Hội Thánh dạy: Chúng ta trở nên thánh thiện là hoàn toàn do bởi ơn Chúa. Điều này được diễn tả rõ ràng trong Thánh Kinh, đến nỗi, không thể nào bị chất vấn. Chân lý này phải tác động đến cách sống của chúng ta, bởi vì, nó tuôn chảy từ cốt lõi của Tin Mừng và đòi buộc chúng ta không chỉ chấp nhận nó trong trí năng, mà còn phải biến nó thành một niềm vui lan tỏa. Chúng ta chỉ có thể hát mừng quà tặng nhưng không này, khi chúng ta nhận ra những khả năng tự nhiên cũng như siêu nhiên của mình, đều là ân ban của Chúa. Điều này thật không dễ chút nào, trong một thế giới vốn nghĩ rằng mọi sự đều do tự nó, và do sáng kiến của nó.
Chúng ta không thể tự mình nên thánh, nhờ vào các việc làm đạo đức nơi Bàn Tay, hay những suy tư thần học nơi Bàn Giấy, ngay cả, những tâm tình sốt mến nơi Bàn Quỳ cũng chưa chắc, bởi vì, Bàn Quỳ vẫn có thể trở thành Bàn Quỷ, khi Satan lẻn vào thao túng ta bằng các thị kiến, phép lạ, nếu, Bàn Quỳ không được đặt ngay trước mặt, ngay bên cạnh, ngay bên dưới Bàn Thờ Thập Giá, trong sự vâng phục các Đấng Bản Quyền, bởi vì, sức nặng của chân Bàn Giấy, chân Bàn Quỳ, và Bàn Tay không đủ năng quyền: để đạp nát đầu con rắn, chỉ có, chân Bàn Thờ Thập Giá, có Đấng dùng sự khôn ngoan của Thập Giá, mới có đủ uy lực để làm được việc đó mà thôi. Vì thế, chúng ta phải đề cao cảnh giác trước những thế lực cản trở và mê hoặc chúng ta trên hành trình trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng Hoàn Thiện.
Tiến Sĩ Bàn Giấy – Kẻ Thù của Việc Nên Thánh: (1) Họ cầm tù người khác trong các tư tưởng của họ; đo lường sự hoàn thiện bằng lý trí, tri thức, hiểu biết, nhưng bỏ quên đức ái. (2) Họ không quan tâm đến tha nhân, nên họ thiếu khả năng chạm đến những đau khổ của Đức Kitô nơi những người khác. (3) Họ giảm trừ giáo huấn của Đức Giêsu thành một luận lý khắc nghiệt, lạnh lùng. (4) Họ là những ngôn sứ giả, sử dụng tôn giáo để quảng bá tri thức như: thay thế Thiên Chúa Ba Ngôi và Nhập Thể bằng Đơn Nhất Tính. (5) Họ tự cho mình là thánh, là tốt lành hơn những đám đông dốt nát.
Tiến Sĩ Bàn Tay – Kẻ Thù của Việc Nên Thánh: (1) Họ chỉ tin tưởng vào sức mạnh của mình và cảm thấy mình cao hơn người khác khi tuân giữ một số quy tắc, luật lệ. (2) Họ coi ý chí là toàn năng, ân sủng chỉ là cái được bổ sung vào. (3) Họ tự nên thánh bằng những việc làm, và những cố gắng của riêng mình, mà không cần ân sủng của Chúa. (4) Họ nghĩ mình có quyền đòi hỏi, và cũng có thể mua được ân sủng thần linh bằng những nỗ lực của mình. (5) Họ tự mãn, kiêu hãnh về khả năng xử lý những vấn đề thực tiễn, những chương trình tự lực, và thành tựu cá nhân.
Hội Thánh không ngừng dạy rằng: chúng ta nên thánh không phải bởi những việc làm hay những cố gắng của riêng mình, nhưng là bởi ân sủng của Chúa, Đấng luôn luôn đi bước trước. Ngay cả khát vọng được thanh tẩy cũng đến với chúng ta nhờ sự tuôn đổ và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta được nên thánh cách nhưng không, bởi vì, không có gì đi trước việc nên thánh, không phải đức tin cũng không phải việc làm, mà chính là do ân sủng. Ân sủng Chúa trao ban thì vượt quá năng lực của lý trí và ý chí của chúng ta.
Được trở nên nghĩa thiết và bạn hữu của Thiên Chúa là một điều gì đó muôn trùng siêu vượt trên chúng ta. Chúng ta không thể mua nó bằng những việc làm của mình. Đó chỉ có thể là một quà tặng, do sáng kiến tình yêu của Thiên Chúa. Điều này mời gọi chúng ta hân hoan sống tâm tình biết ơn về ân ban mà mình hoàn toàn bất xứng này, bởi vì, khi chúng ta nhận được ân sủng, thì ân sủng đã nhận được đó, không phải do chúng ta xứng đáng. Ước gì ta ý thức rằng: Ngày cuối đời, ta sẽ ra trình diện trước mặt Chúa với đôi bàn tay trắng, tất cả những việc làm, mà ta tưởng là thánh thiện, thì đều nhiễm uế trước mắt Chúa. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB