“Nếu Phanxicô muốn lên thiên đàng, thì phải siêng năng lần hạt”. Ðọc và suy ngắm Kinh Mân Côi cách sốt sắng là cầu nguyện.
Ngày 13 tháng 7 năm 1917, tại Fatima, Ðức Mẹ đã hiện ra lần thứ ba với Lucia, Giaxinta, và Phanxicô, cho ba em nhìn thấy hỏa ngục và những hình phạt mà các linh hồn phải chịu trong đó. Lucia đã hỏi Ðức Mẹ về số phận của mình, của hai em Phanxicô và Giaxinta. Ðức Mẹ đã cho biết đối với Phanxicô, nếu muốn lên thiên đàng thì em phải siêng năng lần hạt.
Không thấy Ðức Mẹ nói lý do tại sao lại đòi Phanxicô phải lần hạt nhiều. Nhưng có thể hiểu một cách đơn sơ rằng, đối với Phanxicô lần hạt nhiều có nghĩa là cầu nguyện nhiều, bởi vì việc lần hạt Mân Côi không vượt quá khả năng một em nhỏ như Phanxicô.
Với mỗi Kitô hữu hôm nay, nếu có hỏi Ðức Mẹ một câu tương tự về số phận đời đời của mình như Ba Trẻ Fatima xưa: “Còn số phận con thì sao?”, chắc chắn cũng sẽ được nghe Ðức Mẹ trả lời: “Nếu muốn lên Thiên Ðàng, con phải năng lần hạt”.
KINH NHẬT TỤNG NGƯỜI KITÔ HỮU
Như các linh mục và các thầy phó tế đã lãnh chức thánh, như các tu sĩ thuộc các dòng tu, thường ngày đọc kinh Nhật Tụng để đại diện cho Giáo Hội dâng lời ca ngợi Thiên Chúa, người tín hữu giáo dân mỗi ngày cũng dùng lời kinh nguyện của mình ca tụng Thiên Chúa. Kinh nguyện đó là Kinh Mân Côi.
Trong tinh thần kinh nguyện, Kinh Mân Côi trở thành Kinh Nhật Tụng của người tín hữu. Trong bộ kinh này, ta có dịp đọc lên những lời chúc tụng thánh ý Thiên Chúa, cầu xin một cách đẹp lòng Ngài trong Kinh Lạy Cha – kinh nguyện duy nhất mà Chúa Cứu Thế đã dậy khi còn tại thế. Chúc tụng Mẹ Maria thánh đức bằng những lời Tổng Thần Gabrien, Thiên sứ của Thiên Chúa đã chào mừng Ðức Mẹ. Những lời ngợi khen của Thánh Isave, và lời cầu xin của ta dâng lên Mẹ với ý thức về sự yếu hèn của chính mình. Sau cùng là lời ca ngợi vinh quang Ba Ngôi Thiên Chúa từ muôn thuở và cho đến muôn đời.
Tóm lại, khi suy nguyện chuỗi Mân Côi với ý nghĩa của Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, và Kinh Sáng Danh, ta không thể không cảm thấy ngợp trời ánh sáng, vinh quang và vui mừng vì được chúc tụng Thiên Chúa chí tôn, đầy tình thương. Ca ngợi Mẹ Maria, người Mẹ diễm phúc, luôn thương xót và cầu bầu cho ta. Trên tất cả, tình thương và phúc lộc đó qui về vinh quang một Thiên Chúa là Cha, và cho phần rỗi của con cái Ngài.
Một bộ kinh như thế, chắc chắn không còn bộ kinh nào đẹp đẽ hơn, xứng đáng hơn để ta dâng lên Thiên Chúa. Do đó, Kinh Mân Côi được coi là nhật tụng thần lương của mọi Kitô hữu. Những tâm hồn đạo đức, những thánh nhân kim cổ trong lịch sử Giáo Hội đều có lòng yêu mến Ðức Mẹ, hoặc sùng mộ những Mầu Nhiệm ẩn chứa trong việc lần hạt Mân Côi.
