Tiểu sử Đức Giáo hoàng Phanxicô (1936 – 2025)

24/04/2025

TIỂU SỬ

Đức Giáo hoàng Phanxicô

(1936 – 2025)

Jorge Mario Bergoglio sinh ra tại Buenos Aires vào ngày 17 tháng 12 năm 1936, cha là Mario, một kế toán viên ngành đường sắt và là một người Ý nhập cư. Mẹ ngài, bà Regina Sivori, một người vợ hiền lành, tận tụy nuôi dạy năm người con. Cậu Bergoglio tốt nghiệp thạc sĩ hóa học và sau đó chọn con đường trở thành linh mục, vào Chủng viện Giáo phận Villa Devoto.

Ngày 11 tháng 3 năm 1958, cậu vào tập viện Dòng Tên tại Córdoba, hoàn tất chương trình học về khoa học nhân văn tại Chile và trở về Argentina vào năm 1963 để nhận bằng tốt nghiệp cử nhân triết học tại Colegio de San José ở San Miguel.

Từ năm 1964 đến năm 1965, thầy Bergoglio dạy văn chương và tâm lý học tại trường Immaculate Conception ở Santa Fé và năm 1966, thầy cũng dạy học tại Colegio del Salvatore ở Buenos Aires. Từ năm 1967 đến năm 1970, thầy học và tốt nghiệp thần học tại Colegio of San José.

Ngày 13 tháng 12 năm 1969, thầy Bergoglio được Đức Tổng Giám mục Ramón José Castellano truyền chức linh mục. Từ năm 1970 đến năm 1971, cha tiếp tục học tại Đại học Alcalá de Henares, Tây Ban Nha, và ngày 22 tháng 4 năm 1973, cha tuyên khấn cuối trong Dòng Tên. Trở về Argentina, cha là giám sư tập viện tại Villa Barilari, San Miguel; giáo sư tại Khoa Thần học San Miguel; cố vấn cho Tỉnh Dòng Tên Argentina và cũng là Viện trưởng của Colegio Máximo thuộc Khoa Triết học và Thần học.

Ngày 31 tháng 7 năm 1973, cha Bergoglio được bổ nhiệm làm Giám tỉnh Dòng Tên tại Argentina trong một nhiệm kỳ 6 năm. Sau đó, ngài tiếp tục công việc của mình trong lĩnh vực đại học và từ năm 1980 đến năm 1986, một lần nữa ngài phục vụ với tư cách là Viện trưởng Colegio de San José, cũng như là linh mục giáo xứ tại San Miguel. Vào tháng 3 năm 1986, ngài đến Đức để hoàn thành luận án tiến sĩ của mình; sau đó, các bề trên của ngài đã gửi ngài đến Colegio del Salvador ở Buenos Aires và gần Nhà thờ Dòng Tên ở thành phố Córdoba làm linh hướng và cha giải tội.

Chính Đức Hồng y Antonio Quarracino, Tổng Giám mục Buenos Aires, là người muốn ngài trở thành cộng sự thân cận. Vì vậy, vào ngày 20 tháng 5 năm 1992, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm Giám mục phụ tá Buenos Aires hiệu tòa Auca. Vào ngày 27 tháng 5, thánh lễ tấn phong giám mục do Đức Hồng y Antonio Quarracino chủ phong tại nhà thờ chính tòa. Đức Tân Giám mục đã chọn khẩu hiệu giám mục của mình là Miserando atque eligendo, nghĩa là “Thương xót và Tuyển chọn” và trên huy hiệu của mình thêm chữ JHS, biểu tượng của Dòng Tên.

Ngài đã trả lời phỏng vấn đầu tiên với tư cách là giám mục cho một bản tin giáo xứ, Estrellita de Belém. Ngài được bổ nhiệm làm Đại diện Giám mục của vùng Flores và vào ngày 21 tháng 12 năm 1993 cũng được giao nhiệm vụ Tổng Đại diện của Tổng Giáo phận Buenos Aires. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi, vào ngày 3 tháng 6 năm 1997, ngài được nâng lên chức Tổng Giám mục phó của Buenos Aires. Chưa đầy chín tháng sau khi Đức Hồng y Quarracino qua đời, và Tổng Giám mục phó Bergoglio đã kế nhiệm vào ngày 28 tháng 2 năm 1998, với tư cách là Tổng Giám mục, Giáo chủ Argentina và Đấng Bản quyền của các tín hữu theo nghi lễ Đông phương tại Argentina. Ngài là Tổng Giám mục Dòng Tên của Buenos Aires là một nhân vật nổi bật trên khắp Mỹ Châu, nơi mà ngài đã đi khắp nơi bằng tàu điện ngầm và xe buýt trong suốt 15 năm làm Tổng Giám mục. Ngài luôn là một mục tử giản dị được giáo dân của mình yêu mến sâu sắc.

