Đứng dưới chân Thánh Giá Chúa giữa đại dịch COVID-19

17/09/2021

Theo lẽ thường dễ hiểu và cũng đúng thôi, với thân phận người, chúng ta sợ đau đớn, đau khổ, sỉ nhục, cay đắng, đói khát, thất nghiệp, bệnh tật, cái chết, mất người thân…những gì làm chúng ta bị tổn thương. Những ngày tháng này, đại dịch COVID-19 hoành hành trên khắp thế giới, cách riêng tại Việt Nam, nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh. Tin tức buồn, hình ảnh chết chóc tang thương tràn ngập trên truyền thông và cả ngay trong gia đình mỗi người chúng ta và điều này đã và đang gây ức chế tâm lý, sợ hãi, trầm cảm cho nhiều người. Làm sao để có thể sống tốt vượt qua đại dịch? Các chuyên gia tâm lý, y tế… nói nhiều đến các khía cạnh này, rất hữu ích. Là Kitô hữu, đức tin luôn chiếu sáng hướng dẫn chúng ta về tầm nhìn, lối đi, mọi chọn lựa quyết định trong đời sống hàng ngày, cách riêng trong những lúc khó khăn thử thách.

Cùng với Đức Mẹ Maria đứng dưới chân thánh giá và ngước nhìn Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh ngày Lễ Suy tôn Thánh giá và Lễ Đức Mẹ Sầu bi, giữa đại dịch COVID-19, chúng ta thấy được TÌNH YÊU, ÁNH SÁNG, HY VỌNG VÀ SỰ PHỤC SINH VINH HIỂN.

TÌNH YÊU

Chúng ta không đơn thuần suy tôn thánh giá, nhưng suy tôn chính Ðấng chịu đóng đinh vào thánh giá. Ngài là Ðấng Thánh không hề phạm tôi, là Con Thiên Chúa làm người, là “Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20). Chúng ta cũng không suy tôn đau khổ và cái chết, vì con Thiên Chúa đến thế gian là để con người “được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 1-10) nhưng chúng ta suy tôn Tình Yêu: Tình Yêu của Chúa Cha trao ban cho thế gian người Con Một, Tình Yêu của Chúa Con dám sống hết mình cho Cha và nhân loại. Ðau khổ và cái chết là cái giá tất yếu phải trả cho một tình yêu. Tình yêu lớn nhất là tình yêu hiến mạng để cho người mình yêu được sống, được cứu độ.

Trong cơn đại dịch, nhìn lên Thánh Giá Chúa chúng ta học được bài học TÌNH YÊU.

Sức khỏe tốt là yếu tố quan trọng giúp cơ thể có sức đề kháng. Sức khỏe của mình quý giá biết bao và chúng ta đã đi quá xa khi lao vào công việc mà không màng sức khỏe; chúng ta ăn những thực phẩm nghèo dinh dưỡng, và uống nước bị ô nhiễm bởi hóa chất, hít thở môi trường độc hại. Hãy học yêu chính mình một cách đúng đắn rồi mới có thể học yêu tha nhân như chính Chúa đã yêu ta.

Mạng sống con người có thể bị hủy hoại trong phút chốc.  Chúng ta cảm nghiệm sự ngắn ngủi của cuộc sống và điều quan trọng nhất chúng ta cần phải làm: đó là yêu thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là những người già yếu, bệnh tật, nghèo khổ. Việc lây nhiễm trong cộng đồng cho thấy chúng ta đều kết nối và điều gì đó ảnh hưởng đến một người thì nó cũng có sự ảnh hưởng đến người khác. Vaccine cần thiết để chống dịch nhưng các nước nghèo không có, cần được các nước giàu chia sẻ… “Tứ hải giai huynh đệ”, “Lá lành đùm lá rách”,  chúng ta cần tình thương liên đới chia sẻ giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế và địa phương, giữa các gia đình.

Xã hội hưởng thụ vật chất của chúng ta đã đi quá xa khi đánh giá cao những thứ xa xỉ. Khi dịch bệnh xảy ra, chúng ta thấy rõ những thứ thiết yếu mà ta cần cho sự sống: nước, thực phẩm, vệ sinh môi trường và cơ thể, chung sức bảo vệ cộng đồng, và nhất là đời sống tâm linh. Hãy yêu mình và yêu tha nhân bằng cách chăm sóc đời sống thể lý, tinh thần, tâm linh của mình và của mọi người một cách đúng đắn.

Nhiều bệnh nhân COVID-19 đã chết trong cô độc. Chúng ta cần quay về gia đình để chúng ta có thể xây dựng lại cuộc sống bên tổ ấm của mình và củng cố hạnh phúc gia đình mình.

Cần giữ quân bình giữa nhân đức “chăm lo bản thân” và đức ái với tha nhân

Cần có kế hoạch làm việc quân bình hơn cho các bác sĩ và nhân viên y tế đang tham gia chống dịch để bảo đảm sức khỏe và mạng sống của họ trong cuộc chiến còn kéo dài.

Tại Việt Nam, sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ y tá bác sĩ ở tuyến đầu – những chiến sĩ áo trắng tình nguyện xa nhà chống dịch, xa cha mẹ già, vợ trẻ con thơ, chống chọi với cái nóng hầm người, rát bỏng da, nóng đến mất nước trong bộ đồ bảo hộ kín mít, nhịn cả nhu cầu cấp thiết… Nhiều người kiệt sức ngất xỉu, có người mệt nhoài ngã bên lề đường tranh thủ chợp mắt, và cũng đã có người ra đi vĩnh viễn.[1]

Theo James F. Keenan, thần học gia luân lý Dòng Tên, Đức công bình đòi hỏi chúng ta xem mỗi người là như nhau; đức trung tín đòi hỏi chúng ta coi các bạn bè và gia đình của chúng ta cách ưu tiên; đức chăm lo bản thân đòi hỏi chúng ta tự coi mình là độc nhất. Những đòi hỏi của ba nhân đức này có thể được thực hiện cách đồng thời và dẫn đến nhân đức thứ tư: chính đức khôn ngoan tìm kiếm các nhấn mạnh cách thích hợp trong mỗi hoàn cảnh. Đôi khi cần phải chọn lựa giữa sự công bình, lòng trung tín và việc chăm lo bản thân. Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hiện nay trên toàn thế giới, nhiều bác sĩ y tá đã chết vì phục vụ bệnh nhân đến kiệt sức và nhiễm bệnh. Các vị này đã “yêu tha nhân HƠN chính bản thân mình”. Đó là bản chất và “tính thánh thiêng” của nghề y. Bước vào ngưỡng cửa ngành y, các bác sĩ đã được huấn luyện đức nhẫn nại, kiên cường, can đảm, vô vị lợi, đặt lợi ích bệnh nhân lên trên lợi ích chính mình. Tuy nhiên, đức khôn ngoan đòi hỏi chính các bác sĩ và nhân viên y tế trước hết cũng phải được chăm sóc và bảo vệ thì những người này mới có thể cống hiến phục vụ bệnh nhân và đất nước dài lâu. Họ là “thành trì cuối cùng” của xã hội để bảo vệ và cứu sống người bệnh. Quốc gia cần có các chính sách đúng đắn hợp tình hợp lý đối với nhân viên y tế.

ÁNH SÁNG

Với con mắt người đời trần gian, Con Thiên Chúa đã thất bại. Con Thiên Chúa thất bại vì Ngài khiêm tốn. Ngài để cho con người có tự do chối từ. Chúa Cha lặng thinh khi Con Ngài hấp hối đến nỗi Chúa Giêsu phải kêu lên “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con!!”…

Trong cơn đại dịch với bao đau khổ, chết chóc, nỗi kinh hoàng, nhìn lên Thánh Giá Chúa chúng ta nhận được nhiều ÁNH SÁNG mà khi ấm no khỏe mạnh an bình ta không thấy được. Chỉ xin nêu vài tia sáng trong vô vàn tia sáng ấy.

Ý thức thân phận thụ tạo mỏng dòn

Vài thập niên gần đây, các phát hiện mới của khoa học đặt vấn nạn cho chính các xác tín khoa học. Cách nay không lâu, con người tưởng như khoa học đang thế chỗ Thiên Chúa để tác động trên tất cả vạn vật và mở ra viễn ảnh sáng chói của quyền năng trí tuệ con người. Và giờ đây, toàn thế giới lao đao trước thảm họa đại dịch COVID-19, ngay cả hai cường quốc nhất thế giới, Trung quốc và Hoa Kỳ, và các nước giàu có châu Âu đều rơi vào khủng hoảng. Chúng ta lại một lần nữa, nhận ra rằng con người chỉ là thụ tạo mong manh, hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa là Chủ tể muôn loài. Một loại virus nhỏ bé lại có “công phu tuyệt đỉnh” đảo lộn cuộc sống của cả thế giới. Còn biết bao sức mạnh khác của muôn loài trong vũ trụ. SARS-CoV-2 này nhắc con người khiêm tốn hơn, biết vị trí thật sự của con người trong vũ trụ.

