Giữa lúc tại thủ đô Giáo Hội có nhiều biến cố và tranh luận ồn ào về các hoạt động liên quan đến Tòa Thánh hoặc một số nhân vật của Giáo Triều, thì hàng ngàn Hiệp sĩ Thánh Mộ Giêrusalem âm thầm hoạt động bác ái, trợ giúp cộng đoàn Kitô gặp nhiều khó khăn tại Thánh Địa vì đại dịch Covid-19.
Trong vòng 10 ngày qua, tại thủ đô Giáo Hội đã có một loạt các biến cố dồn dập, thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận: bắt đầu là Thông báo của Phòng báo chí Tòa Thánh công bố chiều tối ngày thứ sáu 24-9-2020 cho biết ĐTC Phanxicô đã nhận đơn từ chức Tổng trưởng Bộ Phong Thánh của ĐHY Angelo Becciu, đồng thời ĐHY từ bỏ mọi quyền thuộc về chức vị Hồng Y. Phòng báo chí Tòa Thánh không cho biết lý do tại sao ĐHY Becciu từ chức khiến cho báo chí đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau về tội của ĐHY. ĐHY Becciu mạnh mẽ bác bỏ những lời cáo buộc của dư luận và yêu cầu được quyền chứng minh mình vô tội.
Tông thư về thánh Giêrônimô, Tiến Sĩ Hội Thánh
Tiếp theo đó là Tông thư dài 15 trang ĐTC Phanxicô công bố ngày 30-9 nhân dịp kỷ niệm 16 thế kỷ thánh Giêrônimô qua đời, trong đó ngài mời gọi các tín hữu noi gương thánh nhân say mê học hỏi và sống Lời Chúa. ĐTC Phanxicô viết: ”Ngày nay, làm sao không lắng nghe điều mà thánh Giêrônimo không ngừng thúc giục những người đồng thời của ngài: ‘Bạn hãy đọc Kinh Thánh thường xuyên; đúng hơn, ước gì đôi tay bạn không bao giờ rời bỏ Sách Thánh” (Ep. 52,7: CSEL 54, 426)
Liên quan tới Vatican và Trung Quốc
Ồn ào hơn cả trong những ngày qua là sự ”đụng độ” giữa ngoại trưởng Mỹ, ông Michael Pompeo và Tòa Thánh, về lập trường đối với Trung Quốc. Trước khi đến Roma trong chuyến đi thăm một loạt các nước Âu Châu, ông Pompeo đã bày tỏ lập trường qua một bài báo trên 1 tạp chí ở Mỹ và qua các cuộc phỏng vấn, kêu gọi Tòa Thánh đừng để uy tín tinh thần của mình bị thương tổn, và đừng gia hạn hiệp định tạm thời với Trung Quốc, trái lại cần mạnh mẽ tố giác các hoạt động đàn áp tôn giáo của nhà nước Bắc Kinh. Lập trường này cũng được ngoại trưởng Mỹ bày tỏ minh bạch hơn chiều ngày 30-9-2020 qua một cuộc hội thảo về tự do tôn giáo, do Đại Sứ quán Mỹ cạnh Tòa Thánh tổ chức về chủ đề ”Thăng tiến và bảo vệ tự do tôn giáo trên bình diện quốc tế qua ngoại giao”, với sự tham dự của ngoại trưởng Mỹ, ĐHY Parolin Quốc vụ khanh Tòa Thánh và Đức TGM Ngoại trưởng Paul Gallagher. ĐHY Parolin đã đến nói lời kết thúc cuộc Hội thảo. Bên lề cuộc hội thảo, trả lời câu hỏi về tương quan của Tòa Thánh với Trung Quốc, ĐHY Parolin nói rằng Tòa Thánh tin nơi chính sách những bước tiến nhỏ và hiệp định tạm thời với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các GM là một bước tiến, kể cả đối với tự do tôn giáo. Vì thế ĐHY nói, dùng vấn đề hiệp định giữa Tòa Thánh và Trung Quốc với mục đích bầu cử trong nội bộ một nước như tại Hoa Kỳ là điều không thích hợp. Hôm sau đó, ngoại trưởng Mỹ đã hội kiến với ĐHY Parolin và Đức TGM Gallagher để trình bày quan điểm về quan hệ với Trung Quốc. Mỗi bên đều giữ vững lập trường của mình.
Tài chánh của Tòa Thánh
Thêm 1 biến cố gây chú ý tại Tòa Thánh đó là lần đầu tiên từ nhiều năm nay, chi tiết kết toán chi thu của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican được công bố chiều ngày 1-10.
Hoạt động âm thầm của các Hiệp Sĩ Thánh Mộ
Ngoài những vụ gây ồn ào và tranh luận trên đây, cũng như biến cố quan trọng công bố thông điệp mới của ĐTC Phanxicô ”Tutti fratelli” về tình huynh đệ và tình bạn xã hội như những con đường để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, còn có nhiều hoạt động âm thầm của các tín hữu thành tâm, góp phần thoa dịu những đau khổ của anh chị em đồng loại, mà ít được dư luận chú ý tới, ví dụ Hội Hiệp sĩ Thánh Mộ Giêrusalem đang nỗ lực giúp đỡ các gia đình Kitô tại Thánh Địa gặp những khó khăn lớn vì đại dịch, bị mất công ăn việc làm vì tình trạng giới nghiêm ngặt nghèo, và không có du khách và tín hữu hành hương đến Thánh Địa.
