Ngày 14.11: Thánh Tử đạo Têphanô Théodore Cuenot Thể (Giám mục Thừa sai Paris)

13/11/2024

THÁNH TÊPHANÔ THÉODORE CUENOT THỂ

Giám mục Thừa sai Paris, Tử đạo

(1802 – 1861)

Thánh Têphanô Théodore Cuenot sinh ngày 08-02-1802 tại làng Sous Réamont, xã Le Bélieu, tỉnh Doubs, Giáo phận Besançon, nước Pháp. Lớn lên cậu vào chủng viện Besançon và thụ phong linh mục ngày 24-09-1825. Năm 1827, cha Cuenot xin gia nhập Hội Thừa sai Hải ngoại Paris; năm sau, được cử sang Việt Nam, cha đi Macao rồi ngày 31-05-1829, đến Kẻ Vĩnh, Giáo phận Đàng Ngoài. Ngày 24-07, cha vào miền Nam, nhận tên Việt là Trí.

Hội Thừa sai Hải ngoại Paris.

Mới đầu cha được gửi tới chủng viện Lái Thiêu để học thêm tiếng Việt, đồng thời dạy các chủng sinh tại đó. Bốn năm ở đây cũng đủ để cha hiểu nhiều về phong hóa địa phương, gắn bó với các cộng tác viên trong tương lai.

Năm 1833, vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo trên toàn quốc, triệt hạ các nhà thờ, tập trung các thừa sai về Kinh đô và bắt bớ khốc liệt các tín hữu. Vì lần đầu va chạm với bách hại, các tín hữu lúc đó chưa dám chứa chấp các nhà truyền giáo. Đức cha Jean-Louis Taberd Từ, chủ chăn Giáo phận đương nhiệm đang được quan trấn Biên Hòa cho phép tạm ở Lái Thiêu chờ ngày dẫn độ ra Huế, liền quyết định đưa 3 thừa sai trong đó có cha Cuenot Trí cùng với 15 chủng sinh di tản đào thoát qua Thái Lan. Họ được vua Thái đón tiếp niềm nở.

Thời gian ấy, Thái Lan và Việt Nam đang có chiến tranh, nên vua Thái muốn nhờ các vị thừa sai kêu gọi dân Công giáo chống lại Minh Mạng. Dĩ nhiên Đức cha Taberd Từ không thể nào chấp nhận. Điều đó làm Thái hoàng nổi giận. Nhà vua ra lệnh bắt giam ba linh mục và các chủng sinh Việt Nam. May nhờ tài ăn nói thuyết phục của cha Trí, vua mới nương tay và cho họ đến ẩn náu tại chủng viện Pénang (Malaixia) năm 1834. Cha nói : “Bằng mọi giá phải lo cho họ. Như tôi (một thừa sai) chết, người ta có thể gửi ngứời khác thay thế chậm lắm là một năm. Một linh mục, chủng sinh Việt Nam nằm xuống, phải mất hai ba chục năm mới có người thay thế được.” Cũng năm đó, vì không ủng hộ Thái Lan đánh Việt Nam, Đức cha Taberd Từ lại phải chạy sang Singapore, để rồi sẽ chẳng bao giờ trở về nhiệm sở được.

Hoa tiêu giữa sóng gió.

Tuy sống cách xa nghìn dặm, Đức cha Từ, cha Trí và các vị thừa sai vẫn hướng tâm hồn về Giáo Hội Việt Nam đang lâm cảnh máu chảy đầu rơi. Vừa thương xót vừa thán phục, các ngài tìm cách trở lại miền đất truyền giáo này. Năm 1835, Đức cha Taberd có quyết định mới. Khi thấy trên mảnh đất Lạc Hồng chỉ còn 2 thừa sai ngoại quốc và 10 linh mục Việt, Đức cha liền đáp tầu sang Pénang, truyền chức Giám mục cho cha Trí ngày 03-05-1835, chọn làm phụ tá mình, và cử vị tân Giám mục, hiệu tòa Métellopolis, cấp tốc trở về Giáo phận Đàng Trong.

Hình minh hoạ.

