Một vài tâm tình và ghi nhận của một người hành hương Đức Mẹ La Vang trực tuyến 15.8.2021

18/08/2021

Ngày hành hương Đức Mẹ La Vang trực tuyến 15/8/2021 đã khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc. Tôi vội ghi lại một vài tâm tình và ghi nhận của một người hành hương trực tuyến này.

Linh địa La Vang, một gắn bó lịch sử

Ngày nay, ở đâu cũng có hình và tượng ảnh Đức Mẹ La Vang, và lòng tôn kính Đức Mẹ La Vang đích thực vẫn là “không phải trên núi này, nhưng trong tinh thần và chân lý”. Mỗi người, mỗi gia đình, mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn… đều có thể “hành hương” tôn kính Đức Mẹ La Vang ngay trong tâm hồn, trong gia đình, tại giáo xứ hay cộng đoàn của mình. Không có gì (đại dịch, chiến tranh, không gian, địa lý…) tách tôi ra khỏi lòng tôn kính Đức Mẹ La Vang. Người Công giáo Việt Nam ở hải ngoại cũng có các trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang cho chính cộng đồng của mình và cũng biểu dương lòng yêu mến  Đức Mẹ La Vang của mình cách tuyệt vời. Tuy nhiên, Linh địa La Vang vẫn có gì linh thiêng và lôi cuốn mọi người đến hay hướng lòng đến với Mẹ La Vang, bởi vì nơi đây đã trở thành lịch sử, truyền thống, ký ức, gắn bó và ý thức thuộc về Giáo hội Việt Nam. “Ba năm đại hội một lần. Đoàn con cái Mẹ, cù lần cũng ra”. Lời thơ mộc mạc vui đùa này diễn tả sự gắn bó đã thành lịch sử đối với Linh địa La Vang. Một lịch sử hơn hai trăm năm từ khi “Mẹ đã chọn La Vang mà hiện đến, cứu giúp hộ phù tổ tiên chúng con lương giáo, giữa thời ly loạn cấm cách, khốn khổ trăm bề. Từ ấy gót chân Mẹ bước đến, vẫn mãi đầy ơn thiêng”.  Vì thế, đến ngày 15/8 hành hương Đức Mẹ La Vang hằng năm, muôn ngàn tâm hồn vẫn mãi hướng về nơi linh thiêng lịch sử này. Trong Thánh lễ trực tuyến hôm 15/8/2021, Cha Micae Phạm Ngọc Hải, Quản nhiệm Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang, đã cảm động nhắc lại bề dày lịch sử hành hương Đức Mẹ La Vang lên tới 120 năm, kể từ năm 1901, khi  Đức Cha Marie Antoine Caspar Lộc khánh thành ngôi thánh đường Đức Mẹ La Vang, với tước hiệu “Đức Bà phù hộ các giáo hữu“, và từ đó quy định ngày 15/8 là ngày hành hương hàng năm và cứ ba năm một lần thì tổ chức Đại hội hành hương Đức Mẹ La Vang. Sự kiện Hội đồng Giám mục Việt Nam, ngày 13/4/1961, đã chọn Trung Tâm Hành Hương  Đức Mẹ La Vang làm Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc của Giáo hội Việt Nam càng ghi dấu ấn lịch sử của sự gắn bó của người tín hữu Công giáo Việt Nam đối với Linh địa này, một điều mà từ nay làm nên khát vọng sâu xa về bên Mẹ nơi tâm hồn của người Công giáo Việt Nam.

Khát vọng về bên Mẹ La Vang

Chính vì thế, cho dù hình và tượng ảnh Đức Mẹ La Vang đã có mặt khắp nơi, nhưng tâm hồn của người Công giáo Việt Nam vẫn hướng về Đức Mẹ La Vang một cách đặc biệt, như là một phần của đời sống thiêng liêng và xây dựng đời sống thiêng liêng của mình. Dĩ nhiên, ở đây cũng cần cảnh giác một “niềm tin ngây thơ” khi nghĩ rằng Đức Mẹ La Vang thì linh thiêng hơn Đức Mẹ Trà Kiệu, hay Đức Mẹ Măng Đen thì làm phép lạ nhiều hơn Đức Mẹ La Vang…Đó là điều mà Đức Bênêđíctô XVI đã cảnh giác: “Đối với một số tín hữu chưa ý thức đủ về đức tin, thì Đức Mẹ ở Lộ Đức, ở Fatima là những nhân vật khác nhau chứ không phải là một !” (Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, (bản dịch Việt ngữ của Lm. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam), nxb Tôn giáo, 2009, tr. 123). Đơn giản chỉ vì nơi đây đã là lịch sử, ký ức, truyền thống và sự gắn bó, nên lòng người muốn “tuôn đổ về” bất chấp những khó khăn của thời cuộc. Nhiều người mong chờ đến ngày hành hương này để về bên Mẹ, cùng chung tấm lòng hòa nhịp vào từng lời kinh tiếng hát vốn đã ghi dấu ấn mạnh mẽ nơi đây. Tôi biết một gia đình nghèo ở Đà Nẵng, rất yêu mến Mẹ La Vang. Hàng năm nuôi heo, để đến gần ngày hành hương La Vang, có thể bán kiếm chút tiền mà hành hương về bên Mẹ!

Đại dịch covid-19 ngăn trở sự hiện diện thể lý đến Linh địa La Vang, nhưng không dập tắt khát vọng về bên Mẹ. Trong Thánh lễ trực  tuyến vừa qua, ban tổ chức đã diễn tả khát vọng này qua ba lẵng hoa biểu trưng cho Giáo phận Huế, Giáo hội Việt Nam và các tín hữu Công giáo Việt Nam ở hải ngoại, mà Đức Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám mục Huế và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã đại diện dâng lên Đức Mẹ, và qua cử chỉ này, ngài muốn “đặt lên bàn thờ dưới chân Mẹ tất cả những nguyện vọng và lời khấn nguyện” cũng như “những tấm lòng thành” và “tình hiệp thông” của tất cả mọi người. “Con đã quay về cùng đoàn người năm tháng hành hương… “, bởi vì nơi đây  “Bầu trời La Vang ngập tràn yêu thương của Mẹ lành…có bóng Mẹ kề bên chúng con… “. Bài ca được cất lên như muốn nói lên khát vọng về bên Mẹ này, nói lên “sự hiện diện trực tuyến” dưới chân Mẹ của bao con cái Mẹ từ phương xa đang hướng lòng về Mẹ, hay “mang lại niềm an ủi, xoa dịu nỗi mong nhớ Mẹ La Vang“, như lời Cha Quản nhiệm nghẹn ngào ước mong trong bài cảm ơn của mình, và đồng thời “hy vọng họp mặt tại La Vang để tạ ơn Chúa và Mẹ”.  Đức Tổng Giuse cũng mong ước tìm lại được niềm vui bên Mẹ và đồng thời nhắc nhở “Đức Mẹ La Vang đang chờ đợi” con cái về bên Mẹ, nhưng chính Mẹ cũng đang “đồng hành trong tâm hồn và nơi các gia đình” qua “những kỷ niệm thiêng liêng“.

