Trong khoảng không: Covid và đời tu sĩ

25/07/2021

Biết đâu vì một thời buổi như thế này mà bạn được sinh ra (x. Et 4,14). Qua trải nghiệm chung của chúng ta về COVID, và tất cả những gì xảy đến sau đó, những lời trong chương bốn sách Este làm tôi không ngừng suy nghĩ. Phải chăng tôi được sinh ra vì thời buổi này? Phải chăng tất cả chúng ta được sinh ra vì thời buổi này? Nếu thế, tôi được mời gọi góp phần như thế nào để tình yêu Thiên Chúa có thể trị vì? Chuyện gì xảy ra nếu tôi từ chối? Khi tôi nghiền ngẫm những câu hỏi này, tâm hồn tôi không ngừng quay trở lại hồng ân đời thánh hiến – đặc biệt là các lời khấn và đời sống chung của chúng tôi. Tôi chắc chắn tất cả chúng ta được sinh ra vì thời buổi này, và tôi cũng chắc chắn rằng đời tu cũng được sinh ra vì các thời buổi như thế này: để nói về ý muốn của Chúa Cha, niềm hi vọng xuất phát từ Chúa Giêsu, và công trình của Chúa Thánh Thần. Các tu sĩ chúng tôi được mời gọi làm dấu chỉ cho thấy bình an là điều luôn có thể bởi vì Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết.

1. Sống như đã chết

Vào thời gian phân định và đào tạo ban đầu để chính thức làm nữ tu, tôi với chị tập sư ngồi trên một chiếc xích đu ở hành lang có mái che. Đó là lúc tôi gần đến giai đoạn từ nhà tập tới thỉnh sinh, và chúng tôi thảo luận về tu phục, bởi vì giai đoạn thỉnh sinh là lúc người nữ bắt đầu mặc tu phục. Sơ ấy nhìn tôi, và với thái độ bình thản thường lệ của mình, sơ nhận định thế này: Tu phục của chúng ta là một dấu chỉ chúng ta đang sống như người đã chết. Màu đen biểu trưng cho điều ấy và nhắc chúng ta nhớ điều ấy. Cuộc đối thoại không tiếp diễn như tôi nghĩ! Sống như người đã chết là sao? Sơ tiếp tục giải thích. Theo một nghĩa nào đó, tu sĩ đang sống như những người đã chết đối với thế gian này, vì cuộc đời của chúng ta (hay cuộc đời như chúng ta hi vọng) là dấu chỉ của sự sống sẽ đến, một dấu chỉ của sự sống vĩnh cửu, mà chúng ta bước vào xuyên qua cánh cửa sự chết. Đời tu là một dấu chỉ cho thấy hành động cuối cùng của Thiên Chúa là một tiệc cưới, và đó là hôn lễ giữa Thiên Chúa và Hội Thánh, được nên viên mãn khi chúng ta hoàn toàn đáp lại hồng ân là chính Thiên Chúa, [Ngài ban tặng chính mình Ngài] nơi Chúa Giêsu Con của Ngài. Vì thế chúng ta sống như thể đã chết; chúng ta sống làm dấu chỉ hôn lễ tối thượng dành cho tất cả mọi người trên thiên đàng.

Ngày hôm đó, sơ đã mở tâm hồn tôi đón nhận chiều kích ngôn sứ của đời tu. Tôi sẽ tiếp tục học biết rằng đời sống của chúng tôi, và những cột trụ chống đỡ nó, luôn có ý nghĩa trong thế gian này, và phải luôn là dấu chỉ và đèn soi hướng thẳng đến sứ vụ của Chúa Giêsu và ý muốn của Thiên Chúa Cha. Chiều kích ngôn sứ của đời tu xuất phát từ các lời khấn và đời sống chung.

Ba lời khấn của hầu hết các dòng là: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Lời khấn khó nghèo muốn nói rằng chúng ta không có gì do tự sức mình; tất cả đều là ân sủng, vì vậy, với lòng biết ơn, chúng ta có giá trị như các người nghèo của Thiên Chúa (anawim) trong Cựu Ước. Các người nghèo của Thiên Chúa rộng mở và ngoan nguỳ trước Thiên Chúa, Đấng đáp ứng mọi nhu cầu của họ. Điều này đúng với chúng ta, và Thiên Chúa ban cho chúng ta hơi thở chúng ta vừa hít vào. Điều này tương phản với văn hóa tự cấp của chúng ta, văn hoá đó thường xác tín rằng những gì tôi có là do sức của tôi vì tôi là một con người tự lập. Lời khấn khiết tịnh – tôi thích dùng từ độc thân hơn – nói lên sự thuộc về cách sâu sắc và triệt để. Sự độc thân xác tín rằng tôi không thuộc về một người nào hầu tôi có thể thuộc về mọi người, và gọi mọi người là gia đình của tôi. Sự độc thân công khai chống lại những lời dối trá do sự chia rẽ và chủ nghĩa cục bộ. Lời khấn vâng phục (xuất phát từ tiếng Latin obedire – “lắng nghe”) là không ngừng lắng nghe Thiên Chúa và bề trên của mình một cách sâu xa. Do vậy, vâng phục là một cách lắng nghe cách sâu xa đến độ thấm vào lòng muốn và trở thành hành động. Làm những gì Thiên Chúa muốn chúng ta làm. Điều này đi ngược lại văn hóa của chúng ta, bịt tai lại trước ý muốn và lề luật của Thiên Chúa, giống như Thánh Stêphanô phó tế đã tử đạo vì những người như thế, họ từ chối tình cha của Thiên Chúa mà nói rằng: “Tôi sẽ làm những gì tôi muốn, sẽ là con người tôi muốn; tôi sẽ làm những gì khiến tôi hài lòng, chứ không phải Thiên Chúa”.

Và rồi có phần thưởng là đời sống chung. Những người không lựa chọn nhau lại cùng nhau sống, làm việc, phục vụ, cầu nguyện, cố gắng và chiến đấu nên thánh vì tin vào Tin Mừng. Khi thế gian nói rằng chúng ta sẽ không bao giờ nhìn vào mắt nhau, chúng ta sẽ luôn sống trong chiến tranh, chúng ta luôn trả đũa áp bức bằng áp bức, và chúng ta đấu tranh như lửa với lửa, nhưng đời sống chung thì ngược lại. Đời sống chung nói: “Tôi sẽ cùng với những người xa lạ làm thành một gia đình. Tôi sẽ chia sẻ cuộc sống với những người tôi không tự mình lựa chọn, nhưng Thiên Chúa chọn cho tôi. Tôi sẽ học yêu thương qua các nền văn hóa và băng qua các gia đình nguyên thuỷ. Tôi sẽ học tha thứ, và tôi sẽ học đón nhận sự tha thứ”.

2. Chúng ta có phải là gia đình?

Khởi đầu đại dịch COVID, tất cả các chiều kích này đều được kiểm chứng. Trong các tu viện chúng ta phải trả lời câu hỏi chính yếu này: Chúng ta có phải gia đình? Có phải chúng ta vẫn cầu nguyện với nhau, ăn chung với nhau, cùng nghỉ ngơi với nhau? Phải chăng vì chúng ta không cùng dòng máu, nên chúng ta vẫn trốn vào các góc riêng và giữ khoảng cách với nhau? Chúng ta có rất nhiều nhà trong khu vực của mình – họ có phải là gia đình của chúng ta? Chúng ta có nên đi đến các tu viện của nhau không? Chúng ta có các chị em đang phục vụ tại các bệnh viện trong khu vực chúng ta; sự phòng ngừa của chúng ta ở đó như thế nào? Đâu là giới hạn của những người sống chung nhà; chúng ta đặt ranh giới ở đâu? Tất cả đều cô đọng với câu hỏi căn bản này: Phải chăng chúng ta là gia đình? Chúng ta quyết định – hoặc xác định thì đúng hơn – những gì đúng: Quả thật chúng ta là gia đình. Cũng như những người sống chung cha mẹ hay người bảo hộ cùng ngồi lại với nhau để quyết định cách đối phó với đại dịch này, chúng ta phải tổ chức các cuộc họp gia đình với quy mô lớn và cùng nhau quyết định cách đối phó với vấn đề này với tư cách một gia đình. Chúng ta có nên cởi giày khi vào nhà không? Chúng ta có nên tắm rửa và thay đồ và khi ở nhà thì không mặc cùng y phục đã mặc khi thi hành tác vụ ở bên ngoài? Chúng ta có nên giảm giờ cầu nguyện chung để giảm sự tiếp xúc hay không? Hay chúng ta thêm chầu Thánh Thể và đi sâu hơn vào bổn phận cầu nguyện cho thế giới và cho các cộng đoàn của chúng ta?

