7 lời cầu mới cho Kinh Cầu Thánh Giuse

06/05/2021

Ngày 1/5/2021, lễ thánh Giuse Thợ, được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã thêm 7 lời cầu mới vào kinh cầu thánh Giuse.

– Thánh Giuse, Đấng gìn giữ Đấng Cứu Thế.

– Thánh Giuse, Đấng phục vụ Chúa Kitô.

– Thánh Giuse, Thừa tác viên của Ơn Cứu độ.

– Thánh Giuse, Đấng hỗ trợ trong những lúc gian nan.

– Thánh Giuse, Đấng bảo trợ người lưu đầy.

– Thánh Giuse, Đấng bảo trợ người đau khổ.

– Thánh Giuse, Đấng bảo trợ người nghèo.

1. THÁNH GIUSE LÀ ĐẤNG GÌN GIỮ ĐẤNG CỨU THẾ.

Khi một vị nguyên thủ quốc gia đi đến đâu, thì cần có một đội cận vệ đi theo giữ an toàn cho vị đó. Khi Con Thiên Chúa xuống thế làm Người, Ngài cũng cần có người gìn giữ mình được an toàn. Người đó chính là Thánh Giuse. ĐTC Phanxicô thêm trong kinh cầu Thánh Giuse là Đấng gìn giữ Đấng Cứu Thế, để mời gọi mỗi người chúng ta suy tư và chiêm ngắm vai trò gìn giữ bảo vệ Đấng Cứu Thế của Thánh Giuse. Cha ông chúng ta thường hay nói: “chọn mặt gửi vàng, chọn người gửi của”. Thiên Chúa có cách chọn của riêng Ngài và thường không theo tiêu chuẩn con người: “Thiên Chúa cần một người cha cho dân của mình, Ngài chọn một cụ già. Thế là Abraham đứng lên. Thiên Chúa chọn một người phát ngôn, Ngài lại chọn một chàng trai vừa nhút nhát lại vừa tật nói ngọng. Thế là Môisen đứng lên. Thiên Chúa cần một thủ lãnh để hướng dẫn dân của mình, Ngài lại chọn một cậu thanh niên nhỏ nhất và yếu ốm nhất trong nhà. Thế là Đavid đứng lên. Thiên Chúa cần một tảng đá làm nên cho ngôi nhà Giáo hội, Ngài đã chọn một anh chối đạo. Thế là Phêrô đứng lên. Thiên Chúa cần một khuôn mặt để diễn tả tình Người cho nhân thế. Ngài lại chọn cô gái điếm. Đó là Maria Madalêna. Thiên Chúa cần một chứng nhân để hô vang sứ điệp của mình. Người lại chọn một kẻ bắt đạo. Đó là Phaolô gốc thành Tarsô.”

Thánh Giuse nhận lãnh sứ mạng thật lớn lao và nặng nề là gìn giữ Đấng Cứu Thế. ĐTC Phanxicô miêu tả thánh Giuse đó là người cha luôn che chở, gìn giữ, bảo vệ, không rời Chúa Giêsu, đảm nhận trách nhiệm trong cuộc sống của Chúa.

Thiên Chúa đã trao cho Thánh Giuse một trách nhiệm thật lớn lao là bảo vệ Đức Mẹ và Hài Nhi Giêsu. Thánh nhân đã hoàn thành trách nhiệm một cách tốt lành. Người dốc toàn tâm toàn lực khi thi hành nhiệm vụ được giao; và sẵn sàng gánh chịu hậu quả xấu nếu có, không né tránh, không đổ lỗi cho người khác.

2. THÁNH GIUSE LÀ ĐẤNG PHỤC VỤ CHÚA KITÔ.

Qua lời cầu này, dưới sự trợ giúp của Thánh Giuse chúng ta dừng lại để soát xét chính mình. Tôi đang phục vụ ai? Tôi đang làm việc cho ai?  Thánh Giuse là mẫu gương của người phục vụ không quảng ngại khó khăn. Hỡi Giuse con vua Đavít, đừng ngại đón Maria vợ ông về” (Mt 1,20). Tinh thần phục vụ là sẵn sàng hy sinh: cho đi thời giờ, sức lực, tài năng và cả tiền bạc, phục vụ không tính toán so đo. Thánh Giuse cũng là “người cha của sự đón tiếp” bởi vì ngài “đón nhận Mẹ Maria vô điều kiện”.

Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã dành chương 2 trong cuốn sách “Năm chiếc bánh và hai con cá” để chia sẻ kinh nghiệm thực tế của cá nhân ngài liên quan vấn đề “Phân biệt giữa Chúa và việc của Chúa”. Trong lúc bị giam cầm tù, câu nói chủ đạo của ngài vẫn là: “Tôi phải chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa: Chính Chúa muốn cho tôi ở đây, chứ không phải nơi khác”. Và ngài đã cầu nguyện: “Trước bàn thờ, bên Mình Thánh Chúa, con nghe Chúa Giêsu bảo con:Con hãy theo Chúa, chứ không phải theo việc của Chúa!’. ‘Nếu Chúa muốn, con hãy trao việc Chúa lại trong tay Chúa, Chúa sử dụng ai tiếp tục, mặc ý Chúa. Có Chúa lo, mà Chúa lo thì muôn vạn lần hơn con lo. Con hãy chọn một mình Chúa.

Thánh Giuse chọn phục vụ Chúa Kitô, tức là chọn Chúa, chọn Chúa là việc ưu tiên số một, nó quan trọng hơn gấp ngàn lần khi ta chọn lựa công việc của Chúa. Do đó, trong đời sống đạo của mình, chúng ta nên thường xuyên đặt câu hỏi cho mình: Tôi đã và đang chọn Chúa hay chọn việc của Chúa? Tôi đang phục vụ Chúa hay phục vụ ai?

3. THÁNH GIUSE LÀ THỪA TÁC VIÊN CỦA ƠN CỨU ĐỘ.

Thừa tác viên: người làm công việc được giao. Khi chọn các Tông đồ và môn đệ, Chúa Kitô đã ban cho các ông năng quyền để thực hiện sứ mệnh, thành thừa tác viên của Giao Ước Mới (x. 2 Cr 3,6).

Thánh Giuse là Thừa tác viên của Ơn Cứu độ khi nhận sứ mạng Thiên Chúa giao qua sứ thần của Ngài. Này ông Giuse là con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì Người Con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1,20).

Theo thánh sử Matthêu, Thiên Chúa thông truyền ý muốn của Ngài cho thánh cả Giuse qua những giấc mộng: báo tin Maria thụ thai cách huyền nhiệm, lệnh lên đường ngay trong đêm sang Ai cập, và cả chuyến hồi hương về Nagiarét. Trong mọi trường hợp, thánh Giuse vâng lời cách mau mắn, vô điều kiện trong đức tin, không cần những phép lạ ngoạn mục, những cuộc hiện ra phi thường. Cũng như Đức Maria nhận ra được ý định của Thiên Chúa trong lúc cầu nguyện, thánh Giuse nhận thức rõ ràng sự can thiệp của Thiên Chúa ngay cả trong giấc ngủ. Phải có một cuộc sống hết sức thân mật với Thiên Chúa mới có thể sẵn sàng nhận ra chấp nhận để Thiên Chúa hướng dẫn, sắp đặt cuộc đời mình theo thánh ý Người.

“Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người”. Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrôđê băng hà, hầu làm cho trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: “Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập”.

Khi Hêrôđê băng hà, thì thiên thần Chúa hiện ra cùng Giuse trong giấc mơ bên Ai cập và bảo: “Hãy chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm hại mạng sống Người đã chết”. Ông liền chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel. Nhưng nghe rằng Arkhêlao làm vua xứ Giuđa thay cho Hêrôđê là cha mình, thì Giuse sợ không dám về đó. Ðược báo trong giấc mộng, ông lánh sang địa phận xứ Galilêa, và lập cư trong thành gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua các tiên tri rằng: “Người sẽ được gọi là Nadaret”. (Mt 2, 13 15. 19 -23). Thánh Giuse thi hành chức vụ thừa tác của mình một cách tốt đẹp.

4. THÁNH GIUSE, ĐẤNG HỖ TRỢ TRONG NHỮNG LÚC GIAN NAN.

Có lẽ chưa lúc nào nhân loại gặp gian nan khốn khó trước tình hình đại dịch Covid như lúc này. Tông thư Trái tim của người Cha được ĐTC Phanxicô viết trong bối cảnh của đại dịch Covid-19. Theo ngài, đại dịch giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của những con người vì công ích, những người xa ánh đèn sân khấu, kiên nhẫn mỗi ngày và nuôi dưỡng hy vọng, lan toả sự đồng trách nhiệm. Chúng ta có thể tìm thấy nơi thánh Giuse, “một người không được chú ý, người hiện diện hàng ngày, kín đáo và âm thầm, người chuyển cầu, là sự nâng đỡ và hướng dẫn trong những lúc khó khăn”.