Ba năm sau, tại Công nghị ngày 21 tháng 2 năm 2001, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong ngài làm Hồng y, với tước hiệu San Roberto Bellarmino. Ngài yêu cầu các tín hữu không đến Rôma để mừng lễ tấn phong ngài làm Hồng y mà hãy quyên góp cho người nghèo số tiền họ đã chi cho chuyến đi. Với tư cách là chưởng ấn của Đại học Công giáo Argentina, ngài là tác giả của các cuốn sách: Meditaciones para religiosos (1982), Reflexiones sobre la vida apostólica (1992) và Reflexiones de esperanza (1992).

Vào tháng 10 năm 2001, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Thư ký tại Đại hội Thường niên lần thứ 10 của Thượng Hội đồng Giám mục về Sứ mệnh Giám mục. Nhiệm vụ này được giao cho ngài vào phút chót để thay thế Hồng y Edward Michael Egan, Tổng Giám mục New York, người buộc phải ở lại quê hương vì các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9. Tại Thượng Hội đồng, ngài đặc biệt nhấn mạnh đến “sứ mệnh ngôn sứ của Giám mục”, ngài là “ngôn sứ của công lý”, bổn phận “rao giảng không ngừng” học thuyết xã hội của Giáo hội và cũng là “bày tỏ phán đoán chân thực trong các vấn đề đức tin và luân lý”.

Với tâm niệm: “Dân tôi nghèo và tôi cũng là những người nghèo như họ”, ngài đã nói nhiều lần như thế để giải thích quyết định sống trong một ngôi nhà nhỏ và tự nấu ăn. Ngài luôn khuyên các linh mục của mình hãy thể hiện lòng thương xót, lòng dũng cảm tông đồ và luôn mở rộng cửa cho mọi người. Ngài đã nói trong nhiều dịp rằng điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với Giáo hội “là điều mà Lubac gọi là tục hóa về mặt tâm linh”, có nghĩa là “tự cho mình là trung tâm”. Và khi ngài nói về công lý xã hội, trước hết ngài kêu gọi mọi người hãy học Giáo lý, khám phá lại Mười Điều Răn và Tám Mối Phúc Thật. Dự án của ngài rất đơn giản: nếu bạn theo Chúa Kitô, bạn sẽ hiểu rằng “giẫm đạp lên phẩm giá của một người là một tội trọng”.

Mặc dù kín đáo nhưng ngài đã trở thành một điểm tham chiếu vì lập trường mạnh mẽ mà ngài đã thực hiện trong cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng đã nhấn chìm đất nước vào năm 2001.

Đức Hồng y Bergoglio ngày càng trở nên nổi tiếng ở Mỹ Latinh nhưng ngài không bao giờ lơi lỏng tinh thần chừng mực và đời sống nhiệm nhặt của mình, mà một số người coi như là “khổ hạnh”. Với tinh thần nghèo khó này, ngài đã từ chối được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Argentina vào năm 2002, nhưng ba năm sau, ngài đã được bầu và sau đó, vào năm 2008, được tái xác nhận cho một nhiệm kỳ ba năm nữa. Trong khi đó, vào tháng 4 năm 2005, ngài đã tham gia Mật nghị Hồng y mà Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã được bầu.

Với tư cách là Tổng Giám mục Buenos Aires — một giáo phận có hơn ba triệu dân — ngài đã hình thành nên một dự án truyền giáo dựa trên sự hiệp thông và loan báo Tin Mừng. Ngài có bốn mục tiêu chính: một cộng đoàn cởi mở và huynh đệ, giáo dân có hiểu biết và đóng vai trò lãnh đạo, nỗ lực truyền giáo hướng đến mọi người dân của thành phố và hỗ trợ người nghèo và người bệnh. Ngài hướng đến việc truyền giáo lại Buenos Aires, “xem xét đến những người sống ở đó, cấu trúc và lịch sử của thành phố”. Ngài yêu cầu các linh mục và giáo dân làm việc cùng nhau. Vào tháng 9 năm 2009, ngài đã phát động chiến dịch đoàn kết kỷ niệm 200 năm ngày Độc lập của đất nước. Hai trăm cơ quan từ thiện sẽ được thành lập vào năm 2016. Và trên quy mô lục địa, ngài kỳ vọng rất nhiều vào tác động của thông điệp tại Hội nghị Aparecida năm 2007, đến mức mô tả nó là “Evangelii Nuntiandi của Châu Mỹ Latinh”.