Đó là sự phân định lâu dài và thỉnh thoảng cũng đau đớn, vì những khác biệt của chúng ta đang va chạm nhau như những chiếc xe tải lớn trên xa lộ bởi vì chúng ta vừa giải quyết những nỗi sợ và bất an vừa cố gắng thể hiện ơn gọi sống chung. Vì – không có ý gây gương xấu – nhưng những chia rẽ đang làm thế giới đau khổ cũng hiện diện dưới mái nhà tu viện. Tôi nhớ có một lần tôi giúp việc bỏ phiếu sớm trong năm bầu cử tổng thống ở một trong các tu viện lớn của chúng tôi. Chúng tôi giúp các nữ tu cao niên gởi email bầu cử rất sớm. Lúc đó, họ phải tuyên bố một đảng để bầu sớm. Tôi đang giúp hai nữ tu thực hiện quá trình này. Tôi đi tới chị thứ nhất, tôi lo lắng hỏi một câu mà theo tôi có tính riêng tư: “Thưa chị, chị bầu cho đảng Cộng Hòa hay đảng Dân Chủ?” Chị ấy xác quyết trả lời: “Cộng Hòa!” như thể không còn câu trả lời nào khác. Tôi cám ơn chị. Sau đó tôi đi đến gặp chị thứ hai và lúng túng hỏi cùng câu hỏi như vậy: “Thưa chị, chị chọn đảng Cộng Hòa hay đảng Dân Chủ?” Chị đó trả lời cách xác quyết: “Ồ, dĩ nhiên, đảng Dân Chủ!” Tôi cám ơn chị. Chúng tôi đã một ngôi nhà bị chia rẽ! Những chia rẽ khiến thế giới đau đớn không biến mất trong tu viện; chúng ta chỉ được giao nhiệm vụ với cái nhìn về nước trời và đáp lại nước trời giữa những khác biệt này. Chúng ta được giao nhiệm vụ phải nỗ lực để có được sự hợp nhất và tận dụng những khác biệt cho mục đích này, thay vì để chúng tạo ra khoảng cách giữa chúng ta. Những sự khác biệt cùng với nỗi sợ hãi khiến cho cách đáp ứng và hoạch định của chúng ta đối với COVID nên khó khăn, nhưng chúng ta vẫn còn chỗ dựa là các giá trị của các lời khấn, vẫn còn tình yêu chung dành cho Thiên Chúa và sứ vụ của Ngài, để chúng ta nên một.

3. Sự diễn đạt hữu hình cho khoảng không thiêng liêng

Tôi dùng một chương trình giảng dạy về Thần học Thân xác dành cho học sinh trường phổ thông trong chương trình tư vấn có hướng dẫn của tôi. Có một câu tôi thích hỏi mấy đứa trẻ khi chúng tôi bắt đầu những bài học này. Tôi hỏi các em: “Có cách nào bày tỏ tình thương, lòng tốt hay bất cứ đức tính nào mà không cần cơ thể của mình không?” Các em sẽ nói cô có thể cầu nguyện, nhưng các em cầu nguyện cũng cần bộ não vậy? Chúng sẽ trả lời: một nụ cười – nhưng các em dùng miệng để cười phải không? Thế còn một cái nháy mắt? À, các em nháy mắt vẫn dùng con mắt. Vậy thì vẫy tay? Cô nghĩ cánh tay cũng là một phần chi thể của các em. Chúng tôi đi lòng vòng trong lớp một lúc, và chúng sớm nhận ra rằng cần có thân xác để những sự vô hình trở nên hữu hình. Ngay cả khi cơ thể chúng ta có những tật và giới hạn nghiêm trọng, luôn có một dấu chỉ nào đó. Có một tính bí tích đối với cơ thể của chúng ta. COVID tạo nên những khoảng cách vật lý ở mức độ không thể đoán được. Tôi đã nói chuyện với một người bạn lúc mới giãn cách là người sống một mình, và cô ấy không thể nhớ lần cuối cùng cô được ôm là lúc nào. Khoảng cách 2m hay xa hơn thành tiêu chuẩn. Chúng ta bị tách biệt khỏi gia đình đa thế hệ, những thành viên cao niên trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, và khi các nhà thờ đóng cửa, chúng ta thậm chí còn cảm thấy mình bị tách khỏi Thiên Chúa. Có những bình phong ở giữa chúng ta và người thân của mình. Có những bình phong giữa chúng ta và sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích.

