Vì sao một số tín hữu chúng ta ngày càng ngại đi xưng tội?

21/12/2022

Theo bản tin của Vatican News ngày 25-10-2022 vừa qua, một khoá học hỏi đặc biệt dành cho giáo dân về bí tích giải tội có chủ đề “Các tội của con đã được tha. Cử hành bí tích Giải tội ngày nay” đã được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 14 tháng 10 năm 2022, tại trụ sở Tòa Ân Giải Tối Cao ở Roma.[1]

Theo bản tin trên, thuyết trình viên trong khóa học này là Đức ông Krzysztof Nykiel, phó Toà Ân Giải Tối Cao, đã trình bày về “Những lý do (tốt) để không xưng tội”. Đặt tựa đề như thế, Đức ông muốn kích thích sự hiếu kỳ lành mạnh của các tham dự viên. Và từ đó, Đức ông đã đưa ra những câu trả lời cho các lý do “tốt” được đưa ra để viện cho lý do không xưng tội. Đức ông Krzysztof Nykiel cho biết khoá học được tổ chức theo yêu cầu của nhiều giáo dân. Toà Ân Giải Tối Cao đã cân nhắc kỹ mong muốn hiểu rõ hơn về Bí tích Giải tội, về tầm quan trọng và sự cần thiết của bí tích này trong đời sống Kitô hữu và đã quyết định cổ võ và tổ chức một sự kiện dành riêng cho bí tích này.

Theo Đức ông Nykiel, nguồn gốc và mục đích của khoá học hỏi về bí tích Giải tội dành cho tất cả các tín hữu và đặc biệt là giáo dân, những người thường có ít cơ hội được đào tạo trong lĩnh vực này: để làm cho bí tích được biết đến nhiều hơn và do đó, yêu mến và sống bí tích mà không sợ hãi, nhưng với đức tin chân thành và với lòng nhiệt thành xuất phát từ ý thức rằng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta.

Trong bài nói chuyện này, Đức ông Phó Toà Ân Giải Tối cao đã cố gắng đáp lại những phản đối phổ biến nhất đối với bí tích Hòa giải, ngài đưa ra cho mỗi vấn nạn một câu trả lời để giúp nhìn thấy vẻ đẹp, tầm quan trọng và sự cần thiết của chính bí tích đối với lời kêu gọi nên thánh của chúng ta. Ngài cho biết, nghiên cứu về những lý do chính được các tín hữu đưa ra để không đi xưng tội, ngài có thể xác minh rằng căn cội của tất cả những phản đối chỉ là một, đó là: chống lại tình yêu.

Nội dung chính của bài nói chuyện đã đề cập cách khá chi tiết đến 10 lý do phổ biến thường được các tín hữu nêu lên để không đi xưng tội. Sau đây là tóm lược các lý do đó như sau:

1- “Tôi không đi xưng tội vì tôi nói trực tiếp với Thiên Chúa;

2- “Tôi không đi xưng tội bởi vì tôi không thích nói chuyện của tôi cho người khác nghe;

3- “Tôi không đi xưng tội bởi vì linh mục có thể còn tội lỗi hơn tôi;

4- “Tôi không đi xưng tội bởi vì tôi không biết xưng gì;

5- “Tôi không đi xưng tội bởi vì tôi xấu hổ;

6- “Tôi không đi xưng tội bởi vì tôi luôn xưng cùng những tội đó;

7- “Tôi không đi xưng tội bởi vì căn bản tôi là một người tốt, không trộm cắp điều gì và cũng chẳng giết hại ai;

8- “Tôi không đi xưng tội bởi vì tôi không thoải mái trong lần xưng tội gần đây nhất;

9- “Tôi không đi xưng tội bởi vì tòa giải tội khiến tôi cảm thấy ngột ngạt;

10- “Tôi không đi xưng tội bởi vì tôi không tin vào bí mật toà giải tội.

