Lý do của hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục

30/09/2020

Trong một bài bình luận đăng trên trang bìa báo Quan Sát viên Roma ra ngày 30/9, ông Andrea Tornielli, Tổng Biên tập của Vatican News, giải thích rằng Hiệp định Tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc nhắm mục đích bổ nhiệm các giám mục cho Giáo hội địa phương, điều thiết yếu đối với đời sống Giáo hội và hiệp thông với Giám mục Roma, chứ không nhắm vấn đề ngoại giao hay chính trị.

Hiệp định tạm thời được Tòa Thánh và Trung Quốc ký ngày 22/9/2018 liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục tại Trung Quốc. Hiệp định có hiệu lực một tháng sau đó và sẽ hết hạn vào ngày 22/10 tới đây.

Mới đây, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin đã giải thích về ý định gia hạn hiệp định với Trung Quốc. Ngài nói: “Đối với tôi dường như có một hướng đi đã được vạch ra và đáng để tiếp tục; rồi chúng ta sẽ thấy.

Mục tiêu của Hiệp định tạm thời mang tính mục vụ, chứ không ngoại giao hay chính trị 

Ông Tornielli lưu ý rằng ngay từ thông cáo chung đầu tiên giữa Tòa Thánh và Trung Quốc vào ngày 22/9/2018, nội dung của Hiệp định đã quy định rõ ràng ngay lập tức rằng nó không bao gồm các mối quan hệ ngoại giao trực tiếp giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, tình trạng pháp lý của Giáo hội Công giáo Trung Quốc, hay các tương quan giữa giáo sĩ và chính quyền địa phương.

Bổ nhiệm giám mục là vấn đề thiết yếu đối với đời sống của Giáo hội và hiệp thông với Đức Thánh Cha

Tổng Biên tập Vatican News nói: “Hiệp định Tạm thời chỉ đề cập đến quy trình bổ nhiệm giám mục: một vấn đề thiết yếu đối với đời sống của Giáo hội và cho sự hiệp thông cần thiết giữa các mục tử của Giáo hội Công giáo Trung Quốc với Giám mục Roma và với các giám mục trên toàn thế giới. Do đó, mục tiêu của Hiệp định Tạm thời chưa bao giờ chỉ đơn thuần là ngoại giao, và càng ít hơn nữa về chính trị, nhưng luôn thực sự mang tính mục vụ. Mục tiêu của nó là cho phép các tín hữu Công giáo có các giám mục hiệp thông hoàn toàn với Người kế vị thánh Phêrô, người đồng thời được các nhà chức trách của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công nhận.”

Nhắc lại thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các tín hữu Công giáo Trung Quốc và Giáo hội hoàn vũ vào năm 2018, trong đó ngài nhắc rằng những vết thương và chia rẽ trong lòng Giáo hội tại Trung Quốc “tập trung đặc biệt trên hình ảnh giám mục như người bảo vệ tính xác thực của đức tin và như người bảo đảm cho sự hiệp thông trong giáo hội.” Sự can thiệp của chính quyền vào đời sống nội bộ của cộng đoàn Công giáo đã tạo nên hiện tượng được gọi là “cộng đoàn hầm trú”.

Bảo tồn sự hiệp nhất đầy đủ và hữu hình của cộng đồng Công giáo Trung Quốc

Ông Tornielli nhận định rằng ý thức về những vết thương ảnh hưởng đến sự hiệp thông trong Giáo hội tại Trung Quốc, Đức Thánh Cha Phanxicô, sau nhiều năm đàm phán kéo dài dưới thời các vị tiền nhiệm của ngài, đã thiết lập lại sự hiệp thông hoàn toàn của các giám mục Trung Quốc được tấn phong bất hợp pháp. Quyết định này được đưa ra sau khi đã suy tư, cầu nguyện và xem xét tình trạng của mỗi cá nhân. Đức Thánh Cha xác định rõ rằng mục đích duy nhất của Hiệp định tạm thời là “hỗ trợ và thúc đẩy việc rao giảng Tin Mừng, tái lập và bảo tồn sự hiệp nhất đầy đủ và hữu hình của cộng đồng Công giáo ở Trung Quốc”. (CSR_7019_2020)

Hồng Thủy

Nguồn: Đài Vatican News