Nhớ về Đức TGM Têphanô là Vị Đại Ân nhân, là Người Cha, Người Ông của lớp Học viện Liên Dòng Nữ Giáo phận Huế. Ngài là Bậc Tiền bối đáng kính yêu của nhiều thế hệ chúng ta. Học viện Liên dòng Nữ Giáo phận Huế, thời gian đã qua 30 năm cho đến hôm nay (1994-2024) thì Ông Ra Đi, như ánh đèn đã làm tròn nhiệm vụ và lịm tắt bất khuất giữ lòng thế giới, nhưng sự nghiệp của Ông còn lưu lại trên miền đất Thần kinh cổ này như Cây đã trổ ngành sinh ngọn… mà phận nhỏ chúng con không dám lạm bàn vì thấy mình quá bé nhỏ!
Sau năm1975, nói là ‘kinh viện’, nhưng chúng con đã xếp bút nghiên để đi lao động kiếm sống, mặc dầu những củ khoai củ sắn làm ra chẳng thể nuôi sống chúng con, nhưng chúng con sống hạnh phúc và lớn lên vì ý thức sâu sắc mình được Chúa mời gọi, Hội dòng yêu thương gìn giữ trong hoàn cảnh bấp bênh khó khăn ấy… Cho đến năm 1994, đã qua 9 năm các Hội dòng đào tạo con em mình theo Linh đạo riêng của mỗi dòng; mặc dầu mỗi Hội dòng hằng 2 năm có gởi vài chị vào Sài Gòn để học lớp Thần học, nhưng con số ấy quá ít ỏi đối với 200-300 thành viên trong mỗi Hội dòng.
Trước hết, Đức TGM Têphanô thao thức ưu tư, âm thầm mà đầy sự khôn ngoan làm việc với các Cha Xuân Bích, để mở lại Đại Chủng viện Huế và Giáo phận Huế hân hoan vì tin mừng lớn lao này… Với tấm lòng Mục tử nhìn xa thấy rộng, lo lắng cho việc huấn luyện đào tạo người tu sĩ trong ơn gọi, để họ trở thành linh mục, tu sĩ làm việc trong cánh đồng truyền giáo. Cha mẹ đã lo cho con trai thì không thể không quan tâm đến con gái, vậy là các Ngài: Đức TGM Têphanô và Cha Phaolô Nguyễn Bình Tĩnh – Giám đốc Đại Chủng Viện Xuân Bích (sau này Ngài làm Giám Mục Đà Nẵng). Ngài định cho các nữ tu ‘Học viện Liên dòng’ học tại ĐCV Huế vào ngày thứ Năm hằng tuần, ngày các thầy không học thì chúng con mới có chỗ, có lớp. Mà chúng con không phải là tuổi học viện cả đâu (ít người, vào thời điểm đó, số chị em khấn rất hạn chế), nên một số ít các chị trẻ chưa có thời gian học cũng nhập vào lớp luôn. Các Cha giáo là các Cha giáo sư Đại Chủng viện, các ngài phải hy sinh ngày nghỉ của các Ngài để hướng dẫn lớp học viện chúng con. Có gì (!) thì Đức Tổng và Cha Bề Trên Xuân Bích là người trách nhiệm. Chúng con học cả ngày, nên chị em xa bới cơm trưa ở lại, nghỉ và ban chiều học tiếp.
Học viện Liên dòng ban đầu là như vậy. Tuy ít, nhưng số học viên cũng đủ 5 dòng: 1 chị dòng Carmen, 1 chị Saint Paul, các chị MTG Huế, Con Đức Mẹ Vô Nhiễm và Con Đức Mẹ Đi Viếng. Chúng con rất được các vị Giáo sư quan tâm dạy dỗ vì chúng con cũng phải làm bài. Đức Tổng cũng như Cha Bề trên Đại Chủng Viện muốn chúng con học chung, sinh hoạt chung, đi chơi chung, mục đích là đào tạo chúng con có tương quan gần gũi thân tình, hợp tác với nhau để cùng trở thành những tông đồ trên cánh đồng truyền giáo.