Được biết, cách đây hơn hai năm, trên trang web của GX An Phú (Giáo hạt Tân Định TGP Saigon) cũng có đăng bài chia sẻ của linh mục Giu-se Vũ Thái Hòa về đề tài “Giải đáp một số thắc mắc về việc Xưng tội[2] . Trong phần mở đầu, ngài viết: “Chúng ta nhận xét thấy rằng, ngày nay, người Công giáo ngày càng ít đi ‘xưng tội’, nhất là ở các xứ Tây phương. Họ không đi vì nhiều lý do khác nhau. Lý do quan trọng nhất, có lẽ họ chưa hiểu tường tận ý nghĩa và sự phong phú của bí tích Hòa Giải. Trong tinh thần ấy, tôi xin mạn phép trả lời và giải thích vắn tắt một vài lý do mà một số tín hữu thường đưa ra, cũng như giải đáp một số thắc mắc về vấn đề ‘xưng tội’.”

Tiếp theo, trong suốt bài viết vừa nêu, tác giả đã đề cập đến 7 lý do mà các tín hữu chúng ta thường đưa ra để biện minh cho việc không thích đi xưng tội. Dưới đây là liệt kê tổng quát các lý do ấy như sau:

1- “Tôi ngại đi xưng tội vì lần nào cũng xưng tội đó hoài!

2- “Tôi không biết phải nói gì với vị linh mục

3- “Tôi không cảm thấy cần đi xưng tội

4- “Tôi cảm thấy xấu hổ khi đi xưng tội

5- “Mỗi năm xưng tội một lần là đủ rồi!

6- “Tôi thích xưng tội tập thể hơn!

7- “Tôi thích xưng tội trực tiếp với Chúa

Xét như vậy, ta thấy rằng cả hai tác giả đều dựa trên thực tế để đưa ra một loạt những lý do khá giống nhau nhằm giải thích việc nhiều tín hữu ngày nay ít đi xưng tội. Đó được coi là một thực trạng rất đáng quan tâm và lưu ý. Qua bài viết này, dưới cái nhìn của người tín hữu trong hoàn cảnh hôm nay và tại đây, chúng ta thử liệt kê ra thêm một số lý do chủ quan và khách quan khác liên quan đến việc tín hữu ngại đi xưng tội.

Chúng ta biết rằng, mặc dù Hội thánh khuyến khích tín hữu nên đi xưng tội thường xuyên hay ít ra mỗi năm cũng một lần nhưng nhiều người trong chúng ta vẫn cứ cố tình né tránh không muốn đi xưng tội. Chúng ta đưa ra nhiều lý do để biện minh cho việc này của mình. Ở đây, ta có thể dựa vào một số lý do mà các chuyên gia đã liệt kê bên trên, đồng thời cũng dựa trên thực tế và kinh nghiệm của nhiều người tại nhiều nơi để đưa ra một số lý do chính khiến nhiều người Công giáo chúng ta không muốn đi xưng tội.   

MỘT VÀI LÝ DO CHÍNH KHIẾN NHIỀU NGƯỜI KHÔNG MUỐN ĐI XƯNG TỘI

Xét về những lý do khiến không ít người rất ngại đi xưng tội, ta thấy có một số lý do chủ quan cũng như khách quan. Ở đây dựa vào kinh nghiệm của nhiều người Công giáo và trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta sẽ bàn kỹ hơn về một số các lý do phổ biến khiến nhiều người không muốn đi xưng tội.

1. Nhiều người ít siêng năng xưng tội vì nghĩ rằng đó chỉ là một việc đạo đức bình thường

Đây là vấn đề thuộc về nhận thức. Có thể chúng ta cho rằng xưng tội là một việc đạo đức bình dân thông thường giống như đọc kinh, lần hạt, cầu nguyện, viếng Chúa, rước kiệu, vv… chúng ta có thể không thực hiện mà chẳng lỗi luật gì cả! Vì nghĩ như vậy nên ta không siêng năng xưng tội hay ta ngại đi xưng tội.

