Để đáp ứng những thay đổi do đại dịch, Văn phòng Giáo lý Quốc gia của Hội đồng Giám mục Ý cho công bố tài liệu hướng dẫn dạy giáo lý sau đại dịch với tựa đề “Chúng ta hãy bắt đầu lại-những hướng dẫn cho việc dạy giáo lý sau đại dịch”.
Tài liệu gồm những gợi ý cách thực hiện và những điểm suy tư cho một cuộc hoán cải, nhằm thúc đẩy mọi người tham gia tích cực và hiệu quả hơn trong các hoạt động dạy giáo lý. Cụ thể, tài liệu gồm hai phần: Phần thứ nhất “tóm tắt các hội thảo về việc dạy giáo lý”, được tổ chức từ tháng 5 đến tháng 7, cho thấy thực tế dấn thân của Giáo hội Ý trong lĩnh vực này; nó như một bức ảnh, được các Giám mục quan sát chụp “từ bên dưới” từ những người làm việc trong lĩnh vực này. Phần thứ hai có tựa đề “Để tự nói một lần nữa chúng ta là Kitô hữu”; gồm những ý tưởng cho sự phân định mục vụ dưới ánh sáng của chương 11 Sách Công vụ Tông đồ, và về cơ bản là một suy tư, cung cấp những chỉ dẫn để giải mã hiện tại và xác định những cách thức rao giảng Tin Mừng mới trong thời gian tới.
Tài liệu nhận định đại dịch đã làm đảo lộn các thói quen mục vụ: Một số người cố gắng chăm sóc đời sống thiêng liêng tốt hơn, nhưng một số khác lại giảm việc tham dự Thánh lễ sau khi các hạn chế được nới lỏng. Nhưng các hoạt động bác ái trong thời gian phải cách ly xã hội không giảm, điều này cho thấy khuôn mặt của một Giáo hội mẹ quan tâm cụ thể đến những người đang cần sự giúp đỡ nhất.
Tài liệu đặt ra bốn điểm cần thực hiện: lắng nghe, kể chuyện, cộng đoàn và sáng tạo. Chính trên những bản lề này nền tảng các hoạt động giáo lý trong tương lai được phát triển.
Văn phòng Giáo lý Quốc gia chỉ rõ các khía cạnh của sự chuyển đổi mục vụ như “bình tĩnh khôn ngoan”, nghĩa là bắt đầu lại hành trình một cách thoải mái; tuân theo “nhịp điệu và nguồn lực thực tế” của các gia đình; quan tâm đến các tương quan; loan báo Tin Mừng và mong muốn được thể hiện từ kinh nghiệm cá nhân.
Tài liệu cũng giới thiệu các bước mục vụ, đồng thời chỉ ra đây là thời điểm thuận lợi để thay đổi, “để trở lại tin cậy nơi Chúa Phục Sinh, Đấng hoạt động trong lịch sử và để đọc “các dấu chỉ của thời đại” như cộng đoàn Kitô đầu tiên đã thực hiện. Trong cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi, các vị mục tử có “tầm nhìn rộng lớn” và can đảm đi theo những con đường mới của việc rao giảng Tin Mừng.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News