Người khuyết tật tham gia đời sống Giáo hội

12/04/2025

Dẫn nhập 

Trong mọi thời đại, Giáo hội luôn ưu tư và quan tâm đến người nghèo. Đức giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Giáo hội trở thành một Giáo hội của người nghèo, cho người nghèo. Ngài đã nhiều lần kêu gọi Giáo hội tập trung vào việc phục vụ những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và đấu tranh cho sự công bằng, luôn thao thức về nhu cầu hạnh phúc của những con người bị bỏ quên, tôn trọng phẩm giá của họ, nhất là đối với những anh chị em khuyết tật – vì họ là những người nghèo nhất trong xã hội.

Công ước về quyền của người khuyết tật được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 13 tháng 3 năm 2007 nêu rõ: “Người khuyết tật bao gồm những người có khiếm khuyết lâu dài về thể chất, tâm thần, trí tuệ hoặc giác quan mà khi tương tác với những rào cản khác nhau có thể phương hại đến sự tham gia hữu hiệu và trọn vẹn của họ vào xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác”.[1]

Tại sao người khuyết tật lại được coi là người nghèo nhất trong xã hội? Bởi vì họ không chỉ gặp khó khăn về kinh tế mà còn về tinh thần và tâm lý. Họ bị hạn chế và gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội việc làm do sự thiếu thấu hiểu và chấp nhận người khuyết tật của xã hội đối với khả năng của họ, làm giảm đi cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định và thu nhập bền vững cho người khuyết tật. Ngoài ra, người khuyết tật thường đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử từ xã hội. Những định kiến và quan niệm sai lầm về khả năng của họ, điều này có thể dẫn đến hình thành nơi suy nghĩ của người khuyết tật mặc cảm tự ti và cảm giác bị cô lập. Thậm chí, một số anh chị em khuyết tật còn thiếu sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng, chính điều đó càng làm tăng cảm giác cô đơn nơi người khuyết tật, họ mặc cảm và không muốn tham gia các hoạt của xã hội và Giáo hội. Chính sự cô lập này dẫn đến sự trầm cảm và cảm giác vô vọng, khiến họ cảm thấy bi quan chán nản và đánh mất niềm tin cuộc sống. Vì thế, người khuyết tật là những người nghèo nhất.

Không thiếu những anh chị em khuyết tật tự vấn: liệu bản thân tôi có thể làm được gì để góp phần nhỏ bé của mình vào trong sinh hoạt của xã hội và Giáo hội? Một cách minh nhiên, anh chị em đang mang nơi mình những thương tích của Đức Kitô. Và Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với những anh chị em khuyết tật rằng: Giáo hội thực sự là nhà của họ, Giáo hội yêu thương họ như họ là và cần họ để hoàn thành sứ vụ phục vụ Tin Mừng.[2] Đây là một niềm an ủi lớn đối với những anh chị em khuyết tật.

Và khi nói “Giáo hội của người nghèo”, điều này thể hiện tinh thần sống Phúc Âm, theo lời dạy và hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô. Giáo hội luôn được nhắc nhở rằng, Giáo hội của người nghèo bắt nguồn từ chính những hành động, những lời dạy của Chúa Giêsu Kitô, Đấng ưu tiên việc chăm sóc người nghèo và đấu tranh cho công bằng xã hội. Và hành động ấy được thể hiện qua các công việc:

Đừng ngoảnh mặt làm ngơ với bất cứ người nghèo – người khuyết tật nào

Trong xã hội hiện đại ngày nay, bên cạnh sự phát triển vượt bậc về kinh tế và công nghệ, vẫn tồn tại những mảnh đời cơ cực, những con người hằng ngày phải vật lộn với cuộc sống khó khăn. Đứng trước những hoàn cảnh ấy, chúng ta không thể ngoảnh mặt làm ngơ. Bởi lẽ, sự vô cảm và thờ ơ của mỗi người sẽ làm cho xã hội trở nên lạnh lùng và thiếu đi tình người.