Thánh Bênađô, vị thánh thời danh của Ðức Mẹ có thói quen dùng lời chào của sứ thần Gabrien để chào mừng Ðức Mẹ. Mỗi lần khi đi qua tượng ảnh Mẹ, Bênađô cúi đầu và nói: “Ave Maria” – kính chào Maria. Cảm khích về lời chào và tấm lòng yêu mến đó, một hôm sau khi Bênađô vừa chào mừng Ðức Mẹ, liền được nghe Ðức Mẹ chào lại: “Ave Benado” – chào Bênađô. Thánh nhân đã ghi lại tình thương yêu bao la và sự săn sóc của Ðức Mẹ bằng những lời lẽ đầy tín thác như sau:
“Lạy Thánh Nữ Ðồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ. Xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Mẹ xin bầu chữa cứu giúp, mà Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời”.
Thánh Anphongsô Giám Mục Tiến Sĩ và sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế đã viết nhiều về Ðức Mẹ, đặc biệt là bộ sách Vinh Quang Ðức Mẹ, trong đó thánh nhân đã diễn tả cách rất đầy đủ về những vinh quang qua 12 nhân đức của Ðức Mẹ.
Thánh Ludovico Maria Grignon a Monfort đã hô hào lòng sùng kính và tận hiến cho Ðức Mẹ.
Thánh Ðaminh, người tiên phong cổ võ việc lần hạt Mân Côi. Nhờ Ngài sốt sắng rao truyền việc lần hạt, đã chiến thắng được lạc giáo Albigense tung hoành và gieo rắc bao tai họa cho Giáo Hội tại nước Pháp thời của Ngài.
Trong khi rao giảng phép lần hạt Mân Côi tại tỉnh Carcasso, một hôm có một người đã đả kích Thánh Ðaminh về việc đạo đức này. Anh ta đã bị quỉ nhập, và Thánh Ðaminh đã cầu nguyện để trừ quỉ ra khỏi người anh. Trước khi ra khỏi, chính quỉ dữ đã phải thú nhận và thốt lên những lời này:
“Hỡi mọi người, hãy nghe đây: Ðức Trinh Nữ Maria rất thánh là Mẹ Thiên Chúa. Người có đủ quyền năng gìn giữ mọi người khỏi lửa hỏa ngục. Ai có lòng sùng kính Người, sẽ thoát khỏi tay chúng ta. Nếu chẳng có Người, thì nhiều linh hồn đã phải trầm luân hỏa ngục. Người yêu thương và phù hộ cho những ai siêng năng lần hạt Mân Côi”.
Nhờ sự hô hào và lòng sốt sắng đối với Kinh Mân Côi của Thánh Giáo Hoàng Piô V, Giáo Hội dưới triều đại Ngài đã chiến thắng đạo quân Hồi Giáo tại vịnh Lépante.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã làm gương về lòng yêu mến Ðức Mẹ qua việc lần hạt Mân Côi. Ngài luôn luôn có tràng hạt trong người. Lần hạt riêng và lần hạt chung với con cái bốn phương. Lòng sùng mộ và yêu mến Mẹ Maria đã thôi thúc Ngài chạy lại bên Mẹ như một trẻ thơ.
Ngày 13 tháng 5 năm 1981, Ngài đã được cứu thoát một cách nhiệm mầu khi bị ám sát tại quảng trường Thánh Phêrô. Ngài thâm tín rằng trong biến cố đó, mạng sống Ngài được duy trì là do bàn tay của Ðức Mẹ. Và Ngài đã bày tỏ lòng biết ơn Ðức Mẹ bằng cuộc hành hương Fatima một năm sau, vào ngày 13 tháng 5 năm 1982. Trên mũ triều thiên của Ðức Mẹ Fatima, giữa những viên kim cương lóng lánh, là một đầu đạn mà kẻ ám sát đã bắn vào vị Giáo Hoàng, như dấu chứng hùng hồn về sự săn sóc và yêu thương đặc biệt của Ðức Mẹ dành cho Ngài. Ta hãy nghe lời của Ngài trong Tông Huấn Sứ Ðiệp Mục Vụ Các Gia Ðình: “Cha mời gọi tất cả hãy lần hạt Mân Côi, đường lối thiết yếu nuôi dưỡng sự tăng trưởng thiêng liêng cho cá nhân và sự thông hiệp yêu thương cho gia đình” (tr.28).
