Covid-19, loại cỏ lùng mới

17/05/2021

Sự độc ác và tính cá biệt của nhân vật Tây Độc khiến người xem khó quên mỗi khi nhắc tới phim kiếm hiệp của Kim Dung. Xuất hiện trong phim “Anh hùng xạ điêu” và “Thần điêu đại hiệp”, Tây Độc Âu Dương Phong là chủ nhân núi Bạch Đà ở Tây Vực, võ công rất cao, độc ác, nhiều mưu mô thủ đoạn. Với khả năng chế ra các loại thuốc độc không ai giải được, y bị giới giang hồ gọi là Lão Độc Vật.

Tuyệt kỹ của y là Cáp Mô Công, có một số tác giả dịch là Hà mô công và Lục chỉ cầm ma, Cáp mô hay Hà mô đều có nghĩa là con cóc, mô tả dáng vẻ của một con cóc nên được gọi là Cáp Mô Công. Âu Dương Phong thường dùng một cây gậy có thả hai con rắn độc ở đầu làm vũ khí, được gọi là Xà Trượng. Sau lần Hoa Sơn luận kiếm thứ nhất, Âu Dương Phong được bầu vào Thiên hạ ngũ tuyệt, danh xưng là Tây Độc. Tại quê nhà, y thông dâm với chị dâu sinh ra Âu Dương Khắc. Tuy ngoài miệng gọi Âu Dương Khắc là cháu nhưng thực chất đó là con ruột của y. Tây Độc dẫn cháu là Âu Dương Khắc tới Đảo Đào Hoa để cầu hôn nhưng bị Hoàng Dung từ chối. Trên đường quay về, y quyết đấu với Bắc Cái Hồng Thất Công. Dù được Bắc Cái tha chết nhưng thừa lúc Hồng Thất Công sơ hở, y dùng rắn độc cắn, khiến Hồng Thất Công bị trúng độc rất nặng.

Sự ác độc của nhân vật Tây Độc Âu Dương Phong là chế ra loại thuốc độc hại nhưng không ai giải được. Trước tình hình đại dịch Covid-19, người ta cũng đặt nghi vấn? Có một nhật vật “Tây Độc Mới” nào đó đã tạo ra con virus quái ác này? 

Ngày 16.3.2020, Tổng thống Donald Trump đăng tải trên Twitter, nêu đích danh virus Trung Quốc, mà không phải Covid-19 hay nCoV như Tổ chức Y tế Thế giới công bố. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng từng gọi virus corona chủng mới là virus Vũ Hán. Trung Quốc cũng ra sức “phản đòn” bằng cách gọi virus corona là “virus nước ngoài”, thậm chí là “virus Mỹ”, “virus Nhật Bản”. Phát ngôn viên của Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng có thể Quân đội Mỹ đã mang dịch bệnh đến Vũ Hán. Còn đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo gửi cho tất cả Hoa kiều tại Nhật một số chỉ thị cần áp dụng, nếu phải đối phó với “virus corona Nhật Bản”.  ( https://nhasachkimdong.com/ )

Trở về với Kinh Thánh, chúng ta thấy nhân vật “Tây Độc” đã xuất hiện trong sách Sáng Thế, là cuốn sách đầu tiên với hình con Rắn và y đã nói với Eva: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3, 4-5).

 “Tây Độc” cũng xuất hiện trong sách Khải Huyền, là cuốn sách cuối cùng của Kinh Thánh với danh hiệu là con Mãng Xà Đỏ. “Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Micae và các thiên thần của người giao chiến với con Mãng Xà. Con Mãng Xà bị tống ra, đó là con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay satan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó.” (Kh 12, 7 – 10).

Từ đó con Mãng Xà tìm đủ mọi cách phá chương trình sáng tạo và công cuộc cứu độ của Thiên Chúa (Ga 14, 29-31; Ga 16,32-33). Nhưng bất cứ nơi nào Thiên Chúa quyết định cứu độ, thì nó không có đất sống. Nó hoàn toàn bị thảm bại dưới bàn tay uy quyền của Ngài, nên trả thù là gieo đau thương cho nhân loại trên trái đất này.

 “Tây Độc” đã gieo cỏ lùng vào ruộng lúa của ông chủ. (Mt 13, 24- 30). Trong lúc đại dịch, chúng ta đọc và suy niệm dụ ngôn: “Cỏ lùng trong ruộng lúa” để hiểu rõ thiện ác. Thời gian chờ đến mùa gặt lúa, người ta luôn đặt câu hỏi. Tại sao Thiên Chúa là Đấng nhân hậu từ bi và quyền năng, mà thực tế cuộc sống con người trong xã hội cũng như trong Giáo hội đầy dẫy những tội lỗi, bất công, bạo lực, tai ương, dịch bệnh, chết chóc và đau khổ? Từ thắc mắc dẫn đến nghi ngờ, họ tự hỏi: Thiên Chúa đã gieo giống tốt trong ruộng, thế thì cỏ lùng ở đâu ra? Trước tình hình đen tối của đại dịch Covid-19, như loại cỏ lùng mới người ta cũng đặt câu hỏi như thế.

Chúa Giêsu đã trả lời: Sự ác không đến từ Thiên Chúa, Đấng chỉ gieo hạt giống tốt vào mảnh đất đời người, mà do kẻ thù (x. Mt 13,28).

Kể từ khi Ađam Eva, trong vườn địa đàng bồng lai tiên cảnh, đã nghe theo lời dụ dỗ của ma quỷ, thì tội lỗi, sự chết, sự dữ và cái ác, như mãng xà, như rồng đỏ, vươn vòi đến mọi ngõ ngách của cuộc sống con người và tuôn ra vô vàn tai hoạ.

Do kẻ thù, mà có cỏ lùng trong ruộng lúa tốt, có người xấu chen chân lấn át cả người công chính, khiến xã hội vàng thau lẫn lộn, tranh tối, tranh sáng. Rất khó mà phân biệt được đâu là chính-tà, thiện-ác, lành-dữ, tốt-xấu, thật-giả… Rất khó mà thấy ai là thánh nhân, ai là tội nhân, ai là quân tử và ai là tiểu nhân…

Khi đứng trước sự ác, sự dữ là con người muốn tiêu diệt ngay. Đó là hình ảnh của những người làm công cho ông chủ. Ông có muốn chúng tôi ra đi nhổ cỏ lùng không? (Mt 13,28). Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy dân làng Samari không đón tiếp Thầy không? (x. Lc 9,51-56).

Có lẽ chúng ta cũng muốn xử sự như vậy. Thấy chuyện bất bình oan ức trước mắt, thấy kẻ gian ác bạo ngược tự do tung hoành tác oai tác quái… Tự nhiên chúng ta cảm thấy uất ức căm phẫn, muốn ra tay diệt trừ; nhưng vì nhiều khi không thể làm gì được, nên trong lòng cầu mong “trời tru đất diệt” bọn mãng xà, rồng đỏ, con rắn xưa đi cho khuất mắt! Còn Thiên Chúa có cách của Ngài: “Đừng, sợ rằng khi nhổ cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt” (Mt 13,30). Để cứu lấy con người luôn sa ngã, Thiên Chúa đã phải nhẫn nại, kiên trì chờ đợi. Thiên Chúa gớm ghét tội lỗi vô cùng, nhưng lại yêu thương tội nhân vô biên.

Ngài là Cha giàu lòng thương xót, từ bi nhân hậu, chậm bất bình và rất mực khoan dung, không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống. Sở dĩ chúng ta nôn nóng, vội vã, vì sợ rằng để đến ngày mai, mình có thể sẽ mất cơ hội báo oán. Còn Thiên Chúa thì kiên nhẫn, vì Ngài trường tồn, vô cùng vô tận. Kinh Thánh là cuốn sách ghi lại sự kiên nhẫn của Thiên Chúa trước những khờ dại, yếu đuối, tội lỗi và bội phản của con người.

Rút kinh nghiệm quá khứ của mình, thánh Phêrô nói: Chúa chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn chính là để chúng ta có thì giờ sám hối canh tân và được cứu độ (x. 2 Pr 3,15).

Chúa Giêsu cũng đã từng ví Giáo hội lữ hành như một chiếc lưới ngư phủ kéo lên đầy cá tốt lẫn cá xấu (Mt 13,47-50).

Nhắc lại dụ ngôn ruộng lúa và cỏ lùng không phải để chúng ta phân định xem ai là cỏ, ai là lúa trong cuộc sống hôm nay; nhưng là để mỗi người ý thức rằng trong chính bản thân mình, có mầm mống của sự thiện mà cũng có khuynh hướng lôi kéo chúng ta làm điều ác; có sự cao cả và thấp hèn, có thanh tao và ti tiện nhỏ nhen. Và hành trình đức tin là gì, nếu không phải là một cuộc đấu tranh liên lỉ, để nhờ sự trợ giúp của ơn thánh, chúng ta đạt tới sự toàn thiện.

Không những trong xã hội, Giáo hội, mà trong chính mỗi người chúng ta, lúa tốt nhân đức và cỏ lùng xấu xa cùng tồn tại, cùng chung sống:

– Có lúc chúng ta rất thánh thiện đạo đức, siêu thoát thanh cao như thiên thần, nhưng cũng lắm lần tội lỗi đê hèn, thú tính hạ đẳng như satan quỷ dữ;

– Có khi chúng ta thật liêm chính, chí công vô tư, nhưng nhiều phen lắm bận rất tham sân si, bảy mối tội đầu, tội nào cũng có!

Chọn Chúa hay theo ma quỷ, sống theo Thần khí hay chiều theo xác thịt, đó là cuộc chiến dai dẳng diễn ra từng phút giây nơi mỗi người, gay cấn, quyết liệt đến độ thánh Phaolô phải thốt lên: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm ” (Rm 7,19).

Cảm nhận được sự yếu hèn và mỏng giòn khốn khổ của mình, chúng ta mới dễ cảm thông cho người khác: nhân vô thập toàn. Không ai hoàn hảo 100 %. Không ai là một vị thánh cho đến khi lên thiên đàng. Tâm hồn, tính tình mỗi người là một sự pha trộn giữa lúa tốt và cỏ lùng! Giáo Hội là một sự pha trộn giữa lúa tốt và cỏ lùng, giữa những người thánh thiện và tội lỗi (x. GLHTCG số 8270).

Dụ ngôn cỏ lùng đã gợi lên một thảm kịch lớn của nhân loại. Thời đại nào, xã hội nào cũng có những con người nóng tính, hấp tấp, muốn thanh lý, thanh lọc xã hội với bất cứ giá nào, bằng các cuộc sàng lọc đẫm máu ghê rợn, từ Tần Thuỷ Hoàng thời xưa, đến Hitler rồi Polpot và nhiều cuộc thanh trừng khác nữa đang xảy ra như giữa Israel và Palestine.

Cỏ lùng chẳng bao giờ thành lúa tốt được, nhưng người xấu có thể hoán cải nên tốt. Chính vì thế, Thiên Chúa kiên tâm chờ đợi. Chờ đợi vì tin vào thiện chí của con người và tôn trọng tự do lựa chọn của họ. Nếu cỏ lùng là hình ảnh tiêu biểu cho sự độc ác của ma quỷ, thì việc hy vọng, kiên trì chờ đợi và cảm hoá con người nên tốt, biểu lộ rõ nét tấm lòng thương xót của Thiên Chúa tình thương.

Tuy nhiên, chớ lạm dụng mãi lòng tốt của Thiên Chúa: Lòng kiên nhẫn và nhân từ của Thiên Chúa không có nghĩa là dung túng cho ta muốn làm gì thì làm.

Sẽ tới mùa gặt, để chỉ cuộc Phán xét chung thẩm trong ngày tận thế:Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ” (Mt 13,41 tt).

Cuối cùng thiện thắng ác, sự thật thắng gian tà, tình yêu thắng hận thù. Tây Độc gieo hận thù đau thương và sự độc hại nhưng cuối đời y bị điên, thân tàn ma dại, sống dở, chết dở. Ma quỉ gieo sự dối trá và sự chết cho nhân loại và cuối cùng nó bị đạp nát đầu và bị tống vào hỏa ngục đời đời kiếp kiếp trong đau khổ. Và nói như Thánh Phaolô, chúng ta gieo gì thì gặt nấy. “Ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo tính xác thịt và gieo điều xấu, thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát. Còn ai theo Thần Khí mà gieo điều tốt, thì sẽ gặt được kết quả của Thần Khí là sự sống đời đời ” (Gl 6,7-8).

Cho dù cuộc sống có gặp nhiều khó khăn và thách đố, nhưng chúng ta được mời gọi tiếp tục cuộc hành trình gieo giống. Đó là gieo yêu thương, niềm vui, bình an, và hi vọng. Hi vọng dịch bệnh sớm kết thúc để cuộc sống bình an trở lại; và sau một đêm dài, sáng mai khi thức dậy chúng ta nói lời: “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương” (Kahlil Gibran).

Lăng Cô, ngày 17.5.2021

Lm. Giuse Phan Văn Quyền