Toàn văn Việt ngữ Thông tư về Chúa Nhật Lời Chúa

21/01/2021

Ngày 17/12/2020, Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí Tích đã đưa ra một thông tư liên quan đến Chúa Nhật Lời Chúa, nhắc lại một số “nguyên tắc thần học, cử hành và mục vụ liên quan đến Lời Chúa được công bố trong Thánh lễ.” Sau đây là bản dịch Việt ngữ chính thức của Ủy ban Phụng Tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.

—–000—–

BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH

Prot. 602/20

THÔNG TƯ

VỀ CHÚA NHẬT LỜI CHÚA

Được Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập và ấn định cử hành hằng năm vào Chúa nhật thứ ba Thường niên (x. ĐTC. Phanxicô, Tông thư Aperuit illis, 30.9.2019), Chúa nhật Lời Chúa nhắc nhở tất cả chúng ta, mục tử và tín hữu, về tầm quan trọng và giá trị của Thánh Kinh đối với đời sống Kitô hữu cũng như mối tương quan giữa Lời Chúa và Phụng vụ: “Trong tư cách tín hữu, chúng ta là một dân duy nhất bước đi trong lịch sử, ghi dấu bằng sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta, Đấng nói với chúng ta và nuôi dưỡng chúng ta. Ngày dành riêng cho Sách Thánh muốn không chỉ là “một năm một lần”, nhưng là một biến cố cho suốt cả năm, vì chúng ta cần phải trở nên quen thuộc và thân mật với Thánh Kinh và với Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng không ngừng bẻ Lời và Bánh trong cộng đoàn các tín hữu. Vì thế, chúng ta phải luôn tin tưởng vào Thánh Kinh, nếu không thì trái tim vẫn còn lạnh và đôi mắt vẫn còn đóng kín, như dấu hiệu của nhiều dạng thức mù lòa”.

Vì thế, Chúa nhật Lời Chúa là cơ hội tốt để đọc lại một số văn kiện của Giáo Hội (Vaticanô II, Hiến chế Dei Verbum; Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini), và đặc biệt phần “Dẫn nhập Sách Bài đọc trong Thánh lễ”, đây là một trình luận tổng hợp về các nguyên lý thần học, không chỉ liên quan đến Lời Chúa được công bố trong Thánh lễ, nhưng cả trong các cử hành phụng vụ (bí tích, á bí tích, Phụng vụ Giờ kinh)

1. Qua các bài đọc Thánh Kinh trong phụng vụ, Thiên Chúa ngỏ lời với dân Người và chính Đức Kitô loan báo Tin Mừng (x. Vaticanô II, Hiến chếSacrosanctum Concilium, 7, 33; Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (QCSLRM), 29; Sách Bài đọc trong Thánh lễ (SBĐ), 12); Đức Kitô là trung tâm và là sự viên mãn của toàn bộ Thánh Kinh Cựu và Tân Ước (x. SBĐ, 5). Riêng bài Tin Mừng, đỉnh cao của Phụng vụ Lời Chúa (x. QCSLRM, 60; SBĐ, 13), được lắng nghe với một thái độ cung kính đặc biệt (x. SBĐ, 17; Sách Nghi lễ Giám mục, 74), không chỉ qua những cử điệu và lời tung hô, nhưng còn qua chính quyển Sách Tin Mừng (x. SBĐ, 36, 113). Một trong những nghi thức đặc biệt có thể thực hiện trong Chúa nhật này là rước Sách Tin Mừng trong phần nhập lễ (x. QCSLRM, 120, 133), hoặc nếu không thể lập đoàn rước, nên đặt Sách Tin Mừng trên bàn thờ (x. QCSLRM, 117)

2. Các bài đọc Thánh Kinh được Hội Thánh sắp xếp trong Sách Bài đọc sẽ giúp hiểu biết toàn bộ Lời Chúa (x. QCSLRM, 57; SBĐ, 60). Vì thế, cần phải đọc những bài đã được chỉ định, không được thay đổi hay bỏ bớt, và phải dùng những bản văn Thánh Kinh đã được phê chuẩn để dùng trong phụng vụ (x. SBĐ, 12, 14, 37, 111). Việc công bố các bản văn trong Sách Bài đọc tạo nên mối tương quan hợp nhất giữa tất cả các tín hữu đang cùng lắng nghe Lời Chúa. Việc hiểu biết về cấu trúc và mục đích của Phụng vụ Lời Chúa sẽ giúp cộng đoàn tín hữu đón nhận Lời cứu độ của Thiên Chúa (x. SBĐ, 45)

