Nó đỗ vào trường Phổ thông Trung học của thị xã. Ngôi trường mơ ước của biết bao học sinh ở trong làng của nó. Để thưởng cho thành quả đó, ba của nó tặng chiếc xe đạp phượng hoàng màu nước đậu.
Tuy đó chỉ là xe đạp cũ được tân trang, nhưng là cả bầu trời mơ ước của nó. Hồi đó (thập niên 90), sở hữu chiếc xe đạp còn là điều xa xỉ đối với nhiều người.[1]
Sáng sớm ngày tựu trường, nó dậy thật sớm, chuẩn bị cho ngày đầu tiên của cấp Phổ thông Trung học. Nó phấn khởi, tung tăng đạp xe đến trường. Cuối tháng tám, trên con đường làng, mùi hương của lúa mới xen lẫn hương sen thoang thoảng dễ chịu đến lạ thường. Niềm vui sướng xen lẫn nét ngây thơ hiện rõ trên khuôn mặt rạng ngời của nó – một tân nữ sinh trung học. Chiếc xe đạp – món quà đầy bất ngờ nó nhận được từ ba là bạn đồng hành nâng bước tương lai nó. Nó tự hứa sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng mẹ cha.
Thấm thoát ba năm Trung học dần trôi qua, nó mong ước được dâng mình cho Chúa. Nó đã lựa chọn vào Dòng sau khi đã cân nhắc kỹ. Ba mẹ tôn trọng quyết định của nó.
Bao năm trôi qua, điều ước ngày nào nó đã chạm đến. Duy có một điều nó vẫn băn khoăn đó là món quà đầy bất ngờ của ba – chiếc xe đạp ngày nào. Hồi đó, gia đình nó vốn nghèo. Dịp khai trường là nổi ám ảnh kinh tế với đủ thứ chi tiêu, nào là chuẩn bị sách vở, quần áo, học phí cho con cái, cùng với bao nhiêu lo lắng cho đời sống đổ dồn trên đôi vai của ba, vậy mà ba không quên dành món quà đặc biệt cho nó.
Vào những năm 90, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Ba nó làm lụng vất vả suốt ngày nhưng gia đình nó vẫn chật vật với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Gắn bó với đồng ruộng, ba nó suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Trưa nào nắng cháy không thể chịu đựng thêm được nữa, có lúc chuông nhà thờ đổ 12 giờ trưa, ba nó mới trở về nhà. Buổi chiều, ba nó lại tiếp tục công việc đồng áng. Khi trời đã nhá nhem tối, ba nó với cái cày cái cuốc trên vai quay về nhà, chỉ kịp tắm rửa, đi dâng thánh lễ tối cùng với giáo xứ.
Thời gian qua nhanh, bao nhiêu lo lắng cho anh chị em nó làm cho ba già đi trông thấy. Có lần, nó mạnh dạn gợi lại câu chuyện chiếc xe đạp. Mẹ nó kể: Ngày nghe tin con đỗ vào cấp Ba, ba của con rất vui mừng. Suốt đời ba vất vả, chỉ mong các con được đến trường, được học hành để có cái chữ, sau này không khổ như ba. Ba trằn trọc suy nghĩ đắn đo xoay xở làm sao mua cho con chiếc xe đạp để con đi học đường xa bớt vất vả…
Mắt nó bỗng dưng cay cay. Nó nhớ như in ngày Ba nó dắt chiếc xe đạp về. Mắt ba ánh lên niềm vui sướng, ba bảo nó đạp thử một vòng sân. Nó cứ ríu rít, hồn nhiên với chiếc xe, quên mất một lời cảm ơn ba. Nhưng nó đủ lớn để hiểu, mùa lúa đến ba phải bán đi nhiều lúa để trả tiền xe đạp. Đồng nghĩa là, mùa lúa năm tới, ba phải làm việc vất vả hơn nhiều. Chiếc xe đó, tuy không phải là xe mới, nhưng ba nó phải trả giá cao gấp rưỡi để mua chịu[2] cho nó kịp tựu trường.
Ba của nó vốn trầm tính và ít nói. Vậy mà hồi còn nhỏ đã có lắm lúc nó trách ba, tại sao ba không dùng lời hay ý đẹp để dạy dỗ các anh chị em nó? Tại sao ba hiếm khi nói ra những suy nghĩ của mình? Tại sao ba không phản ứng những lúc ba không vừa lòng? Tại sao lúc nào cũng rất kiệm lời?
Giờ đây khi đã lớn khôn, nó mới ngộ ra. Ba nó vốn hiền từ, không có tài ăn nói. Ba chỉ biết làm việc và làm việc. Ba đã hy sinh tất cả để chăm lo cho gia đình và con cái. Nó cũng tâm niệm một điều, nói nhiều mà không làm gì thì cũng vô ích. Người nói ít làm nhiều thì mới đáng kính nể, mới đáng để học đòi bắt chước. Như Thánh Cả Giuse, ba nó âm thầm lao động và nuôi sống, chăm sóc cho gia đình. Ba nó không văn hoa bóng bẩy, nhưng luôn là tấm gương sáng ngời nhân đức sống động cho anh chị em nó.
Cảm ơn Chúa đã ban Ba cho gia đình nó. Con xin gửi đến Ba kính yêu tâm tình tri ân. Cảm ơn chiếc xe đạp – món quà lớn nhất với cả mồ hôi nước mắt ngày đó ba dành cho con.
Viết nhân dịp ngày của Cha, 18/6/2023
Tiểu Hướng dương
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
[1] https://vtc.vn/3-chiec-xe-dap-gan-voi-ky-uc-cua-nhieu-nguoi-viet-ar762301.html
Thời điểm đó, nếu tính bằng thóc, một chiếc xe đạp Phượng Hoàng bằng cả một năm thu hoạch của một gia đình nông dân.
[2] Mua không trả tiền ngay