Thời gian khó khăn đã qua êm đẹp như vậy; sau này có thêm các linh mục giáo sư ngoài Đại Chủng viện, Học viện dời về Nhà Chung của giáo phận, chúng con được gần gũi Đức Tổng nhiều hơn, có những giờ Ngài cũng đến với Lớp để chia sẻ đề tài gì đó. Xem ra thì Ngài không theo sát chúng con lắm, nhưng việc mời giáo sư thì Ngài quan tâm góp ý chọn lựa.
Ngài là nhà huấn luyện mẫu mực trong mọi vấn đề nhân bản, học tập, tu đức và học tập trong vui chơi giải trí. Khi có sức khỏe, Ngài tham gia dã ngoại với chúng con: Khi đi thăm chùa chiền, lên vùng Núi Khe Sanh, khi lên Bạch mã, Ngài hòa đồng trong sinh hoạt lửa trại, trò chơi, ca hát v.v. Ngài ở giữa chúng con như Cha con mà thắm đẫm tình Mẹ, tình Cha yêu thương cảm thông của Đức Tổng không làm cho chúng con phải e ngại, trái lại cởi mở và học được nơi Ngài cách sống thân yêu đồng cảm.
Đức TGM Têphanô, Ngài là NGƯỜI CHA, NGƯỜI ÔNG trong gia đình thân thương TGP Huế. Với Học viện thì Ngài là Vị Đại Ân Nhân khai sáng, thành lập Học viện giữa sự khó khăn của thời thế. Chính vì thế Ngài đã trở nên NGƯỜI HÙNG của Giáo phận giữa lòng Thành phố Huế.
Miền đất sông Hương núi Ngự nổi tiếng với đền đài Vua Chúa, lăng tẩm của các Hoàng đế đã mất, bây giờ chỉ còn lại là dĩ vãng của một thời…
Còn NGƯỜI, Đức Tổng kính mến của chúng ta đã để lại những dấu ấn không thể phai nhòa; dấu ấn của ơn thánh: 100 Linh mục đã được Ngài đặt tay truyền chức, tiếp tục ban ơn cho trần gian dấu ấn của một Giáo Hội, một đoàn chiên đang sống và sống dồi dào. Và chúng con, Học viện, những ơn huệ chúng con đã lãnh nhận trong thời gian huấn luyện, được Đức Tổng cầu nguyện, bảo ban và chứng giám Lời Khấn dòng, những khích lệ của Đức Tổng khi chúng con ra làm việc tông đồ và chắc chắn Đức Tổng cũng có những buồn lo khi có người trong chúng con đi xa lý tưởng và không trung thành trong ơn gọi của mình…
Kính thưa Đức Tổng kính yêu, còn bao nhiêu sự nghiệp vĩ đại Đức Tổng đã để lại cho Giáo phận thân yêu, có các quý vị khác viết, nhắc đến, tưởng nhớ, chúng con phận nhỏ xin được bái phục, lắng nghe và hết lòng tri ân trong tâm tình cảm tạ Thiên Chúa.
Mặc dầu thế, chúng con cũng xin thật nhớ đến Đức Tổng khi chúng con ngân nga Lời Kinh: Lạy Mẹ Maria Thánh Mẫu La Vang mà Đức Tổng đã để hết tâm huyết đặt ra để hôm nay chúng con dâng lên tụng ca Đức Mẹ La Vang, Mẹ Việt Nam với một lời kinh tuyệt đẹp mang nhiều tâm tình và lòng phó thác mến yêu của Người Việt Nam khắp nơi trên thế giới đối với Mẹ La Vang, mà tên của Đức Tổng được ấn ký bên dưới như là người tôi tớ tốt lành và tín trung đối với Mẹ hiền La Vang.
Chúng con xin kính nhớ và cúi đầu bái lạy Đức Tổng muôn vàn kính yêu. Xin Đức Tổng cầu nguyện cho chúng con.
Học viện Liên Dòng Nữ TGP Huế