Trở lại Việt Nam với tên mới là Thể trong những ngày bách hại khốc liệt, đầu tiên Đức cha ẩn trú tại họ đạo An Ngãi (Quảng Nam) trong ba năm, sau chuyển đến họ đạo kỳ cựu Gò Thị (Bình Định) để chăn dắt đoàn chiên. Tại đây, vì thấy mình không thể đi thăm hết các giáo xứ được, Đức cha viết thư luân lưu gửi đến khắp nơi để cổ vũ tinh thần của giáo hữu. Từ nay mọi biến cố trong Giáo phận : những cuộc càn quét của quân lính, những vụ bắt bớ tín hữu, những màn xử tử khốc liệt cho đến những thành quả tông đồ, đều được vị cha chung Giáo phận cảm thông, viết thư khen ngợi, ủy lạo hay khích lệ. Nhờ đó các linh mục và giáo hữu đều thêm lòng can đảm.

Việc Đức cha bận tâm nhất là sĩ số các linh mục bản địa. Ngoài hai vị đã theo ngài về từ Thái Lan, năm 1835, Đức cha truyền chức cho 10 thầy giảng. Năm sau, ngài xin Hội Thừa Sai Paris được thêm sáu nhà truyền giáo. Là người sáng suốt nhìn xa trông rộng, Đức cha cho tái lập hai chủng viện, một ở Di Loan, Quảng Trị, trao cho thừa sai Jean Jacob Candalh Kim và một ở miền Nam trao cho thừa sai Dominique Lefèbvre Nghĩa. Đồng thời Đức cha cũng gọi các nữ tu Mến Thánh giá trước đây đã phải phân tán về gia đình (250 dì) trở lại sống chung và hoạt động trong 18 phước viện.

Ngày 31-07-1840, Đức cha Taberd Từ qua đời tại Calcutta (Ấn Độ), Đức cha Thể chính thức trở thành Đại diện Tông tòa. Năm sau ngài tổ chức lễ tấn phong cho tân Giám mục Lefèbvre làm phụ tá. Lợi dụng tình hình lắng dịu, ngài tổ chức công đồng Gò Thị (8-1841) gồm ba thừa sai và 13 linh mục Việt trong Giáo phận. Dưới sự điều khiển của Đức cha Thể, công đồng đã đưa ra nhiều nguyên tắc sáng suốt để đào tạo một lớp linh mục bản xứ đông đảo và nhiệt thành. Nếu việc mở chủng viện khó khăn, mỗi thừa sai có trách nhiệm dạy 6-7 chú nhỏ, rồi gửi qua Pénang học bảy năm. Họ sẽ về Việt Nam thụ phong linh mục và làm việc. Cách tổ chức ấy thực tế đã cung cấp cho Giáo phận Đàng Trong một số khá đông linh mục thông thái và đạo đức.

Chủ chăn nhiều sáng kiến.

Dù hoàn cảnh khó khăn, Đức cha vẫn quan tâm đến việc nâng cao kiến thức và nhân đức cho hàng giáo sĩ ; mỗi năm ngài gửi cho các linh mục những bài học về tín lý, luân lý. Các cha sẽ viết bài rồi nộp trong kỳ tĩnh tâm năm. Sau đó, chính Đức cha đọc, sửa bài và gửi thư nhắn nhủ cho từng linh mục. Đối với giáo hữu, Đức cha chủ trương : “Phương pháp tốt nhất để đức tin của giáo hữu vững vàng là đào tạo họ thành những tông đồ truyền giáo.” Thực vậy, nhờ giải thích cho người khác về giáo lý, các giáo hữu càng ngày càng xác tín hơn về niềm tin của mình. Hơn nữa, họ tự thấy nghĩa vụ làm gương cho anh em tân tòng về đời sống đạo và tinh thần can đảm giữ vững đức tin.