Khát vọng về một ngôi thánh đường dâng kính Mẹ

Khát vọng về bên Mẹ La Vang này chắc chắn cũng bao hàm khát vọng xây dựng Linh địa La Vang thành trung tâm đón tiếp dòng người tuôn về, và nhất là có một ngôi đền thờ xứng đáng để tôn kính Mẹ. Trong dịp hành hương năm nay, khách hành hương không nghe thấy Đức Tổng Giuse hay Cha Quản nhiệm Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang nói một lời nào về việc dâng cúng xây dựng ngôi thánh đường đang còn dở dang. Chắc chắn, vì đại dịch covid-19 gây khó khăn cho bao người và hướng nguồn lực đến cho những anh chị em đang gặp đau khổ vì nó. Lời kêu gọi của Đức Tổng cũng là lời kêu gọi hướng về và trợ giúp đồng bào đang gặp khó khăn. Thế nhưng, trong bài cảm ơn của cha Quản nhiệm vẫn vang lên ước mong “xây dựng công trình Vương cung thánh đường Đức Mẹ La Vang sớm được hoàn thành”. Ngày 15/8 vừa qua, Giáo hội Công giáo Pháp cũng long trọng cử hành Lễ Mẹ Lên Trời, bổn mạng nước Pháp. Nhìn dòng người chừng 10.000 người tuôn về, và nhất là chứng kiến ngôi thánh đường Đức Mẹ Lộ Đức chứa được một lượng người đông đảo như thế, tôi thầm ước mong một ngày không xa những người con của Mẹ được về nơi ngôi thánh đường mới mẻ, rộng lớn này, để được sống dưới bóng Mẹ và thỏa lòng tôn kính Mẹ. Khát vọng có một ngôi thánh đường xứng đáng tôn kính Mẹ là chính đáng, bởi vì nơi đây con cái Mẹ “được nạp lại năng lượng” để cùng nhau tiếp tục cuộc lữ hành trên trần gian đầy gian nan, thử thách trong “lũng đầy nước mắt” này.

“Hiệp hành” và “hướng đến một chúng ta ngày càng rộng lớn hơn”

Dù đang hiện diện thể lý ở Linh đài “một nhúm nhỏ”, như lời Đức Tổng Giuse đã nói, thế nhưng, tâm tình muốn “ôm lấy tất cả” mới thật sự được thể hiện trong Thánh lễ này. Trong bài giảng của mình, Đức Tổng Giuse nói lên “sự bùi ngùi” khi thấy khung cảnh “một nhúm nhỏ” khác xa với mọi năm. Nhưng điều đó không ngăn cản được tinh thần “hiệp hành“, bước đi cùng nhau, hay “hướng đến một chúng ta ngày càng rộng lớn hơn” mà Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn thể hiện trong Giáo hội và thế giới hôm nay. Sự “ôm lấy tất cả” là một tâm tình trong Thánh lễ này, qua các lẵng hoa, qua lời nguyện tín hữu, đặc biệt qua việc “ôm lấy” những người đang đau khổ, những nạn nhân của cơn đại dịch đang hoành hành, và ước mong được Mẹ an ủi và chữa lành, cũng như được nâng đỡ để nhân loại vượt qua cuộc khủng hoảng đau thương này. Trong tinh thần “hướng đến một chúng ta ngày càng rộng lớn hơn” này, Đức Tổng Giuse cho thấy những tấm lòng rất lớn đã dấn thân phục vụ anh chị em nghèo khổ, khó khăn. Con số 60 tỷ đồng được Hội đồng Giám mục quyên góp cho các nơi đang bị đại dịch tung hoành nói lên tấm lòng hiệp hành đó. Đặc biệt, Đức Tổng Giuse kêu gọi các Kitô hữu, mỗi người, hãy tiếp tục trở nên “những máy ATM của  tình thương“, “những máy phát đi yêu thương” trong “thế giới đau khổ” này. Và đó là ý nghĩa thực sự của ngày lễ Mẹ Lên Trời: tình yêu mạnh hơn sự chết.

Tình yêu mạnh hơn sự chết

Đức Piô XII, trong Tông hiến “Thiên Chúa vô cùng đại lượng”, đã nêu bật ý nghĩa của Lễ Mẹ Lên Trời như sau: “Lễ này không phải chỉ để kính nhớ việc thân xác Đức Trinh Nữ Ma-ri-a sau khi chết không bị hư nát chút nào, mà còn kính nhớ việc Mẹ chiến thắng tử thần và được tôn vinh trên trời cũng giống như Đức Giê-su Ki-tô, Con Một của Mẹ” (xem Giờ Kinh Sách ngày Lễ Mẹ Lên Trời, nhóm CGKPV). Chính trong ý hướng này mà Đức Tổng Giuse đã nêu lên “sự vĩ đại của Mẹ” dù thế giới đang sống trong bầu khí ảm đạm bao trùm, với bao chết chóc hàng ngày, nhiễm covid-19 hàng ngàn người mỗi ngày, sự dữ lan tràn ! Đó là vì “Mẹ chiến thắng tử thần“, qua đó cho thấy tình yêu và sự sống mạnh hơn hận thù và sự chết.

