Nhân dịp kỷ niệm 100 năm tái lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Thụy Sĩ, ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, định viếng thăm chính thức tại nước này từ 7 đến 9-11-2020 nhưng chương trình bị hủy bỏ vì đại dịch Covid-19. Dầu sao đang có chương trình cải tiến quan hệ ngoại giao giữa hai bên.
Thực vậy, lẽ ra trong những ngày này, từ ngày 7 đến 9/11, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đang có mặt tại Thụy Sĩ để viếng thăm chính thức nhân dịp kỷ niệm 100 năm tái lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Thụy sĩ, một dấu chỉ sự phát triển quan hệ tốt đẹp giữa hai bên. Nhưng vì đại dịch Covid-19, cuộc viếng thăm này bị hủy bỏ, như thông báo hôm 3/11 vừa qua của ngoại trưởng Thụy sĩ, Ông Ignazio Cassis.
Chương trình dự kiến
Theo chương trình dự kiến, cuộc viếng thăm của Đức Hồng y Quốc vụ khanh bắt đầu ngày thứ Bảy 7/11 tại Lugano, thủ phủ của bang Ticino nói tiếng Ý, với cuộc viếng thăm phân khoa thần học tại đây. Rồi tới thủ đô Berne với cuộc hội kiến với ngoại trưởng Ignazio Cassis của Liên bang.
Chúa nhật 8/11, Đức Hồng y định viếng thăm Đền thánh Nicola de Flue, bổn mạng Thụy Sĩ và gặp gỡ Hội đồng giám mục nước này. Ngài dự kiến chủ sự thánh lễ tại Đền thánh Đan viện Biển Đức Einsiedeln. Sau cùng, thứ Hai 9/11, tại Đại học Fribourg sẽ có lễ kỷ niệm 100 năm quan hệ ngoại giao tại Đại học Fribourg với sự tham dự của Đức Hồng y Parolin, ngoại trưởng Thụy Sĩ và các giám mục nước này cùng với các quan khách.
Hội đồng giám mục Thụy Sĩ lấy làm tiếc vì cuộc viếng thăm của Đức Hồng y Quốc vụ khanh không tiến hành được vì virus corona lan lây mạnh tại nước này. Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ đã ban hành qui luật theo đó các buổi lễ tôn giáo chỉ được phép tối đa 50 người tham dự, tuy nhiên 26 bang tại nước này có thể đề ra những hạn chế nghiêm ngặt hơn. Có bang hoàn toàn bãi bỏ các lễ nghi tôn giáo, nhưng sau đó đã thay đổi và cho phép tối đa 5 người tham dự. Có bang cho tối đa 50 người dự lễ.
Liên bang Thụy sĩ
Liên bang Thụy Sĩ có khoảng hơn 8 triệu dân cư với 4 ngôn ngữ chính thức: đông nhất là 65% nói tiếng Đức, 22% nói tiếng Pháp, 8% nói tiếng Ý, 0,5% nói tiếng Romanche. Trước đây đa số dân là tín hữu Tin Lành cải cách, nhưng do số người nhập cư, số tín hữu Công Giáo tại Thụy sĩ trở nên đa số, với hơn 3 triệu người, thuộc 6 giáo phận và 2 Đan viện biệt hạt.
Quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh
Nhân cuộc viếng thăm hụt của Đức Hồng y Parolin, ngoại trưởng Ignazio Cassis, là người gốc Ý, nguyên là một bác sĩ, và cũng là 1 trong 7 vị cố vấn liên bang, đã gợi lại với hãng tin Công Giáo Thụy Sĩ tầm quan trọng của quan hệ ngoại giao giữa Thụy Sĩ và Tòa Thánh. Ông cho biết hồi năm ngoái đã gặp Đức Hồng y Parolin ở trụ sở Liên Hiệp Quốc New York và hai vị đã chuẩn bị việc mừng kỷ niệm bách chu niên tái lập quan hệ ngoại giao giữa hai bên. Ông nói: ”Cảm tưởng của tôi khi nói chuyện với Đức Hồng y Parolin là không phải chỉ nói chuyện với đại diện của một quốc gia, nhưng cũng là đại diện của một tổ chức có hơn 1 tỷ tín hữu Công Giáo trên thế giới..”
Một quan hệ kỳ cựu với Tòa Thánh
Một trong những sứ quán kỳ cựu nhất của Tòa Thánh trên thế giới là tại Thụy Sĩ. Thực vậy cách đây 425 năm, tức là năm 1595, Tòa Thánh đã có tòa Sứ Thần tại thành phố Lucerne, một trong các bang Công Giáo tại Thụy Sĩ. Nhưng rồi trong hậu bán thế kỷ 19, do ảnh hưởng của ”Kulturkampf” tức là cuộc chiến chính trị văn hóa giữa các bang, các nước nói tiếng Đức chống Giáo Hội Công Giáo, nên Thụy Sĩ đã đoạn giao với Tòa Thánh năm 1873 và quan hệ này chỉ được tái lập 47 năm sau đó, tức là năm 1920.
Quan hệ có phần chênh lệch
Tòa Thánh mở lại Sứ quán ở thủ đô Berne, với vị Tổng giám mục Sứ Thần thường trú, nhưng phía Thụy Sĩ không thiết lập các quyền hỗ tương, tức là không bổ nhiệm đại sứ cạnh Tòa Thánh, và chỉ thỉnh thoảng cử một đại sứ với sứ mệnh đặc nhiện tới Roma để nói chuyện với Tòa Thánh. Mãi đến năm 2004, Thụy Sĩ mới bổ nhiệm một đại sứ chính thức cạnh Tòa Thánh, nhưng vị này không thường trú ở Roma, và chỉ thi hành nhiệm vụ này với danh nghĩa phụ thuộc. Hiện nay Đại sứ Thụy Sĩ cạnh Tòa Thánh cũng là đại sứ của nước này tại Cộng hòa Sloveni. Đối với Tòa Thánh vị Sứ Thần chủ yếu là đại diện Đức Thánh Cha tại quốc gia liên hệ và công việc này quan trọng hơn là làm đại sứ của Đức Thánh Cha tại quốc gia đó.
Đề nghị cải tiến quan hệ với Tòa Thánh
Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Thụy Sĩ hôm 3-11-2020 ông Paul Widmer, nguyên là đại sứ Thụy Sĩ cạnh Tòa Thánh từ năm 2011 đến đầu năm 2014, nói rằng: ”Ngày nay, Thụy Sĩ phải bổ nhiệm một vị đại sứ trọn giờ cạnh Tòa Thánh, trước tiên vì lý do hỗ tương. Tất cả các nước láng giềng của Thụy Sĩ, từ lâu vẫn có một đại sứ thường trú cạnh Tòa Thánh. Tiếp đến, sau Italia, Thụy Sĩ có con số đông đảo công dân của mình tại Vatican với hơn 100 vệ binh Thụy Sĩ. Việc nâng quan hệ ngoại giao lên cấp đại sứ trọn giờ sẽ là một dấu hiệu nhìn nhận đối với đoàn vệ binh đầy công trạng ấy. Sau cùng, Tòa Thánh là một thẩm quyền tinh thần, nhất là về vấn đề tự do tín ngưỡng, tự do lương tâm và tôn giáo. Với con số hơn 4 ngàn giáo phận, 5.200 Giám mục và hơn 400 ngàn linh mục trên thế giới, đó là một nguồn tin tức tuyệt hảo về những vụ vi phạm các quyền con người ở mọi nơi xa xăm trên trái đất. Ngoài ra, Tòa Thánh là một diễn đàn quan trọng cho những vấn đề thời sự nóng bỏng như việc đối thoại liên tôn và liên văn hóa.
Nhận định của ngoại trưởng Thụy sĩ
Về phần ngoại trưởng Ignazio Cassis, ông cũng nhìn nhận rằng 100 năm sau khi từ bỏ ”Kulturkampf” và tái lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, nay đến lúc mở ra một chương mới giữa Thụy Sĩ và Tòa Thánh. Ông nói: ”Chúng tôi muốn cộng tác chặt chẽ với nhau hơn. Giữa Thụy Sĩ và Tòa Thánh có những giá trị và quan tâm tương đồng trong một số lãnh vực: từ đoàn vệ binh Thụy Sĩ cho tới cuộc chiến chống án tử hình”.
Về vấn đề có một vị đại sứ riêng của Thụy Sĩ cạnh Tòa Thánh, ngoại trưởng Cassis tiết lộ rằng: ”Chúng tôi đang cứu xét vấn đề này theo yêu cầu của Tòa Thánh. Nhưng hiện thời chưa có quyết định được đề ra.. Vấn đề ở đây không phải chỉ là vấn đề tài chánh, nhưng còn có những điều khác nữa, nhưng hiện thời tôi chưa thể nói thêm”.
Những quan tâm chung với Tòa Thánh
Về những quan tâm chung và những dị biệt trong lập trường của Thụy Sĩ và Tòa Thánh, ngoại trưởng Cassis của Thụy Sĩ nói; ”Hiến Pháp của Thụy Sĩ bắt đầu bằng câu: ”Nhân danh Thiên Chúa, Đấng Tối Cao”! Đó là một trách vụ đối với chúng tôi. Nhưng đồng thời Thụy Sĩ cũng là một quốc gia bị tục hóa. Chúng tôi có những giá trị Kitô.. Chúng tôi có nhiều điểm chung với Tòa Thánh. Nhưng cũng có những khác biệt. Vatican có một lập trường bảo thủ về hình ảnh gia đình. Chúng tôi nhìn sự việc một cách khác”.
Tầm quan trọng của đoàn Vệ Binh Thụy sĩ
Về đoàn vệ binh Thụy Sĩ, ngoại trưởng Cassis nhìn nhận rằng: đoàn quân này tạo nên một liên hệ trực tiếp và ưu tiên giữa Thụy Sĩ và Vatican. Đây là một tổ chức của Tòa Thánh chứ không thuộc chính phủ hoặc chính quyền Thụy Sĩ, dầu vậy đoàn vệ binh này góp phần rất nhiều cho hình ảnh của Thụy Sĩ ở nước ngoài. Đây không phải chỉ là một chính sách an ninh, nhưng còn hơn thế nữa. ”Chúng ta không được coi nhẹ ảnh hưởng của đoàn vệ binh này đối với những quan hệ công cộng. Khi Đức Giáo Hoàng cử hành một Thánh lễ, lễ này thường được truyền đi trên toàn thế giới. Qua đó các vệ binh Thụy Sĩ hiện diện trên thế giới. Họ là những người bảo vệ các giá trị Thụy Sĩ: là những người chính xác, đúng giờ, chuyên cần, như Thụy Sĩ. Tôi hài lòng vì quân số của đoàn Vệ Binh này được tăng lên 135 người”.
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: Đài Vatican News