Nhưng tôi không nghĩ rằng đang xảy ra một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ. Chẳng phải đã có một vực thẳm thiêng liêng xuất hiện giữa chúng ta ngay từ đầu sao? Phải chăng thực tại hữu hình này đang tỏ lộ điều gì đó đã có thực về mặt thiêng liêng từ lúc ban đầu? Khi chúng ta ở gần nhau, chúng ta có dùng ánh mắt để giao tiếp với nhau không? Khi chúng ta ở gần nhau, chúng ta có lắng nghe đủ lâu để biết người kia trả lời câu hỏi “Bạn khỏe không?” như thế nào không?” Liệu chúng ta có bị ngập chìm trong một văn hóa ngày càng có nhiều cơ cấu gây chia rẽ bằng hết nhãn hiệu này đến nhãn hiệu khác? Nhãn hiệu sắc tộc, nhãn hiệu giới tính, nhãn hiệu định hướng tình dục, nhãn hiệu ý thức hệ chính trị; một cuộc tấn công vô tận bằng các nhãn hiệu làm chia rẽ chúng ta thêm, với nhãn hiệu là con Thiên Chúa, nhãn hiệu duy nhất hợp nhất chúng ta, bị nuốt chửng trong sự hỗn loạn một cách đầy ác ý. COVID cho chúng ta cơ hội để thêm các nhãn hiệu: người đeo khẩu trang, người chống đeo khẩu trang, người tiêm vaccine, người chống tiêm vaccine; và rồi dường như sự cách ly khiến vết thương chung của chúng ta lan ra, và chúng ta nghe thấy những nhãn hiệu như: phân biệt chủng tộc, phát xít, cộng sản trong cuộc chuyện trò hàng ngày. Nói ra có thể không vui, nhưng tôi cần nói điều đó. Chúng ta đã xa cách nhau – và, là Hội Thánh, chúng ta đã xa cách Thiên Chúa của mình bằng nhiều kiểu – từ trước khi có giãn cách xã hội.

Tôi sống ở Đông Texas, thật không may là nơi rất mang tiếng về nạn kì thị chủng tộc phổ biến hơn. Tôi đấu tranh với nỗi sợ hãi khi lái xe về nhà từ Tyler đến Houston vì tôi phải đi qua nhiều con đường xa đường chính, dịch vụ điện thoại thì không tốt, và tôi thấy sợ gặp rắc rối và gặp phải một người có vấn đề với làn da đen của tôi. Vào cuối mùa thu, mẹ đỡ đầu của tôi qua đời và chỉ có một ít người ở quanh mộ bởi vì COVID đang gia tăng và nhiều người hơn có vẻ quá nguy hiểm. Tôi muốn hiện diện ở đó, vì vậy tôi chạy vào các con đường nhỏ ấy trong vòng một ngày. Tôi ở lại Houston một chút lâu hơn dự định, vì thế tôi phải quay xe trở về khi trời tối. Nỗi lo lắng của tôi đạt tới cấp độ đỉnh điểm vì trời tối. Đầu tôi rất đau và tôi cần dừng lại uống chút nước, vì thế tôi rẽ vào một trạm xăng. Tôi nhìn xung quanh để tìm kiếm xem có ai là người da màu nữa không nhưng ngặt nỗi không có ai; tất cả đều là người da trắng. Tôi thấy một gã đàn ông mặc đồ trông giống với một người trong chương trình truyền hình Duck Dynasty. Không ai mang khẩu trang. Tôi bước vào cửa hàng và tôi  thấy những bộ đồ rằn ri và những bộ râu dài nhếch nhác. Tôi quay cuồng vì sợ. Những thành kiến được giữ kỹ trong não tôi dâng trào, và chúng kích hoạt toàn bộ não bò sát trong tôi, đóng bộ não suy luận của tôi. Tôi thở hổn hển, mặt nóng rang và toàn thân đang cho tôi biết tôi đang gặp nguy hiểm và cần chuẩn bị bản thân để chiến đấu hay bỏ chạy – tất cả vì những bộ râu dài, da trắng và bộ đồ rằn ri đi đôi với những thành kiến mà phần lớn phương tiện truyền thông chứ không phải kinh nghiệm cá nhân của tôi đã thống lĩnh việc giúp cho bộ não tôi phát triển. Tôi lấy nước, quay lại xe và ra khỏi đó nhanh nhất có thể.