LM Vũ Thái Hòa trong bài (đã dẫn) có đoạn cắt nghĩa như sau:

Mặc dù “Giáo hội chỉ buộc đi ‘xưng tội’ (xưng các tội trọng) mỗi năm ít nhất là một lần. Nhưng Giáo hội mạnh mẽ khuyến khích các tín hữu năng đi lãnh nhận bí tích Hòa giải, mặc dù chỉ xưng các tội nhẹ thường ngày. Thật vậy, giữ tâm hồn thanh sạch một thời gian, dù ngắn ngủi, cũng là việc nên làm, cũng như việc tắm rửa thân thể của mình. Hơn nữa, những ai hiểu ý nghĩa của bí tích Hòa giải và năng lãnh bí tích này đúng cách sẽ thấy rằng bí tích Hòa giải không những rửa sạch mọi vết nhơ của tội lỗi, mà còn giúp đào tạo lương tâm của chúng ta, giúp chúng ta chống lại những khuynh hướng xấu, để Chúa Kitô chữa lành chúng ta, và giúp chúng ta tiến bộ trong đời sống thiêng liêng.”

Tác giả bài viết diễn giải thêm: “Hiện nay Giáo hội không gọi ‘bí tích giải tội’ nữa, nhưng là ‘Bí tích Hòa giải’. Việc đổi danh từ làm nới rộng ý nghĩa sâu xa của bí tích này. Thật vậy ‘hòa giải’ chỉ rõ mục đích và kết quả của bí tích: tình thân hữu được nối lại giữa Thiên Chúa và con người. Điều quan trọng nhất của bí tích không phải đặt nơi việc xưng tội nhưng là để Thiên Chúa hòa giải với chúng ta. Nói cách khác, đi ‘xưng tội’ không phải để gây ra ơn tha thứ của Chúa, nhưng để lãnh nhận ơn tha thứ đó. Dụ ngôn người con hoang đàng trong Phúc Âm (Lc 15,11-32) cho chúng ta hiểu hơn về điểm này: trước khi người con thứ hối hận trở về, người cha, với đôi tay luôn mở rộng, hằng kiên nhẫn ngóng chờ con trước ngõ. Chúng ta đi ‘xưng’ tội, nhưng đồng thời, chúng ta ‘tuyên xưng’ lòng nhân từ vô biên của Chúa và niềm hân hoan khôn xiết của Ngài khi được ôm chúng ta chặt hơn nữa trong vòng tay của Ngài. Nhưng ‘hòa giải’ cũng có nghĩa là sự hối cải trở về của chúng ta để làm hòa với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính bản thân mình. Như thế, để có Bí tích Hòa giải, phải có hai đối tượng: tội nhân sám hối trở về, và Thiên Chúa là Đấng giàu tình thương và tha thứ.”

LM Giu-se Thân Văn Tường, nguyên giáo sư tín lý Đại Chủng viện thánh Giu-se Saigon, trong một dịp tĩnh tâm hàng tháng cho các linh mục và tu sĩ ở các giáo hạt trong Giáo phận Long Xuyên đã nói như sau về Bí tích Hòa giải:

“Trong một văn minh mà người ta đã đánh mất ý nghĩa về sự tội như trong thế giới ngày nay, một trong những trách vụ chính của linh mục là củng cố nơi các tín hữu ý thức về sự lành sự dữ, và nhận biết mình luôn sai lỗi trước mặt Thiên Chúa. Vì thế, linh mục cần phải hiểu bí tích hoà giải là gì, và phải thi hành bí tích ấy thế nào để đào tạo nơi người tín hữu một lương tâm nhạy bén trước sự lành, sự dữ, và tìm thấy ở bí tích này một phương thuốc hữu hiệu.