Trước hết, cần phải hiểu rằng sự nghèo đói, sự khiếm khuyết dưới dạng tật nguyền không phải là sự lựa chọn mà là một hoàn cảnh khó khăn không mong muốn của những con người thiếu may mắn. Họ có thể là những người bị mất việc, gặp tai nạn, hoặc đối mặt với những bệnh tật, bị khuyết tật không mong đợi. Mỗi người trong chúng ta đều có thể rơi vào hoàn cảnh nghèo đói, bị khuyết tật… bất cứ lúc nào trong cuộc sống, và khi đó, sự giúp đỡ từ người khác sẽ trở nên vô cùng quý giá đối với chúng ta.

Một xã hội chỉ thực sự phát triển bền vững khi tất cả mọi người cùng hướng tới sự tiến bộ và hạnh phúc chung. Sự thờ ơ trước những hoàn cảnh khó khăn không chỉ là một hành động thiếu nhân văn mà còn làm suy yếu sự gắn kết xã hội. Khi chúng ta biết chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau, chúng ta không chỉ giúp cho người nghèo khó có được cuộc sống tốt đẹp hơn mà còn làm giàu thêm giá trị tinh thần cho chính bản thân mình. Hơn nữa, sự giúp đỡ không nhất thiết phải là những hành động lớn lao hay những món quà vật chất đắt tiền. Đôi khi, chỉ một nụ cười, một lời động viên hay một cử chỉ nhỏ thể hiện sự quan tâm đến nhau cũng có thể mang lại niềm hy vọng và sự ấm áp cho những người đang gặp khó khăn. Những hành động này không chỉ làm dịu đi nỗi đau khổ mà còn tạo nên một môi trường sống tốt đẹp hơn, nơi mà lòng nhân ái và tình yêu thương được lan tỏa.

Ngoài ra, giáo dục cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng lòng nhân ái và ý thức cộng đồng. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em cần được dạy về tầm quan trọng của việc giúp đỡ những người nghèo, người khuyết tật, về giá trị của sự chia sẻ và lòng nhân ái dành cho những người bất hạnh. Khi những giá trị này được truyền đạt một cách rõ ràng và liên tục, chúng sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho những hành động nhân ái trong tương lai.

Và mỗi người chúng ta là những chi thể của Đức Kitô, dù là người khuyết tật hay khiếm khuyết, người nghèo khổ hoặc người khỏe mạnh đều là một bộ phận trong thân thể Đức Kitô. Khi chúng ta gắn kết với nhau, chúng ta đừng loại trừ người khuyết tật, người nghèo thì bức tranh của Giáo hội mới thật tuyệt vời. Lúc ấy, người nghèo, người khuyết tật mới thật sự được sống trong lòng Giáo hội, được tham gia vào đời sống của Giáo hội. Còn Giáo hội chỉ sống được với tất cả chi thể sống động của mình – khi mà tình yêu thương luôn hiện hữu và lan tỏa.

I. TẠI SAO GIÁO HỘI CẦN MỞ RỘNG VÀ MỜI GỌI NGƯỜI NGHÈO, NGƯỜI KHUYẾT TẬT THAM GIA VÀO CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA GIÁO HỘI?

Trong sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo có nói: “Mọi người đều là con cái của Thiên Chúa, được tạo dựng theo hình ảnh của Người và có giá trị vô cùng cao quý.” Chính vì thế, việc mở rộng và mời gọi người nghèo và người khuyết tật tham gia vào các hoạt động của Giáo hội không chỉ là một hành động nhân ái mà còn là một sứ mệnh thiêng liêng của Giáo hội. Dưới đây là những lý do quan trọng vì sao Giáo hội cần mở rộng và mời gọi người nghèo, người khuyết tật tham gia vào các hoạt động của Giáo hội.

1. Thể hiện tinh thần bình đẳng và yêu thương

Giáo hội Công giáo luôn giảng dạy về tình yêu thương và sự bình đẳng giữa mọi người. Khi người nghèo, người khuyết tật được mời gọi tham gia vào các hoạt động của Giáo hội, họ sẽ cảm nhận được rằng họ không bị loại trừ và được đối xử bình đẳng như mọi thành viên khác. Điều này giúp củng cố tinh thần yêu thương, tôn trọng và đoàn kết trong cộng đoàn giáo xứ, giáo hạt, giáo phận… đồng thời cũng tạo nên một môi trường tốt để họ có thể hòa nhập trọn vẹn với cộng đoàn.

