Đức TGM Gallagher trao đổi về cuộc gặp gỡ của ĐTC Phanxicô với phái đoàn Việt Nam

19/01/2024

Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng của Vatican, bình luận về buổi tiếp kiến của Đức Giáo hoàng Phanxicô với phái đoàn đại diện chính trị Việt Nam, và nói rằng Đức Thánh Cha muốn đến thăm quốc gia châu Á này.

Đó là một “cuộc gặp gỡ tích cực” giữa Đức Thánh Cha và phái đoàn đại diện Đảng Cộng sản Việt Nam, một dấu hiệu cho thấy sự tăng cường mối quan hệ với Tòa Thánh và cũng là dấu hiệu cho thấy khả năng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm đất nước này trong tương lai.

Buổi tiếp kiến diễn ra vào sáng thứ Năm, ngày 18/1/2024, tại Phủ Giáo hoàng. Phái đoàn sau đó đã gặp nhau tại Phủ Quốc vụ khanh để hội đàm với Quốc vụ khanh Vatican, Đức Hồng y Pietro Parolin, và Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng của Vatican.

Tiến về phía trước

Đức Tổng Giám mục Gallagher đã chia sẻ các chi tiết nói trên của cuộc gặp bên lề một hội nghị tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh về các sáng kiến kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đức Hồng y Ettore Consalvi.

Trước hết, Đức Tổng Giám mục đã đánh giá tích cực và bày tỏ hy vọng rằng cộng đồng Công Giáo sẽ có thể được hưởng lợi từ cuộc gặp này; đây là một bước tiến xa hơn trong quan hệ song phương, bên cạnh những kết quả quan trọng khác đạt được từ quan điểm ngoại giao.

Đáng chú ý là thỏa thuận vào tháng 12 năm 2023 về việc bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Ba Lan Marek Zalewski, Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore, làm đại diện Giáo hoàng thường trú tại Việt Nam.

Thỏa thuận này được ký kết vào tháng 7 nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Vatican trên cơ sở phiên họp thứ 10 của Nhóm làm việc chung Việt Nam-Tòa Thánh, diễn ra vào ngày 31/3/2023 tại Rôma.

Hy vọng một chuyến tông du

Đức Tổng Giám mục Gallagher cũng thông báo rằng cá nhân ngài sẽ đến thăm Việt Nam “vào tháng 4” và Đức Hồng y Quốc vụ khanh Parolin sẽ đến thăm trong năm nay.

“Chúng tôi sẽ thực hiện mọi việc dần dần”, Đức Tổng Giám mục giải thích và cho biết ngài cũng lạc quan về khả năng chuyến thăm trong tương lai của chính Đức Giáo hoàng Phanxicô.

“Vâng, tôi nghĩ là sẽ có. Nhưng cần phải thực hiện một số bước trước khi điều đó khả thi.” Đức Tổng Giám mục Gallagher nói thêm: “Tôi nghĩ rằng Đức Giáo hoàng rất muốn đi, chắc chắn cộng đồng Công Giáo rất mong muốn việc Đức Giáo hoàng đi thăm và nghĩ rằng đó sẽ là một thông điệp rất tốt cho cả khu vực.”

Đức Tổng Giám mục nói thêm, Việt Nam thực sự là một “quốc gia quan trọng”, khi coi đây là “một loại phép lạ kinh tế ở nhiều khía cạnh”.

Lời của Đức Thánh Cha trên chuyến bay từ Mông Cổ

Chính Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói về khả năng thực hiện một chuyến tông du đến quốc gia Đông Nam Á này, khi ngài trở về sau chuyến đi tháng 9.2023 tới Mông Cổ. Đức Giáo hoàng nói đùa rằng: “Nếu tôi không đi, chắc chắn Đức Gioan XXIV sẽ đi. Chắc chắn là ngài sẽ đến thăm, vì đó là vùng đất đáng để đến, và là nơi tôi có thiện cảm”.

Cũng trong dịp đó, ngài nói thêm: “Việt Nam là một trong những trải nghiệm đối thoại rất đẹp mà Giáo hội đã có được trong thời gian gần đây. Tôi có thể nói nó giống như sự đồng cảm trong đối thoại. Hai bên đều có thiện chí hiểu nhau và tìm cách để tiến tới. Tuy còn có vấn đề nhưng ở Việt Nam, tôi thấy rằng sớm muộn gì các vấn đề cũng sẽ được khắc phục.”

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc lại buổi tiếp kiến Thủ tướng Việt Nam (“Chúng tôi đã nói chuyện thoải mái”) và cho biết ngài “rất tích cực” để tiếp tục các mối quan hệ: “Công việc tốt đẹp đã diễn ra trong nhiều năm. Tôi nhớ cách đây 4 năm, một nhóm nghị sĩ Việt Nam đã đến thăm. Chúng tôi đã có một cuộc đối thoại tốt đẹp với họ, rất tôn trọng nhau. Khi đã có văn hóa cởi mở thì có khả năng đối thoại, nếu có sự khép kín hoặc nghi ngờ thì đối thoại rất khó khăn.”

“Với Việt Nam, cuộc đối thoại là cởi mở, có những ưu điểm và nhược điểm nhưng nó cởi mở và chúng tôi đang dần tiến về phía trước. Đã có một số vấn đề nhưng đã được giải quyết”.

Thư của Đức Thánh Cha gửi Giáo hội Việt Nam

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh đã rạn nứt vào năm 1975 nhưng đã có những bước phát triển đáng khích lệ kể từ năm 1990.

Năm 2011, Đức Bênêđíctô XVI đã bổ nhiệm một đại diện giáo hoàng không thường trú. Tuy nhiên, vào năm 2023, quy chế về đại diện thường trú đã được thông qua.

Tháng 9 năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một lá thư cho Giáo hội tại Việt Nam, trong đó ngài mời gọi các tín hữu Công Giáo hãy sống như “những Kitô hữu tốt và những công dân tốt”, làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa “không phân biệt tôn giáo, chủng tộc hay văn hóa.” Chúng ta phải luôn tiến tới “nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt”.

Điều này cũng đòi hỏi trách nhiệm đối với những người Công Giáo Việt Nam, như Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét, nhận ra căn tính của họ là “những Kitô hữu tốt và những công dân tốt” khi làm sinh động Giáo hội của họ và truyền bá Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày của họ. Chứng kiến “những điều kiện thuận lợi cho việc thực thi quyền tự do tôn giáo” đang phát triển có thể giúp các tín hữu Công Giáo “thúc đẩy đối thoại và tạo ra niềm hy vọng cho đất nước”.

Tâm Bùi

Chuyển ngữ từ: vatican.va (18.01.2024)

Nguồn: hdgmvietnam.com