3. Không được bỏ qua phần hát Thánh vịnh Đáp ca, bởi đây là lời đáp của Hội Thánh đang cầu nguyện (x. QCSLRM, 61; SBĐ, 19-20); vì thế cần quan tâm hơn đến phận vụ của các ca viên thánh vịnh trong mỗi cộng đoàn (x. SBĐ, 56)

4. Trong bài giảng, khởi đi từ các bài đọc Thánh Kinh, các mầu nhiệm đức tin và chuẩn mực sống của đời Kitô hữu sẽ được diễn giải xuyên suốt cả năm phụng vụ (x. SBĐ, 24; Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật các Bí Tích,Homiletic Directory, 16). “Các vị mục tử trước tiên có trách nhiệm chủ yếu trong việc giải thích và giúp tất cả mọi người hiểu Thánh Kinh. Vì đây là quyển sách dành cho dân chúng, nên những ai được kêu gọi trở thành thừa tác viên của Lời, phải ý thức sâu sắc về yêu cầu phải làm cho Lời Chúa đi vào đời sống cộng đoàn” (ĐTC. Phanxicô, Tự sắc Aperuit illis, 5; Homiletic Directory, 26). Các giám mục, linh mục và phó tế phải ý thức chu toàn phận vụ này với mối quan tâm đặc biệt và sử dụng các phương tiện do Hội Thánh đề xuất (x. ĐTC. Phanxicô, Tông huấn Evangelii gaudium, 135-144; Homiletic Directory)

5. Những giây phút thinh lặng có một tầm quan trọng riêng biệt: tạo điều kiện để suy niệm, để Lời Chúa thấm sâu vào tâm trí người nghe (x. QCSLRM, 56; SBĐ, 28)

6. Hội Thánh vẫn luôn quan tâm đến những người có phận vụ công bố Lời Chúa giữa cộng đoàn: linh mục, phó tế và người đọc Sách thánh. Tác vụ này đòi hỏi thừa tác viên phải có sự chuẩn bị đặc biệt bên trong cũng như bên ngoài, phải biết rõ bản văn và phương thức cần thiết để công bố các bài đọc, phải tránh kiểu ứng phó ngẫu hứng (x. SBĐ, 14, 49). Có thể dọn những câu gợi ý vắn tắt và phù hợp cho từng bài đọc (x. SBĐ, 15, 42)

7. Để biểu dương tính cách cao cả của Lời Chúa, Hội Thánh cũng lưu tâm đến bục đọc sách, nơi công bố Lời Chúa (x. QCSLRM, 309; SBĐ, 16); đây không là một vật dụng bình thường, nhưng phải là nơi xứng hợp với phẩm tính cao quý của Lời Chúa, tương ứng với bàn thờ: thật vậy, khi nói về bàn tiệc Lời Thiên Chúa và bàn tiệc Thánh Thể Chúa Kitô, chúng ta nghĩ đến bục đọc sách và nhất là bàn thờ (x. SBĐ, 32). Bục đọc sách được dành riêng cho việc đọc Sách thánh, hát thánh vịnh đáp ca và công bố mầu nhiệm Phục sinh (Exsultet), đây không phải là nơi thích hợp để thuyết minh, thông báo hay điều khiển việc ca hát (x. SBĐ, 33)

8. Các quyển sách chứa những trích đoạn Thánh Kinh cũng phải gợi lên nơi người nghe tâm tình tôn kính mầu nhiệm Thiên Chúa đang nói với dân Người (x. SBĐ, 35;Sách Nghi lễ Giám mục, 115), vì thế, cần quan tâm nhiều đến việc thiết kế và sử dụng cách xứng hợp các quyển Sách Bài đọc. Không được dùng các tờ giấy in rời, bản photocopy, hay các thiết bị nào khác để thay thế các quyển sách phụng vụ (x. SBĐ, 37). 