Năm 2023 – Năm Giáo hội hướng tới Hiệp Hành với tinh thần: Hiệp Thông – Tham Gia và Sứ Vụ. Vào ngày 18.06.2022, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng – Giám mục Giáo phận Phan Thiết đã tổ chức ngày hiệp hành dành cho hơn 250 Hội viên Caritas và đại diện những anh chị em bị khuyết tật, người có HIV… Trong ngày này, các anh chị em được lên tiếng nói, có những người đã chia sẻ rằng: chính nhờ tinh thần bình đẳng và yêu thương của mọi người, đặc biệt là các anh chị em Caritas đã giúp cho người khuyết tật, người có HIV như chúng con được lên tiếng nói, được cảm thấy mình có ích và thay đổi được suy nghĩ tiêu cực của chính bản thân mình. Chính những nụ cười, những lời động viên của các hội viên Caritas là lời động viên cao quý nhất giúp những người khuyết tật, người nghèo can đảm hơn trong cuộc sống, và vượt qua được mặc cảm tự ti của bản thân.

 

Người khuyết tật được mời gọi tham gia Hiệp hành – nói lên những ước mơ của mình.

2. Khuyến khích và tạo điều kiện cho sự phát triển cá nhân

Người nghèo, người khuyết tật thường gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, không chỉ về mặt vật chất mà còn về mặt tinh thần. Khi được tham gia vào các hoạt động như ca đoàn, đọc sách trong Thánh lễ hay cắm hoa, hội viên Caritas giáo xứ… họ sẽ có cơ hội để phát triển khả năng vốn có của mình, cảm thấy mình có ích và được công nhận. Điều này không chỉ nâng cao sự tự tin mà còn giúp họ tìm thấy ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống.

Chị Maria Nguyễn Thị Hương – một hội viên Caritas giáo xứ Tư Tề – thuộc giáo phận Phan Thiết. Chị bị khuyết tật vận động, ban đầu chị rất mặc cảm vì phải mang tay giả, chị không dám tiếp xúc với ai, và không tham gia một hội đoàn nào. Tuy nhiên, sau nhiều lần thăm viếng, quý sơ Caritas Phan Thiết đã mời gọi chị phụ trách một nhóm các em được nhận học bổng. Ngoài ra, chị còn tham gia vào Caritas giáo xứ, cùng đi làm công tác với các anh chị em khác trong giáo xứ, từ đó chị sống hoạt bát hơn, vui tươi, tự tin và siêng năng đến nhà thờ vì chị cảm nhận được rằng: trong mắt Chúa, chị vẫn là duy nhất và vẫn hữu ích cho Giáo hội với những đóng góp nhỏ bé của mình.

 

Chị Maria Nguyễn Thị Hương (bị khuyết tật vận động) dẫn các em học sinh đi tham gia chương trình trại hè do Caritas Giáo phận Phan Thiết tổ chức

3. Góp phần làm phong phú các hoạt động của Giáo hội

Mỗi người đều có những tài năng và kinh nghiệm riêng biệt. Khi Giáo hội mở rộng và mời gọi mọi người tham gia, bao gồm cả người nghèo và người khuyết tật, các hoạt động của Giáo hội sẽ trở nên đa dạng và phong phú hơn. Sự đóng góp của họ, dù nhỏ bé, cũng sẽ làm cho cộng đồng thêm phong phú và sinh động. Như anh Nhất Sinh (Giáo phận Phan Thiết) – bị khiếm thị đã chia sẻ rằng: “Là một người khuyết tật, tôi cũng mong làm điều gì đó cho Giáo hội, cùng bước đi với những người khác, và giúp cho những anh chị em khiếm khuyết hơn tôi có cuộc sống tốt đẹp hơn.” Và anh đã dùng tiếng hát của mình để gây quỹ giúp cho một anh hàng xóm gần nhà có tiền phẫu thuật ghép sọ não. Chính những việc làm tốt của anh đã làm tăng thêm sự phong phú trong Giáo hội, bởi Giáo hội đẹp nhờ những mảnh ghép cuộc đời của biết bao con người, trong đó có những mảnh ghép đặc biệt của các anh chị em khuyết tật, người nghèo, người có HIV…

