Làm sao để Lời Chúa luôn tươi mới?

22/02/2025

Trình thuật Thánh Kinh “Người ta bảo Con Người là ai?”, được dùng rất nhiều trong Năm Phụng Vụ. Tùy theo bối cảnh phụng vụ, mà các Nhà Phụng Vụ sẽ chọn câu in nghiêng của Bài Tin Mừng, thậm chí, ngay cả khi chọn câu in nghiêng giống nhau, thì cũng, tùy bối cảnh phụng vụ của ngày hôm đó, mà các Nhà Phụng Vụ sẽ chọn Bài Đọc, Đáp Ca, Câu Tung Hô Tin Mừng cho phù hợp. Nếu ta chỉ có một bài suy niệm duy nhất, một lần thay cho tất cả, thì ta đang bóp nghẹt Lời Chúa, làm cho Lời Chúa trở nên nghèo nàn, cũ kỹ, mất sức sống.

Trình thuật Thánh Kinh “Người ta bảo Con Người là ai?” vào ngày Thứ Năm Tuần VI Thường Niên Năm Lẻ (Mc 8,27-33), các Nhà Phụng Vụ muốn nhắm vào “lời hứa cứu độ”, giao ước giữa Thiên Chúa với loài người, vì thế, Bài đọc một, sách Sáng Thế nói về giao ước Nôê: Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất. Bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 101: Từ trời cao, Thiên Chúa thiết lập giao ước với cõi trần (Du ciel, le Seigneur fait alliance avec la terre). Câu Tung Hô Tin MừngLạy Chúa, Lời Chúa là thần khí và là sự sống; Chúa có những lời đem lại sự sống đời đời. Bài Tin MừngThầy là Đấng Kitô. Con Người phải chịu đau khổ nhiều. Giao ước đã lập ra muôn đời Chúa nhớ mãi, chỉ có ta bội tín, thất trung, chứ, Chúa thì luôn trung thành với lời Người đã hứa, vì thế, lời hứa của Người chính là thần khí, là sự sống, gieo rắc hy vọng, làm cho ta được sống và sống dồi dào. Satan luôn tìm cách làm cho ta nghi ngờ, thất vọng, buông xuôi, vì thế, ta phải giữ vững niềm tin của mình, bởi vì, nếu Thiên Chúa đã gác cây cung lên mây, để làm dấu hiệu giao ước giữa Người với ta, thì, Đức Kitô, Đấng đã vác cây thập giá lên vai, để tỏ cho ta thấy cách thức mà Thiên Chúa thực hiện lời hứa của Người: có đau khổ nào, có sỉ nhục nào, bằng, đau khổ và sỉ nhục của thập giá? Đấng phải chịu nhiều đau khổ đã mang lấy, vác lấy tất cả mọi bệnh hoạn tật nguyền, đau khổ của ta. Nếu ta bước theo Người trong đau khổ, chắc chắn, ta sẽ được ở với Người trong vinh quang.

Trình thuật Thánh Kinh “Người ta bảo Con Người là ai?” vào ngày Lễ Lập Tông Tòa Thánh Phêrô ngày 22-02 (Mt 16,13-19), các Nhà Phụng Vụ muốn nhắm vào sứ mạng thủ lãnh của thánh Phêrô, vì thế, Bài đọc một, trích thư thứ nhất, thánh Phêrô nói: Tôi thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Kitô. Bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 22: Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Câu Tung Hô Tin MừngAnh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Bài Tin MừngAnh là Phêrô, Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Bộ ba Thánh Vịnh 21, 22, 23: Cây thập giá (TV 21: tư tế, thánh hóa), Cây gậy mục tử (Tv 22: ngôn sứ, giáo huấn), Cây vương trượng (Tv 23: vương đế, quản trị). Cây gậy mục tử và cây vương trượng phải được lấy mẫu và quy hướng về cây thập giá, chính vì thế, trong bài đọc một, thánh Phêrô tự nhận mình là thủ lãnh, thuộc hàng kỳ mục, nhưng, hơn hết là chứng nhân những đau khổ của Đức Kitô. Lời Tổng Nguyện của ngày lễ hôm nay là: Chúa đã thiết lập Hội Thánh trên nền đá vững bền là lời tuyên xưng đức tin của thánh Tông Đồ Phêrô, xin gìn giữ Hội Thánh khỏi nao núng giữa cảnh đời thử thách gian nan. Hội Thánh sẽ được Chúa giữ gìn khỏi những nao núng giữa cảnh đời gian nan thử thách này, nếu Hội Thánh luôn biết quy hướng về Vị Mục Tử Nhân Lành, đã hy sinh tính mạng vì đoàn chiên, và biết để cho Thần Khí của Thiên Chúa hướng dẫn, Thần Khí nào tuyên xưng Đức Kitô là Chúa, là Đấng Cứu Độ Duy Nhất, thì đó là Thần Khí của Thiên Chúa. Chính Thần Khí đó đã soi sáng cho thánh Phêrô, để người tuyên xưng, và Hội Thánh đã được thiết lập trên nền đá vững bền đó.

Trình thuật “Người ta bảo Con Người là ai?”, còn được dùng vào nhiều dịp khác nữa trong Năm Phụng Vụ, nhưng, mỗi lần mỗi khác, tùy vào bối cảnh phụng vụ của ngày hôm đó, ước gì khi suy niệm Lời Chúa, ta luôn bám sát Phụng Vụ, để Lời Chúa luôn được tươi mới.

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB