Ngày 21.9 – Thánh Phanxicô JACCARD PHAN (NINH), Linh mục tử đạo (1799 – 1838)

05/08/2018

Ngày 21 tháng 09

Thánh Phanxicô JACCARD PHAN (NINH)

Linh mục Thừa Sai Paris (MEP) (1799 – 1838)

 

“Vì tôi là linh mục, nghĩa vụ của tôi là dạy họ đọc

các sách nói về đạo, tôi không thể đốt số sách đó.” 

Chào đời ngày 06-09-1799 tại Onion thuộc miền Savoie nước Pháp, trong một gia đình nông dân nghèo nhưng đạo đức, cậu Phanxicô Jaccard thuở nhỏ ham chơi hơn ham học. Khi được cha mẹ gửi vào tiểu chủng viện Mélan, cậu luôn “đội sổ” nên đâm ra chán, trốn về gia đình. Nhưng sau, nhờ bạn bè thân nhân khích lệ, cậu xin trở lại chủng viện và đoan hứa sẽ cố gắng tới cùng.

Với sự chuyên cần và nỗ lực, cậu hoàn thành chương trình tiểu chủng viện, rồi được lên Đại Chủng viện Chambéry năm 1819. Hai năm sau, thầy Jaccard xin gia nhập Hội Thừa Sai Paris và thụ phong linh mục ngày 15-03-1823. Liền đó, khi được đề cử làm giám đốc Đại Chủng viện, cha thẳng thắn trình bày với các Bề trên: “Con tình nguyện vào đây để đi phương xa truyền giáo.”

Ngày 10-07-1823, cha Jaccard xuống tàu tại cảng Bordeaux, tháng 11-1824 cập bến Macao (Trung Hoa), nhưng mãi tháng 02-1826, vị thừa sai mới đến được địa phận Đàng Trong (từ Quảng Bình trở vào). Sau một thời gian học tiếng Việt ở chủng viện An Ninh, cha lấy tên tiếng Việt là Phan, hoạt động mục vụ tại các giáo xứ Nhu Lý, Phủ Cam, rồi làm giám đốc chủng viện An Ninh (Quảng Trị).

Tháng 07-1828, bị vua Minh Mạng (trong ý đồ quản thúc các Thừa sai) triệu về Kinh đô, ở Cung Quán, dịch các tài liệu tiếng Pháp ra tiếng Việt, cha Phan xin đến ở họ Dương Sơn cách kinh thành 15 cây số, để vừa giúp các tín hữu vừa dịch sách cho hoàng cung. Dù vậy, nhà vua vẫn căm ghét đạo. Tháng 09-1831, bị án tử hình vì truyền đạo, cha Phan được vua đổi qua án sung quân, bắt vào quân đội hoàng gia, và được điệu về Cung Quán tiếp tục dịch sách.

Tháng 01-1833, sau sắc lệnh cấm đạo toàn quốc, vị thừa sai có thêm bạn đồng hành là cha Ôdôricô Phương dòng Phanxicô. Mỗi đêm, hai vị âm thầm dâng lễ với nhau ở Cung Quán. Thời gian này, miền Nam có cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi (con nuôi Tả quân Lê Văn Duyệt, khi ấy đã chết). Vua Minh Mạng nghe đồn các tín hữu tham gia rất đông, nên lo sợ và thảo một lá thư dụ hàng, đưa 2 vị thừa sai ký. Hai cha viết một lá thư khác kêu gọi các tín hữu chớ nên chống lại triều đình.

Dù thế, vua Minh Mạng vẫn truyền xử tử cả hai. Nhờ sự can thiệp của Hoàng Thái hậu Thuận Thiên, bản án đổi thành lưu đày chung thân tại Lao Bảo (biên giới Lào), nơi rừng sâu nước độc. Cuộc sống kham khổ, đói khát và bệnh sốt rét ác tính đã cướp đi sinh mạng cha Ôdôricô ngày 25-05-1834 sau một tuần liệt giường. Đến tháng 09-1835, vì cần người, nhà vua lại đưa cha Phan về giam ở Cam Lộ (Quảng Trị) để làm giáo sư dạy tiếng Pháp cho 6 thanh niên vua gửi đến.

Mùa Xuân năm 1838, linh mục Candalh Kim bạo gan mở chủng viện tại Di Loan, Quảng Trị. Được mật báo, nhà vua hạ lệnh cho quan tại địa phương vây bắt. Chủng viện An Ninh gần Di Loan bị triệt hạ, cha giám đốc Candalh Kim chạy thoát vào núi, vua liền trút cơn thịnh nộ lên cha Phan là “kẻ thông đồng”.

