[Vui Bước Tin Mừng] Nỗi ưu tư về người Chăm Công giáo ở Ninh Thuận

01/09/2020

Năm 1991, khi các cánh đồng nam Tây Nguyên bắt đầu có những người thợ đến khai phá, thì tại Ninh Thuận, một linh mục, cha phó của giáo xứ Phan Rang cũng tiến vào vùng đất của người Chăm.

Thực ra, ngay từ sau năm 1975, mặc dù được sai về làm cha phó của một số họ đạo khác nhau, nhưng vì từ lâu đã nung nấu trong tim ước nguyện loan báo Tin Mừng cho người Chăm, nên cha thường lui tới gặp gỡ các anh em Chăm đi làm thuê làm mướn ở ngoài phố. Cứ thế cha lân la theo anh em về làng, và ngày 19.03.1992, hai mươi lăm anh chị em người Chăm đầu tiên đã được lãnh nhận bí tích thanh tẩy. Những năm tiếp theo, khi được đặt làm cha xứ nhà thờ Phan Rang, thì số bà con được dẫn đến bên dòng suối thanh tẩy cũng gần 300 người, rải rác trong 12 làng trong số 23 làng lớn nhỏ của người Chăm Phan Rang.

Nhưng rồi sau năm 2004, Đức giám mục giáo phận lại trao việc đặc trách bà con người Chăm cho các cha dòng Ngôi Lời, cho tới năm 2007 thì các cha dòng Ngôi Lời lại trao trả lại cho Giám Mục, từ đây anh chị em người Chăm ở gần giáo xứ nào thì thuộc giáo xứ đó.

Dù không còn đặc trách như trước đây, nhưng mỗi khi anh chị em người Chăm có việc gì cần giúp đỡ tìm đến, cha đều lo liệu tất cả.

Cũng trong giai đoạn này, một nữ tu dòng Phan Sinh thường xuyên thăm viếng và hết lòng thương yêu, nhờ vậy có thêm một số gia đình tin theo, trong đó phải kể gia đình Châu Thuyền gồm có 2 vợ chồng và 5 đứa con, năm 2005 đã tìm đến với Giáo hội, nhưng vì gia đình gặp nhiều khó khăn, chỉ có chị lãnh nhận bí tích rửa tội. Còn anh phải đi làm xa lặn lội kiếm cơm, do đó mãi tới năm 2007, anh mới cùng với các con tìm về dòng suối thanh tẩy.

Cách tổ chức làng xóm của Người Chăm ở Phan Rang rất chặt chẽ, vừa để bảo tồn nòi giống, vừa tuân theo những nghi lễ của hai tôn giáo là đạo Bà Ni (Hồi giáo cũ) và Bà La Môn (Ấn giáo), tương tự như đạo thờ ông bà. Cũng có một số nhỏ theo Hồi giáo mới (Islam).

Những làng theo Đạo Bà La Môn thì cơ cấu tổ chức lỏng lẻo lắm, họ chỉ có các thầy Mo, thầy cúng, và họ có trách nhiệm gìn giữ 3 ngôi tháp: Tháp Pô Klong Girai (Tháp Chàm), tháp Pôrômê ở làng Hậu Sanh, và Tháp Bà ở Nha Trang, mỗi tháp có 1 thầy trụ trì, cũng gọi là ông Cả và 5-7 thầy phụ việc, mỗi khi nhà ai có việc gì như ma chay cúng giỗ thì mời thầy về. Lễ hội chính trong năm là Katê Chăm, tập trung ở tháp kính nhớ vị Vua đã có công chăm lo đời sống bà con.

Những làng theo đạo Bà Ni, một nhánh của Hồi giáo từ Mã-lai và Indonesia truyền sang, cơ cấu tổ chức chặt chẽ và nghiêm nhặt. Đạo Bà Ni có 7 chùa và mỗi chùa cũng có sư cả và nhiều sư phó, nhưng thực quyền điều hành là thầy Imum và hơn chục thầy Tchang để chăm sóc tín đồ. Mỗi dòng họ còn có một người đứng ra lo cúng bái tổ tiên dòng họ.