Ngay lúc ấy chuông điện thoại reo, tôi trả lời qua loa của xe hơi. Đó là một người bạn, một người bạn mới tôi vừa kết bạn khi sống tại Đông Texas. Cô ấy là một người phụ nữ tốt bụng. Cô ấy là một phụ nữ miền nam. Cô ấy là một người da trắng. Chúng tôi có rất nhiều điểm tương đồng trong tâm hồn; chúng tôi không có nhiều điểm tương đồng ở diện mạo bên ngoài. Cuộc gọi của cô ấy nhắc tôi dừng lại, bình tĩnh, kiểm tra các thành kiến, rút ra các ân sủng được ban cho tôi qua các lời khấn và đời sống chung, và để nhớ rằng tôi thuộc về Chúa Giêsu, và cô ấy cũng vậy, mấy ông da trắng râu dài mặc đồ rằn ri cũng vậy.

4. Liên kết với Chúa Giêsu

Tôi tĩnh tâm ba mươi ngày để chuẩn bị khấn trọn. Cuộc tĩnh tâm ấy dựa trên Những bài tập Linh thao của Thánh Inhaxiô. Khi tôi suy tư về ơn gọi cốt lõi của chúng tôi giữa đại dịch COVID, về nơi tôi nghĩ tôi sẽ biết được sự hoàn thiện thiêng liêng và niềm vui Tin Mừng, thì việc chiêm niệm hai tiêu chuẩn này nảy ra trong trí tôi. Trong trường hợp này, từ “tiêu chuẩn” có nghĩa là cờ hiệu, và người cầu nguyện với chiêm ngắm này được yêu cầu suy tư về tiêu chuẩn của Chúa Kitô và tiêu chuẩn của thế gian. Câu hỏi dành cho người linh thao là: Tôi đang đứng ở vị trí nào? Tôi nghĩ đây là câu hỏi cho chúng ta bây giờ, và con đường phía trước có lẽ sẽ không có cảm giác thích thú do thuật hùng biện sắc bén mà chúng ta quen thuộc, ngay cả giữa những người Công Giáo được theo dõi nhiều nhất, nhưng nó nâng đỡ chúng ta và tạo nên sự bảo đảm bền bỉ.

Khi tôi cầu nguyện về bài gẫm này trong kỳ linh thao 30 ngày, tôi nghĩ tôi đã bỏ lỡ những gì Chúa Giêsu muốn nói với tôi. Ngày hôm đó, tôi tưởng tượng mình ở trên một cánh đồng trống với Chúa Giêsu. Bên trái tôi là nhiều người lao động, những người đang hi sinh trong việc phục vụ và thừa tác vụ, đang làm việc để phục vụ người bệnh và người nghèo vì Chúa Giêsu. Bên phải tôi là một nhóm đông người Công Giáo nổi tiếng. Họ có những ánh sáng đẹp nơi khuôn mặt, các máy quay hướng về phía họ và những chiếc micrô ở bên miệng. Họ đang thảo luận và thảo luận, nói với người ta về những sự trong đạo Công Giáo và về Chúa Giêsu. Cả hai nhóm đó rất ít chú ý đến những người kia, và thật sự không xảy ra cuộc chiến nào. Chúa Giêsu ở đó, trong khoảng không ngăn cách giữa hai nhóm, trên một cánh đồng mông quạnh. Ngày hôm đó, tôi tin Chúa Giêsu đang nói với tôi rằng cuộc chiến đấu không phải như tôi nghĩ. Khi cầu nguyện như vậy, thỉnh thoảng có người sẽ dừng làm việc họ đang làm ở phía bên này để sang phía bên kia. Ngày hôm đó, trong lúc cầu nguyện, tôi nghĩ Chúa Giêsu yêu cầu tôi đi sang bên trái của mình để làm việc và phục vụ người bệnh và người nghèo.

