Nhiều người sống theo chủ nghĩa vật chất cho rằng chết là hết, nên ai nấy chỉ lo làm cho mình được mọi điều thắng lợi, sá chi những điều phúc họa, thiện ác. Do đó phản ứng tự nhiên của họ thường trách cứ tại sao cái chết đến quá đột ngột với người thân yêu của họ.
Tuy nhiên cảm giác đau buồn và thương nhớ người thân có thể trở thành niềm tin và thanh thản nếu chúng ta tin rằng chết không phải là hết nhưng chỉ là kết thúc cuộc sống ở đời này để chuyển sang cuộc sống đời sau. Vì vậy chúng ta tin rằng, cuộc sống đời này là một sự chuẩn bị và tích lũy cho sự sống đời sau, còn gọi là thế giới siêu nhiên. Thế giới siêu nhiên không thể nhìn bằng mắt phàm và thế giới ấy thật sự chân chính và bền vững hơn thế giới hiện tại rất nhiều.
Chết là sự chuyển tiếp từ cuộc sống này sang cuộc sống khác. Giả sử bạn đang đứng trên bờ biển và có một chiếc tàu đang giăng buồm ra khơi. Bạn đứng nhìn theo chiếc tàu cho đến khi nó mất hút ở chân trời. Lúc bấy giờ một người nào đó đứng cạnh bạn nói: “Con tàu đã đi rồi!”. Nó đi đâu? Con tàu thoát khỏi tầm nhìn của chúng ta nhưng nó vẫn còn. Những người khác bên kia bờ đại dương sẽ nhìn thấy chiếc tàu ấy đến với những tiếng hò reo vui mừng: “Con tàu đến rồi!”.
Khi chúng ta đang đau khổ và than khóc trước sự ra đi vĩnh viễn của người thân, chúng ta có thể tạo lại niềm vui thay vì buồn khổ nếu chúng ta xem như người thân của chúng ta đang tiến tới chân trời mới và đang trải qua những niềm vui và thử thách mới.
Nhà văn nổi tiếng người Mỹ là Arthur Brisbane đã hình dung ra một bầy sâu đang đau khổ khiêng một cái kén tới nơi an nghỉ. Những con sâu lo lắng sầu não, mặc áo đen đang khóc lóc thì bỗng chốc một con bướm đẹp bay lên trên đám đông, trên tầm nhìn của mặt đất và giải phóng vĩnh viễn khỏi lớp vỏ của mình. Không cần phải nói, tác giả đang cố ý vẽ ra một đám tang và có ý nói: Khi người thân của ta ly trần, thì thật là khờ dại khi chỉ nhớ tới cái kén và cứ nghĩ về những kỷ niệm lúc trước trong khi quên bẵng con bướm xinh đẹp kia.
Rabindranath Tagore nói: “Sự chết không phải là việc tắt sáng, nhưng là việc cất ngọn đèn đi vì bình minh đã ló dạng”.
Lời phiên khúc thứ nhất của bài Thánh ca “Sự sống thay đổi mà không mất đi” cho ta thấy: “Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi, lúc con người nằm yên giấc ngủ, mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai. Trọn kiếp người nay không còn nước mắt nụ cười, nhưng con tin rằng ngày mai trong Chúa, chẳng có nỗi buồn, đẹp mãi niềm vui”
Đối với tín hữu đạo Công giáo chết không phải là hết, là đi vào cõi hư vô. Kinh Tiền tụng trong Thánh lễ an táng đã xác quyết: “Nơi Người, niềm hy vọng sống lại vinh phúc đã chiếu tỏa trên chúng con, để những ai buồn sầu vì số phận chắc chắn phải chết, cũng được an ủi, vì Chúa đã hứa phúc trường sinh bất diệt sau này. Vì lạy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chớ không mất đi và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan, thì họ lại được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời”. Với niềm tin ấy, cho nên Giáo hội Công giáo đã dành cả tháng 11 để cầu cho các tín hữu đã qua đời: “Ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Hội Thánh đã hết lòng kính nhớ và dâng lời cầu nguyện cho những người đã qua đời. Vì cầu nguyện để những người đã qua đời được giải thoát khỏi tội lỗi là việc làm có ý nghĩa lành thánh (2Mcb 12, 45). Chúng ta hãy dâng Thánh lễ và các việc lành để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời”.
Nguyễn Văn Nghệ
Giáo xứ Cây Vông – Nha Trang