Người bạn của chúng ta ở trong làng theo đạo Bà Ni, cũng có thế giá, được mọi người tin tưởng, vì thế khi nghe biết anh theo đạo Công giáo, nhiều người đã khuyên răn, và cuối cùng xóa tên gia đình anh khỏi truyền thống Bà Ni, coi như bị loại ra khỏi làng xóm, nghĩa là khi gặp chuyện cần nâng đỡ, ngay cả ma chay cũng không được làng xóm phụ giúp.

Bàn tay nào đã dẫn dắt gia đình anh tới dòng suối thanh tẩy? Động lực nào đã thúc đẩy anh tin theo Chúa đến cùng?

Khuôn mặt đầu tiên gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong anh là nữ tu Anna Phạm Thị Nghi, dòng Phan Sinh, người đã đến với bà con Chăm bằng tất cả trái tim của một người mẹ: đôi chân nhanh nhẹn, cặp mắt trìu mến, lời lẽ dịu dàng để ủi an và chăm sóc, không hờn cũng chẳng trách ai bao giờ.

Chính người nữ tu mà anh rất nể phục này đã tạo dáng cho anh, để với vai trò trưởng ban điều hành Chăm Công giáo hiện nay, anh giúp cho mọi người luôn kiên vững. Dĩ nhiên, người luôn nâng đỡ anh trong mọi chuyện vẫn là cha xứ Phan Rang năm nào, dù không còn đặc trách người Chăm nữa, nhưng trong mọi chuyện vẫn có mặt bên anh.

Cũng phải kể đến người vợ thân yêu của anh, người mà ngay từ tấm bé đã được nuôi dạy dưới mái trường của các nữ tu dòng thánh Phao-lô, đã biết bập bẹ gọi Thiên Chúa là Cha. Một người vợ đảm đang và biết cách chỉ dạy con cái.

Năm 2009, anh có dịp ghé thăm các cánh đồng Tây Nguyên và Nam Tây nguyên, anh ngỡ ngàng trước cánh đồng đầy sức sống, trong khi đó bà con người Chăm của anh, từ ngày được sát nhập vào các giáo xứ, thì kể như ít được quan tâm. Mỗi khi tới nhà thờ, bà con luôn có cảm giác mình chỉ là một nhóm nhỏ bên lề một cộng đoàn lớn. Từ từ, số người bỏ không đến nhà thờ tăng dần, con số 368 người đến nay chỉ còn trên trăm người rải rác trong 11 làng. Tạm kể ra đây tình trạng của một số làng tiêu biểu:

Làng Thành Tín, làng theo đạo Bà Ni, có chị Teresa Châu thị Bông, một cộng sự viên đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, đã dẫn dắt được 110 người tin theo, nay chỉ còn 25 người. Cũng tại Thành Tín, gia đình anh Phêrô Triển đã dành riêng một gian nhà làm nhà nguyện. Hàng tuần các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ đến dạy học thêm cho các cháu, một số anh chị em Legio Mariae giáo xứ Tấn Tài cùng với anh chị em Chăm tập trung nài xin Lòng Chúa xót thương.

Làng Thành Ý trước đây có tới 80 người, nay còn khoảng 20, anh chị em, vẫn còn sốt sắng giữ đạo, thường xuyên đi lễ tại nhà thờ giáo xứ Tân Hội. Đặc biệt làng này đã hiến dâng cho Chúa và Giáo Hội một người con ưu tú, đó là Cha Phaolo Năng Xuân Giang, linh mục tiên khởi của dân tộc Chăm. Hiện đang là cha phó, giáo xứ Chợ Mới, Nha Trang. May mắn, trước đây cha cũng đã mua được một mảnh đất trong làng, và nay đã biến thành một nhà nguyện, do ông bà cố cha Giang quản lý, hàng tuần bà con giáo dân giáo xứ Tân hội và một số anh chị em chăm vẫn quy tụ để kính Lòng thương xót Chúa. Phải nói trong việc loan báo Tin Mừng cho người Chăm, người cộng sự viên và người có công đầu là bà cố cha Giang, Bà là giáo viên, rất năng nổ và rất có ảnh hưởng giữa bà con.