Đối với những giáo hữu vì sợ hãi đã bỏ đạo, đạp lên Thánh giá, Đức cha sẵn lòng thay mặt Chúa tha thứ, nhưng với điều kiện là giúp cho một lương dân theo đạo. Bên cạnh đó, hàng năm Đức cha làm thống kê báo tin xứ đạo nào có nhiều tân tòng hơn, khiến các giáo xứ thi đua làm việc tông đồ. Đặc biệt phải nói đến lòng can đảm của các nữ tu Mến Thánh giá. Các chị chia nhau, cứ hai người một, đi hết các làng mạc, phát thuốc men cho bệnh nhân, và khi có thể, rửa tội cho trẻ em sắp chết. Nếu năm 1835, khi Đức cha mới về lại đất Việt, số trẻ ngoại giáo được rửa tội là 133 em, thì năm 1841 là 1.800 em và năm 1843 là 8.273 em. Năm 1844, số trẻ gia đình Công giáo được rửa tội là 5.056 thì số người lớn trở lại và rửa tội là 1.007.

Nhiều giáo hữu sẵn sàng bỏ tiền bạc, công sức nuôi dùm con cái những lương dân quá nghèo, chỉ với điều kiện là cho câc em gia nhập đạo. Lòng bác ái sâu xa ấy quả là bài giảng hùng hồn về sức sống của Giáo hội. Nhiều người thiện chí, và đôi khi cha mẹ các em cũng xin trở lại vì những bài giảng sống này. Một công trình lớn lao khác của Đức cha Thể là việc truyền giáo cho các dân tộc thiểu số mìền Thượng ở Kontum, đặc biệt dân tộc Bahnar. Chính Đức cha cử nhiều đợt người theo dõi, khích lệ và đưa ra những chỉ đạo thích hợp để anh em Thượng nhận được ánh sáng Tin Mừng.

Nhà thờ Chính toà Giáo phận Kon Tum ngày nay.

Những thành công lớn lao của Đức cha đã được Tòa Thánh công nhận năm 1844 khi, theo đề nghị của ngài, phân chia Giáo phận Đàng Trong thành hai Giáo phận Đông (Qui Nhơn) và Tây (Sài Gòn). Tiếp theo đến năm 1850, lại chia làm bốn là Nam Vang, Sài Gòn, Bắc (Huế) và Qui Nhơn. Giáo phận Bắc Đàng Trong (Huế) gồm từ bờ Bắc sông Gianh đến chân đèo Hải Vân và được ủy thác cho Đức Giám mục François Pellerin Phan coi sóc. Từ đấy, Đức cha Thể chỉ coi sóc Giáo phận Đông Đàng Trong, nhưng lại ở trong tình hình bách hại mới gay gắt hơn nhiều.

Nhà thờ Chính toà Phủ Cam ngày xưa.

Tù tội vì rao giảng Tin Mừng.

Trong 10 năm liền, nhờ sự che chở của các tín hữu và các nữ tu Mến Thánh giá, Đức cha và các linh mục thoát khỏi nhiều cuộc truy lùng. Thế nhưng các ngài phải thay đổi chỗ ở liên tục, nhiều khi ngủ ngoài trời, có lúc phải vào rừng sâu hay đầm lầy, chịu đói chịu khát và nhiều lần suýt chết trong khi thăm viếng bệnh nhân hay giải tội cho kẻ hấp hối. Thế mà trong thời gian này, Đức cha vẫn duy trì thường xuyên mối liên lạc với Tòa Thánh. Đặc biệt khi được hỏi về tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm, ngài đã trao đổi với các linh mục trong Giáo phận, rồi gửi thư bày tỏ lòng kính mến Đức Maria của dân tộc Việt cho Tòa Thánh, xin hiệp trong ngày Đức Thánh Cha (Piô IX) long trọng công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (08-12-1854).

Năm 1861, chiếu chỉ “Phân sáp” của vua Tự Đức làm Giáo hội Việt Nam một phen điêu đứng. Đức cha Thể đã khuyên các thừa sai trong Giáo phận di tản vào Sài Gòn, nhưng chính ngài tình nguyện ở lại, với một phương châm bất hủ : “Dù chỉ còn một thừa sai chẳng làm được gì ngoài đọc kinh thần vụ, thì nguyên việc hiện diện của vị đó đủ để nâng đỡ niềm tin và sinh hoạt của tín hữu rồi.”

