“Ngươi là bụi đất, và ngươi sẽ trở về bụi đất” (St 3,19). Câu Kinh Thánh này, quen thuộc trong Thứ Tư Lễ Tro, là lời Thiên Chúa phán với Ađam sau khi ông phạm tội và bị trục xuất khỏi Vườn Địa Đàng. Sau này, ông Ápraham cũng dùng hình ảnh tương tự khi cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho thành Xơđôm: “Dù chỉ là bụi đất, con vẫn dám thưa cùng Chúa” (St 18,27).
Ngay từ khởi nguyên, con người được tạo dựng từ bụi đất, như lời Sách Sáng Thế: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người…” (St 2,7). Từ “human” (con người) và “humility” (khiêm nhường) đều bắt nguồn từ tiếng Latinh humus – có nghĩa là “đất” hay “bụi đất.” Thánh Isidore gọi người khiêm nhường là humo acclinis – nghĩa đen là “cúi xuống đất.”
Khiêm nhường đích thực
Nhận ra sự nhỏ bé và tội lỗi của mình là bước khởi đầu để mở lòng đón nhận Thiên Chúa. Tuần đầu tiên trong Linh Thao của Thánh I-nhã được dành để suy niệm về tội lỗi cá nhân và của nhân loại, nhưng không dừng lại ở đó. Ba tuần còn lại dẫn ta đến với chính Chúa Kitô: sứ mệnh, cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Người. Ý thức thân phận bụi đất của mình không phải là mục tiêu sau cùng, mà là cánh cửa mở ra vinh quang của Đức Kitô.
Chúa Giêsu cũng kể dụ ngôn về hai người lên đền thờ cầu nguyện (Lc 18,9-14). Một người là người Pharisêu, tự tin vào sự công chính của mình, khoe khoang trước Chúa về những việc lành mình làm. Người còn lại là một người thu thuế, chỉ dám đứng xa, đấm ngực và thưa: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Chúa Giêsu kết luận: “Người này, chứ không phải người kia, mới được nên công chính.” Qua dụ ngôn này, Chúa dạy rằng khiêm nhường đích thực không phải là tự tôn hay tự ti, mà là nhận ra sự thật về mình trước mặt Thiên Chúa.
Khiêm nhường giả tạo
Khiêm nhường không phải là tự ti hay thiếu tự tin. Một người từ chối lời khen hoặc lo sợ bị đánh giá cao hay thấp thực chất vẫn đang tập trung vào “cái tôi” thay vì tha nhân. Cũng vậy, giấu tài năng vì sợ khoe khoang không phải là khiêm nhường thật sự. Khiêm nhường không phải là hạ thấp mình, mà là không lấy mình làm trọng tâm. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã nói: “Khiêm nhường không có nghĩa là nghĩ mình thấp kém, mà là không nghĩ về mình quá nhiều.”
Sự tự tin và khiêm nhường có thể đi đôi với nhau
Có một câu nói súc tích: “Khiêm nhường không phải là tự hạ thấp mình, mà là bớt nghĩ về bản thân.”
C.S. Lewis, nhà văn và nhà thần học Kitô giáo người Anh, nổi tiếng với loạt sách Biên niên sử Narnia và các tác phẩm thần học như Mere Christianity, đã diễn giải điều này trong Mere Christianity:
“Người thực sự khiêm nhường không phải là kẻ khép nép, tự hạ thấp mình. Có lẽ, tất cả những gì bạn nhận thấy nơi anh ta chỉ là một người vui vẻ, thông minh, thực sự quan tâm đến những gì bạn nói. Nếu bạn không thích anh ta, có thể đó là vì bạn ganh tị với một người có vẻ như tận hưởng cuộc sống một cách tự nhiên. Anh ta sẽ không nghĩ về sự khiêm nhường – thực ra, anh ta sẽ không nghĩ về chính mình chút nào.”
Người khiêm nhường thực sự không quá bận tâm đến bản thân, và chính điều đó giúp họ trở nên tự tin và cởi mở hơn.
Sống tinh thần quảng đại
Khiêm nhường không có nghĩa là tránh xa những điều cao cả. Thánh Tôma Aquinô giải thích rằng sự cao thượng (magnanimity – khát vọng hướng đến điều cao cả) “không đối lập với khiêm nhường… miễn là mọi thứ được thực hiện theo lý trí đúng đắn”. Người khiêm nhường thực sự không tự tin vào sức riêng nhưng dám theo đuổi những điều lớn lao với sự trợ giúp của Thiên Chúa.
Chính Chúa Giêsu đã nói: “Không ai thắp đèn rồi lấy hũ che đi, nhưng đặt nó trên đế, để những ai vào thì nhìn thấy ánh sáng” (Lc 11,33). Chúng ta được mời gọi tỏa sáng, nhưng luôn nhớ rằng ánh sáng đó không phải của riêng ta, mà đến từ Thiên Chúa.
Thánh Tôma Aquinô khẳng định:
“Khiêm nhường phát sinh từ lòng tôn kính Thiên Chúa, không dựa vào sức riêng mà mưu cầu những điều cao cả, nhưng khao khát những điều cao cả nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa… Khiêm nhường chủ yếu liên quan đến sự quy phục của con người đối với Thiên Chúa, và vì Người, ta khiêm nhường phục vụ tha nhân.”
Mùa Chay – thời gian để trưởng thành trong khiêm nhường
Mùa Chay là thời điểm để lớn lên trong nhân đức khiêm nhường. Điều này bắt đầu bằng việc ý thức rằng chúng ta thực sự chỉ là bụi đất và một ngày nào đó sẽ trở về bụi đất.
Chay tịnh, kiêng mạng xã hội hay từ bỏ thú vui là phương tiện để tập khiêm nhường, nhưng không phải là mục đích sau cùng. Mùa Chay là thời gian để hướng ra khỏi chính mình: dành nhiều thời gian hơn cho cầu nguyện, làm việc bác ái, phân định ơn gọi, hay đơn giản là giúp đỡ những việc nhỏ nhặt trong gia đình.
Hãy trưởng thành trong sự tự tin và quảng đại, với một tấm lòng khiêm nhường trước Thiên Chúa. Hãy hướng suy nghĩ của bạn đến tha nhân. Hãy sử dụng những ân huệ của mình để tôn vinh Thiên Chúa. Vì giống như người leo núi, ta sẽ nhận ra rằng: Cảnh hoàng hôn rực rỡ và những dãy núi hùng vĩ luôn đẹp hơn nhiều so với vũng bùn dưới chân.
Tác giả: Hannah Steiner
Xuân Đại (TGPSG) lược dịch từ Oursundayvisitor.com
Nguồn: tgpsaigon.net