“Bí tích này có nhiều tên qua các thời đại vì ý nghĩa phong phú của nó. Người ta gọi nó là:

– Bí tích về sự trở lại, vì nó thể hiện lời mời gọi của Đức Kitô với loài người sa ngã, phải trở lại với Đấng sáng tạo nên họ mà họ đã xa lìa vì phạm tội.

– Bí tích về sự sám hối vì đòi phải có ăn năn, cải đổi, và đền tội ở người tín hữu đến xưng tội.

– Bí tích xưng tội vì việc thú nhận tội lỗi của người đã phạm trước một linh mục ngồi toà là hành động thiết yếu của bí tích này.

– Bí tích thứ tha vì hành động thứ tha trong bí tích này đem lại sự tha tội và sự bình an cho người chịu nên.

– Bí tích hoà giải, vì nhờ bí tích này, kẻ có tội được làm hoà với Thiên Chúa, và được nhận lại làm con cái Người (2Cr 5,10).

“Loài người sau khi được sáng tạo đã phạm tội chống lại Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa nhân lành muốn thứ tha cho họ, nên đã sai Con Một mình xuống thế gian chuộc tội cho họ. Người đã đến thế gian làm người, chịu chết chuộc tội cho họ. Trong đời Người, Đức Kitô luôn kêu gọi loài người ‘trở lại’ để được hưởng nhờ ơn cứu chuộc ấy. ‘Nước Thiên Chúa đã đến gần, phải thống hối và tin vào Tin Mừng’ (Mc 1,15). Trong sứ vụ thể hiện ơn cứu độ của Đức Kitô trên loài người, Giáo Hội kêu gọi trước hết những người chưa biết Đức Kitô và Tin Mừng của Người. Phép Rửa tội là hành động trở lại nền tảng và trước tiên. Nhờ bí tích này, người ta được trở nên con cái Thiên Chúa, trong Giáo Hội là nhiệm thể Đức Kitô. Nhưng Giáo Hội cũng luôn phải trở lại vì Giáo Hội không chỉ gồm có các phần tử lành thánh, mà cũng gồm có các phần tử sa ngã nữa. Việc trở lại này không chỉ là hành động của con người, nhưng còn là hành động của Thiên Chúa kêu gọi ta đáp lại tình yêu của Người đã thương yêu ta trước. Sự sám hối và trở lại này đã được diễn tả trong dụ ngôn ‘Đứa con hoang đàng’ mà vai chính là người cha nhân lành (Lc 15,11-24).”[3]

Mặt khác, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã từng nói rằng người Công giáo cần phải xưng tội, bởi vì ai cũng cần được tha thứ tội lỗi, tha thứ những cách chúng ta suy nghĩ và hành động trái với Phúc Âm. “Ai bảo mình vô tội thì người ấy là kẻ nói dối hoặc bị mù”. Xưng tội chính là lúc hoán cải chân thành, là lúc bày tỏ niềm tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng sẵn sàng tha thứ cho con cái mình và giúp chúng quay về con đường theo bước Chúa Giê-su.

Như vậy ta nhận ra rằng việc xưng tội trong đời sống đức tin Ki-tô hữu là một việc cần thiết và quan trọng vì đó là bí tích do Chúa lập nên. Khi ta đến xưng tội, chẳng những ta được ơn tha thứ, được làm hòa với Thiên Chúa và anh em, mà ta còn đón nhận nhiều ơn thiêng liêng khác nữa.

2. Nhiều người không đi xưng tội vì nghĩ mình chẳng có tội gì cả

Nhiều người khẳng định rằng “tôi chẳng mắc tội gì cả, tôi chỉ phạm ít lỗi nhỏ mà thôi, tôi không cần phải đi xưng tội. Cả đời, tôi chẳng nói tục, chẳng ăn cắp ăn trộm của ai bao giờ, tôi chẳng đĩ điếm cờ bạc giết người, tôi không gây gổ đánh đập ai bao giờ, tôi cũng không nghiện ngập rượu chè hút sách, tôi chẳng gây gương mù gương xấu cho ai bao giờ, vv…”

Vậy thì tôi đi xưng tội để làm gì?

