Mở đề
Mỗi năm, chúng ta cùng với Giáo hội mừng lễ Thánh Tôma Tông đồ ngày 03 tháng 7. Trong bài Tin Mừng chúng ta nghe dịp đó (Ga 20,24-29: Chúa Phục sinh hiện ra cho Tôma), câu đáng chú ý nhất có lẽ là câu Chúa nói với ngài: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29).
Là tín hữu trong Hội thánh, chúng ta thường nghe nói đến chuyện tin Chúa, tin đạo. Rồi còn được nhắc nhở: dù không thấy cứ nhắm mắt mà tin, dù không hiểu cứ cúi đầu mà tin. Điều đó khiến chúng ta đôi khi bực mình, có lúc mặc cảm trước kẻ ngoại đạo, cảm thấy như Chúa áp bức tự do của những ai theo Người, không cho Kitô hữu suy nghĩ tìm hiểu.
Trước hết phải nói ngay: tin là điều bình thường trong cuộc sống. Lúc nhỏ chúng ta tin cha mẹ, bắt đầu đi học chúng ta tin thầy giáo, đau bệnh chúng ta tin bác sĩ… Tin những gì họ nói với chúng ta. Có hai lý do để chúng ta tin cha mẹ, thầy giáo, bác sĩ… Một là vì họ thương mến hay ít nhất tử tế đối với chúng ta, hai là vì họ thành thật, nói cho ta điều họ nghĩ rằng mình biết hay làm cho ta điều họ nghĩ rằng mình thạo, hoặc ít nhất chúng ta cho là như vậy. Khi lớn lên hoặc với thời gian, chúng ta sẽ kiểm chứng những gì họ đã nói và làm, vì có khi họ đã sai lầm hay đã lừa gạt (chuyện thần y dổm Võ Hoàng Yên mới đây là một ví dụ).
Hiểu biết sự thật
Điều đó đặt chúng ta trước một vấn đề quan trọng của cuộc sống, đó là vấn đề hiểu biết sự thật. Có mấy loại sự thật? Có mấy cách hiểu biết? Cái gì chứng minh cho loại sự thật đó? Hay nói cách khác, chúng ta hiểu biết sự thật dựa trên bằng chứng nào?
1- Thưa trước hết, chúng ta biết bằng giác quan, ngũ quan: mắt thấy, tay sờ, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm. Cách hiểu biết này có đối tượng là vật chất, thực tại vật chất, những gì liên quan tới thế giới hữu hình chung quanh chúng ta. Đây là lãnh vực mà người ta gọi là khoa học, chuyên khám phá và mô tả bản tính mọi loài, để tìm ra định luật trong vật thể, sự thật của vật thể. Dĩ nhiên điều này đòi hỏi ta phải có ngũ quan tốt và máy móc tốt. Chuyện nhiều thầy bói mù sờ voi là một ví dụ minh họa. Bằng chứng ở đây được gọi là vật chứng. Có vật chứng thì hẳn biết rõ, có vật chứng thì phải chấp nhận. Cũng xin lưu ý rằng khoa học không bao giờ ra khỏi giới hạn này cả, nên tự nó chẳng bênh cũng chẳng chống thuyết vô thần hay thuyết hữu thần.