Điểm cuối cùng của Tông thư, ĐTC Phanxicô miêu tả thánh Giuse đó là người cha luôn che chở. Thánh nhân gìn, giữ, bảo vệ, không rời Chúa Giêsu, đảm nhận trách nhiệm trong cuộc sống của Chúa. Thánh Giuse yêu thương cách tự do, không chiếm hữu, biết từ bỏ mình để đặt Chúa Giêsu và Mẹ Maria ở trung tâm của đời mình. Hạnh phúc của ngài là “trao tặng chính mình”: không bao giờ thất vọng nhưng luôn tin tưởng, luôn thinh lặng, không than van, nhưng có những cử chỉ cụ thể tín thác.

5. THÁNH GIUSE, ĐẤNG BẢO TRỢ NGƯỜI LƯU ĐẦY.

Nhìn lại lịch sử Dân Chúa là một dân bị lưu đầy. Nguyên nhân do các vua Israel và Giuđa đưa dân chúng vào con đường phản bội lại Giao Ước với Thiên Chúa, thờ ngẫu tượng, luân lý suy đồi. Những lời Thiên Chúa nhắc nhở, dạy dỗ qua các ngôn sứ đều vô ích. Cơn bệnh đã đến độ trầm trọng, vì vậy mà cuối cùng Thiên Chúa phải dùng đến một “liều thuốc mạnh” là cuộc lưu đày. Khi bị lưu đầy họ phải chịu nhiều thử thách nặng nề:

  • Đau khổ thể xác: đi bộ cả ngàn cây số, cuộc sống thiếu thốn và công việc cực nhọc nơi lưu đày …
  • Đau khổ tinh thần: họ bị thử thách về đức tin. Hoàn cảnh đặt ra cho họ những câu hỏi nhức nhối: Có Chúa thật không? Nếu có thì tại sao Ngài lại để đất nước, thành thánh Giêrusalem và Đền thờ bị tàn phá như vậy? Hay là thần của Babylon mạnh hơn Thiên Chúa? Chúa có còn nhớ Lời Hứa hay đã huỷ bỏ Giao Ước rồi? …

Tuy nhiên, trong kế hoạch của Thiên Chúa thì cuộc lưu đày không phải là “viên thuốc độc’” mà là “viên thuốc đắng” Thiên Chúa phải dùng đến để chữa trị “chứng bệnh nan y” của dân Người. Như thời các Thủ Lãnh, một lần nữa, khi lâm cảnh đau khổ và tai hoạ, người ta mới nhận ra hậu quả ghê gớm do tội lỗi của họ đã gây ra. Tội đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Tội làm cho họ tách lìa khỏi tình yêu Thiên Chúa. Chính họ đã tự đẩy mình ra xa khỏi Thiên Chúa, đánh mất hạnh phúc của mình.

Qua khiếp sống lưa đầy, Dân Chúa nhận ra bài học và canh tân. Nhờ sống ở chốn lưu đày mà dân Chúa đã học biết đổi mới đời sống:

  • Khi không còn đền thờ và lễ vật bên ngoài, bấy giờ người ta mới hiểu của lễ mà họ có thể dâng là chính bản thân, chính đời sống của mình. Điều đó quan trọng hơn các nghi lễ và hình thức phô trương ồn ào bên ngoài mà không có lòng thành (đạo hình thức).
  • Tế lễ bản thân có nghĩa là sống thánh thiện theo đường lối Chúa, làm lành lánh dữ.
  • Sự gia tăng đời sống thánh thiện thúc đẩy người ta chăm chỉ học hỏi Lời Chúa: nghiên cứu Lề Luật và lời các Ngôn sứ.

Đời người là một cuộc hành trình và cũng có thể là cuộc lưu đầy, chỉ kết thúc qua cái chết. Cuộc hành trình hạnh phúc hay đau khổ, dài hay ngắn, tới trước hay tới sau mỗi người đều khác nhau, nhưng cùng chung một điểm là đi về cùng đích. Trên cuộc hành trình dương thế này, tự sức chúng ta không thể nào đứng vững, nếu không có ơn Chúa và sự trợ giúp của các thánh là những người đi trước. Bởi thế, khi chọn Thánh Giuse là Đấng bảo trợ người lưu đầy. Là để cầu xin Ngài bảo vệ, che chở và dẫn chúng ta tiến bước về nguồn đích thật là Thiên Chúa.

