Quyền tiếp cận nước uống và vệ sinh không thể đạt được nếu mỗi quốc gia thực hiện riêng lẻ. Mọi người đều có trách nhiệm cho sự phát triển xã hội theo cách toàn diện và bền vững hơn. Đây là điểm trọng tâm được nhấn mạnh bởi Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovic, Quan Sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh trụ sở Liên Hiệp Quốc và các tổ chức khác ở Genève, hôm 16/9 tại phiên họp thứ 45 của Hội đồng Nhân quyền.
Năm nay, kỷ niệm 10 năm Nghị quyết lịch sử, 28/7/2010, ngày Liên Hiệp Quốc đưa quyền tiếp cận nguồn tài nguyên thiết yếu cho cuộc sống con người và toàn hành tinh vào Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948. Theo Tòa Thánh, vẫn còn nhiều điều cần phải thực hiện để có thể đạt được mục tiêu mà Liên Hiệp Quốc đã chỉ ra, một trong những Mục tiêu Phát triển Bền vững (Sdg) cần đạt được vào năm 2030. Theo vị đại diện Tòa Thánh, đây là một lập trường được Tòa Thánh bày tỏ nhiều lần trên các diễn đàn quốc tế.
Quan Sát viên thường trực của Tòa Thánh chỉ rõ: “Quyền có nước, giống như tất cả các quyền con người, có nền tảng là phẩm giá con người chứ không đánh giá theo số lượng, coi nước như một lợi ích kinh tế thuần túy”. Theo quan điểm này, việc quản lý nước phải dựa trên “trách nhiệm xã hội, một tâm thức sinh thái và hỗ trợ giữa các quốc gia và toàn cầu, như là cách duy nhất để củng cố công ích và bảo tồn nước cho các thế hệ tương lai”.
Đức Tổng Giám mục nhắc lại những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông điệp Urbi et Orbi ngày 12/4 vừa qua. Theo Đức Thánh Cha, trong cuộc khủng hoảng mà thế giới đang trải qua cho thấy, đây không phải là lúc cho sự ích kỷ, bởi vì thách đố chúng ta đang đối diện hợp nhất tất cả chúng ta. Vì thế cần phải đưa ra thêm chứng tá về tình liên đới và sử dụng các giải pháp sáng tạo.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News