2- Cách biết thứ hai là biết bằng lý luận, nghĩa là bằng đầu óc suy nghĩ, tìm ra sự liên hệ giữa nhiều thực tại, dựa trên một vài nguyên tắc cơ bản, chẳng hạn nguyên tắc nhân quả (có quả tức phải có nhân, có tác phẩm ắt phải có tác giả…)… Và đây là lãnh vực mà người ta gọi là triết học, chuyên tìm hiểu và giải thích mối liên hệ giữa những hữu thể, những hiện tượng, hoặc đi từ cái mình thấy đến cái mình không thấy, để rút ra một kết luận. Bằng chứng ở đây được gọi là lý chứng. Ví dụ thấy tác phẩm biết có tác giả; thấy đồng hồ biết có thợ làm đồng hồ; thấy tạo vật tốt đẹp biết có Tạo hóa tài ba, thấy định luật trong trời đất và trong lương tâm thì biết có Đấng lập luật, lý luận ra có Đấng lập luật; thấy nơi loài người có sự hiểu biết bao la, vượt thời gian không gian, có trái tim vĩ đại, yêu người đến độ hy sinh chính mình, thì biết có hồn thiêng, lý luận ra rằng có hồn thiêng. Đừng đặt vấn đề tin ở đây, như nhiều giáo lý viên hay hạch hỏi giáo lý sinh rằng: “Các em tin có Chúa không, tin có linh hồn không?” Lý luận thì biết là có, cần gì phải tin rằng có. Người lương cũng biết có hồn thiêng, có Ông Trời mà! Điều kiện cần ở đây là có một lý trí lành mạnh và lương tâm trong sáng. Đừng như kẻ duy vật vô thần, tiên thiên (=ngay từ đầu) phủ nhận Thiên Chúa rồi nói: tạo vật tự nhiên chuyển động, tự mình biến hóa, chẳng cần có Trời làm ra, hơn nữa chẳng thấy Ổng đâu cả! Họ đánh đồng, lẫn lộn mô tả với giải thích.
Một ví dụ khác: Làm sao biết sách Tin Mừng nói thật? Dĩ nhiên là không thể dựa vào vật chứng. Có đâu mà dựa! Nhưng nhờ lịch sử, chúng ta biết sách Tin Mừng đã được viết bởi các Tông đồ và môn đệ Đức Giêsu, tức những người đã thấy Chúa. Khi họ khởi thảo thì vẫn còn sống rất nhiều người từng nghe và thấy Chúa giảng dạy, tử nạn, phục sinh. Các sách Tin Mừng lại được viết giữa một cộng đoàn có tổ chức, có kỷ luật (Giáo hội sơ khai). Những điều ấy cho thấy là không thể viết thêm, viết bậy, viết bịa. Các Tông đồ và môn đệ Chúa lại không trục lợi nhờ những điều lạ lùng kỳ diệu trong Tin Mừng, hay là nhờ tổ chức các cộng đoàn Kitô hữu. Trái lại các ngài đã bỏ mọi sự, chịu gian khổ, vượt chông gai, đi khắp nơi rao giảng nội dung Tin Mừng, cuối cùng lấy sinh mạng để làm chứng cho những gì mình đã thấy, đã ghi, đã truyền lại. Và rồi, từ nhóm nhỏ các ngài, một Giáo hội đã khai sinh, lớn lên và phát triển khắp hoàn cầu như ta thấy hôm nay. Như thế, nhờ cách lý luận vừa đưa ra, tức là nhờ lý chứng, chúng ta biết sách Tin Mừng nói thật.
3- Có cách biết thứ ba, sâu xa hơn, liên quan đến tâm linh, tinh thần, đến các thực tại tâm linh, các hữu thể tinh thần. Tôi chỉ biết người khác nghĩ gì, cảm gì khi chính họ tỏ cho tôi biết. Vì những tư tưởng, tình cảm nằm trong linh hồn: trong trái tim, trong óc não, không thể biết bằng giác quan, bằng dụng cụ khoa học như điện tâm đồ (electrocardiogram), điện não đồ (electroencephalogram) vốn chỉ cho biết tim hay não hoạt động nhiều hay ít, mạnh hay nhẹ thôi, hoặc là bằng lý luận, suy diễn, mà chỉ biết được nhờ đương sự đích thân bày tỏ, còn người nghe chỉ có việc tin vào. Nhưng chỉ có sự bày tỏ lòng mình với hai điều kiện: bản thân người thổ lộ cảm nghĩ đúng đắn và chân thành yêu mến kẻ được thổ lộ. Thông thường, đó là khi bạn bè tâm sự với nhau. Sâu xa hơn, khi vợ chồng bày tỏ ý tình cho nhau. Cao hơn nữa, đó là việc những tín đồ có cảm nghiệm tâm linh đích thực với Đấng Tuyệt đối và rồi nói lên cho người khác hay. Bằng chứng ở đây được gọi là nhân chứng, xuất phát từ chứng nhân. Dĩ nhiên chứng nhân cũng có thể là người (hay nhiều người) duy nhất chứng kiến một sự việc và rồi kể lại, nhưng chứng từ này không phải là vấn đề tâm linh, kinh nghiệm tâm linh (tư tưởng, tình cảm).