Ngày 16 tháng 10 năm 2002, bắt đầu năm thứ 25 Giáo Triều của Ngài, Ngài đã ban hành Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, một tài liệu rất đặc biệt hô hào mọi người hãy yêu mến và sốt sắng lần hạt Mân Côi. Ngay trong phần nhập đề, Ngài đã viết:
“Kinh Mân Côi của Trinh Nữ Maria, một kinh đã từ từ thành hình trong thiên niên kỷ thứ hai theo sự hướng dẫn của Thần Linh Thiên Chúa, là một kinh được rất nhiều vị thánh mến chuộng cũng như được Giáo Quyền khuyến khích. Tuy đơn giản, nhưng sâu xa, kinh nguyện này vào đầu thiên niên kỷ thứ ba đây, vẫn là một kinh nguyện có tầm vóc quan trọng trong việc mang lại một mùa gặt thánh đức”.
Cũng trong phần mở đầu của Tông Thư, Ngài viết tiếp:
“Mặc dù rõ ràng mang đặc tính Thánh Mẫu, Kinh Mân Côi tự bản chất là một kinh nguyện có trọng tâm là Chúa Kitô. Qua những yếu tố bình dị của nó, Kinh Mân Côi chất chứa tất cả những gì sâu xa của toàn thể sứ điệp Phúc Âm. Có thể nói rằng Kinh Mân Côi là một tổng hợp của Phúc Âm”.
Ngoài ra, qua Tông Thư này, Ngài đã thêm vào năm mầu nhiệm mới mà Ngài gọi là những Mầu Nhiệm Ánh Sáng, nhấn mạnh đến Chúa Kitô là ánh sáng của thế gian.
20 MẦU NHIỆM MÂN CÔI
Khi lần hạt, như đã trình bày trên, ngoài việc đọc và suy ngắm ý nghĩa của từng lời kinh, ta còn có dịp đi sâu vào những mầu nhiệm tình thương và sự thánh thiện của Ba Ngôi Thiên Chúa, cũng như vinh quang của Ðức Trinh Nữ Maria.
Trước hết, qua Mầu Nhiệp Nhập Thể, ta hân hoan về Ơn Cứu Chuộc đã được ban cho nhân loại qua Ðức Giêsu Kitô. Suy niệm về cuộc hành trình bác ái của Ðức Maria, khi vượt đồi núi Giuđêa đến viếng thăm chị họ Isave. Cảm nghiệm tình thương bao la của Thiên Chúa Nhập Thể qua hình hài con trẻ nằm rét run trong hang bò lừa tại đồng quê Belem. Học hỏi đức khiêm nhường và tuân phục của Ðức Maria và Thánh Giuse khi lên Giêrusalem dâng Ðức Kitô cho Thiên Chúa. Sau đó, vui mừng với Hai Ðấng khi tìm lại được Giêsu sau ba ngày lạc mất.
Nhưng khi con người bị đau khổ, bị thử thách mới biết tình Chúa thương yêu như thế nào. Mới hiểu tại sao Ðức Kitô lại đau khổ, đổ mồ hôi hòa máu trong vườn Cây Dầu. Tại sao Ngài để người ta đánh đòn, xỉ vả Ngài. Tại sao Ngài cam tâm chịu nhục hình trước mặt bọn người tội lỗi. Tại sao Ngài vác thập giá. Và nhất là tại sao Ngài lại chịu chết treo trên thập giá.