4. Thể hiện sứ mệnh phục vụ và chăm sóc của Giáo hội

Một trong những sứ mệnh quan trọng của Giáo hội là phục vụ và chăm sóc những người bị yếu thế, thiệt thòi trong xã hội. Việc mời gọi người nghèo và người khuyết tật tham gia vào các hoạt động không chỉ thể hiện sứ mệnh phục vụ của Giáo hội mà còn là một cách để hiện thực hóa giáo huấn về lòng nhân ái và sự quan tâm đến người khác. Điều này cũng làm cho Giáo hội trở nên gần gũi và đáng tin cậy hơn trong mắt cộng đồng.

5. Tạo ra một cộng đồng đoàn kết và hòa nhập

Việc mời gọi người khuyết tật tham gia vào các hoạt động của Giáo hội như đọc sách, tham gia ca đoàn, Caritas… tạo ra một cộng đồng thân thiện, đoàn kết, góp phần rút ngắn sợi dây khoảng cách và sự phân biệt kỳ thị giữa con người với nhau. Không những thế, khi mọi người cùng nhau tham gia vào các hoạt động chung, không phân biệt giàu nghèo hay bị khiếm khuyết, thì một cộng đồng yêu thương, liên đới và hòa nhập sẽ được hình thành. Mọi người sẽ học cách tôn trọng, thấu hiểu và yêu thương lẫn nhau. Điều này không chỉ làm cho đời sống giáo xứ thêm phong phú mà còn góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

6. Thể hiện sự tôn trọng phẩm giá và công nhận giá trị của mỗi người

Mời gọi người nghèo và người khuyết tật tham gia vào các hoạt động của Giáo hội là một cách để thể hiện sự tôn trọng phẩm giá và công nhận giá trị của họ. Mỗi người đều có những phẩm chất đáng quý và đều có thể đóng góp vào cộng đồng theo cách của mình. Sự tôn trọng và công nhận này sẽ giúp họ cảm thấy mình được trân trọng và khuyến khích họ cống hiến nhiều hơn, bởi vì họ cảm nhận được cảm giác “thuộc về”. Họ không chỉ là người chỉ nhận sự giúp đỡ mà còn là người có thể đóng góp và tham gia vào đời sống Giáo hội. Không những thế, họ được củng cố đức tin, có cơ hội để gần Chúa hơn, cảm nhận được sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống và tìm thấy sức mạnh tinh thần để đối mặt với những khó khăn hằng ngày. Như lời chia sẻ của những anh chị em khuyết tật “Chúng con cảm thấy biết ơn Giáo hội vì đã đón nhận chúng con. Được tham gia vào các cử hành phụng vụ giúp chúng con cảm thấy mình có giá trị và được yêu thương” hoặc “Khi được tham gia vào các hoạt động của Caritas, ca đoàn… chúng con nhận ra rằng, bất kể hoàn cảnh khó khăn nào, chúng con vẫn có chỗ đứng trong Giáo hội. Điều này thật sự quý giá đối với chúng con.”

 

Người khiếm thị tham gia đọc sách trong Thánh Lễ

Tuy nhiên, trong thực tế của đời sống Giáo hội, rất ít người khuyết tật được tham gia vào các hoạt động của Giáo hội, nhiều người khuyết tật có đủ khả năng, đủ nghị lực để góp phần xây dựng Giáo hội, nhưng họ lại không nhận được sự hỗ trợ, động viên khích lệ của Giáo hội, để phát triển khả năng của mình và hoà nhập vào cộng đồng. Có người khuyết tật đã chia sẻ rằng “chúng con là những người nghèo nhất trong những người nghèo của Giáo hội và xã hội”.

Việc mở rộng và mời gọi người khuyết tật tham gia vào các hoạt động của Giáo hội không chỉ là một hành động cần thiết mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Giáo hội, với vai trò là ngôi nhà chung của mọi tín hữu, cần không ngừng nỗ lực để tạo nên một môi trường yêu thương, chấp nhận và hòa nhập cho tất cả mọi người, bao gồm người nghèo, người khuyết tật.