Nhân chứng kinh nghiệm tâm linh càng mang tính thuyết phục khi được củng cố bằng cuộc sống trở nên đạo hạnh nhờ đó và nhất là bằng cái chết cam chịu anh dũng vì đó. Trong Kitô giáo, đấy là cảm nghiệm thần bí (gặp gỡ, giao tiếp với Thiên Chúa cách sống động trong tâm hồn) mà ta thấy nơi ông Môsê, nơi vua Đavít, nơi các ngôn sứ Cựu Ước… Sang thời Tân Ước, nơi Đức Mẹ, Thánh Giuse, Thánh Gioan Tẩy giả, các Tông đồ và nhiều môn đệ Chúa. Trong lịch sử Giáo hội thì là các hiển thánh, nhất là những vị đã được ban cho ơn thần nghiệm và những tín hữu có đời sống đức tin sâu đậm. Tất cả họ đều tiếp xúc với thế giới tinh thần tuyệt đối là chính Thiên Chúa và đã được Người bày tỏ (tiếng chuyên môn gọi là mạc khải) cho nhiều điều. Các ngài đã tin Thiên Chúa rồi tỏ lộ kinh nghiệm ấy lại cho chúng ta, để chúng ta tin vào các ngài và từ đó tin vào Thiên Chúa. Tất cả các ngài đã củng cố chứng từ của mình bằng cuộc sống thánh thiện, bằng gian khổ triền miên và phần lớn bằng cái chết anh dũng. Đó là lãnh vực mà người ta gọi là thần học.
Nhưng chứng nhân số một chính là Đấng mà Tin mừng Gioan 1,18 đã nói: “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết”. Chính Chúa Giêsu cũng xác nhận như thế với các Tông đồ trong Diễn từ giã biệt: “Tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15). Rồi để làm chứng cho lời mình nói là chân thật, Chúa đã chịu chết đau khổ. Và cũng để làm chứng cho lời mình nói là hữu hiệu, Chúa đã phục sinh vinh quang.
Vậy Chúa Giêsu đã bày tỏ những gì từ Thiên Chúa, mạc khải những gì cho chúng ta? Thưa đó là những điều mà giáo lý gọi là “mầu nhiệm”. Trên hết là mầu nhiệm một Chúa ba Ngôi, tiếp đến là mầu nhiệm Nhập thể (Ngôi Con làm người), mầu nhiệm Chúa tử nạn phục sinh, mầu nhiệm Giáo hội như Thân thể Đức Kitô, mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm Đức Mẹ đồng trinh…. Như thế, theo những gì nói trên kia, có thể cho rằng các mầu nhiệm chính là những nỗi lòng của Thiên Chúa, những tâm sự về gia đình Thiên Chúa mà Ngôi Con bày tỏ với loài người, như giữa bạn bè với nhau; vì thế Chúa Giêsu đã nói: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15). Đó cũng là những tâm sự mà Chúa Kitô ngỏ với Giáo hội, như giữa vợ chồng. Ta chẳng nhớ Chúa Giêsu tự gọi mình là Hôn phu và Giáo hội là Hôn thê sao? Và mỗi một tâm hồn tín hữu chẳng được gọi là Bạn tình của Chúa Kitô sao?
