Đức cố Giáo hoàng Phanxicô – Một biểu tượng của Đức Khiêm nhường và Khó nghèo

05/05/2025

Trong suốt dòng lịch sử Giáo Hội, không thiếu những vị Giáo Hoàng vĩ đại để lại dấu ấn trong đức tin, trí tuệ và lòng bác ái. Nhưng Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô – vị Giáo Hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ Latinh – đã làm bừng sáng hai đức tính cốt lõi của Tin Mừng: Khiêm nhườngKhó nghèo.

1. Khiêm Nhường – Căn Tính Sâu Xa Của Người Môn Đệ Chúa.

“Hãy học cùng Ta,

vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (x. Mt 11,29).

Ngay từ giây phút đầu tiên khi được bầu chọn làm Giáo Hoàng vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, khi xuất hiện trên ban công đền thờ Thánh Phêrô, Ngài đã không giơ tay ban phép lành ngay như truyền thống, mà cúi đầu xin cộng đoàn cầu nguyện cho mình trước. Một cử chỉ đơn sơ nhưng đầy sức mạnh thiêng liêng, thể hiện tinh thần của Chúa Giêsu:

“Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (x. Mt 20,26).

Sự khiêm nhường ấy không chỉ thể hiện qua hành vi, mà còn qua chính cái nhìn của Ngài về bản thân. Trong một cuộc phỏng vấn do Cha Antonio Spadaro, Dòng Tên, thực hiện cho tạp chí La Civiltà Cattolica (công bố ngày 19/9/2013), khi được hỏi:

“Thưa Đức Thánh Cha, ngài là ai?”

Ngài đã trả lời không chần chừ:

“Tôi là một người tội lỗi. Đây là câu trả lời chính xác nhất. Nó không phải là một cách nói văn vẻ hay thiêng liêng hóa – tôi là một người tội lỗi được Thiên Chúa nhìn bằng ánh mắt thương xót”.

Câu nói ấy diễn tả tinh thần sống nội tâm sâu sắc và thái độ khiêm nhu đích thực của bản thân: biết mình, biết Chúa, và biết sống trong lòng thương xót của Thiên Chúa, cũng như thánh Augustino đã khiêm tốn thưa lên “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”.

Khi trở thành Giáo Hoàng, Ngài không chọn lối sống giữa vinh quang, mà chọn sự đơn sơ: từ chối ở trong dinh Tông Tòa, di chuyển bằng xe bình thường, ôm những người bệnh bị xã hội ruồng bỏ, rửa chân cho tù nhân và người nhập cư. Với ngài, khiêm nhường không phải là một hình thức bên ngoài, mà là một thái độ sống: luôn bước xuống, để đến gần những ai bị bỏ rơi.

Sự khiêm nhường này cũng thể hiện nơi tấm lòng biết nhận lỗi thay cho Giáo Hội. Trong chuyến tông du Canada năm 2022, ngài đã công khai xin lỗi người bản địa vì vai trò của Giáo Hội trong các trường nội trú gây tổn thương và chia rẽ văn hóa. Ngài nói:

“Tôi xin lỗi một cách chân thành vì tội lỗi của nhiều Kitô hữu trong các tổ chức giáo hội đã hợp tác, đặc biệt là qua sự thờ ơ, với những chính sách đồng hóa văn hóa áp đặt trên anh chị em” (Edmonton, 25/7/2022).

Tương tự, ngài cũng cúi đầu xin lỗi các nạn nhân bị lạm dụng trong Giáo Hội, đặc biệt trong các chuyến đi mục vụ tại Chile, Mỹ và Ireland – không với lời biện minh, nhưng với nước mắt và sự thật.

Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô đã sống trọn vẹn lời Chúa Giêsu:

“Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (x. Lc 14,11).

Qua chứng tá sống động của Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô, Chúa muốn nhắc nhở mỗi chúng ta rằng: sống khiêm nhường là bước đầu tiên để nên thánh.

2. Khó Nghèo – Con Đường Tin Mừng Sống Động.

“Phúc thay ai có tầm hồn nghèo khó,

vì Nước Trời là của họ” (x. Mt 5,3).

Nếu khiêm nhường là nội tâm biết cúi mình, thì khó nghèo là hành động cụ thể của tâm hồn khiêm tốn. Từ khi còn là linh mục và giám mục ở Buenos Aires, Đức Jorge Bergoglio đã chọn lối sống đơn sơ, gần gũi với người nghèo, đi xe buýt, tự nấu ăn, và ở trong căn hộ thay vì dinh thự. Khi được bầu làm Giáo Hoàng, Ngài đã chọn tên gọi Phanxicô – vị thánh nghèo thành Assisi, người đã từ bỏ tất cả để sống Tin Mừng một cách triệt để.

Trong buổi gặp gỡ báo chí sau ngày đắc cử (16/3/2013), Đức Giáo Hoàng giải thích:

“Trong mật nghị, khi kết quả dường như đã rõ ràng, Đức Hồng Y Cláudio Hummes ôm tôi và nói: ‘Đừng quên người nghèo!’. Và ngay lập tức, tôi nghĩ đến Thánh Phanxicô Assisi – người của sự nghèo khó, của hòa bình và của tình yêu tạo vật”.

Việc Ngài chọn tên Phanxicô không chỉ để tôn kính một thánh nhân, mà còn vạch ra một định hướng sống và phục vụ: canh tân Giáo Hội bằng đời sống khó nghèo, đơn sơ, gần gũi với người bé mọn.

Trong Tông huấn Evangelii Gaudium đầu tiên triều đại Giáo Hoàng, Ngài viết bằng tất cả xác tín:

“Tôi ước ao một Giáo Hội nghèo cho người nghèo” (x.EG, số 198).

Sự khó nghèo ấy không chỉ ở hình thức, mà thể hiện qua lối sống liên đới và cận kề với người bị bỏ rơi. Ngài đến các trại tị nạn, ôm những người bệnh, rửa chân cho tù nhân, trò chuyện với người vô gia cư, và luôn ưu tiên những ai bị hệ thống xã hội lãng quên. Đó là Tin Mừng sống động, không chỉ được công bố nơi tòa giảng mà được hiện thực trong chính thân phận mục tử nghèo.

Không chỉ trong đời sống, mà ngay cả trong cái chết, ngài cũng muốn mình trở về với lòng đất một cách âm thầm. Trong di chúc, Ngài bày tỏ ước muốn: được an táng trong một cỗ quan tài đơn sơ, đặt sát đất, không vòng hoa, không phô trương, chỉ như bao phận người bé nhỏ khác.

Khi một bạn trẻ thấy chung quanh quan tài Đức Cố Giáo Hoàng trơ trọi không hương hoa thì đã thốt lên với cha quản xứ: “Quả thật, chính cuộc đời của Đức Giáo Hoàng là hương, hoa, sắc… rồi nên không cần những thứ đó tô điểm nữa”.

Đó là sự tiếp nối trọn vẹn của một đời sống khiêm hạ, khó nghèo như Chúa Giêsu, Đấng không có chỗ gối đầu, và đã chết treo trên thập giá giữa những người bị kết án.

3. Kết

Qua đời sống của Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô, Chúa cho chúng ta thấy rằng sự vĩ đại không nằm ở quyền lực, nhưng ở sự khiêm nhường. Sự cao cả không nằm ở giàu sang, mà trong đời sống khó nghèo vì Tin Mừng.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Tiến