II. GIÁO HỘI ĐÃ VÀ ĐANG LÀM GÌ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

(Tham gia đời sống Giáo hội: Cơ hội và thách thức cho người khuyết tật)

Chúa Giêsu đã dạy: “Anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15,14). Ngài đã dành cho nhân loại chúng ta một tình bạn vượt trên mọi không gian và thời gian và tình bạn ấy không bao giờ bị phá hủy. Một khi đã là bạn, thì Chúa Giêsu luôn đồng hành với chúng ta trong mọi hoàn cảnh, dù có lúc chúng ta cảm thấy như Thiên Chúa vắng bóng trong những thời khắc chúng ta đau khổ vì bệnh tật.[3]

Trong xã hội ngày nay, người khuyết tật vẫn luôn là những đối tượng cần sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng, đặc biệt là từ Giáo hội, họ là những người bạn “rất thân” của Chúa Giêsu. Người khuyết tật, một nhóm đối tượng được xếp vào những người nghèo nhất và bị bỏ rơi, đã và đang nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Caritas Việt Nam cũng như từ các Caritas Giáo phận. Những nỗ lực này không chỉ dừng lại ở việc cung cấp hỗ trợ vật chất và hỗ trợ sự trưởng thành trong đức tin, mà còn mở ra nhiều cơ hội để người khuyết tật – là những người nghèo tham gia vào đời sống Giáo hội, góp phần xây dựng một cộng đồng yêu thương, tôn trọng, bình đẳng và biết chia sẻ.

1. Các cơ hội

1.1 Hỗ trợ tinh thần và tâm linh

– Từ cộng đồng trong Giáo hội: Cung cấp sự hỗ trợ tinh thần và tâm linh qua các hoạt động như thánh lễ, nhóm cầu nguyện và các buổi cầu nguyện, các buổi sinh hoạt cộng đồng với ước mong người khuyết tật luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ họ nỗ lực vươn lên ngày càng hoà nhập tốt hơn với cộng đồng.

– Sự lắng nghe, an ủi và hy vọng: Qua các chuyến viếng thăm, trò chuyện và lắng nghe người khuyết tật, Giáo hội thường mang đến thông điệp về tình yêu thương đong đầy tình người, niềm hy vọng và sự an ủi xoá tan những mặc cảm, giúp người nghèo và người khuyết tật nhận ra tình thương chứa chan Chúa dành cho họ để họ tìm thấy ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống.

1.2 Phát triển cá nhân và kỹ năng

– Chương trình giáo dục và đào tạo: Nhiều giáo xứ hoặc Caritas giáo phận thường xuyên tổ chức các lớp học, khóa đào tạo kỹ năng sống, đào tạo việc làm và các chương trình giáo dục miễn phí hoặc với chi phí thấp cho người khuyết tật và các hội viên, tình nguyện viên hỗ trợ người khuyết tật. Họ là những cánh tay nối dài tình yêu của Thiên Chúa đến với những người có hoàn cảnh khó khăn – có thêm kiến thức thấu hiểu và kỹ năng phục vụ người yếu thế trong xã hội cách hiệu quả để giúp người khuyết tật phát triển bản thân, tạo cơ hội cho họ có việc làm để có thể tự nuôi sống bản thân.

– Cơ hội tình nguyện: Thông qua việc tham dự các khoá tập huấn và tham gia vào các hoạt động tình nguyện trong giáo xứ, các hội viên và tình nguyện viên có thể mang lại niềm vui và giúp người khuyết tật, người nghèo rèn luyện kỹ năng, tạo dựng mối quan hệ và cảm thấy mình có ích cho cộng đồng và cho xã hội.

1.3 Hỗ trợ vật chất và tài chính:

– Quỹ hỗ trợ và dịch vụ xã hội: Nhiều giáo phận, giáo xứ đã xây dựng quỹ hỗ trợ và các dịch vụ xã hội như cung cấp thực phẩm, quần áo, nơi ở tạm thời, thuốc và các dụng cụ hỗ trợ y tế cho những anh chị em khuyết tật, người nghèo…

– Giúp đỡ khẩn cấp: Caritas giáo phận, Caritas Việt Nam thường có các chương trình hỗ trợ khẩn cấp cho những người khuyết tật gặp khó khăn đột xuất để giúp họ vượt qua những khó khăn tạm thời.