6. THÁNH GIUSE LÀ ĐẤNG BẢO TRỢ NGƯỜI ĐAU KHỔ.

Chúng ta nói gì với những người đang gặp đau khổ, thiên tai, lụt lội, nghèo đói, hạn hán, chiến tranh, tội ác, nhất là trước tình hình đại dịch Covid này…

Cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm. 8, 22).

Đau khổ có ý nghĩa sâu xa như chính con người. Đau khổ như thuộc về Siêu Việt tính của con người, có vận mệnh vượt lên trên chính mình và kêu gọi cách huyền nhiệm để thực thi sứ mệnh độc đáo của mỗi người. Điều kiện dường như thuộc về siêu việt tính của người, có vận mệnh vượt lên trên chính mình và kêu gọi cách huyền nhiệm để thực thi một sứ mệnh.

Thánh Kinh là cuốn sách vĩ đại bàn đến vấn đề đau khổ, nhất là đau khổ tinh thần: Nguy cơ phải chết (Egk, Is. 31, 1-3), cái chết đặc biệt đứa con đầu lòng và duy nhất (St. 33-35, Tb. 10, 1-7), tuyệt tự (St.30, 1), nỗi nhớ quê hương (Tv 13,7), bị người xung quanh bách hại và chống đối (Tv 22). Đau khổ vì bị chế diễu, nhạo báng, lộng ngôn (Gio 19,30. Tv 53). Cô đơn vì bị bỏ rơi, thất tín, bị những bất hạnh (Tv 44).

Chương trình của Thiên Chúa là bù vào Thập Giá còn thiếu phần của chúng ta! Đau khổ Mặc Khải tình yêu Thiên Chúa. Đau khổ giúp con người hoán cải, tái lập sự lành cho mình và cho Cộng Đồng. Đau khổ giúp chúng ta chiến thắng sự dữ vốn tiềm tàng trong con người dưới nhiều hình thức, điều chỉnh lại tương quan giữa Thiên Chúa và loài người.

Thiên Chúa nghiêm khắc cảnh cáo Thánh Phêrô muốn từ bỏ con đường đau khổ và cái chết Thập Giá (Mt 16,23). “Chén đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống cạn sao” (Ga. 18, 11).Những ai đang gặp đau khổ về tâm hồn cũng như thể xác hãy chạy đến với Thánh Giuse. Ngài có cách giúp chúng ta vượt qua và tìm ra thánh ý Chúa. Hãy đến với Giuse.

7. THÁNH GIUSE LÀ ĐẤNG BẢO TRỢ NGƯỜI NGHÈO.

Trong sứ điệp ngày thế giới cho người nghèo lần thứ 3 ngày 17 tháng 11 năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Hy vọng của người nghèo sẽ không bao giờ thất vọng”. “Những người túng thiếu không bị bỏ quên, người nghèo khó chẳng tuyệt vọng bao giờ” (Tv 9,19). Hy vọng của người nghèo được tăng cường bởi sự xác tín được Chúa đón nhận, tìm được nơi Người công lý đích thực, được thêm sức trong lòng để tiếp tục yêu thương (x. Tv 10, 17). Cho nên khi chọn Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ người nghèo để mời gọi những người nghèo đặt hy vọng và tin tưởng vào sự bảo trợ của Thánh Giuse.

Thánh Giuse là hiện thân của người nghèo. Bài Hát: “Giuse trong xóm nhỏ khó nghèo” của cố Linh mục Đạo Minh, dòng Thánh Giuse đã đi vào lòng người Công Giáo Việt Nam. Bài hát ra đời trong giai đoạn đau thương của đất nước giữa hai thập niên 40- 50. Lời bài hát đơn sơ xuất phát từ cuộc sống lao động lam lũ mồ hôi nhễ nhại, cây cuốc, cái rựa hoặc còng lưng trên chiếc xích lô… Trong bối cảnh đó, người dân Việt cảm thấy gần gũi với thánh Giuse, vị thánh của người nghèo. Người nghèo thường là người không có tiếng nói và có nói chẳng ai nghe. Họ chỉ biết cặm cụi làm việc và thinh lặng. Giờ đây, họ được Thánh Giuse nghe, thấu hiểu và đồng cảm với họ.

Lạy Thánh Giuse, xin cầu cho chúng con. Amen!

Lăng Cô, ngày 05.5.2021

Lm. Giuse Phan Văn Quyền