Tìm lại điều chính yếu của đời người: trở về với Thiên Chúa

Mạng sống con người có thể bị hủy hoại trong phút chốc.  Chúng ta cảm nghiệm sự ngắn ngủi của cuộc sống và điều quan trọng nhất chúng ta cần phải làm:  trở về với Thiên Chúa.

Thánh giá là con đường tất yếu con người phải đi để được cứu độ

Giữa đại dịch, nhiều lúc chúng ta thấy cô đơn bất lực, thất vọng tưởng chừng như Thiên Chúa bỏ rơi chúng ta rồi. Như chúng ta, Thầy Giêsu Chí Thánh cũng phải trải qua giây phút hoảng sợ “Lạy Cha, nếu có thể xin cất chén đắng này khỏi con”… Nhưng rồi sự kết hiệp mật thiết với Chúa Cha giúp Ngài bình tâm vâng phục “Lạy Cha, xin đừng theo ý con, nhưng xin vâng theo Ý Cha”.  Thiên Chúa toàn năng toàn tri đã chọn con đường thánh giá để cứu độ nhân loại. Vậy chúng ta nhìn lên Chúa Giêsu Kitô trên thánh giá, xác tín thánh giá là con đường tất yếu mỗi người phải đi để được cứu độ.

Trên đây là vài tia sáng thiêng liêng, dưới đây là vài tia sáng về mặt xã hội

Thúc đẩy sự hợp tác liên ngành: Đại dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng phức tạp, đa diện và biến chuyển của tình thế buộc phương pháp làm việc phải đa ngành. Một tình huống mới xảy ra cần phải được xem xét bởi các chuyên viên nhiều ngành khác nhau: nhà toán học dựng mô hình biến hóa, nhà xã hội học dự đoán tác động của cơn dịch lên dân chúng, các nhà dịch tễ học và nhà môi trường sinh thái phối hợp điều nghiên nguồn gốc virus gây bệnh, nhà nghiên cứu ráo riết chế xuất vaccine, thuốc điều trị, các bác sĩ học hỏi và rút kinh nghiệm tìm hướng điều trị thích hợp, chính quyền tìm phương thế giải quyết, xử lý thách đố, khó khăn của dân chúng… Cuộc vượt thắng đại dịch cần sự hợp lực của đa ngành trên mọi lãnh vực.[2]

Thúc đẩy sự tự học, tự lập, cùng sáng tạo: Lịch sử nhân loại đang bước vào một chu trình luôn biến động: dịch bệnh, thảm họa thiên nhiên và môi trường, chiến tranh… sẽ gây ra bất ổn và bất an nên các công dân tương lai phải được đào tạo để thích ứng với hoàn cảnh. Như vậy, tự học và tự lập thời Phan Châu Trinh là để “Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh” và giải phóng dân tộc. Thời nay, tự học và tự lập là để sinh tồn trong một nền văn minh vật chất – công nghệ vũ bão, để đối mặt và chiến đấu với dịch bệnh và những cơn giận dữ của thiên nhiên trong các thập niên tới.[3]

Thúc đẩy tình yêu quê hương: Qua công cuộc chống dịch, có lẽ mỗi người dân Việt thấy gắn bó sâu sắc và yêu quê hương hơn. Đây là cơ hội nhắc nhở người dân Việt, cách riêng người trẻ Công giáo, cần yêu Giáo Hội, yêu Chúa cụ thể qua những đóng góp xây dựng mảnh đất quê hương hình chữ S còn bao thách đố khó khăn, nhất là dân Miền Trung vừa qua các đợt bão lũ lịch sử.

Bảo vệ môi trường sinh thái

Ngay từ đầu, các nhà khoa học cũng dồn sức vào nghiên cứu về loài virus corona chủng mới gây dịch bệnh COVID-19. Các giả thuyết ban đầu cho rằng virus bắt nguồn từ loài dơi dẫn đến những câu hỏi quan trọng về cách mà loài virus này lây sang con người. Tại sao virus mới lại lây lan cho cả thế giới loài người từ một loài động vật vốn dĩ không gần gũi với con người?

Các nhà khoa học tin rằng cách đối xử của con người với môi trường sống tự nhiên, cùng việc số lượng lớn người di chuyển nhanh trên Trái đất đã cho phép những virus tiềm tàng trong tự nhiên “nhảy loài” (“nhảy loài” là từ để chỉ virus từ loài này lan sang một loài khác, ví dụ từ lợn sang người, từ chuột sang người, hoặc từ dơi sang người…) và lây lan nhanh chóng.