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã định nghĩa bí tích Giải tội là bí tích của niềm vui, vì qua đó chúng ta được gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng yêu thương và luôn tha thứ cho chúng ta mỗi khi chúng ta cầu xin Người với tấm lòng chân thành và ăn năn. Thực vậy, việc chúng ta đi xưng tội chẳng những chứng tỏ chúng ta có thiện chí muốn làm hòa với Thiên Chúa và với anh em mình, đồng thời đây cũng là cơ hội để chúng ta lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa và là dịp để ta ca tụng lòng thương xót vô biên của Người.

Trong lịch sử Hội thánh, đã có nhiều vị thánh siêng năng xưng tội, có khi hàng ngày, có khi hàng tuần… Được gặp Thiên Chúa để được Người ôm vào lòng thì không còn vấn đề thời gian hay không gian gì nữa. Được biết, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã xưng tội hằng ngày, ngài nói: “Theo ơn gọi mà con người nhận từ Thiên Chúa, tìm sự thánh thiện sẽ là ảo tưởng nếu không thường xuyên tham dự Bí tích Hòa giải. Những người thường xuyên xưng tội với ước muốn tiến bộ sẽ thấy những bước dài trong đời sống tâm linh”.

LM Giu-se Vũ Thái Hòa trong bài viết (đã dẫn) diễn giải như sau:

“Muốn đi xưng tội, nhưng phải có tội mới đi xưng được! Tuy thế, một số người mất cảm thức về tội lỗi của mình và khó nhận định được thế nào là tội, hoặc ngược lại, kiếm đủ mọi lý do để biện hộ hoặc tương đối hóa những hành động xấu của mình. Tội là sự bất tuân lề luật Chúa. Tội chỉ định một thái độ tiêu cực đối với Chúa, với tha nhân và với chính bản thân mình. Tội không chỉ là một loạt các điều vấp phạm ‘trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót’ (Kinh Sám Hối đầu Thánh lễ), nhưng là sự phủ nhận tình yêu thương, đóng kín trái tim mình đối với người khác, hoặc sự đồng lõa của mình vào các sự dữ. Tội nặng hay nhẹ tùy theo nhân đức bị lỗi phạm, nhất là đức ái; cũng tùy theo nhiều yếu tố: hoàn cảnh, ý muốn của mình, mức độ vô ơn với Thiên Chúa, gây gương xấu cho kẻ khác.

“Bình thường, các hối nhân xét mình và xưng tội dựa theo mười Điều Răn Đức Chúa Trời, sáu Điều Răn Hội Thánh và bảy mối tội đầu như: ‘Con phạm Điều Răn thứ… (bao nhiêu) lần’. Ngoài cách trên đây, mỗi người có thể đến gặp linh mục để kiểm điểm đời sống mình và nhìn nhận những tội lỗi, thiếu sót của mình một cách chi tiết và cụ thể đối với Chúa, đối với tha nhân và đối với chính bản thân mình.”

Nhân đây, chúng ta thử tham khảo nội dung một số câu hỏi xét mình trong “Bản gợi ý xét mình xưng tội của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong Mùa Chay 2014” để xét mình nhờ đó có thể phát hiện ra những lỗi-tội sâu kín trong ta:[4]

-Tôi có trở về với Chúa khi tôi gặp khốn khó không?

-Tôi có tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc không?

-Tôi có cầu nguyện sáng tối không?

-Tôi có hổ thẹn khi tỏ mình là người Kitô hữu không?

-Tôi có đi ngược lại chương trình của Thiên Chúa không?

-Tôi có ganh tị, nóng nảy, thiên kiến không?

