“Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời? Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn. Mặt trời mọc rồi lặn; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên. Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc: gió xoay lui xoay tới rồi gió đi; gió trở qua trở lại lòng vòng. Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục. Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới. Điều đã có, rồi ra sẽ có, chuyện đã làm, rồi lại sẽ làm ra: dưới ánh mặt trời, nào có chi mới lạ? (Gv 1, 1-9).
Qua đại dịch Covid-19, chúng ta nhận ra mọi sự chỉ là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân, trống rỗng hư vô, sắc sắc không không, có đó rồi không đó, quyền lực, danh vọng, tiền bạc, biết bao nhiều người tri thức tài giỏi, khoa học, công nghệ tiên tiến của thời đại 4.0 nhưng rồi cũng chấm không (.0) bó tay trước con vi rút cực nhỏ mà mắt không nhìn thấy được.
Đại dịch này giúp chúng ta tỉnh táo nhận ra sự hư vô, mong manh của kiếp người để sống khiêm tốn hơn. Từ trong sự hư vô trống rỗng hay nói đúng hơn, trong tận cũng của nỗi đau, chúng ta mới nhận ra mầu nhiệm tử nạn và Phục Sinh của Chúa.
Chúa đã Phục Sinh không đồng nghĩa là chúng ta khỏi dịch bệnh, đau khổ và cái chết thể xác. Chúa Phục Sinh không có nghĩa là chúng ta hết phong tỏa, cách ly và kiểm tra thân nhiệt. Chúa Phục Sinh nhưng cửa vẫn đóng nếu bao lâu còn dịch bệnh lây lan. Điều mà mỗi người chúng ta tin vào mầu nhiệm Phục Sinh là Chúa đã chết thật, nay đã sống lại. Dù cuộc đời chúng ta thế nào, thế giới có ra sao, bệnh dịch cỡ nào, Thiên Chúa vẫn là Cha giàu lòng thương xót luôn yêu thương và cứu độ chúng ta. Đó chính là cốt lõi niềm tin của chúng ta.
Sách Giảng viên dạy chúng ta biết mọi sự đều có lúc và mọi việc đều có thời (Gv 3, 1-11).
Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc. Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.
Trong đại dịch Covid- 19, chúng ta cũng nhận ra cái gì cũng có một thời của nó:
một thời ngồi gần nhau, một thời ngồi xa nhau 2 mét;
môt thời bắt tay, một thời chuyển qua bắt chân;
một thời đoàn tụ, một thời cách ly;
một thời tụ tập, một thời tan rã;
một thời đi ra, một thời ở nhà;
một thời đi làm, một thời thất nghiệp;
một thời hạnh phúc, một thời đau khổ;
một thời mở miệng, một thời bịt khẩu trang;
một thời hạ giá, một thời lên giá;
một thời hồng hào, một thời xanh xao;
một thời vui cười, một thời méo miệng;
một thời no nê, một thời đói meo;
một thời được mùa, một thời mất trắng;
một thời mở cửa, một thời đóng cửa;
một thời kiêu ngạo, một thời khiêm tốn;
một thời chứng khoán, một thời chấn động;
một thời phát triển, một thời liểng xiểng;
một thời vội vã, một thời sống chậm lại…
Trong mọi thời, mọi nơi và mọi lúc, hay kể cả trong mọi biến cố của cuộc đời, chúng ta luôn được Chúa mời gọi: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Được mời gọi sống tin yêu phó thác và hy vọng. “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện.”(Rm,12,12).
Như lời kinh của Đức cố Hồng F.X Nguyễn Văn Thuận đã từng thân thưa với Chúa:
“Lạy Chúa Giêsu, con sẽ không chờ đợi nữa. Con sống giây phút hiện tại cho tràn đầy tình yêu.
Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài.
Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.
Ðường Hy Vọng do mỗi chấm hy vọng. Ðời Hy Vọng do mỗi phút hy vọng (ĐHV số 977).
Như Chúa, lạy Chúa Giêsu, Ðấng đã luôn làm những gì đẹp lòng Thiên Chúa Cha.
Mỗi giây phút con muốn thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa, cuộc sống của con sẽ luôn luôn là “một giao ước mới và giao ước vĩnh cửu” với Chúa.
Mỗi giây phút con muốn hát lên cùng với toàn thể Hội Thánh: “Vinh danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần...” Amen!
Lm. Giuse Phan Văn Quyền