Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Khi hay tin Cha Phaolô Nguyễn Trọng qua đời, nhiều người đã xót xa nuối tiếc, nhiều giọt mắt tuôn rơi vì thương nhớ người mục tử hiền lành nhân ái. Tuy nhiên, cái chết của Cha Phaolô không chỉ dừng lại ở đó, nhưng còn làm nổi bật một chân lý nhiệm mầu của Chúa Giêsu, đó là chân lý của hạt lúa mục nát mà bài Tin Mừng vừa mạc khải.
Đúng vậy, khi nghĩ đến cái chết sắp đến của mình, Đức Giêsu lại nghĩ đến thân phận hạt lúa mì. Người ví mình như hạt lúa đem gieo. Điều kiện để đời Người đơm bông kết trái, đó là cái chết. Không chấp nhận chết đi, hạt lúa vẫn chỉ là hạt lúa trơ trọi. Đức Giêsu không muốn mình là thứ hạt lúa vô tích sự ấy, được bao bọc vững chắc bởi lớp vỏ bên ngoài, cố giữ cho mình được nguyên vẹn, không trầy xước, vì thế chẳng chịu vươn ra khỏi mình, chẳng dám đánh mất chính mình để nảy mầm sinh hạt. Đức Giêsu không thích thế. Phải chết đi mới mang nhiều hoa trái (c. 24). Ngài đã đón lấy cái chết như con đường để sự sống vĩnh cửu hồi sinh. Cái chết của Ngài trên thập giá có khả năng kéo được mọi người lên (Ga 12, 32), và thu hút cả vũ trụ về với Thiên Chúa Cha. Ngài gọi cái chết của mình là “giờ Con Người được tôn vinh”.
Phải! Có một hạt lúa như thế, hạt lúa mang tên Giêsu. Mỗi Kitô hữu cũng là một hạt lúa, được mời gọi để sống như hạt lúa Giêsu. “Ai yêu mạng sống của mình, thì sẽ mất nó; còn ai ghét mạng sống của mình ở trần gian này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (c. 25).
Nhiều người đã đáp trả theo tiếng gọi cao đẹp này, trong đó có Cha Phaolô.
Thật vậy, bắt chước Thầy mình là Giêsu, khi chấp nhận xuống thế làm người, đã trở thành hạt lúa được Chúa Cha gieo vào lòng đời, hoàn toàn do Chúa Cha sử dụng, hoàn toàn phó thác vận mệnh trong tay người gieo giống, Cha Phaolô đã để cho Hội thánh sai đi, để mặc Thiên Chúa sử dụng, muốn gieo đâu thì gieo, gieo vào vùng đất sỏi đá khô cằn của núi đồi Ngọc hồ để chăn bò, nấu dầu, hay cày ruộng vỡ hoang ở Bến Củi, hay miệt mài mục vụ dặm trường thiên lý ở chốn rừng thiêng nước độc A Lưới thưở nào. Đâu cũng được, khi thời thế thuận lợi hay không thuận lợi, ngài cũng cứ theo dòng thời gian mà xin vâng đến hao mòn, trên những cung đường sứ vụ chính tòa Phủ cam, Nước Ngọt, Tân Mỹ, đến nỗi khi không thể gượng được vì bệnh tật dằn vặt đau đớn, Ngài xin về nghỉ bệnh trong âm thầm như một hạt lúa, chấp nhận thối đi trong đau đớn bệnh tật với Đức Kitô chịu đóng đinh, để mưu ích cho các linh hồn. Cha nghỉ bệnh chứ không nghỉ hưu hồn tông đồ.
Thứ đến, bắt chước Thầy mình là hạt lúa chịu mục nát, Cha Phaolô cũng vậy. Hạt lúa Giêsu chịu mục nát vì yêu trong muôn ngàn nỗi đớn đau, đặc biệt trong cuộc khổ nạn và cái chết đau thương trên thánh giá, thì Cha Phaolô cũng vậy, ngài cũng chịu mục nát như định luật, như mẫu số chung của những người dám yêu. Đời Linh mục nào mà lại thiếu những đêm vườn Dầu trong đời. Những mảnh đất nơi Cha được gieo, những khó khăn vất vả chịu tiếng mang lời của hạt lúa vì yêu mà mục nát trong bổn phận, mục nát trong những đớn đau của thể xác, của tinh thần…tất cả Cha đã biến cái nơi khi Cha ở chỉ là nơi đất ở, trở thành “khi Cha đi đất bỗng hóa tâm hồn” (thơ Chế Lan Viên). Sống sao đó mà được nhiêu người thương mến, nhớ thương, mới thật là đáng sống!
Cuối cùng, bắt chước Thầy mình là hạt lúa chịu mục nát để trổ sinh nhiều bông hạt, Cha Phaolô đã là một hạt lúa như thế.
Sau 47 năm sứ vụ, những hy sinh mục nát trong quên mình của Cha Phaolô giờ đã trổ sinh nhiêu bông hạt. Không ai là không công nhận sự đóng góp sẻ chia nhân ái của Cha trên những mảnh đời nghèo khó, người bị loại trừ, người bị bỏ rơi, người bất hạnh, người ít ai để ý tới. Và nếu có lần nào đó được nghe râm ran chuyện kể về đời sống khó nghèo của Cha, cái gì cũng cho người nghèo, cái gì cũng nghĩ đến người nghèo, cho hết cả không trừa cặn, ngay cả di chúc cuối đời cũng chỉ là trang giấy trắng với những con số không trần trụi, bần cố nông đúng nghĩa, vô sản thứ thiệt… thì mới thấy cái phúc mà Chúa Giêsu hứa thưởng ban, chắc chắn Cha Phaolô cũng có phần: đó là “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước trời là của họ”.
Vậy thì kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Cha Phaolô đã sống như người phục vụ cho Đức Kitô bằng cả một đời trần trụi khó nghèo cho đến khi chết, thì tại sao chúng ta không dám mơ rằng, Cha Phaolô đang được ở bên Thầy Giêsu mãi mãi “vì ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy”, và dĩ nhiên được Cha của Thầy quý trọng, và phải chăng đây cũng là niềm hy vọng của mỗi chúng ta, những người đang lắng nghe sứ điệp từ cái chết của hạt lúa Phaolô Nguyễn Trọng, người anh em của chúng ta, mời gọi sống như hạt lúa Giêsu, để sau này được đoàn tụ với nhau trên quê Trời vinh hiên. Amen.
Lm. Đaminh Phan Hưng
Quản xứ Chính Tòa Phủ Cam