-Tôi có trung thực và công bằng với mọi người hay tôi cổ võ cho “nền văn hóa vứt bỏ” ?

-Trong các mối tương quan hôn nhân và gia đình, tôi có sống đạo đức như Phúc Âm đã dạy không?

-Tôi có kính trọng cha mẹ không?

-Tôi có chối bỏ cuộc sống mới được tượng thai không? Tôi có tiêu huỷ hồng ân sự sống không? Tôi có cộng tác vào việc ấy không?

-Tôi có tôn trọng môi trường không?

-Tôi có vừa theo Chúa vừa theo thế gian không?

-Tôi có quá độ trong việc ăn uống, hút thuốc và giải trí không?

-Tôi có lo lắng quá mức về đời sống vật chất và của cải không?

-Tôi sử dụng thời giờ như thế nào? Tôi có lười biếng không?

-Tôi có đòi người khác phải phục vụ mình không?

-Tôi có mong muốn báo thù, nuôi dưỡng thù hận không?

-Tôi có hiền lành, khiêm tốn và xây dựng hòa bình không?

Như vậy, nếu ta xét mình một cách cẩn trọng và chu đáo, chúng ta sẽ bình an đến với Chúa tại tòa Hòa giải mà không chút sợ hãi, lo lắng gì.

3. Nhiều người ngại đi xưng tội vì không muốn xếp hàng chờ đợi lâu

Nhiều người cứ chờ đến các dịp lễ lớn mới đi xưng tội. Điều này dẫn đến hậu quả là ùn ứ, phải xếp hàng chờ đợi lâu giờ, thậm chí có người không đủ kiên nhẫn phải ra về! Mặc dầu tại hầu hết các giáo xứ, cha xứ đều bố trí nhiều tòa giải tội và mời nhiều linh mục đến giúp ngồi tòa, nhưng cảnh tượng xếp hàng “rồng rắn” vẫn xảy ra. Có lẽ một số người trong chúng ta mang tâm trạng nôn nóng muốn xưng cho xong nên không đủ kiên nhẫn chờ đợi! Bản thân người viết cũng có đôi lúc rơi vào tâm trạng ngại chờ, ngại đợi này. Để khắc phục, chúng ta có thể lựa chọn thời điểm khác lúc ít người để xưng tội, bởi vì các cha xứ rất hiểu hoàn cảnh của tín hữu và tạo điều kiện thuận tiện về thời gian để chúng ta bình tâm, thoải mái đến với tòa giải tội.

4. Nhiều người ngại đi xưng tội vì tòa giải tội khiến họ cảm thấy ngột ngạt

Đức ông Krzysztof Nykiel trong bài đã dẫn đã đề cập đến một lý do thường được một số tín hữu đưa ra, đó là: “Tôi không đi xưng tội bởi vì tòa giải tội khiến tôi cảm thấy ngột ngạt”, qua đó ngài nhấn mạnh là nếu ai đó thực sự có vấn đề với chứng sợ không gian kín, thì quy tắc về việc sử dụng tòa giải tội để bảo vệ danh tính của hối nhân có thể được miễn trừ.

Thực ra, đối với các tín hữu ngày nay, “không gian kín” hay “không gian mở” đều không quan trọng bằng sự thoải mái khi đến với tòa hòa giải. Ở đây chúng ta sẽ bàn đến ba yếu tố, đó là bầu khí lúc xưng tội, lời khuyên của cha giải tội và nội dung việc đền tội.

Tại nhiều nơi, linh mục ngồi tòa trong khi thánh lễ đang cử hành. Điều này thuận tiện cho việc đi lại của hối nhân nhưng lại có bất tiện khác liên quan bầu khí im lặng cần thiết cho việc xưng tội. Nhiều tín hữu nói rằng họ bị chia trí khi vào tòa đồng thời họ không thể nghe hết những lời khuyên của cha giải tội. Ngay cả cha giải tội cũng phải tập trung lắm mới nghe rõ những lời xưng của hối nhân. Như vậy xét một cách nào đó thì cuộc đối thoại cá nhân giữa hối nhân và cha giải tội gặp bế tắc, trở ngại.

