Trong danh sách 21 Hồng y tân cử, một trong những khuôn mặt gây tranh cãi là Đức cha Americo Manuel Alves Aguiar, Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Lisbon, Bồ Đào Nha. Gây tranh cãi không phải do ngài còn quá trẻ, mới 49 tuổi, vì có vị còn trẻ hơn. Cũng chẳng phải vì ngài mới là Giám mục phụ tá một Giáo phận, có các linh mục cũng được nâng lên Hồng y thì đã sao! Có lẽ lý do chính là vì Đức cha Aguiar là Giám mục phụ tá của Tổng giáo phận Lisbon và vị lãnh đạo của Giáo phận này đã là Hồng y rồi, Đức hồng y Manuel Clemente. Bây giờ lại thêm một Hồng y nữa trong cùng một Giáo phận. Và người ta đặt câu hỏi: Còn Paris, Milano thì sao? Chẳng lẽ những Giáo phận ấy không quan trọng bằng Lisbon sao? Tại sao chờ mãi vẫn không có Hồng y, đang khi Lisbon đã có thì lại cho thêm!
Để giải thích việc chọn lựa này, thiết nghĩ nên quan tâm đến một sự kiện khác: Đức cha Aguiar là người được trao trách nhiệm tổ chức và điều hành Đại hội giới trẻ thế giới, diễn ra từ 1-6/8 tại Lisbon. Và chính trong những ngày sát với Đại hội, vị giám mục này được nâng lên hàng hồng y, qua đó Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn giới thiệu hình ảnh một Giáo hội của người trẻ và cho người trẻ, như ngài từng bày tỏ trong Tông huấn Christus vivit:
“Chúng ta hãy xin Chúa giải thoát Hội Thánh khỏi những kẻ muốn làm cho Hội Thánh già đi, giam hãm Hội Thánh trong quá khứ, kềm hãm hay làm cho Hội Thánh bị tê liệt. Chúng ta cũng hãy xin Chúa giải thoát Hội Thánh khỏi một cơn cám dỗ khác, là tin rằng mình trẻ trung vì đã chấp nhận tất cả những gì thế giới mời mọc, tin rằng mình đổi mới vì đã quên đi sứ điệp của mình mà bắt chước người khác. Không! Hội Thánh trẻ trung khi Hội Thánh là chính mình, khi Hội Thánh đón nhận sức mạnh luôn mới mẻ của Lời Chúa, của Thánh Thể, của sự hiện diện của Đức Kitô và sức mạnh Thánh Thần của Người mỗi ngày. Hội Thánh trẻ trung khi Hội Thánh có khả năng không ngừng trở về nguồn” (Christus vivit, 35).
Đức Hồng y tân cử Aguiar xem ra là người có khả năng quy tụ giới trẻ, lắng nghe và làm việc chung với họ, đồng thời có tầm nhìn mở về Giáo hội. Một vài phát biểu của ngài gần đây thể hiện phần nào quan điểm trên. Khi được hỏi Giáo hội phải làm gì để các bạn trẻ ở lại với Giáo hội sau những ngày đại hội, ngài trả lời:
“Einstein nói rằng cứ đòi hỏi người ta phải làm cùng một việc đang khi mong chờ những kết quả khác thì quả là không lành mạnh. Đôi khi tôi có cảm giác là trong Giáo hội, chúng ta thường nghĩ ‘điều này đã là như thế cả hai ngàn năm rồi, cho nên không cần phải thay đổi gì hết’. Một trong những điều làm tôi khó chịu nhất là đang khi chúng ta cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề thì lại nghe ai đó nói, ‘Theo truyền thống thì phải thế này, thế kia!… Lập luận như thế là thứ mục vụ bảo quản! Cứ như thế đi cho đến lúc nó không còn như thế nữa vì chẳng có ai lo việc bảo quản nữa.”
Khi được hỏi về mong ước của ngài đối với Đại hội giới trẻ tại Lisbon, ngài nói: “Ước mơ của tôi là các bạn trẻ đến Lisbon sẽ trở về quê hương mình với ước muốn sống tốt hơn, dù họ theo tôn giáo nào. Bởi lẽ ở Lisbon này họ gặp được cả người da trắng cũng như da màu, cao lớn hay thấp bé, từ Nam hay Bắc bán cầu, giàu hay nghèo, Hồi giáo hay Do thái giáo hay các tôn giáo khác, và họ khám phá ra rằng sự khác biệt ấy làm nên sự phong phú. Và như thế mọi khác biệt giữa các anh chị em trở thành cơ may cho chúng ta” (National Catholic Register, 19/07/2023).
Những phát biểu trên lại chẳng phản ánh tinh thần Tông huấn Christus vivit (Chúa Kitô đang sống) và Thông điệp Fratelli tutti (Tất cả là anh em) đó sao? Và phải chăng Đức giáo hoàng mong muốn có một hồng y như thế để hướng dẫn giới trẻ xây dựng một thế giới mới, thế giới của tình huynh đệ: “Các con phải là những người có khả năng tạo ra tình bằng hữu trong xã hội” (Christus vivit, số 169) ?
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: giaophanmytho.net