Khi mới bắt đầu đối diện với đại dịch Covid-19, tôi cảm thấy lo lắng, sợ hãi không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho đời sống của mình, cho người thân, nhất là những người thân ở xa. Sự lo lắng đó làm cho tôi bồn chồn, bất an…
Rồi nhà thờ bắt đầu bị đóng cửa, tiếng chuông vẫn vang lên nhưng giáo dân không được phép đến vì bị cách ly, lòng tôi chùng xuống. Tôi tự hỏi Chúa đang ở đâu? Đang làm gì? Sao Ngài cứ im lặng để mặc con virus corona nhỏ xíu mắt thường không thấy tung hoành trên khắp thế giới, gieo kinh hãi cho toàn nhân loại? Một nỗi buồn mênh mang xâm chiếm tâm hồn, tôi cảm thấy thật cô liêu, thật đơn độc và nước mắt cứ thế tuôn tràn.
Với một chút ngỡ ngàng khi lần đầu tiên tham dự Thánh lễ trực tuyến, tôi thấy Chúa vẫn thinh lặng để tôi loay hoay tự xoay xở một mình trong hoàn cảnh hiện tại. Phải chăng Chúa muốn thử thách lòng trung thành của tôi? Phải chăng Chúa bỏ mặc nhân loại đang khốn đốn trong sự chết chốc kinh hoàng? Chắc chắn là không! Ngài không thinh lặng, Ngài không bỏ mặc bất cứ một ai. Ngài đang trả lời, trả lời trong khoảng lặng sâu thẳm của tâm hồn để tôi thấy rõ tôi cần Chúa biết bao, nhân loại cần Chúa biết bao, cần hơn bao giờ hết trong cơn khùng hoảng nầy. Hồn tôi hỡi! Nhân loại hỡi! Hãy trở về cùng Chúa đừng quay lưng với Ngài nữa.
Và với ơn Chúa, tôi cảm nhận một cách vô hình mà đầy xác tín rằng Chúa đang ở bên tôi, gần và rất gần, Ngài yêu tôi tha thiết, yêu đến nỗi đã tìm cách đến và biến ngôi nhà tầm thường nhỏ bé của tôi thành ngôi Đền Thờ sống động. Giây phút rước Chúa cách thiêng liêng, tôi xác tín Chúa đang dành khoảng không gian và thời gian nầy cho riêng tôi để tôi thả hồn vào trong Cuộc Tình của Ngài mà tạ ơn mà cầu khẩn van xin. Tuy vậy, tôi vẫn cảm thấy buồn nhưng rất bình an, cô liêu nhưng rất thanh thản sâu lắng vì có Chúa hiện diện. Ngài đích thân đến tận nơi tôi sinh sống hằng ngày, nơi mà tôi phải thốt lên: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…”
Tạ ơn Chúa vì đây là thời gian quý báu, là cơ hội để tôi sống chậm lại, tôi có nhiều thời gian hơn để sống với những người thân trong gia đình, cùng ăn, cùng đọc kinh, cùng tham dự thánh lễ trực tuyến, nhờ đó tình cảm gia đình càng đậm đà thắm thiết hơn, một bầu khí yêu thương đầm ấm tỏa lan.
Riêng bản thân tôi, với tư cách là một giáo dân sống đời thánh hiến, tôi không được phép dửng dưng trước biến cố kinh hoàng này, tôi phải trăn trở phải nhập cuộc bằng cách dành nhiều thời gian cầu nguyện với Chúa hơn, quan tâm đến tha nhân nhiều hơn, và nhất là tận dụng những giây phút nầy để nhìn lại chính mình, suy nghĩ về đời thánh hiến để hoàn toàn phó thác vào tay Thiên Chúa Quan Phòng và nhận ra mạng sống con người thật mong manh, con người chẳng là gì cho dù đầy quyền lực, giàu sang hay tài năng xuất chúng, vì thế tôi hoàn toàn buông đời mình vào vòng tay yêu thương của Chúa.
Bị giãn cách xã hội, thay vì hướng ngoại, tôi có cơ hội để hướng nội hơn, cầu nguyện nhiều hơn cho tôi, cho gia đình, cho thế giới… Tôi có cái nhìn rộng hơn, xa hơn trong giờ cầu nguyện. Với sự trợ giúp của Chúa, tôi hiểu rõ con người thiêng liêng của tôi, nhất là sự cách ly rơi vào những tuần cuối của Mùa Chay, Tam Nhật Thánh, Đại Lễ Phục Sinh, tôi càng ý thức sâu hơn việc kết hiệp với Chúa Giê-su Khổ Nạn và Phục Sinh để thấy rõ ý nghĩa của đời thánh hiến theo gương Thầy Chí Thánh Giê-su.
Hơn nữa, qua việc tham dự Thánh lễ, chầu Thánh Thể trực tuyến cũng như cầu nguyện riêng, tôi cảm nhận sự “hiệp thông” với tất cả anh chị em trong đại gia đình của Thiên Chúa, là những người cùng chia sẻ niềm tin với tôi, tôi xác tín thật sâu sắc mối dây liên kết với mọi người nên tôi không còn cô đơn, không cô độc, không cô liêu, tôi cảm nhận được anh chị em, dù không thấy nhau, không quen biết nhau đã luôn bên cạnh tôi và đang cùng tôi cầu nguyện, cùng tôi dâng Thánh lễ, cùng tôi quỳ gối chầu Thánh Thể. Đó là hạnh phúc của tôi dù tôi đang bị cách ly.
Chắc chắn một điều vì lý do giãn cách xã hội do Covid-19, có những người nghèo phải nghèo hơn, những người đói bị đói hơn, những người chạy xe ôm, buôn bán vỉa hè, bán vé số… không thể kiếm sống. Vì thế vào những bữa cơm gia đình tôi nhịn bớt một bát canh, một đĩa rau, một ít cá với phương châm của ít lòng nhiều, chia sẻ với họ vài lon gạo, dăm ba gói mì với tấm lòng cảm thông chân thành. Những trường hợp đặc biệt, tôi tìm dịp trình bày với người vừa có điều kiện vừa có tâm giúp cho những mảnh đời cơ cực được ấm lòng.
Trong cơn đại dịch này, tôi cảm nhận đây là thời gian hồng ân Chúa ban để tinh thần tôi được đổi mới, cuộc sống thiêng liêng được vững chắc và đâm rễ sâu hơn, biết bước ra khỏi mình đến vùng ngoại biên trong lời cầu nguyện cũng như trong hành động. Tôi xác tín rằng trong biến cố này ‘TẤT CẢ LÀ HỒNG ÂN”.
Một giáo dân