Quả thế, như sách Khải huyền mô tả, “Con Mãng Xà” có vẻ chiến thắng khi “đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà ném xuống đất” (Kh 12, 4). Thế nhưng, thánh Gioan lại xác tín sự chiến thắng của Thiên Chúa: “Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và Đức Kitô của Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính” (Kh 12, 10ab). Thánh Phaolô cũng xác tín tương tự: “Thật vậy, Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết” (1 Cr 15, 25-26). Và đó là con đường đầy hy vọng mà Thánh lễ hôm nay muốn diễn tả: cùng Mẹ chiến thắng tử thần !

Trong bài giảng, Đức Tổng Giuse nhắc nhớ về ý nghĩa và con đường hy vọng này, đó là noi gương Đức Mẹ vẫn bình an giữa sóng gió thử thách. “Trong thế giới bệnh tật, chết chóc, khổ đau và lo âu“, làm sao vẫn tìm thấy được bình an, niềm vui và hạnh phúc ? Làm sao “tìm được thiên đàng giữa trần gian” ? Câu trả lời của Đức Tổng Giuse: Bao lâu còn hướng về Chúa, nhìn lên Mẹ, trong niềm tin tưởng phó thác, thì chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn. Ma quỷ có thể dùng con virus corona, quái vật sát nhân tí hon này, để làm dao động đức tin của người Kitô hữu. Và như ngôn sứ Isaia nhắc nhở: “Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững” (7, 9). Đức Tổng Giuse đã làm vang vọng lại lời nhắc nhở này khi kêu gọi các Kitô hữu “chấp nhận tin và bước đi cùng Thiên Chúa” cho đến tận cùng thời gian, cho dù không thấu hiểu thánh ý nhiệm mầu của Ngài. Và niềm tin này không phải để lo cho sự yên hàn của bản thân, nhưng là dấn thân phục vụ, như đã diễn ra trong cơn bão lũ vừa qua và cơn đại dịch đang diễn ra. Niềm tin vào sự chiến thắng của Chúa Kitô và Mẹ Maria giúp vươn lên giữa những bóng tối của cuộc đời và gia tăng ước muốn dâng hiến để xoa dịu nỗi đau và mang lại bình an,  niềm vui và sự an ủi cho anh chị em đồng loại. Và ở đây vang lên lời kinh tha thiết, đã trở thành “máu thịt” của mỗi người con của Đức Mẹ La Vang, mà cha Nguyễn Văn Thích đã sáng tác, và đó cũng là lời nguyện thiết  tha của người con hành hương trực tuyến này dâng lên Mẹ để cầu cho nhân loại và đất nước Việt Nam sơm vượt qua được cơn đại dịch kinh sợ này:

Lạy Đức Mẹ La Vang / Xin cứu con nguy nan / Phần linh hồn phần xác / Xuống ơn thiêng muôn vàn. 2. Lạy Đức Mẹ La Vang / Ôi Nữ Vương thiên đàng / Vì tấm lòng từ ái / Đến viếng thăm nhân hoàn. 3. Lạy Đức Mẹ La Vang / Xin đoái dân cơ hàn / Nguyện giữ gìn Non Nước / Đất Việt thay yên hàn. 4. Lạy Đức Mẹ La Vang / Xin đoái thương Giáo Hội / Nguyện giữ gìn che chở / Đưa về tới Thiên Đàng.

Tý Linh