Ngày 17-03, cha bị áp giải về Quảng Trị. Tại đây, quan cho đánh đòn vị thừa sai để bắt cha phải bỏ đạo. Cha trả lời: “Đạo của tôi không do đức vua, nên tôi không buộc bỏ đạo theo ý vua được.” Quan giám sát thẩm vấn: “Tại sao ông gửi những sách vở đến Di Loan?” Cha Jaccard Phan điềm tĩnh trả lời: “Vì tôi là linh mục, nghĩa vụ của tôi là dạy họ đọc các sách nói về đạo, tôi không thể đốt số sách đó.” Quan giám sát tỏ vẻ hằn học, cho lính đánh cha Jaccard Phan 40 roi và truyền lệnh phơi nắng cho đến chiều tà và phải chịu nhiều cực hình tra tấn bằng kìm nung đỏ kẹp vào đùi, vô cùng đau đớn. Nhưng cha vẫn cương quyết không chối đạo.

Từ 18-07-1838, cha bị giam chung với chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện. Cha Phan nói với chú Thiện: “Dù sao đi nữa, chúng ta cũng phải trung kiên cho đến cùng.” Cuối cùng bản án triều đình cũng về đến tỉnh Quảng Trị. Sáng ngày 21-09-1838, quan quân dẫn hai cha con ra khỏi trại giam, đến bãi cát làng Nhan Biều (Quảng Trị).

Cha mong được gặp một linh mục để nhận lãnh Bí tích Hòa giải. Nên khi cha Anrê Nguyễn Hòa An từ Huế ra và được giáo dân báo tin rằng trên đường ra pháp trường, đoàn quan quân và hai tử tội sẽ dừng chân tại quán nước bên đường. Đứng xa xa quán nước ấy. Và khi thấy 2 vị cúi đầu đấm ngực ba lần, Cha già An liền ban phép giải tội cho 2 vị. Cha Phan muốn thấy tận mắt sự trung thành của môn sinh trẻ tuổi, nên xin quân lính xử chú Thiện trước. Sau đó, họ vòng dây qua cổ vị giáo sĩ rồi kéo mạnh hai đầu dây, đưa linh hồn ngài vào Thiên Quốc.

Bà mẹ của cha Phan, khi hay biết, đã reo lên: “Thật là tin vui, gia đình ta có một vị tử đạo. Xin chúc tụng Chúa. Tôi đã sợ sẽ buồn khổ biết bao, nếu con tôi bị khuất phục trước gian khổ, cực hình.”

Thi hài hai vị tử đạo được chôn cất ngay tại pháp trường, đến năm 1847 được cải táng về chủng viện Thừa Sai Paris.

Cha Jaccard Phan được nâng lên hàng chân phước ngày 27-05-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-06-1988.

———————————————————————–

CÂU HỎI:

1- Hỏi : Thánh Jaccard Phan (François Jaccard) chịu tử đạo dưới triều vua nào?

Thưa: Thánh Jaccard Phan (François Jaccard) chịu tử đạo dưới triều vua Minh Mạng.

2- Hỏi: Thánh Jaccard Phan chịu hình xử gì? năm nào và ở đâu?

Thưa: Thánh Jaccard Phan chịu xử giảo năm 1838 tại làng Nhan Biều tỉnh Quảng Trị.

3- Hỏi: Để ép bỏ đạo, quân lính tra tấn Thánh Jaccard Phan như thế nào?

Thưa: Quân lính tra tấn bằng kìm nung đỏ kẹp vào đùi, vô cùng đau đớn, nhưng thánh nhân vẫn cương quyết không chối đạo.

4- Hỏi: Thánh Jaccard Phan đã nói gì khi không chịu bỏ đạo?

Thưa: Thánh Jaccard Phan nói: “Vì Đạo của tôi không do đức vua, nên tôi không buộc bỏ đạo theo ý vua được.”

5- Hỏi: Bà mẹ của Thánh Jaccard Phan đã nói gì khi nghe tin cha tử vì đạo?

Thưa: Bà mẹ Thánh Jaccard Phan đã reo lên:“Thật là tin vui, gia đình ta có một vị tử đạo. Xin chúc tụng Chúa. Tôi đã sợ sẽ buồn khổ biết bao, nếu con tôi bị khuất phục trước gian khổ, cực hình.”

6- Hỏi: Thánh Jaccard Phan được kính nhớ vào ngày nào?

Thưa: Thánh Jaccard Phan được kính nhớ vào ngày 21 tháng 09.

Ban Biên soạn Tư liệu Năm Thánh Tử Đạo TGP Huế