1.4 Hòa nhập cộng đồng:

– Môi trường thân thiện và bao dung: Qua các chương trình gặp gỡ, giao lưu giữa các hội viên đồng hành cùng anh chị em khuyết tật, các giáo phận, giáo xứ luôn cố gắng tạo ra một môi trường thân thiện, bao dung và không phân biệt đối xử, giúp người khuyết tật cảm thấy được chào đón và được tôn trọng.

– Xây dựng mối tương quan xã hội: Tham gia vào các hoạt động trong giáo xứ giúp người khuyết tật và người nghèo xây dựng mối quan hệ xã hội và tìm thấy sự hỗ trợ từ cộng đồng.

2. Những thách thức và thao thức dành cho những anh chị em khuyết tật

Bên cạnh các cơ hội hỗ trợ người khuyết tật phát triển các kỹ năng và hoà nhập cộng đồng, Giáo hội vẫn còn đó những thách thức và thao thức dành cho những anh chị em khuyết tật.

2.1 Tiếp cận vật lý

– Cơ sở hạ tầng: Mặc dù có những cố gắng trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nhiều nhà thờ và cơ sở của Giáo hội vẫn chưa hoàn toàn thích ứng để phục vụ người khuyết tật. Việc thiếu các lối đi dành cho xe lăn, nhà vệ sinh tiện nghi và hệ thống âm thanh hỗ trợ là những vấn đề cần được giải quyết.

– Thiếu thiết bị hỗ trợ kỹ thuật: Không đủ thiết bị kỹ thuật hỗ trợ như thang máy, nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật.

2.2 Rào cản về nhận thức và thái độ

– Phân biệt đối xử: Một số thành viên trong cộng đồng có thể có thái độ không tích cực hoặc phân biệt đối xử với người khuyết tật và người nghèo; sự thiếu thiện chí để nhìn nhận cuộc sống của những người khuyết tật một cách chính xác như nó là – cuộc sống của những người con bình đẳng của Thiên Chúa, cùng nhau lao động tuỳ theo ân sủng và tài năng trong vườn nho của Chúa.[4]

– Thiếu nhận thức: Do việc thiếu nhận thức về nhu cầu cần có của người khuyết tật và người nghèo, điều đó có thể dẫn đến việc thiếu sự thấu hiểu và sự hỗ trợ dành cho họ.

2.3 Rào cản tài chính

– Chi phí tham gia: Một số sinh hoạt của Giáo hội có thể yêu cầu chi phí, gây khó khăn hoặc không tạo cơ hội cho người nghèo và người khuyết tật có điều kiện tham gia cùng.

2.4 Rào cản về giao tiếp:

– Khó khăn trong giao tiếp: Người khuyết tật bị khuyết về thính giác hoặc thị giác có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin và giao tiếp.

– Thiếu dịch vụ hỗ trợ giao tiếp: Thiếu các dịch vụ phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu hoặc tài liệu đọc dễ hiểu cho người khuyết tật.

Và thách thức lớn nhất mà Giáo hội phải đối mặt là sự kỳ thị và định kiến từ cộng đồng đối với người khuyết tật. Những con người đau khổ này bị xem như là thành phần không còn hữu ích hoặc như gánh nặng cần loại bỏ. Cũng có khi họ bị từ khước việc chăm sóc thiêng liêng và trao ban các Bí tích. Chính những kỳ thị và thái độ phân biệt đối xử này đã như một cái dằm đâm sâu thêm vào vết thương vốn dĩ đau nhói của những anh chị em khuyết tật giờ lại càng thêm rướm máu. Mặc dù Giáo hội đã nỗ lực thúc đẩy sự hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật, nhưng thay đổi nhận thức của mọi người dành cho họ là một quá trình lâu dài và phức tạp.

Với những thách thức và thao thức ấy, Giáo hội, với tình yêu thương và lòng nhân ái, vẫn đang làm mọi cách thế để dang rộng vòng tay đón nhận những anh chị em khuyết tật vào trong lòng Giáo hội. Và tình thương ấy được thể hiện qua sự chào đón và tiếp nhận người khuyết tật trong Giáo hội, qua các hoạt động cụ thể của Caritas Việt Nam, các Caritas giáo phận.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA UỶ BAN BÁC ÁI XÃ HỘI – CARITAS VIỆT NAM

Uỷ Ban Bác Ái Xã Hội – Caritas Việt Nam là tổ chức hoạt động bác ái xã hội trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Caritas Việt Nam bao gồm Văn phòng Caritas Việt Nam và 27 Caritas giáo phận (gọi chung là “Caritas Việt Nam”). Trong mỗi Caritas giáo phận, mạng lưới Caritas được triển khai đến giáo hạt, giáo xứ. Dưới ánh sáng của Lời Chúa và giáo huấn của Giáo hội, mọi thành viên trong gia đình Caritas thực thi hoạt động bác ái mang đặc tính Kitô giáo, hướng đến việc loan báo Tin Mừng. Cho đến nay các Caritas giáo phận đã triển khai nhiều chương trình và hoạt động nhằm hỗ trợ người khuyết tật, giúp họ có thể hòa nhập và tham gia vào đời sống Giáo hội. Một số hoạt động tiêu biểu bao gồm:

1. Chương trình hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng

Caritas Việt Nam thường xuyên tổ chức các đợt khám chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ bảo hiểm y tế, cung cấp thiết bị y tế cần thiết như xe lăn, khung tập đi, gậy, hỗ trợ lắp chân giả… và hỗ trợ phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Điều này giúp cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của họ.

Đối với người khoẻ mạnh, chiếc xe lăn chẳng có ý nghĩa gì, nhưng với người khuyết tật, chiếc xe lăn là phương tiện rất cần thiết. Nó trở thành đôi chân giúp họ tiếp tục tiến bước trên đường đời. Sau 4 năm tạm ngưng chuyển giao xe lăn đến ngững người khuyết tật do giãn cách vì đại dịch Covid-19, Caritas Việt Nam cùng đồng hành với Hội xe lăn tình thương – Wheelchair of Love tại Hoa Kỳ đã trao tặng 676 chiếc xe lăn, 100 khhung tập đi và 100 gậy chống cho những người khuyết tật thuộc các giáo phận của các giáo tỉnh Hà Nội và Huế. Cuộc hành trình trao xe lăn cho những người khuyết tật cũng đã chạm đến trái tim của từng người trong đoàn trao tặng, một cảm xúc khó quên, sự cảm thông chia sẻ vì được tận mắt chứng kiến, được gặp gỡ, trò chuyện và lắng nghe những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, là những cụ ông, cụ bà với những năm tháng vất vả mưu sinh cho đến tuổi già thì đôi chân không còn mạnh khỏe, có những bạn còn rất trẻ đã bị tai biến, bị tai nạn lao động hoặc các em nhỏ bị dị tật bẩm sinh.[5]

2. Chương trình giáo dục và đào tạo nghề

Nhằm giúp người khuyết tật có thể tự lập và có cơ hội có việc làm, Caritas Việt Nam tổ chức các lớp học và khóa đào tạo kỹ năng nghề, các chương trình hỗ trợ học bổng… Nhờ đó, nhiều người khuyết tật đã có thể tìm được việc làm phù hợp, cải thiện thu nhập và tự tin hơn trong cuộc sống.

Caritas Vinh, với sự hỗ trợ của Caritas Việt Nam, đã tổ chức Khóa tập huấn Quản lý và Phát triển kinh tế hộ gia đình cho người khuyết tật đang còn khả năng lao động và cho gia đình của họ. Nhờ đó, họ có cơ hội học hỏi về các loại hình kinh doanh phù hợp, nắm bắt được các yếu tố quan trọng của việc quản lý tài chính cũng như có kế hoạch cụ thể để thực hiện kế hoạch nhằm cải thiện cuộc sống của mỗi gia đình.[6]

3. Chương trình hỗ trợ tâm lý và tinh thần

Caritas Việt Nam không chỉ quan tâm đến sức khỏe thể chất mà còn chú trọng đến đời sống tâm linh và tinh thần của người khuyết tật. Các buổi tư vấn, sinh hoạt cộng đồng, và các hoạt động tôn giáo giúp họ cảm thấy được yêu thương, được tôn trọng và được động viên tinh thần.