Theo giáo sư Andrew Cickyham và Kate Jones, có hai bài học thực tiễn cho nhân loại. Đó là, dơi không phải là “tội phạm” khi bệnh dịch xảy ra và con người phải nhìn lại cách chúng ta đối xử với môi trường. COVID-19 là bằng chứng rõ ràng, rằng thiệt hại môi trường cũng có thể giết chết con người nhanh chóng. Và những dịch bệnh như COVID-19 có thể xuất hiện nhiều hơn, tồn tại và tiến hóa cùng với tiến trình phát triển của lịch sử loài người. Chúng có thể nguy hại và ngày càng khó kiểm soát hơn nếu con người không thay đổi hành vi của mình.[4]

Con người đang gánh hậu quả khi biến một khu rừng thành trang trại nông nghiệp, các trạm thủy điện mà không cần hiểu tác động của khí hậu, tăng lượng khí carbon, nguy cơ lũ lụt, sạt lở, phát sinh dịch bệnh. Việc thay đổi cách đối xử với môi trường sẽ đơn giản và rẻ hơn so với việc đổ hàng tỉ đô la để tìm ra loại vaccine cho mỗi loại virus mới.[5] Chúng ta không thể và không được phép quay lại mô hình sản xuất và tiêu dùng tận diệt như trước, không được phép coi thường trái đất đã duy trì sự sống này, không được phép quay lại vòng xoáy hoảng loạn, những nền chính trị gây chia rẽ đã thúc đẩy đại dịch này.[6] Thiên nhiên cũng bày tỏ sự giận dữ đối với con người qua khủng hoảng môi sinh trầm trọng. Chúng ta được nhắc nhở cần phải tôn trọng vũ trụ theo ý định của Thiên Chúa Tạo Thành, và sử dụng vạn vật với lương tâm ngay chính và tinh thần trách nhiệm.

HY VỌNG VÀ SỰ PHỤC SINH

Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh trên thập giá dành cho người tử tù. Không có cái chết cô đơn tủi nhục này của Con Thiên Chúa thì cũng chẳng có ơn cứu độ. Không có thánh giá thì cũng chẳng có phục sinh. Thánh giá  mà thánh Phêrô và chính chúng ta sợ hãi không muốn, lại là nơi Thiên Chúa biểu lộ sức mạnh cao nhất của Tình Yêu. Ngang qua thánh giá, Tình Yêu đã thắng sự ác, sự sống thắng sự chết, ánh sáng thắng bóng tối, tha thứ thắng hận thù ghét ghen. Chúa Cha không đưa Ðức Giêsu xuống khỏi thánh giá, nhưng đưa Ngài vinh hiển ra khỏi nấm mồ quạnh hiu. Đau khổ và cái chết trở thành thánh giá cứu độ đem lại sự sống đời đời. Thánh giá đồng hành với người Kitô hữu suốt cuộc lữ hành trần thế: “Ai muốn theo Tôi hãy vác thánh giá mình mà theo Tôi”. Như vậy Thánh giá là con đường DUY NHẤT đem lại niềm HY VỌNG VÀ SỰ PHỤC SINH. “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ sống lại với Người”.

“Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện”, (Rm 12,12)

Đức Hy vọng không ảo tưởng mong chờ thiên đàng trần thế và loại trừ mọi khổ đau khỏi cuộc sống thế gian, nhưng là thái độ bình tâm đón nhận thử thách và đau khổ trần thế nhờ đức tin dựa vào chính Thiên Chúa, cắm rễ nơi Đức Giêsu Kitô (Dt 6,19-20), và vững mạnh nhờ Thánh Thần.

Đức  Hy Vọng hướng đến hạnh phúc vĩnh cửu trên Quê trời, cho nên “bảo vệ chúng ta khỏi sự nản chí, nâng đỡ khi bị bỏ rơi, mở rộng trái tim bằng sự mong đợi vinh phúc vĩnh cửu, gìn giữ chúng ta khỏi tính ích kỷ và đưa chúng ta đến với vinh phúc của đức mến” (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo s. 1818).

“Mùa tai họa trở thành mùa hồng ân”

Ngạn ngữ có câu: với người lạc quan, mọi thử thách sẽ biến thành cơ hội. Thật vậy, “Chúa có thể vẽ thẳng trên những đường cong”. Bill Gates cũng theo hướng tích cực khi suy tư về COVID-19: “Khi nhiều người coi virus Corona/Covid-19 là một thảm họa lớn, tôi thích xem nó như là một sửa chữa tuyệt vời… Nó đang nhắc nhở chúng ta rằng đây có thể là một kết thúc hoặc một khởi đầu mới. Đây có thể là thời gian cho suy ngẫm và hiểu biết, nơi chúng ta học hỏi từ những sai lầm của mình, hoặc nó có thể là khởi đầu của một chu kỳ nữa tiếp tục cho đến khi cuối cùng chúng ta học được bài học mà chúng ta phải học.”[7]