9. Trong những ngày trước hoặc sau Chúa nhật Lời Chúa, nên tổ chức các giờ gặp gỡ, học hỏi để giúp các tín hữu lưu tâm hơn về giá trị của Thánh Kinh trong các cử hành phụng vụ; đây cũng là dịp tốt để hiểu rõ hơn cách Giáo Hội đọc Thánh Kinh, qua các dạng thức đọc liên tiếp hoặc gần như liên tiếp và đọc các trích đoạn đặc trưng; để biết thêm về các tiêu chuẩn cho việc sắp xếp những quyển Sách thánh được dùng trong năm Phụng vụ và các Mùa, đồng thời cũng nhận ra được cấu trúc các chu kỳ áp dụng cho bài đọc trong thánh lễ Chúa nhật và các tuần lễ trong năm (x. SBĐ, 58-110;Homiletic Directory, 37-156)

10. Chúa nhật Lời Chúa còn là dịp thuận lợi để cảm nhận sâu sắc hơn về mối liên hệ giữa Thánh Kinh và Phụng vụ các Giờ kinh, cách cầu nguyện bằng Thánh vịnh và Thánh ca trong Thần vụ, các bài đọc Sách thánh, đồng thời cũng khích lệ cộng đoàn cùng cử hành Giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều (Quy chế tổng quát về Phụng vụ các Giờ kinh, 140:“Theo truyền thống xa xưa, Thánh Kinh được công bố trong phụng vụ không chỉ vào lúc cử hành Thánh Thể, nhưng cả trong Thần vụ. Việc đọc Sách thánh trong phụng vụ vô cùng quan trọng đối với tất cả các Kitô hữu, vì do chính Hội Thánh thực hiện chứ không phải do quyết định hoặc ý thích của một cá nhân nào. Mầu nhiệm Chúa Kitô được Hiền Thê của Người triển khai theo chu kỳ từng năm […] Trong các cử hành phụng vụ, lời cầu nguyện luôn đi cùng với việc đọc Sách thánh”).

Trong số rất nhiều vị thánh là chứng nhân của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, có thể nói thánh Giêrônimô là mẫu gương sáng về lòng yêu mến Lời Chúa. Theo lời Đức Thánh Cha Phanxicô, thánh nhân “là một nhà nghiên cứu, phiên dịch và chú giải không biết mệt mỏi, người am hiểu tường tận và là người nhiệt thành phổ biến Sách thánh […] Khi chăm chú lắng nghe lời Thánh Kinh, thánh Giêrônimô đã nhận biết chính mình, nhận ra dung mạo của Thiên Chúa và của anh chị em, đồng thời ngài cũng cảm nhận được sự cuốn hút của đời sống cộng đoàn” (x. ĐTC. Phanxicô, Tông thư Scripturae sacrae affectus, 30.9.2020).

Trong ánh sáng của Chúa nhật Lời Chúa, Thông tư này muốn giúp khơi gợi lại ý thức về tầm quan trọng của Thánh Kinh đối với đời sống của các tín hữu, khởi đi từ âm vang của Lời Chúa trong phụng vụ, đưa chúng ta vào cuộc đối thoại sống động và liên lỉ với Thiên Chúa. “Lời Chúa khi được lắng nghe và cử hành, đặc biệt trong bí tích Thánh Thể, sẽ nuôi dưỡng và kiện cường tâm hồn các Kitô hữu, giúp họ cống hiến một chứng tá đích thực cho Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày”. (x. ĐTC. Phanxicô, Tông huấn Evangelii gaudium, 174).

Gửi từ Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật các Bí Tích, ngày 17 tháng 12 năm 2020.

Hồng Y Robert Sarah
Bộ trưởng

+ Tổng Giám mục Arthur Roche
Thư ký

Tải về file word của Thông tư tại đây!

Cập nhật lúc 11 giờ 15, ngày 19.1.2021

Bản dịch của Ủy ban Phụng Tự / HĐGMVN

Nguồn: hgdmvietnam.com