Vẫn còn 11 làng đã sẵn sàng nhưng thiếu thợ gặt. Cánh đồng người Chăm Ninh Thuận với những bước khởi đầu đã đem lại hoa trái và hứa hẹn hoa trái dồi dào, nhưng chuyện gì đã diễn ra để cánh đồng trở nên cằn cỗi như hôm nay?

Thực ra, bước đường của người được sai đi loan báo Tin Mừng đòi một con tim lắng nghe Thánh Thần chỉ dạy đã đành, còn đòi một con tim biết lắng nghe và đi vào cảnh sống của những người mình được sai đến: sống với dân, nghe Chúa nói với dân, nghe nỗi lòng Thiên Chúa trước dân của Người, và nghe dân bày tỏ nỗi lòng trước Thiên Chúa và với các sứ giả Tin Mừng.

Để trở thành thợ trên cánh đồng, những người đã khai mở những luống cầy đầu tiên đã phải kiên trì học tập và rèn luyện dưới mái trường của Thánh Thần, vừa học vừa làm, chứ có đâu cứ vào cánh đồng là thành thợ ngay được.

Anh chị em Chăm Công giáo đã rời bỏ đạo Bà Ni khắt khe, và đạo Bà-la-môn là các tôn giáo đã làm nên giai điệu Chăm qua những bài ca múa bên chùa tháp và ngay trong làng, để hòa mình vào lời kinh hiến tế và chúc tụng của Dân Thánh, nay như bơ vơ giữa đường… sao đành.

Làng Thành Tín vẫn còn ngôi nhà làm nơi cho bà con họp nhau cầu nguyện, và tuần hai buổi các cháu được một nữ tu tới dạy kèm, một dấu ấn nhỏ nhoi còn sót lại giữa cánh đồng một thời xanh tốt.

Ban điều hành người Chăm Công giáo còn đó, người thợ của năm 1991 đến năm 2004 nay đã già yếu rồi chăng? Chưa đâu! Dĩ nhiên, “người cha không thể bỏ rơi con cái mình”: Theo gương vị thánh tông đồ: “sẵn sàng hiến cho anh em không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống nữa” (Tl 2,8) thì những năm tháng còn lại của cha sẽ hiến trọn cho cánh đồng, còn sức còn tát, cha nhỉ.

Cả Tu hội của Cha nữa, hằng ngày dâng kinh cầu cho anh chị em Chăm; đồng thời mỗi 3 tháng, tại nhà nguyện của tu hội, vẫn có thánh lễ riêng cho anh chị em.

Và chuyện phải đến đã đến, trong tuần linh thao vừa qua, cha đã âm thầm dâng Chúa quyết tâm sẽ đến thăm lại các anh chị em Chăm đã được ơn làm con cái Chúa, mà vì lý do này, lý do khác đã xa bầy… Xin Chúa chúc lành và giúp cha đưa về cho Chúa nhiều con chiên lạc… để quyền năng Thiên Chúa và vinh quang của Người một lần nữa tỏ hiện giữa bà con Chăm Ninh Thuận.

Đaminh Trần Văn Tân, SJ.
Mục Vui bước Tin Mừng là sự cộng tác giữa Vatican News Tiếng Việt và Uỷ ban Loan báo Tin Mừng của Hội đồng Giám mục Việt Nam với những chia sẻ kinh nghiệm sống động của những người đặt bước chân mình trên “cánh đồng”.