Suy ngắm những chặng đường đau khổ của Ðức Kitô từ vườn Cây Dầu đến núi Sọ, ta sẽ hiểu thế nào là tình thương yêu của Thiên Chúa. Thế nào là ác quả của tội lỗi. Thế nào là sự cao quí của linh hồn.
Sau khi cùng chia vui, xẻ sầu với Ðức Kitô qua các ngả đường trần gian, trong ơn gọi và cuộc sống của mình, nhờ suy ngắm, mỗi Kitô hữu sẽ tìm được nguồn vui thiêng liêng khi nghĩ về cuộc phục sinh vinh quang của Ngài. Nhớ về Thiên Ðàng khi nhìn ngắm Ðức Kitô về trời, vì Ngài về trời là để dọn chỗ cho mỗi người chúng ta: “Thầy đi để dọn chỗ cho các con” (Jn 14:2). Ngày Mẹ Maria được Thiên Chúa rước về trời và phong làm Nữ Vương trời đất.
Chúa Giêsu là “ánh sáng thế gian” (Jn 8:12). Ánh Sáng đã xuất hiện như ngọn đuốc dẫn đàng cho nhân loại tìm về cõi phúc trường sinh giữa đêm trường trần gian mù mịt, khi Ngài xuất hiện lãnh nhận việc thanh tẩy từ tay Gioan Tẩy Giả trên sông Giođan. Khi Ngài tham dự tiệc cưới ở Canna với các môn đệ. Khi Ngài kêu gọi mọi người “xám hối” và “tin vào Tin Mừng”. Khi Ngài hiển lộ sáng láng trên núi Taborê. Và khi Ngài thiết lập bí tích Thánh Thể.
Tóm lại, 20 Mầu Nhiệm Mân Côi chính là 20 quãng đường của mọi người chúng ta phải đi, phải chấp nhận vì tình mến như Chúa Giêsu, như Mẹ Maria đã đi và đã chấp nhận. Một giờ cầu nguyện đơn sơ nhưng với ý nghĩa cao siêu như thế, không phải là một giờ suy nguyện đẹp lòng Thiên Chúa hay sao? Không phải là một giờ để mình tâm sự và nghe Chúa tâm sự với mình qua những mầu nhiệm đó sao? Vì khi suy ngắm những mầu nhiệm đó, ta sẽ được nghe Thiên Chúa nói với ta về cuộc đời của Ðức Kitô, của Ðức Maria và những gì Ngài muốn ta thực hiện trong đời sống theo gương Hai Ðấng.
SIÊNG NĂNG LẦN HẠT
Cũng như Thánh trẻ Phanxicô, nếu ta muốn đạt tới đích của đời sống, muốn chiếm hữu được vĩnh cửu, thì chắc chắn phải siêng năng lần hạt. Lần hạt mỗi ngày. Lần hạt một mình. Lần hạt chung với nhau trong gia đình. Khi một mình trên xe bus. Một mình trên xe từ nhà tới sở, và từ sở về nhà. Lúc rảnh rỗi hay trên giường bệnh. Khi gặp những thử thách, đau khổ mà không biết than thở với ai. Nhờ suy ngắm những mầu nhiệm Mân Côi, ta sẽ biết hy sinh, khiêm nhường, nhẫn nại như Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Ta sẽ hiểu Thiên Chúa muốn mình sống như thế nào.
“Hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ” (Mt 26:41). Lời Ðức Kitô nói xưa không có luật trừ cho bất cứ ai. Nó không phải là một lời có tính cách cảnh giác hay đề phòng, nhưng là một mệnh lệnh, một điều kiện. Lời Ngài là lời hằng sống, như thánh Phêrô đã tuyên xưng: “Chúa có lời ban sự sống đời đời” (Jn 6:69). Lời đó nhắc nhở ta phải luôn tỉnh thức cầu nguyện.