Dĩ nhiên những gì Ngôi Con mạc khải về Thiên Chúa thì thâm sâu, khó hiểu. Chuyện đó chẳng có chi lạ. Ngay cả những điều thuộc thế giới, vũ trụ hữu hình thì cũng đã thâm sâu, khoa học tới nay vẫn chưa khám phá ra hết, nên được gọi là bí nhiệm. Những gì ở trong tâm hồn con người càng thâm sâu hơn, vợ chồng với nhau cả đời cũng chưa chắc đã hiểu lòng nhau, bạn bè lâu năm tri kỷ cũng chưa hẳn đã thấu tâm nhau, vì thế mà triết học hiện sinh gọi tâm hồn mỗi người là một huyền nhiệm. Huống chi là những điều thuộc về tâm lòng, thế giới Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa không mạc khải các mầu nhiệm để thách thức óc não, đánh đố suy nghĩ của nhân loài. Nghĩ như thế là tội cho Người quá! “Mầu nhiệm chẳng phải là một bức tường cho trí tuệ bể nát khi đụng vào, mà là một đại dương trong đó trí tuệ bị mất hút luôn” (G. Thibon). Một đại dương tình yêu bao la, một nỗi lòng thiết tha sâu thẳm.
Quả thế, mầu nhiệm Ba Ngôi cho chúng ta thấy Thiên Chúa của Ki-tô giáo là Thiên Chúa độc nhất, nhưng vì Người là Tình Yêu nên có Ba Ngôi. Người là Ba Ngôi, nhưng vì là Tình yêu, nên đã hợp nhất thành một Thiên Chúa. Và tình yêu đó tràn ra qua việc Người dựng nên muôn vật hữu hình và vô hình. Mầu nhiệm Nhập thể cho thấy Thiên Chúa đã hóa nên người phàm để ở với nhân loại và để cứu chuộc nhân loại, như đòi hỏi của tình yêu nơi Người, là không để tạo vật của Người bơ vơ trên cõi thế, khốn đốn vì tự do và đi vào cõi hư vô tuyệt diệt. Mầu nhiệm Giáo hội cho thấy Thiên Chúa muốn kết hợp tất cả thụ tạo hữu hình và vô hình (từ thiên thần đến loài người và muôn vật) trong một Thân Thể vĩ đại mà Đức Kitô phục sinh là đầu và mọi thụ tạo khác là thành phần, là chi thể, để hết thảy trở về với Thiên Chúa, Nguồn gốc và Cùng đích, như mong ước vĩ đại của tình yêu là tất cả nên một. Mầu nhiệm Thánh Thể cho thấy Chúa Kitô Phục sinh ở với chúng ta mọi nơi và mọi lúc cách hữu hình nhờ Mình Máu Người. Mình Máu ấy duy trì nơi ta sự sống thần linh, liên kết chúng ta với Thiên Chúa và chúng ta với nhau, để từ đó xây dựng nên Thân Thể mầu nhiệm của Người. Đó chẳng phải là bản chất của tình yêu hay sao? Các mầu nhiệm khác cũng mang ý nghĩa tương tự…
Kết luận:
Như thế, sự hiểu biết nhờ tin vào mạc khải từ lòng con người, và đặc biệt trong Kitô giáo, nhờ tin vào mạc khải từ lòng Thiên Chúa, chính là kiểu hiểu biết mang tính sâu xa nhất, nhân bản nhất, vì có thể giúp tạo ra ý nghĩa cho kiếp sống, hướng đi cho cuộc đời. Kitô hữu hạnh phúc khi tin vào Thiên Chúa vì Người không sai lầm cũng chẳng lừa gạt chúng ta. Những gì Người mạc khải cho chúng ta xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa, có nội dung: Thiên Chúa là Tình Yêu, một sự thật cao vời, bao trùm mọi sự thật.
Trở lại với câu chuyện Tôma, chúng ta thấy vị Tông đồ này đã lần lượt trải qua 3 thứ hiểu biết với 3 bằng chứng: 1- thấy Chúa liền nhận ra vị Thầy mình đã sống với suốt 3 năm. 2- nhìn vết thương ở bàn tay và cạnh sườn Thầy, suy ra rằng Thầy đã thực sự sống lại. 3- được sự soi sáng, được ơn mạc khải (như Phêrô ở Mt 16,17), cuối cùng tin nhận và tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).
Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, Giáo phận Huế