốc tế với chủ đề Thần học về Chức Linh mục tại Vatican, vào ngày 17 tháng 2 năm 2022, đã phát biểu về ý nghĩa của sự thay đổi, mà thiết nghĩ chúng ta cũng cần để tâm suy tư, rằng: Thời đại chúng ta đang có những thay đổi mang tầm lịch sử, như đại dịch covid. Trước những sự thay đổi này, con người không những cần kinh nghiệm thay đổi mà quan trọng hơn là cần chấp nhận sự thay đổi. Tuy nhiên, sự thay đổi phải mang bản sắc Tin Mừng. Nghĩa là sao? Nghĩa là tránh sự thay đổi kiểu lạc quan quá đáng như “mọi chuyện rồi sẽ qua” dẫn tới thái độ thờ ơ trước nỗi đau gắn liền với cuộc chuyển hóa của tha nhân; hoặc kiểu thay đổi “độc tôn” những cái mới mẻ thời thượng như là thực tại tối hậu và quẳng bỏ sự khôn ngoan từ trước tới nay. Cả hai loại thay đổi này đều mang sắc thái của sự trốn chạy và chối bỏ thực tế.
Như thế, chúng ta cần chấp nhận sự thay đổi nào? Theo ĐTC Phanxicô, đó là sự thay đổi mang bản sắc Tin Mừng: một sự chấp nhận đầy tin tưởng đối với thực tại, bám chặt vào sự khôn ngoan và truyền thống sống động của Giáo hội, cho phép chúng ta ra khơi mà không sợ hãi. Chúng ta sẽ phân định được chiều hướng để đi. Như thế, phân định thánh ý Thiên Chúa có nghĩa là học cách nhìn thực tại với đôi mắt của Chúa.
Với cách giải thích đó, ĐTC Phanxicô đã chỉ cho chúng ta cách chấp nhận sự thay đổi trước thời cuộc và sống thánh ý Thiên Chúa trong bối cảnh xã hội có quá nhiều biến cố và thay đổi như hôm nay.
Nếu ngày xưa, Thánh Giuse đã dứt khoát ra khỏi chính mình, để hoàn toàn sống cho Thánh ý Thiên Chúa nhờ sự gắn bó mật thiết và vâng phục tuyệt đối vào chương trình cứu độ của Chúa, thì ngày nay mỗi người chúng ta được mời gọi say mê chiêm ngắm Chúa Giêsu cách thâm sâu để có thể cùng với Hội Thánh lắng nghe và phân định Thánh Ý Thiên Chúa “cùng nhau tìm xem Thiên Chúa muốn kêu gọi chúng ta trở thành gì với tư cách là Hội Thánh trong thiên niên kỷ thứ ba” (Ủy ban Thần học Quốc tế, Syn., 68, trích trong Hiệp thông, Bản tin HĐGMVN, số 127, tr. 108). Và như thế, LẮNG NGHE và PHÂN ĐỊNH là những điều rất quan trọng trong tiến trình tham gia vào Sứ vụ hiện tại của Hội thánh trong thế giới hôm nay. Tài liệu chuẩn bị của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI cũng đã khẳng định: Lắng nghe là phương Pháp, Phân định là mục tiêu và Tham gia là con đường.
Nt. Anna Nguyễn Bảo Uyên, MTG Huế