Hôm nay, tôi chắc chắn tôi đã hiểu sai về điều đó. Hôm nay đôi mắt của tôi quay trở về với Chúa Giêsu trên cánh đồng đó. Nơi tốt nhất không phải là ở với Người sao? Là nhìn vào Người? Là quỳ trước Thiên Chúa nhập thể, lấy Thánh Thể của Người làm tiêu chuẩn? Là cùng đứng với Người trong khoảng không này? Là đứng với Người trong vực thẳm này? Là làm bất cứ điều gì Người yêu cầu và bất cứ điều gì Người cần, dù điều ấy có thế nào đi nữa, dù đó là phục vụ người bệnh, người nghèo, người khỏe mạnh, nói về Tin Mừng, phục vụ trẻ em, hay phục vụ người già, cũng như không chỉ nhân danh Người mà còn hợp nhất với Người? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tất cả chúng ta đứng trong khoảng trống này, tập trung vào Chúa Giêsu? Đây chính là đời sống chung mà các nữ tu đang hướng tới. Chúng ta khép lại những khoảng không chia rẽ. Chúng ta là bài phê phán sự dối trá cho rằng sự chia rẽ mới có tính quyết định. Chúng ta khơi dậy niềm khao khát của Chúa Cha muốn chúng ta nên một trong Con của Ngài và theo ý muốn và lề luật của Ngài. Chúng ta thi hành điều này trước hết trong nhà của mình. Chúng ta cố gắng không để những khác biệt tạo ra những hố sâu liên tục ngăn cách chúng ta. Chúng ta cố gắng đứng bên Chúa Giêsu trong nhà của mình, rồi chúng ta cố gắng lấy những gì được chúng ta khám phá trong đời sống chung mà chia sẻ trong sứ vụ. Khi chúng ta liên kết với Chúa Giêsu, chúng ta nhìn với đôi mắt của Người, và chúng ta sẽ thấy điều Người luôn luôn thấy: con cái Thiên Chúa.

Một người bạn thời thơ ấu của tôi gần đây đã xuất bản một quyển sách về cái chết của người mẹ và quá trình đau khổ của cô. Quyển sách có tựa đề The Lampblack Blue of Memory: My Mother Echoes (Sự héo hắt vì nhớ: Tiếng vang của mẹ tôi). Mẹ cô là một phụ nữ đẹp đầy ấn tượng, không chỉ ở ngoại hình mà còn trong tâm hồn – một nữ Kitô hữu hết sức vui vẻ. Bạn tôi và tôi sống trên một con đường từ thời tiểu học đến trung học. Khi chúng tôi mười sáu tuổi, mẹ cô không trở về sau một buổi chạy bộ. Sau đó mới phát hiện ra bà đã bị giết khi trên đường chạy bộ. Người đàn ông giết bà đã nhận giết người và thuật lại câu chuyện. Ông nói mẹ bạn tôi đã cố gắng nói cho ông biết về bản thân bà khi họ đánh nhau, hi vọng việc làm cho bà có tính người hơn đối với ông sẽ cản được ông. Bà không ngừng nói với ông rằng bà là Kitô hữu. Những lời cuối cùng bà thốt ra là: “Tôi tha thứ cho anh và Thiên Chúa cũng tha thứ cho anh”. Bà đã đạt đến đỉnh cao trong lý tưởng ngôn sứ về các giá trị Tin Mừng được tuyên xưng trong đời tu. Đây là những giá trị mà tôi tin rằng những trải nghiệm của chúng ta với đại dịch COVID đang mời gọi chúng ta khi chúng ta dường như ngày càng mâu thuẫn và chia rẽ. Bà nhìn vào kẻ thù của mình, người đang tước mất đi sự sống của bà và thấy lời hứa được sống vĩnh cửu, và thấy người đàn ông đó vẫn là con của Thiên Chúa. Thế giới muốn tầm thường hóa điều này. Chúng ta thậm chí có những nhà lãnh đạo Công Giáo cũng tầm thường hóa ý tưởng này: Căn tính chính yếu của chúng ta là con cái Thiên Chúa, và những giải pháp mà chúng ta cần được tìm thấy trong việc sống như con cái của Chúa Cha, được hợp nhất trong Nhiệm Thể Chúa Kitô nhờ quyền năng sự sống, sự chết và sự Phục Sinh của Người. Hôm đó, bà Adleman đứng trong khoảng không mênh mông đó với Chúa Giêsu, và để lại cho chúng ta một di sản lớn lao; tôi tin bà có sức mạnh để đứng ở đó vì bà tin vào sự Phục Sinh.

