Một con tim hiệp hành vì một Hội Thánh hiệp hành

20/03/2022

Dẫn nhập

Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI được khai mạc trọng thể tại Rô-ma vào các ngày 9-10 tháng10 năm 2021, với chủ đề: Hướng Tới Một Hội Thánh Hiệp Hành: Hiệp thông-Tham gia – Sứ vụ. Liền sau đó, tinh thần và kế hoạch của Thượng hội đồng đã nhanh chống “gõ cửa” từng Giáo hội địa phương như một lời mời gọi cùng nhau tham gia vào tiến trình này. Trong dòng chảy đó, ngày 28 tháng 11 năm 2021, Thượng Hội Đồng Giám mục cấp địa phương cũng đã được khai mạc tại Tổng giáo phận Huế.

Nếu mười lăm (15) Thượng Hội đồng trước, đến và đi với ít sự quan tâm, nhận biết của đa số dân Chúa, ngay cả phần lớn tu sĩ,  linh mục, thì Thượng Hội đồng Giám mục lần này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa Hội Thánh trở về với bản chất của mình là “cùng nhau cất bước hành trình” (Tài liệu chuẩn bị, số 1). Một con đường mới được mở ra và mời gọi tất cả mọi thành phần dân Chúa “bước đi cùng nhau.” 

Nếu để ý, chúng ta nhận thấy, rất nhiều hoạt động trực tiếp và trực tuyến, đó đây khắp nơi trong các giáo phận tại Việt Nam, mời gọi tham gia vào tiến trình này, đặc biệt Bản tin Hiệp thông Hội đồng Giám mục Việt Nam đã để dành hẳn một số (127) để suy tư và nghiên cứu với nhiều bài viết phong phú về chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám mục lần này.

Trong bối cảnh như thế, Chúa Giêsu như đang đứng ngoài cửa và gõ, Ngài đang mời gọi tôi cùng hiệp thông, tham gia vào sứ vụ chung của Hội Thánh. Tôi đã sẵn sàng chưa? Tôi đang cần sửa soạn hành trang gì để lên đường?

Một con tim hiệp hành?

Hai từ “Hiệp hành” vốn đã chưa thân thiện lắm trong tâm thức của đa số dân Chúa! Tuy nhiên, đọc nhiều phân tích, nghe nhiều suy tư về ý nghĩa của nó…, dần rồi cũng có thể quen, có khi lại còn hiểu và yêu mến Hội thánh hơn, khi nhờ hai từ “Hiệp hành” – cùng nhau tiến bước, mà có cơ hội trở về nguồn và suy tư nghiêm túc hơn về bản chất của Hội thánh. Cũng thế, “một con tim hiệp hành” là gì? Chắc hẳn chưa có một định nghĩa cụ thể nào và cũng chưa có một giải thích nào về ý nghĩa của nó. Tuy nhiên, với những nghiên cứu, học hỏi, suy tư, người viết xin được chia sẻ một số gợi ý suy tư về ý nghĩa của “một con tim hiệp hành”.

1. Con tim hiệp hành –Con tim lắng nghe

Khả năng nghe thường được mặc định cho chức năng nhận thức âm thanh của đôi tai. Tuy nhiên, để nghe và hiểu nhau còn cần đến con tim. Có khi nào, chúng ta tự hỏi, tại sao khi người ta cãi nhau, thường phải nói rất to với đối phương? Khi con người không có sự đồng lòng, đồng cảm với nhau thì trái tim họ cũng ở xa nhau, khoảng cách giữa chúng là rất lớn, để nghe thấy nhau trong khoảng cách đó, họ phải hét lên, và càng tức giận thì càng phải hét lên để có thể nghe nhau. Ngược lại, hai người yêu nhau đôi khi không cần phải nói, họ chỉ cần thì thầm, chỉ cần nhìn nhau thôi cũng đã hiểu (Lời giải thích của một Giáo sư Tâm lý học của trường Đại học danh tiếng Cambridge tại Anh).

Cũng thế, một con tim hiệp hành là một con tim biết lắng nghe với tất cả sự đồng cảm, trân trọng, kiên nhẫn và với một sự hiện diện trọn vẹn. Để không chỉ nghe được âm thanh của người khác, nhưng còn có thể nghe được tâm tư và nguyện vọng của họ với tất cả con người của họ.

Sứ điệp của ĐTC Phanxicô cho ngày thế giới truyền thông xã hội, năm 2022 cũng đã đề cập đến “con tim biết lắng nghe”. Ngài nói “nhiều khi những người có thính giác hoàn hảo cũng không thể nghe thấy người khác. Thật vậy, việc lắng nghe liên quan đến toàn bộ con người, chứ không chỉ là thính giác. Cơ quan thật sự của lắng nghe là trái tim.”  Ngài cũng đã trích dẫn lời khuyên của Thánh Phanxicô Assisi đối với anh em mình “hãy nghiên lỗ tai của con tim mà lắng nghe”. Như thế, chúng ta không ngạc nhiên khi Thượng Hội đồng Giám mục lần này mời gọi “lắng nghe với cả khối óc và con tim” (Tài liệu chuẩn bị, số 30).

2. Con tim hiệp hành – Con tim yêu thương

Có thể nói “yêu thương” là chủ đề mang lại nhiều cảm xúc và cảm hứng nhất cho con người trong nhiều lĩnh vực khác nhau như nghệ thuật, âm nhạc, thơ văn v.v. Và tình yêu, phải chăng, là kinh nghiệm đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người. Càng yêu nhau, con người càng dễ gần nhau, hiểu nhau và sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì nhau và dễ dàng vượt qua mọi ranh giới của khác biệt: quan điểm, văn hóa, ngôn ngữ, màu da… để có thể cùng đến với nhau, và cùng đi với nhau. Như thế, không ngạc nhiên khi thánh Âu-Tinh đã nói: “Cứ yêu đi rồi sau đó muốn làm gì thì làm”.