Bàn về giá trị của việc xưng tội cá nhân, LM Micae-Phaolô Trần Minh Huy PSS, trong cuốn “Để được đào tạo và tự đào tạo nên linh mục giáo phận như Chúa và Giáo hội mong ước” đã viết như sau: “Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI đã từng nhấn mạnh tới sự cần thiết phải mở ra một cuộc ‘đối thoại cứu độ’ cho những ai tìm kiếm ơn tha thứ. Nhắc tới thánh Gioan Maria Vianney là người đã thực thi sứ vụ hòa giải một cách anh hùng và hiệu quả phong phú, ngài nói rằng các linh mục có thể học không chỉ một niềm tín thác vô tận nơi bí tích Sám Hối, mà còn một phương pháp đối thoại cứu độ phải được thực hiện trong khi ngồi tòa.[5]

Bước vào tòa giải tội, tín hữu mong mỏi được “nói” và đồng thời cũng muốn được “nghe”. Nhiều trường hợp cha nói nhỏ, nói nhanh, nói thì thào… nên hối nhân không thể lĩnh hội hết những gì ngài nói, ngài khuyên bảo. Muốn cho cuộc đối thoại có hiệu quả thì đôi bên phải làm sao hiểu được nhau, hiểu cho đúng và làm sao có thể đem đến sự cảm thông, yêu mến tối đa. Bởi xét cho cùng, như Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI đã nói: “Việc lắng nghe những lời nhắn nhủ và khuyên bảo của cha giải tội là điều quan trọng giúp hối nhân phán đoán về hành vi của mình để tiến bước trên đường thiêng liêng và được chữa lành trong nội tâm.[6] Có lẽ không ai muốn nghe lời than thở đầy thất vọng của người đi xưng tội, đó là “những lời khuyên của cha giải tội chẳng giúp ích gì cho tôi!”.

Chúng ta biết rằng, sau khi xưng thú tội lỗi, hối nhân lắng đọng tâm hồn để nghe cha giải tội khuyên bảo và ra việc đền tội. Nội dung của việc đền tội như thế nào, thì tùy theo từng trường hợp của cá nhân người xưng tội. Trên thực tế, nhiều người cho biết rằng việc đền tội mà cha giải tội giao cho họ xem ra lạ lẫm, cầu kỳ, và đôi khi khó thực hiện! 

Liên quan đến vấn đề đền tội trong bí tích Hòa giải, Đức Tổng Giám mục Phao-lô Bùi Văn Đọc, trong bài “Bí tích Hòa giải” đã cắt nghĩa như sau: “Trong việc mục vụ bí tích Hòa giải hiện nay, có lẽ yếu tố ‘đền tội’ chưa được đặt nặng đủ. Linh mục không nên chất gánh nặng lên vai giáo dân, nhưng cũng không nên coi thường việc đền tội, nại vào lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa. Nếu không khéo, chính sự coi thường việc đền tội sẽ làm cho người giáo dân dần dần mất ý thức tội lỗi. Nếu trở về với lịch sử Giáo Hội, thì việc đền tội là một yếu tố quan trọng trong việc cử hành bí tích Hòa giải. Việc đền tội không được nhìn với cái nhìn pháp lý, nhưng phải có quan điểm đức tin. Đền tội biểu lộ ước muốn sâu xa của tội nhân bù đắp lại tình yêu mà họ đã làm đổ vỡ. Ai ý thức sự trầm trọng của tội lỗi mình, thật lòng thống hối, và tâm hồn thực sự có tình yêu đối với Thiên Chúa và Giáo Hội, sẽ không ngại, không tính toán trong việc đền tội.”[7]