6. Chúng ta là một dân Phục Sinh

Tu viện được bao phủ với niềm hi vọng. Khi chúng tôi thức dậy vào buổi sáng để bắt đầu một ngày sống thường nhật với các chị em khác mà nói theo một cách khác từng là những người xa lạ, đó là một hành động hy vọng. Khi chúng tôi chào đón một chị mới được chuyển đến cộng đoàn địa phương của chúng tôi và mọi thứ phải thay đổi một lần nữa vì cộng đoàn phải tính đến những đóng góp và tài năng độc đáo của chị ấy, đó là một hành động hi vọng. Khi chúng tôi có cơ phải chịu rủi ro vì lời nói gây tổn thương và hiểu lầm, đó là một hành động hy vọng. Khi chúng ta dành thời gian tìm hiểu nhau và trưởng thành trong tình yêu, đó là một hành động hi vọng. Đôi khi những hành động này quá bình thường và trần tục. Nhưng bởi vì theo một nghĩa khác chúng tôi đã là những người xa lạ, bởi vì nếu chúng tôi không có tình yêu dành cho Chúa Giêsu nối kết chúng tôi với nhau thì nó sẽ không có ý nghĩa gì cả, cho nên nó trở thành một lời tuyên xưng mà chúng ta cần ngay bây giờ giữa thời COVID. Khi đại dịch tạo nên những vách ngăn giữa chúng tôi mà chúng tôi chưa từng tưởng tượng nổi, đời sống tu sĩ tuyên xưng rằng đối với chúng tôi là một dân Phục Sinh, luôn có một con đường đi tới, dưới tiêu chuẩn của Chúa Kitô.

Thành thật mà nói, sống theo lối này sẽ đẩy bạn vào khoảng không ấy. Khi bạn liên kết với Chúa Giêsu, hiếm có một phía nào cho bạn cảm giác thoải mái, và có lẽ nó cho bạn cảm giác trống rỗng như cánh đồng nọ đối với tôi trong giờ cầu nguyện ngày hôm ấy, nhưng chúng ta có niềm hy vọng bảo đảm và chắc chắn, một cái neo, một vị thượng tế. Là một nữ tu, tôi cảm thấy có bổn phận khích lệ bạn bằng cách này. Trong Thánh Lễ vĩnh khấn của tôi gần đây, đang lúc tôi nhận phép lành trọng thể sau lời tuyên khấn, vị chủ tế cầu nguyện cho tôi bằng những lời sau: “Xin cho chị gắn bó với Hội Thánh, bằng cách dạy mọi người biết trông mong những sự tốt lành trên trời trong niềm vui và hi vọng”. Xin cho bạn được liên kết với Người, cùng đi với Người, vào mọi hoàn cảnh mà COVID đã đẩy bạn tới. Hãy lắng nghe Người, bởi vì Người sẽ bảo đảm với bạn rằng bạn được sinh ra vì một thời buổi như thế này, và gia tăng sức mạnh cho bạn trong khoảng không giữa trời và đất.

Nguồn: giaophanmytho.net 

[1] Sơ Josephine Garrett là nữ tu Dòng Thánh Gia Nazareth, là người trở lại đức tin Công Giáo, và có bằng tư vấn chuyên nghiệp. Sơ hiện tại đang phục vụ cho Hội Thánh với vai trò là nhà tư vấn tư và tại trường học ở Tyler, Texas, và cũng là một tác giả và diễn giả trong nước.

[2] Trích từ ebook Catholicism after Coronavirus, A Post-COVID Guide for Catholics and Parishes (Đạo Công giáo sau thời Coronavirus, Hướng dẫn dành cho người Công giáo và các giáo xứ thời hậu Covid) của Word on Fire, trang 157-173.

Tác giả: Nữ tu Josephine Garrett[1]
Biên dịch: Nhóm dịch Gioan XXIII
Từ: 
media.wordonfire.org[2]