Vậy, một cách thực tế và hiện sinh, chúng ta không thể tránh, và cũng đừng sợ hãi tránh né thánh giá (mà có tránh cũng đâu thoát, và nếu có thoát được thánh giá này, coi chừng phải vác thánh giá khác nặng nề to lớn hơn!). Ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi, chúng ta nhớ đến Bảy Sự Thương Khó của Đức Mẹ, Mẹ đã thông phần sự đau khổ với Chúa Con, Mẹ đã kếp hiệp nỗi thống khổ của mình vào sự thương khó của Chúa con, để cộng tác với Người trong công cuộc cứu độ nhân loại. Nhờ đó nay Mẹ đang hưởng phúc vinh quang trên Trời.

Vậy chúng ta đừng than trách Chúa khi gặp đau thương khốn khó, mà hãy cùng với Mẹ Maria đứng dưới chân thánh giá, TẠ ƠN TRONG MỌI HOÀN CẢNH. Hãy kết hiệp thánh giá đời tôi với hy lễ Chúa Giêsu trên thánh giá, chúng ta sẽ thấy thánh giá nhẹ hơn và sinh hoa thơm trái ngọt. Như thế, dù giữa gian nan thử thách, chúng ta sẽ có được niềm vui và bình an thật sự của Chúa, niềm vui và bình an mà thế gian này không cho chúng ta được. Hãy hôn kính Thánh Giá của mình, của quê hương, của Giáo Hội, trong cơn đại dịch khốn khó này. Đau khổ là một mầu nhiệm, chúng ta chẳng bao giờ hiểu hết được mầu nhiệm. Ước mong chúng ta thấy được ý nghĩa của thánh giá riêng của mỗi người nhờ tin tưởng hy vọng nhìn lên Thánh Giá Chúa Giêsu, để cùng nhau vượt qua đại dịch, cùng nhau kiến tạo đời sống “bình thường mới” thấm đậm tình yêu huynh đệ đại đồng trong một môi trường sinh thái và nhân bản cải thiện hơn, với ánh mắt vui và hy vọng luôn hướng về Trời cao, nơi Thiên Chúa Tình Yêu đang chờ đón chúng ta để ban cho ta hạnh phúc vĩnh cửu.[8]

[1] Tuổi trẻ online, “Từ 14h ngày 1-6: Trực tuyến với y bác sĩ từ ‘tâm dịch COVID-19’ Bắc Giang”, <https://tuoitre.vn/tu-14h-ngay-1-6-truc-tuyen-voi-y-bac-si-tu-tam-dich-covid-19-bac-giang-0210531142653658.htm>, (31/5/ 2021).

[2] Nguyễn Vĩnh Nguyên, “Nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Phương: Đại dịch thúc đẩy sự tự học và tự lập”, <https://tuoitre.vn/nha-nghien-cuu-nguyen-thuy-phuong-dai-dich-thuc-day-su-tu-hoc-va-tu-lap-202107251002113.htm>, (25/07/2021).

[3]  “Nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Phương: Đại dịch thúc đẩy sự tự học và tự lập”.

[4] Ka Ka (theo CNN), “COVID-19 làm đảo lộn thế giới: lỗi của loài dơi hay loài người?”, <https://tuoitre.vn/covid-19-lam-dao-lon-the-gioi-loi-cua-loai-doi-hay-loai-nguoi-20200321091423695.htm> .

[5] Ka Ka “COVID-19 làm đảo lộn thế giới: lỗi của loài dơi hay loài người?”.

[6] Hồng Hạnh (Theo AP), “Tổng giám đốc WHO: Thế giới có thể bắt đầu mơ đại dịch kết thúc”,

<https://vnexpress.net/tong-giam-doc-who-the-gioi-co-the-bat-dau-mo-dai-dich-ket-thuc-4201784.html> , (5/12/2020).

[7] “Bill Gates says coronavirus reminds us we are all equal in powerful open letter”.

[8] X. Nguyễn Cao Siêu, S.J. “Phải được giương cao” (14.9.2021 – Lễ suy tôn Thánh giá),  <https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/phai-duoc-giuong-cao-14-9-2020-thu-hai-tuan-24-tn-le-suy-ton-thanh-gia–40554>.

BS Trần Như Ý Lan, Dòng Đức Bà
Lễ Suy Tôn Thánh Giá 14/9/2021
Lễ Đức Mẹ Sầu Bi 15/9/2021

Nguồn: hdgmvietnam.com