Thực vậy, từ tháng 5 vừa qua và cả hiện nay, với sự đóng góp của 30 ngàn hiệp sĩ nam nữ thuộc Hội hiệp sĩ Thánh Mộ Giêrusalem, hơn 2.400 gia đình thuộc trên 30 giáo xứ trong lãnh thổ Tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh ở Jerusalem được nâng đỡ.
Ông Sami El-Yousef, Giám đốc hành chánh của Tòa Thượng Phụ ở Giêrusalem, cho biết tài trợ của các Hiệp sĩ Thánh Mộ nhắm nâng đỡ các nhu cầu thiết yếu của các gia đình gặp khó khăn, như giúp các phiếu để mua thực phẩm, các vật dụng vệ sinh, thuốc men cho các trẻ em, và trả tiền điện nước, tiền học phí.
Sự phân phối các đồ cứu trợ được thực hiện với sự giúp đỡ của các cha sở, các Hội đồng giáo xứ và cả chính quyền địa phương. Trong số các gia đình nói trên có 1.238 gia đình ở Vương quốc Giordani và 1.180 gia đình ở Palestine. Tình hình tại Thánh Địa cũng như tại nhiều nước, vẫn còn nhiều khó khăn. Từ ngày 18-9 vừa qua, chính phủ Israel ra lệnh tái giới nghiêm ngặt nghèo trong 3 tuần lễ để chặn đứng sự tái lan lây mạnh của Coronavirus. Hết 3 tuần lễ, Bộ trưởng y tế Israel cho biết sự giới nghiêm có thể được kéo dài.
Trong những tuần lễ tới đây, Hội Hiệp sĩ Thánh Mộ tiếp tục gửi tiền giúp đỡ ngoại thường cho các gia đình. Số tiền trợ giúp cho đến nay vào khoảng 3 triệu Euro, không kể ngân khoản thường lệ hàng tháng giúp Tòa Thượng Phụ Công Giáo La tinh Giêrusalem.
Đức TGM Pizzaballa, OFM
Đức TGM Pierbattista Pizzaballa, Giám quản Tông Tòa tòa Thượng Thụ, cho biết các tín hữu Kitô tại Thánh Địa cảm thấy được các Hiệp sĩ Thánh Mộ trên thế giới nâng đỡ trong thời kỳ khó khăn hiện nay. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn chung trên hoàn cầu, lòng quảng đại của Hội hiệp sĩ Thánh Mộ không bị suy giảm trong những tháng đại dịch này.
ĐHY Filoni
Cả ĐHY Fernando Filoni, nguyên Tổng trưởng Bộ truyền giáo và từ tháng 12 năm ngoái là Thủ lãnh Hội Hiệp Sĩ Thánh Mộ, cho biết số tiền 3 triệu Euro vừa nói được thêm vào số hơn 120 triệu Euro Hội trợ giúp trong 10 năm qua cho các nhu cầu của Giáo Hội và các tín hữu Kitô tại Thánh Địa. ĐHY nói: ”Nếu chúng ta không giúp đỡ các Kitô hữu tại Thánh địa thì chúng ta có nguy cơ đánh mất họ và biến các nơi Thánh thành một bảo tàng viện hoặc một nơi du lịch. Chúng ta phải làm sao để nuôi dưỡng các cộng đoàn sinh động và hiếu khách, những người thừa kế của Giáo Hội Mẹ tại Giêrusalem mà tất cả chúng ta tùy thuộc”.
Hội Hiệp sĩ Thánh Mộ
Hội Hiệp sĩ Thánh Mộ Giêrusalem được thành lập từ thế kỷ 14 và các sử liệu cho thấy lễ bổ nhiệm các hiệp sĩ đầu tiên diễn ra vào năm 1336 và Hội vẫn luôn được sự quan tâm, nâng đỡ và bảo vệ của các Đức Giáo Hoàng.
Ngày nay, gia nhập Hội hiệp sĩ Thánh Mộ có nghĩa là cam kết đảm nhận suốt đời việc làm chứng tá đức tin, dấn thân làm việc bác ái liên tục, nâng đỡ tinh thần và cả vật chất cho các cộng đoàn Kitô tại Thánh Địa như một nghĩa vụ bác ái của Kitô hữu, đặc biệt hỗ trợ các sáng kiến để duy trì sự hiện diện của Kitô giáo tại Thánh Địa. Các vị lãnh đạo chi Hội hiệp sĩ ở địa phương có nhiệm vụ cứu xét các ứng sinh muốn gia nhập, và nếu được nhận họ sẽ qua một thời kỳ huấn luyện dài 12 tháng, và sau đó họ có thể chính thức làm đơn xin gia nhập Hội.
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: Đài Vatican News