Từ tháng 10, Đức cha phải bỏ Gò Thị, trốn từ nhà này sang nhà khác. Ngày 24-10-1861, ngài đang ẩn ở nhà bà Madalena Huỳnh Thị Lựu tại làng Gò Bồi thì quân lính bao vây khu  vực… Đức cha và hai chủng sinh giúp lễ kịp trốn xuống hầm, nhưng chưa kịp cất giấu đồ lễ do vừa dâng lễ xong. Vì chứng cớ ấy, quân lính thề phá nhà, nếu không tìm thấy Tây dương đạo trưởng. Mọi người trong nhà đều bị tra tấn, bà Lựu bị đánh đòn dữ tợn. Sau hai ngày và một đêm ở dưới hầm, vừa đói vừa khát, cuối cùng Đức cha tự nộp mình cho đám lính chưa chịu bỏ đi. Hôm sau, ngài bị nhốt trong cũi đưa về tỉnh. Hai chủng sinh, bà Lựu và hai người lân cận cũng bị mang gông giải đi (sau này tất cả cùng bị xử tử tháng 12).

Tháng 10 năm ấy, miền Trung bị lụt, nước dâng lên đến lưng, nên ngồi trong cũi chật chội, Đức cha cũng bị ngập nước. Do đó, khi đến nhà giam thì Đức cha lâm trọng bệnh. Chứng bệnh kiết lỵ làm sức khỏe ngài đuối dần. Ngài thở hơi cuối cùng ngày 14-11-1861, kết thúc 32 năm truyền giáo không một ngày bình an.

Hôm sau, bản án trảm quyết từ Huế mới vào tới Bình Định. Thấy ngài đã từ trần, quan trấn thủ không cho chém nữa, truyền đem đi chôn. Nhưng sau đó, triều đình lại gửi ra một một bản án mới ghi thế này : “Tây dương đạo trưởng Thể đã lẩn lút trong nước ta 40 năm nay. Y từng giảng tà đạo và lừa dối dân chúng. Bị bắt và tra hỏi, y đã thú nhận mọi tội lỗi. Lẽ ra phải trảm quyết bêu đầu, nhưng vì y đã chết trong tù, nên truyền phải quăng xác y xuống sông.”

Chiếu theo bản án ấy, quan trấn thủ cho quật mồ để lấy thi hài ngài liệng xuống sông. Tuy đã bị chôn ba tháng, nhưng lạ thay, xác Đức Cha vẫn còn nguyên vẹn ! Người ta bỏ thây vị chứng nhân vào trong một chiếc thúng lớn đặt trên ghe rồi chèo ra sông, đến ngang làng Phong thì binh lính liệng chiếc thúng xuống nước.

Mặc dù Đức cha Cuénot Thể không đổ máu vì đức tin, nhưng căn cứ vào bản án và muôn ngàn nỗi truân chuyên ngài đã chịu vì đạo, Giáo Hội tôn kính Đức cha với tước hiệu tử đạo.

Thánh Tử đạo Têphanô Théodore Cuenot Thể.

Ngày 02-05-1909, Thánh Giáo hoàng Piô X nêu danh Đức cha Têphanô Théodore Cuenot – Thể đứng đầu danh sách 20 vị tử đạo tại Việt Nam được suy tôn lên bậc Chân phước. Đến ngày 19-06-1988, ngài lại được Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô 2 tôn phong hiển thánh củng với tất cả các chân phước tử đạo Việt Nam (cả thảy 117 vị).

Thánh lễ tôn phong 117 Thánh Tử đạo Việt Nam ngày 19-06-1988 tại quãng trường Thánh Phêrô.

Mặc dầu Thánh Cuenot Thể chưa một lần ra Giáo phận Huế (Bắc Đàng Trong theo tên gọi bấy giờ), nhưng việc ngài từng tạo nền móng cho Giáo phận qua việc tái lập tiểu chủng viện Di Loan, Quảng Trị kỳ 2 (1837-1838), phong chức linh mục cho nhiều đại chủng sinh từ Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, hỗ trợ dòng Mến Thánh Giá vốn hoạt động tích cực tại 3 tỉnh này, nhất là phong cha François Pellerin Phan làm Giám mục tiên khởi của Giáo phận, nên Giáo phận coi ngài như đấng sáng lập và là vị tử đạo của mình.

Ban Biên tập Lịch sử và Ban Truyền thông TGP Huế