Tại giáo xứ Cựu Viên thuộc giáo hạt Kẻ Sặt, Caritas Hải Phòng tổ chức ngày gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ nhân ngày Người khuyết tật Việt Nam. Ngày gặp gỡ quy tụ gần 140 anh chị em khuyết tật đến từ các giáo hạt, các nhóm, câu lạc bộ. Mở đầu ngày gặp gỡ, cộng đoàn cùng sốt sắng chầu Thánh Thể, cùng hiệp lòng dâng lên Thiên Chúa Cha xin Ngài xót thương những anh chị em khuyết tật, anh chị em đang gặp khổ đau, nghịch cảnh trên đường đời. Mục đích của ngày gặp gỡ là buổi sinh hoạt cộng đồng với các câu chuyện giao lưu chia sẻ, qua đó anh chị em khuyết tật thể hiện sự lạc quan, nghị lực vượt lên số phận, như trường hợp chị Nguyễn Thị Hòa (Kiến Quốc, Kiến Thụy, Hải Phòng) gần như cả cuộc đời gắn chặt với chiếc xe lăn, nhưng đã quy tụ được nhiều anh chị em cùng cảnh ngộ sinh hoạt trong Câu lạc bộ “Khát Vọng Cỏ Dại” để nâng đỡ nhau, truyền cảm hứng và sự lạc quan cho nhau trong cuộc sống.[7]

4. Chương trình phát triển cộng đồng

Caritas Việt Nam cũng tham gia vào các hoạt động phát triển cộng đồng, xây dựng các nhóm hỗ trợ, tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu để người khuyết tật có cơ hội tương tác, học hỏi và phát triển bản thân trong một môi trường thân thiện, tôn trọng và bao dung, bất kể khả năng của họ.

Sự tham gia của người khuyết tật vào đời sống Giáo hội không chỉ mang lại lợi ích cho chính họ mà còn làm phong phú thêm cho cộng đồng Giáo hội. Nhờ những nỗ lực của Giáo hội và Caritas Việt Nam, người khuyết tật đã có nhiều cơ hội hơn để hòa nhập, phát triển và đóng góp vào xã hội. Đây là một minh chứng sống động cho tình yêu thương và lòng nhân ái của Giáo hội, khẳng định rằng trong mắt Chúa, mọi người đều có giá trị và xứng đáng được yêu thương, được tôn trọng như nhau.

“Giáo hội của người nghèo” sẽ thất bại khi Giáo hội tự coi mình là một tổ chức tràn ngập hạnh phúc mà người khuyết tật lại bị gạt ra bên lề xã hội. “Giáo hội của người nghèo” chính là nguyên tắc cốt lõi, là tâm niệm, là sứ mệnh của Giáo hội, của từng Kitô hữu. Mặc dù đối diện với nhiều thách thức, Giáo hội luôn thao thức và vẫn tiếp tục nỗ lực để dang rộng vòng tay yêu thương ôm lấy tất cả mọi thành phần Dân Chúa vào lòng Giáo hội. Lúc ấy Giáo hội mới có thể thực sự là “Giáo hội của người nghèo”, là nơi mọi người được yêu thương, được tôn trọng và được đón nhận.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 144 (Tháng 11 & 12 năm 2024)

 ————

[1] https://www.undp.org/sites/g/files/zskgke326/files/migration/vn/Xoa-bo-ky-thi_13.4.18.pdf

[2] x. Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho ngày Quốc tế người khuyết tật 2021

[3] x. Sứ điệp Ngày Quốc tế Người Khuyết tật 2021

[4] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/nguoi-khuyet-tat-trong-doi-song-giao-hoi-53122  

[5] https://caritasvietnam.org/caritas-viet-nam-huong-toi-%E2%80%9Cngay-cua-nguoi-khuyet-tat-the-gioi%E2%80%9D-03-12-2023/

[6] https://caritasvietnam.org/caritas-vinh-khoa-tap-huan-quan-ly-va-phat-trien-kinh-te-ho-gia-dinh

[7] https://gphaiphong.org/tin-quan-trong/caritas-hai-phong-ngay-gap-go-giao-luu-chia-se-nhan-ngay-nguoi-khuyet-tat-viet-nam-10938.html

Nguồn: hdgmvietnam.com