Cho đến khi bắt đầu thời kỳ Tông Tòa trống ngôi gần đây, ngài là thành viên của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Bộ Giáo sĩ, Bộ Đời sống Thánh hiến và tu hội đời, Hội đồng Giáo Hoàng về Gia đình và Ủy ban Giáo Hoàng về Châu Mỹ Latinh.

Ngài được bầu làm Giáo Hoàng tối cao vào ngày 13 tháng 3 năm 2013 với tông hiệu Phanxicô, là vị Giáo Hoàng đầu tiên của Châu Mỹ đến từ Argentina. Ngài ghi dấu ấn triều đại của mình bằng tinh thần khiêm tốn, gần gũi và canh tân Giáo hội một cách sâu rộng. Ngài nhấn mạnh đến lòng thương xót, ưu tiên người nghèo, bảo vệ môi trường, và khuyến khích một Giáo hội đi ra. Ngài thúc đẩy cải cách Giáo triều Rôma, đề cao tính hiệp hành, cổ võ đối thoại liên tôn và đại kết. Trong các Thượng Hội đồng Giám mục, ngài khơi dậy tinh thần lắng nghe dân Chúa. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nêu bật việc đồng hành với những người bị tổn thương, những người sống bên lề xã hội. Triều đại của ngài là luồng gió mới mà Thánh Thần thổi vào Giáo hội trong thế kỷ XXI.

Trong triều đại Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết nhiều thư mục vụ, cùng với những giáo huấn cho hàng giáo sĩ và các tín hữu. Trong đó nổi bật là các văn kiện sau:

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành một số Tông hiến quan trọng nhằm cải tổ cơ cấu và hoạt động của Giáo hội: Praedicate Evangelium (19/3/2022): Về cải tổ Giáo triều Rôma, nhấn mạnh sứ vụ loan báo Tin Mừng. Pascite gregem Dei (23/5/2021): Cải tổ Bộ VI của Bộ Giáo luật, liên quan đến các hình phạt trong Giáo hội. Episcopalis communio (15/9/2018): Về vai trò của Thượng Hội đồng Giám mục trong Giáo hội.

Ngay từ tông huấn Evangelii Gaudium (2013), ngài đã mời gọi một “Giáo hội đi ra”, sống tinh thần loan báo Tin Mừng với niềm vui và lòng thương xót. Tiếp đó, Amoris Laetitia (2016) bàn sâu về đời sống hôn nhân gia đình, mở ra cánh cửa cảm thông và đồng hành với những hoàn cảnh đổ vỡ. Tông huấn Gaudete et Exsultate (2018) khẳng định ơn gọi nên thánh không dành riêng cho tu sĩ, mà là lời mời gọi sống yêu thương trong đời thường. Với giới trẻ, Christus Vivit (2019) khơi dậy hy vọng: “Ngài sống và Ngài muốn bạn sống!”. Riêng với vùng Amazon, tông huấn Querida Amazonia (2020) thể hiện sự lắng nghe và tôn trọng nền văn hóa bản địa. Cuối cùng, tông huấn Laudate Deum (2023), Đức Giáo Hoàng Phanxicô củng cố “trục sinh thái” trong giáo huấn của mình – không chỉ để “bảo vệ trái đất”, mà còn để khôi phục mối tương quan hài hòa giữa Thiên Chúa – con người – vũ trụ.

Trong các thông điệp, Laudato Si’ (2015) gây tiếng vang toàn cầu khi kêu gọi chăm sóc “ngôi nhà chung” bằng tinh thần sinh thái toàn diện. Fratelli Tutti (2020) tiếp tục mở rộng thông điệp về tình huynh đệ phổ quát, vượt khỏi mọi ranh giới chính trị, văn hóa hay tôn giáo. Dilexit Nos (2024) thông điệp này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nhấn mạnh đến tình yêu và lòng thương xót của Chúa Giêsu, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đầy biến động và khủng hoảng hiện nay. Trước đó, Lumen Fidei (2013) – do Đức Bênêđictô XVI phát thảo – đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô hoàn tất như lời khẳng định vai trò trung tâm của đức tin.

Những văn kiện trên không chỉ phản ánh tư tưởng thần học sâu sắc, mà còn là lời đáp mạnh mẽ cho các thách đố của thời đại: bất công xã hội, khủng hoảng môi sinh, và khát vọng sống ý nghĩa của con người hôm nay.

Cuối cùng, vào lúc 7g35 (giờ Rôma) sáng Thứ Hai, ngày 21 tháng 4 năm 2025, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được Chúa gọi về tại Nhà trọ Thánh Marta, hưởng thọ 88 tuổi, sau 56 năm linh mục, 33 năm Giám mục và 12 năm lãnh đạo Giáo hội trong cương vị Giáo Hoàng. 

Tổng hợp và chuyển ngữ: Phêrô Lê Minh Hải, OFM | Nguồn: vatican.va