Ðời sống của con người trên dương thế không phải là một chuỗi ngày dài hạnh phúc, vui tươi, phấn khởi và thơ mộng như những giấc mơ thần tiên được thêu dệt do trí tưởng tượng trong các tiểu thuyết. Những câu chuyện như thế chỉ có tác dụng làm quên đi thực tế của cuộc đời, hơn là giúp ta biết chấp nhận, thánh hóa, và thăng tiến cuộc đời như Ðức Kitô, như Mẹ Maria, như các thánh nhân đã sống, và đã thánh hóa.
Ðời sống trần gian của con người, nếu được trình bày một cách trung thực phải là một tập hợp giữa vui và buồn, giữa hạnh phúc và bất hạnh, giữa yêu thương và ghen ghét, giữa bạn hữu và thù nghịch, giữa lương thiện và gian ác. Một cuộc sống mà không ai có thể nói mình hoàn toàn hạnh phúc, hoặc hoàn toàn bất hạnh. Một cuộc sống mà trong đó mọi người phải phấn đấu, chấp nhận, và vươn cao giữa những thử thách, những cám dỗ, và yếu đuối. Trong cuộc sống này, người Kitô hữu không thể không tìm gặp Thiên Chúa, không thể không cậy trông Ngài, và không thể không xin Ngài nâng đỡ. Bằng cách nào? Bằng việc sốt sắng suy ngắm và sống các mầu nhiệm Mân Côi.
Theo Ðức Giáo Hoàng Piô XII, thì Kinh Mân Côi là một bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng. Nhờ suy ngắm những mầu nhiệm này, Ðức Tin của người Kitô hữu “được nẩy nở thêm” như Ðức Giáo Hoàng Piô XI đã đề cập trong Thông Ðiệp In Crescentibus Malis (Trước Sự Dữ Gia Tăng), và Thánh Hoàng Phaolô VI nhắc lại trong Thông Ðiệp Hòa Bình, ban hành ngày 15 tháng 9 năm 1966.
Lần hạt đối với Phanxicô là con đường dẫn lên cõi phúc. Ðối với ta cũng thế, lần hạt sẽ giúp hiểu hơn về Ðức Trinh Nữ Maria, và yêu mến Mẹ hơn. Nhờ tình mến này, Mẹ đưa ta tiến gần tới Chúa Giêsu Con Chí Thánh của Mẹ.
Lần hạt Mân Côi, theo linh mục Joanquim Maria Alonso, CMS, nhà biên khảo thời danh về biến cố Fatima, còn là việc chu toàn một trong ba điều kiện của Ðức Mẹ, đó là: Cải thiện đời sống, tôn sùng Trái Tim Mẹ, và siêng năng lần hạt.
Linh mục Alonso còn quả quyết rằng Thánh Ý Thiên Chúa muốn dùng Ðức Trinh Nữ Maria để tỏ lòng khoan nhân và công trình Cứu Chuộc vô giá của Ðức Kitô cho nhân loại.
Việc cứu rỗi nhân loại dĩ nhiên thuộc về Ðức Kitô, nhưng do lòng nhân lành vô biên của Ngài, Thiên Chúa muốn ban cho Mẹ Maria quyền ban phát ơn đó cho nhân loại. Giáo huấn của Giáo Hội về vai trò trung gian của Ðức Trinh Nữ Maria, đã được Ðức Giáo Hoàng Lêo XIII quảng diễn trong Thông Ðiệp Jucunda Semper ban hành ngày 8 tháng 9 năm 1894 như sau:
“Thiên Chúa, theo sự quan phòng rất nhân lành của Ngài đã ban cho nhân loại vị Nữ Trung Gian này, và đã ấn định rằng tất cả mọi phúc lộc phải qua tay Maria mới đến với chúng ta”.
(Trích và hiệu đính từ tác phẩm “Sống Đạo Giữa Đời”, Tủ Sách Vào Đời, 2004. Chương 10, tr.119-129 của cùng tác giả.)
Trần Mỹ Duyệt