Chúa Giêsu Kitô vì yêu đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang Thiên Chúa, để nên giống phàm nhân trong thân phận người nô lệ, một tầng lớp thấp nhất trong xã hội. Cuối cùng, đã bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự (x. Pl 2, 6-8).  Điều mà người Do Thái cho là ô nhục, và là sự điên rồ đối với dân ngoại (x. 1Cr 1, 22-24). Tuy nhiên, Chúa Giêsu Kitô Chịu-Đóng-Đinh là sức mạnh và là sự khôn ngoan đối với ai thật sự có kinh nghiệm đụng chạm vào Tình yêu của Người. Như Thánh Phaolô đã từng quả quyết: “tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu…Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác để được Đức Kitô ” (Pl 3, 8). Và “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2Cr 5, 14).

Như thế, vươn cao hơn và vượt xa hơn tình yêu nhân loại, chính tình yêu Đức Ki-tô trong tôi và trong chúng ta đã liên kết và thúc bách chúng ta “bước đi cùng nhau” trên một con đường để thoa dịu những vết thương của con người thời đại hôm nay.              

3. Con tim hiệp hành – Con tim rộng mở

Ngay từ những số đầu tiên trong Tài liệu chuẩn bị của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI đã phát họa bối cảnh lịch sử trước sự ra đời của Thượng hội đồng lần này: “…những biến chuyển lớn trong xã hội ….những biến động phức tạp…những căng thẳng và những mâu thuẫn…Đại dịch Covid-19 và thảm kịch của nó…” Tất cả những cụm từ này đang diễn tả một giai đoạn lịch sử nhân loại mà cả “cộng đồng thế giới như đang chèo chống trên cùng một con thuyền” và “nếu có được cứu thì tất cả cùng được cứu, chứ chẳng có chuyện chỉ riêng ai đó được cứu” (x. Tài liệu chuẩn bị, số 4 và 5).

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, trong bối cảnh xã hội như thế, những nhu cầu căn bản của con người như đang bị đe dọa sâu sắc: nhu cầu sinh tồn, nhu cầu an toàn, nhu cầu xã hội, nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu được thể hiện bản thân (x. Tháp nhu cầu Maslow), khiến con người ngày càng trở nên phòng vệ, khép kín và quy ngã, mất dần cảm thức thuộc về và thiếu trách nhiệm lẫn nhau. Thực trạng này đang tồn tại, ảnh hưởng và cũng làm lu mờ căn tính và bản chất của Hội Thánh là “đi ra”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã có lần thẳng thắn mời gọi: 

Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô… Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục” (Evangelii Gaudium, số 49).

Con tim rộng mở làm cho người ta có thể gần gũi nhau hơn (x. Evangelii Gaudium, 171). Một con tim rộng mở ắt sẽ sẵn sàng đi ra cùng với Chúa Kitô và Thánh Thần của Người, để rao giảng Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi và mọi dịp, không do dự, không sợ hãi nhưng can đảm, vững vàng ‘bước đi cùng nhau’ giữa lòng thế giới hôm nay, vì này đây “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 29).

4. Con tim hiệp hành – con tim hoán cải

Trong bài viết có tựa đề: “Sống chiều kích hoán cải vì một Hội Thánh Hiệp hành”, tác giả An Bình, C.Ss.R. đã khẳng định: trong tiến trình Thượng Hội đồng, cần một sự hoán cải cả về lối sống và con tim để có thể thấu hiểu và đồng cảm lẫn nhau. Sự hoán cải hướng những cuộc gặp gỡ, lắng nghe và phân định của chúng ta đến cái nhìn của Đức Giêsu, giúp “chúng ta tập trung vào những thương tích, những gánh nặng, những khổ đau của nhau, không bỏ rơi nhưng cam kết đồng hành với nhau… Nếu như chưa có sự hoán cải mà đã đi vào sự hiệp thông, sự tham gia và sứ vụ thì chúng ta cũng có nguy cơ rơi vào tình trạng bi đát mà Tin Mừng cảnh báo: “Rượu mới mà đổ vào bầu da cũ thì rượu sẽ làm nứt bầu, rượu sẽ chảy ra và bầu cũng hư” (An Bình).

Một con tim hoán cải ắt phải được Tin mừng hóa, được đụng chạm thật sự với Đức Kitô và được biến đổi,  như Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).

Một con tim hoán cải còn sẵn sàng ra khỏi những lối mòn yêu thương không phù hợp với Tin Mừng, những vụn vặt của hình thức. Một con tim hoán cải sẽ luôn quy hướng về tình yêu Đức Kitô và những đòi hỏi của Tin Mừng để sự hiện diện của mỗi người kitô chúng ta thật sự là một sự hiện diện Hiệp hành cùng với Hội Thánh Hoàn vũ và Hội Thánh địa phương để cùng nhau “gánh lấy nỗi đau của các anh chị em mình đã bị thương tổn trong thân xác và tinh thần” (ĐGH Phanxicô, trích trong Tài liệu chuẩn bị, số 6).

Tạm kết

Như thế, một con tim biết lắng nghe, biết yêu thương, biết rộng mở và luôn mang tâm tình hoán cải để phù hợp với đòi hỏi của Tin Mừng, của người môn đệ Chúa Kitô, trên hành trình “bước đi cùng nhau”, là những đặc tính của một con tim hiệp hành !

Nt. Anna Nguyễn Bảo Uyên, MTG Huế