Ở đây, chúng ta nói thêm về “yếu tố thời gian” khi xưng tội. Bình thường thời lượng dành cho việc xưng tội sẽ chỉ vỏn vẹn từ 3 hoặc 5 phút là cùng. Trong trường hợp đông tín hữu xưng tội, thời gian có thể sẽ ít hơn. Do đó chất lượng của việc xưng thú tội lỗi sẽ không đảm bảo. Cha giải tội vì thấy đông người chờ nên (có lẽ) cũng muốn cử hành nhanh chóng, còn hối nhân thì cũng không muốn kể lể dài dòng (mặc dù có khi cần phải nói dài) nên mang tâm lý vội vàng, điều này khiến cho cuộc đối thoại trở nên máy móc, nhạt nhẽo và hình thức!  

Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI đã đưa ra những lời khuyên như sau: “Trong thời đại ồn ào ngày nay, với sự chia trí và cô đơn, cuộc nói chuyện của hối nhân với cha giải tội cũng có thể là một trong những cơ hội, nếu không muốn nói là cơ hội duy nhất, để được thực sự lắng nghe trong chiều sâu. Sự kiện được lắng nghe và đón nhận là một dấu chỉ về sự đón nhận và lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với con cái của Ngài. Sự xưng thú trọn vẹn các tội lỗi cũng dạy hối nhân về sự khiêm tốn, nhìn nhận sự mong manh yếu đuối của mình, và đồng thời ý thức về sự cần ơn tha thứ của Thiên Chúa, xác tín rằng Ơn thánh của Chúa có thể biến cải cuộc sống. Việc lắng nghe những lời nhắn nhủ và khuyên bảo của cha giải tội là điều quan trọng giúp hối nhân phán đoán về hành vi của mình để tiến bước trên đường thiêng liêng và được chữa lành trong nội tâm.[8]

[1] Đức Ông Krzysztof Nykiel – “Những lý do (tốt) để không xưng tội” – Vatican News ngày 25/10/2022  (Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2022-10/bi-tich-giai-toi-ly-do-ngai-xung-toi-toa-an-giai-toi-cao.html)

[2] LM Giuse Vũ Thái Hòa – “Giải đáp một số thắc mắc về việc Xưng tội”- Web GX An Phú ngày 11/03/2020 (Nguồn: https://gxanphu.net/tu-lieu/giai-dap-thac-mac/giai-dap-mot-so-thac-mac-ve-viec-xung-toi/ ) (LM Giu-se Vũ Thái Hòa cư ngụ tại Pháp, hiện đang dạy phụng vụ trong đại chủng viện Rennes và trách nhiệm Ủy Ban Phụng Tự của địa phận Rennes là tác giả của bài viết này, bài đã được đăng trên nguyệt san Dân Chúa Âu Châu.)

[3] LM Thân Văn Tường (GP Long Xuyên) – Linh mục và bí tích hoà giải (Chỉ Nam về trách vụ và đời sống linh mục, số 51 – 53)

[4] Nguồn: “Bản gợi ý xét mình xưng tội của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Mùa Chay” WHĐ ngày 28/02/2015 ( https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/ban-goi-y-xet-minh-xung-toi-cua-duc-thanh-cha-phanxico-trong-mua-chay-25215 )

[5] LM Micae-Phaolô Trần Minh Huy PSS – “Để được đào tạo và tự đào tạo nên linh mục giáo phận như Chúa và Giáo hội mong ước” – NXB TG năm 2020, trang 168

[6] LM Micae-Phaolô Trần Minh Huy PSS – sách đd trang 168

[7] Bí tích Giao hòa – ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc, (https://www.simonhoadalat.com/hochoi/MucVu/BTGiaoHoa/BTGiaiToiPhan5.htm)

[8] LM Micae-Phaolô Trần Minh Huy PSS – sách đd trang 167-168